Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img

Mục sư NGUYỄN VĂN BẢNG

MỤC SƯ NGUYỄN VĂN BẢNG

(1910 – 2002)

Cụ Mục Sư Nguyễn Văn Bảng sang định cư tại Hoa Kỳ đoàn tụ với các con, các cháu được 12 năm.  Ngày 25 tháng 1, năm 2002 cụ đã được Chúa tiếp về trong giấc ngủ, hưởng thọ 92 tuổi.  Tang lễ do Mục sư Nguyễn Anh Tài, Giáo Hạt Trưởng Giáo Hạt Việt Nam Hoa Kỳ cử hành ngày 2 tháng 2, 2002 tại Sky Rose Chapel, Rose Hills Memorial Park thuộc thành phố  Whittier, California.

Tiểu sử  sau đây của Mục Sư Nguyễn Văn Bảng đã được đọc trong tang lễ ngày 2 tháng 2, 2002 tại Sky Rose Chapel, Rose Hills Memorial Park, Whittier, California.

“Mục sư Nguyễn Văn Bảng sinh ngày 16 tháng 7, năm 1910 tại làng Tự Nhiên, Huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông. Tin Chúa và nhận thánh lễ Báp-tem năm 1933 tại Hội Thánh Tin Lành Hải Phòng. Sau khi học xong hai khóa Thánh Kinh Đoản Kỳ tại Hà Nội năm 1935 ông đã quyết định dâng mình cho Chúa đi học Trường Kinh Thánh tại Đà Nẵng năm 1936, tốt nghiệp năm 1943 và được tấn phong Mục sư năm 1952 tại Hà Nội.  Năm 1937 ông lập gia đình với cô Nguyễn Thị Hảo, là trưởng nữ của Ông Nguyễn Hữu Giục, một công chức sở Hoả Xa tin kính Chúa tại Hà Nội.  Năm 1980 sau một thời gian ngắn lâm trọng bệnh bà đã về nước Chúa sau 43 năm trung tín tận tụy cùng ông hầu việc Chúa qua tất cả 10 giáo sở từ Bắc vào Nam.  Bà đã được an táng tại nghĩa trang Ân Từ Viên ở Lái Thiêu, Bình Dương.

Mục sư Nguyễn Văn Bảng là con trưởng trong một gia đình có bảy anh em với cảnh nhà rất mực thanh bần cho nên từ năm 16 tuổi đã phải rời bỏ gia đình, làng quê lên Hà Nội mong tìm được một tương lai khá hơn.  Năm 23 tuổi ông lưu lạc đến  thành phố Hải Phòng.  Vào một buổi tối Chúa Nhật khi  đi ngang qua ngôi nhà thờ Tin Lành ở đường Cầu Đất, ông được mời vào nghe giảng Tin Lành.  Về nhà, sau một tuần lễ bối rối, băn khoăn với tiếng gọi của Chúa Giê-xu qua câu Kinh Thánh “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ…” ông đã trở lại nhà thờ vào Chúa nhật sau, quyết định tin nhận Chúa Giê-xu và giao phó cuộc đời mình cho Ngài.  Từ đó cả cuộc sống bất ngờ thay đổi do quyền năng tái tạo của Đức Thánh Linh.  Ông bỏ thuốc, bỏ rượu, bỏ bài bạc, vì thế đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến những người cùng làm việc chung, và không lâu sau đó, ba người bạn cùng sở cũng quyết định tin nhận Chúa trong đó có cả viên đốc công.  Ông gia nhập Ban chứng đạo, hăng hái nói về Chúa, và năm 1934 đã có một quyết định quan trọng đầu tiên của đức tin là xin nghỉ việc để dành trọn thì giờ cho việc chứng đạo và bán sách phúc âm của Thánh Thơ Công Hội, không chỉ tại Hải Phòng, mà đi sang cả những tỉnh khác, Nam Định, Phủ lý, Bắc Ninh, Bắc Giang.

Sau khi học xong hai khóa Thánh Kinh Đoản Kỳ năm 1935 tại Hà Nội, Thầy Bảng đã quyết định dâng mình học Lời Chúa tại Trường Kinh Thánh Đà Nẵng, chính thức bước vào hành trình “Sống Bởi Đức Tin.” Năm 1937 khi còn là một Truyền Đạo Sinh ông được bổ chức quản nhiệm  Hội Thánh Cao Bằng, một Hội thánh miền núi, để giảng Tin Lành cho cả đồng bào người Kinh lẫn người Thổ ở vùng này.

Tại nhà thờ Tin Lành Hà Nội, năm 1938

Mười bảy năm tiếp theo đó của cuộc đời hầu việc Chúa tại miền Bắc ông đã liên tiếp kinh nghiệm quyền năng và lòng thành tín của Đức Chúa Trời, từ những năm học gian nan trong trường Kinh Thánh, phải để lại hai con nhỏ dại cho ông bà nội nuôi ở quê nghèo, cho đến những ngày chiến tranh loạn lạc, đói kém, cùng với con cái Chúa trong các Hội Thánh Phủ lý, Hoành Nhị, Thượng Trang, Nam Định, đồng cam cộng khổ để xây dựng và mở mang công việc nhà Chúa.   Cũng trong khoảng thời gian này vì giảng Tin Lành ông bị giam giữ trong các trại tù gần một năm mà chỉ có một lần được nhìn thoáng thấy bà liều lĩnh đi thăm, đứng ở bên kia hàng rào!  Năm 1948 vừa được thả về, ông liên lạc với gia đình và quyết định hồi cư về Hà-nội để tìm cơ hội tiếp tục hầu việc Chúa trong khói lửa chiến tranh.

Mục sư Nguyễn Văn Bảng và Hội Thánh Nam Định, năm 1952

Sau hiệp định Genève năm 1954, Mục sư Bảng cùng gia đình vào Nam với hai bàn tay trắng, không nhà cửa, không nhiệm sở.  Ông và các vị  Mục sư di cư khác được Bộ Thông Tin thâu dụng vào làm việc tại Phủ Tổng Ủy Di Cư, nhưng chỉ  sau ba tháng, ngay khi có biểu quyết bổ nhiệm của Tổng Liên Hội, ông đã bỏ việc làm công chức để trở lại với chức vụ chăn bày, mở hội thánh mới tại Trung Mỹ Tây, Hóc môn rồi Cái Sắn thuộc tỉnh Kiên Giang, tiếp tục chia ngọt xẻ bùi với bầy chiên chân lấm tay bùn.

Năm 1958 ông được bổ nhiệm về Hội Thánh Long Thành thuộc tỉnh Biên Hòa với một bầy chiên đã tan tác không người chăn trong nhiều năm, với ngôi nhà thờ hoang phế xiêu vẹo gần sập đổ đến nỗi chủ đất phải báo cho chính quyền địa phương yêu cầu dỡ xuống để tránh tai nạn.  Đêm đầu tiên trong ngôi nhà thờ hoang phế này, ông lại một mình quì gối xuống trước Đức Chúa Trời quyền năng và thành tín, xin Ngài thêm sức cho ông trong chặng đường cam go mới.  Sau 16 năm phục hồi và xây dựng Hội Thánh Long Thành, Chúa đưa ông đến nhiệm sở cuối cùng ở Lái Thiêu, Bình Dương năm 1973.

Cuối năm 1974 ông xin tạm nghỉ vì đau yếu và đến năm 1978 thì chính thức được Tổng Liên Hội cho nghỉ hưu.  Hai năm sau, người bạn đời, cũng là người cộng tác tận tụy trung thành với ông trong hơn 40 năm chức vụ đã về Nước Chúa ngày 15  tháng 10, 1980, để ông lại một mình trong căn nhà trống vắng Đức Chúa Trời đã ban cho ông và gia đình từ khi vào Nam năm 1954.  Ông tiếp tục hầu việc Chúa tình nguyện, biệt riêng nhiều thì giờ cầu nguyện hàng ngày, giảng dạy và thi hành thánh lễ cho các hội thánh nhỏ không có Mục sư ở vùng Saigon, Gia Định, cho đến tháng 7, năm 1990 thì sang Hoa Kỳ đoàn tụ với các con các cháu.

Cụ Mục Sư Nguyễn Văn Bảng đã ghi lại cuộc đời hầu việc Chúa của mình trong tập hồi ký Sống Bởi Đức Tin, một tập tự truyện đã giúp một số tôi con Chúa thấy được cụ thể hơn đức yêu thương, lòng thành tín và quyền năng của Đức Chúa Trời đối với một người dám tin cậy, phó thác đời mình cho Ngài như thế nào.

Cụ Mục Sư Nguyễn Văn Bảng đã âm thầm chạy xong cuộc đua trên đất và được Chúa tiếp về với Ngài trong giấc ngủ lúc 11:45 tối  thứ Sáu 25 tháng 1, 2002 tại thành phố La Mirada, California, hưởng thọ 92 tuổi, để lại 6 con với 3 dâu, 2 rể, một gia đình nghĩa tử,  22 cháu và 10 chắt.

Sau tang lễ gia đình đã quyết định gửi tất cả số tiền phúng viếng về cho các Hội Thánh tại Việt Nam ở những nơi cụ Mục Sư Nguyễn Văn Bảng từng quản nhiệm.  Hai  Hội Thánh Hoành Nhị và Kiến An đã dùng số tiền đó để đúc chuông có hàng chữ “Sống Bởi Đức Tin” theo tên tập Hồi Ký này để tưởng niệm.

Chuông đồng “Sống Bởi Đức Tin” tại Hội Thánh Kiến An, Hải Phòng

Trích từ “Sống Bởi Đức Tin – Tự truyện của Mục sư Nguyễn Văn Bảng”.

 

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN