Thứ năm, Tháng mười hai 26, 2024
No menu items!
Homec/Tài LiệuBài Học Kinh ThánhPhương Pháp Cầu Nguyện - Lời Mở Đầu

Phương Pháp Cầu Nguyện – Lời Mở Đầu

PHƯƠNG PHÁP CẦU NGUYỆN

Bài 1: Lời Mở Đầu

Chúa chúng ta từng nói:

Sự gì loài người không làm được, thì Đức Chúa Trời làm được (Lu-ca 18:27).

Những gì bất khả năng đối với con người, khả năng đối với Chúa.

Chúa Giê-xu đáp: Sao ngươi nói: Nếu Thầy làm được? Kẻ nào tin thì mọi việc đều được cả (Mác 9:23).

Ông Phước có thói quen bỏ chùm chìa khóa vào một chiếc giày mỗi đêm trước khi đi ngủ. Sáng hôm sau ông thay quần áo và đôi giày mang vào sau cùng. Lúc đó ông cầm lấy chùm chìa khóa và cầu nguyện rằng:

Lạy Chúa, hôm nay con sẽ gặp một số cánh cửa khóa chặt, nhưng con sẽ dùng các chìa khóa này để mở ra. Xin cho con nhớ rằng mỗi hoàn cảnh đều có chìa khóa để giải quyết cả. Xin cho con không bao giờ chịu thua trước những chiếc cửa đã khóa chặt của nhiều cuộc đời. Nhưng con sẽ dùng những chiếc chìa khóa trong chùm chìa khóa cầu nguyện cho đến khi nào con tìm được đúng chìa khóa và cánh cửa sẽ được mở ra.

Ông Phước nói: “Tôi tin rằng đối với Chúa không có gì gọi là vô hy vọng, và rằng: “Tất cả đều khả dĩ xẩy ra qua lời cầu nguyện” Những bài học này tôi đã tìm ra một số cánh cửa khóa chặt trong đời sống và một số những chìa khóa cầu nguyện có thể mở các cửa này.”

Chúng ta sẽ lần lượt phân tích phương pháp cầu nguyện, trước tiên là thái độ xứng hợp.

Thái Độ Tiếp Nhận Xứng Hợp

Ta thấy hơi lạ khi các môn đệ của Chúa Giê-xu từng nói: Lạy Chúa, xin dạy chúng con cầu nguyện (Lu-ca 11:1). Các môn đệ này chắc chắn đã trưởng thành trong các gia đình có đạo chân chính. Từng sinh hoạt trong nhà thờ và cầu nguyện cả đời. Một năm trước đây giả như bạn hỏi các môn đệ ấy rằng: “Các anh có biết cầu nguyện hay không?” Thì chắc họ sẽ nổi giận trả lời: “Biết chứ sao lại không. Chúng tôi cầu nguyện đều như thế mỗi ngày qua nhiều năm rồi.”

Họ còn trích đọc cho bạn nghe nhiều câu trong Kinh Thánh dạy về cầu nguyện nữa là khác. Họ đủ khả năng trả lời những thắc mắc về cầu nguyện và đưa ra nhiều lý giải cho cầu nguyện. Tuy nhiên khi họ nhìn Chúa Giê-xu cầu nguyện, thì bỗng nhiên họ thấy rằng họ chưa biết cầu nguyện. Chúa đã dành nhiều thời gian để cầu nguyện và cầu nguyện mang một ý nghĩa đặc biệt cho đời sống Ngài.

Họ thấy Chúa bước vào giờ cầu nguyện mang một thái độ khác, và khi cầu nguyện xong đi ra lại có thái độ khác. Kết quả của việc cầu nguyện của Chúa là sự việc trở thành đổi khác. Đối với họ cầu nguyện là một hình thức, nhưng đối với Chúa cầu nguyện là sức mạnh.

Khi các môn đệ quan sát Chúa cầu nguyện họ nhận ra rằng có một cái gì khác hẳn với cách cầu nguyện của họ. Họ thấy rằng họ không biết cầu nguyện như Chúa, vì vậy mới xin rằng: Lạy Chúa, xin dạy chúng con cầu nguyện. Lời xin này từ đó đến nay biết bao người đã nhắc lại khi cầu xin Chúa.

Để trả lời câu hỏi đó, Chúa Giê-xu nói: Khi cầu nguyện hãy nói: Lạy Cha chúng con ở trên trời, danh Cha được tôn thánh….

Căn cứ vào lời dạy này ta phải hiểu:

Phải tin có Đức Chúa Trời,

Phải tập trung tư tưởng vào Chúa,

Phải cảm thấy sự hiện diện của Chúa,

Phải đón nhậnThánh Linh của Đức Chúa Trời vào tâm trí và tấm lòng của mình.

Văn hào Leo Tolstoy ở nước Nga ngày xưa là một người có danh vọng, giàu sang, nổi tiếng gần xa. Nhưng ông ta cảm thấy không được thỏa mãn. Ông từng nếm trải đủ mọi thú vui trong đời kể cả những gì phù du và tội lỗi, nhưng trong tâm hồn chỉ thấy bất mãn dày vò.

Một ngày nọ đi vào vùng quê, ông thấy một nông dân vẻ an bình và vui vẻ biểu lộ trên nét mặt, ông tự hỏi: “Người này nghèo khó không có gì cả, nhưng tại sao dường như tràn đầy niềm vui trong cuộc đời?”

Sau một thời gian nghiên cứu cẩn thận, Tolstoy kết luận rằng ông đang thiếu vắng Đức Chúa Trời và ông bắt đầu tìm kiếm Chúa. Một ngày nọ, ông tìm được Chúa và biết câu giải đáp cho sự đói khát và bất mãn trong tâm hồn.  Qua kinh nghiệm, Tolstoy cho chúng ta câu kết luận quý giá này: Biết Chúa là sống.

Khởi đầu của việc cầu nguyện phải là tiếp nhận Chúa.  Nghĩa là chúng ta phải cầu nguyện trong thái độ tiếp nhận. Buổi sáng bạn thức dậy, nghĩ đến những việc phải làm trong ngày hôm ấy. Tâm trí bạn hoạt động và năng nổ mỗi giờ trong ngày khi bạn làm việc và suy nghĩ. Tối hôm ấy bạn dự một buổi diễn âm nhạc đặc biệt. Nhưng để thưởng thức buổi nhạc đó, bạn phải thay đổi thái độ. Thay vì hoạt động năng nổ, bạn phải có thái độ tiếp nhận. Khi cầu nguyên cũng vậy, ta phải có thái độ tiếp nhận hay đón nhận. Tác giả Thi Thiên từng viết: Hãy yên lặng và biết rằng Ta là Đức Chúa Trời.

Bước đầu tiên trong việc cầu nguyện là tiếp nhận Chúa. Lý do mà nhiều người không bao giờ học được về cầu nguyện, là những người ấy không bao giờ thay đổi thái độ từ năng nổ đến thái độ tiếp nhận. Chúng sống trong đời với thái độ: Tôi muốn điều này điều nọ… Tôi sẽ làm việc này việc kia, thế rồi cầu nguyện cũng chỉ là thêm vào và thực hiện những ước vọng của mình mà thôi.

Đa số những lời cầu nguyện giống như chiếc bánh xe hơi dự trữ, nghĩa là chỉ dùng khi nào một trong các bánh xe đang sử dụng bị xẹp mà thôi.

Chúng ta hoạch định, thực hiện và rồi nếu không đạt được điều mình trông mong và không thể làm được điều lòng đã quyết, chúng ta sẽ hướng lên trời, thưa với Chúa rằng: “Xin Chúa thực hiện cho con,” hay là “Xin Chúa làm cho con.” Chúng ta cố cầu nguyện như thể là tiếp tục hỗ trợ cái quyết tâm “lấy cho được” như tinh thần của đời hiện đại.

Nhưng Chúa đã đột nhập vào cuộc đời của chúng ta qua nhiều phương cách. Thí dụ như một buổi sáng nọ, bạn thức dậy cảm thấy thật là khoẻ khoắn. Bầu trời trong xanh, không khí dễ chịu, bạn cho là sẽ có một ngày tốt. Rồi bạn bảo: “Tôi thật biết ơn vì còn sống đây.” Nhưng bạn biết ơn ai vậy? Không phải bầu trời, vì nó có hiểu gì về cảm xúc của bạn đâu? Cũng không phải gia đình hay bè bạn – dù những người này thân thiết với bạn nhưng họ không tạo ra cuộc đời này cho bạn hưởng đâu? Bạn cũng không tự cảm ơn mình. Lúc đó bạn đang ca ngợi chứ không tiếp nhận. Câu nói “biết ơn” ấy phát sinh từ trong tiềm thức và hướng về Chúa là Đấng cho bạn sự sống.

Cuộc đời không phẳng lặng mãi, nhưng thỉnh thoảng có chuyện tai hại xẩy ra. Phản ứng tự nhiên của chúng ta là nổi loạn. Chúng ta thường nói: “Bất công quá – tôi không đáng bị như vậy!” Nhưng bạn đang nói với ai vậy? Dĩ nhiên không phải với mấy bức tường trong phòng vì chúng có nghe gì đâu. Ngay cả khi bạn kể lại cho bè bạn nghe chăng nữa, bạn cũng không thực sự nói với người nào đó đâu. Vì người bạn có gây ra điều tai hại đó đâu. Chúng ta vô tình ý thức được một thứ quyền năng vượt ngoài khả năng của con người đang vận hành trong đời chúng ta mỗi ngày. Chúng ta vô hình chung nhận ra Chúa.

Đôi khi chúng ta tự cảm thấy xấu hổ. Chúng ta xấu hổ như thế vì có ai tìm ra lỗi lầm của mình chăng? Cũng có thể như thế, nhưng nhiều khi chúng ta cảm thấy xấu hổ mà biết rằng chẳng bao giờ có ai tìm ra được. Ngay những người gần chúng ta nhất cũng chẳng biết, thế mà mình vẫn xấu hổ. Tại sao vậy? Vì có người biết thật rõ.  Người ấy chính là Chúa.  Chúa có cách đột nhập vào cuộc đời ta và làm cho ta cảm biết có Chúa nhìn thấy.

Khởi đầu cho cầu nguyện có năng lực là ý thức rằng tâm trì mình đang mở rộng trước mắt Chúa và tiếp nhận hiện diện của Chúa, Thần Linh Chúa, tiếng nói của Chúa và ý chỉ của Ngài. Chúa Giê-xu từng nói rằng: Có người tưởng nói nhiều thì được Chúa nghe. Nhưng Chúa dạy rõ: Cha các ngươi biết rõ các ngươi cần gì trước khi các ngươi cầu xin Ngài. Mục đích của cầu nguyện không phải là thưa với Chúa nhiều điều. Trước nhất, Chúa Giê-xu dạy, phải nói: Lạy Cha chúng con ở trên trời, danh Cha được tôn thánh.

Khi một người cầu nguyện tập trung tư tưởng vào Chúa, thì có hai kết quả theo sau.

Thứ nhất là lời cầu nguyện ấy tích cực chứ không tiêu cực. Thỉnh thoảng có người nói với tôi: “Tôi cầu nguyện mà chẳng thấy gì.” Thông thường khi chúng ta cầu xin Chúa giải quyết một thói hư, một sự cám dỗ, hay nhu cầu nào đó, mặc dù điều đó không thực sự tác hại cho mình.

Thí dụ một người bệnh cầu xin cho được lành.  Người ấy nói: “Thưa Chúa con bị bệnh nặng, xin Chúa chữa cho con.”  Chúa sẽ hỏi lại: “Ta thấy con có bệnh nặng gì đâu?” Người ấy cứ nằng nặc:”Thưa Chúa, Chúa không biết chứ con sốt này, mạch yếu quá này, con ngồi lên không được này, ăn thì cứ ói ra này. Con lo quá.  Xin Chúa cứu con cho con được mạnh khỏe.”

Loại cầu nguyện như thế làm cho người cầu nguyện có khỏe cũng thành ra đau ốm. Chắc chắn là không làm cho người ấy hết bệnh.

Y hệt như thế đối với một thói hư tật xấu nào của bạn. Bạn càng thiết tha cầu nguyện bao nhiêu, thì thói hư tật xấu đó càng vững chân trong tư tưởng bạn hơn.

Nhưng khi một người khởi đầu suy nghĩ và tập trung vào Chúa thay vì chú trọng vào nan đề của mình, thì người ấy nhận được quyền năng của Chúa trong tâm hồn mình.  Thay vì tội ác, ta thấy sự giải cứu của Chúa. Thay vì lo sợ ta thấy có năng lực qua lòng tin gia tăng đối với Chúa.

Thứ hai, khi Chúa là trung tâm của sự cầu nguyện, thì ta sẽ cầu xin mà không thấy nản lòng. Sở dĩ ta nản lòng là vì ta mất hi vọng, và lý do mất hy vọng là vì mất Chúa. Kinh Thánh dạy: “Hãy hi vọng nơi Chúa.” (Bản Kinh Thánh Truyền Thống dịch là “Hãy trông cậy nơi Chúa.”) Ta nên nhớ rằng Chúa có khôn ngoan để giải quyết mọi nan đề, Chúa có uy quyền để đạt đến mọi thắng lợi.

Thi Thiên 23 là một bài mẫu cầu nguyện hay nhất trong Kinh Thánh Cựu Ước. Trong Thi Thiên này ta có 9 lời cầu xin xoay quanh đức tính và hoạt động của Chúa. (Mời bạn lấy giấy liệt kê ra 9 lời cầu xin này.)

Nhà thơ Đa-vít có nhiều nan đề và yếu đuối trong chính cuộc đời ông ta. Đa-vít sống trong một thế giới đôi khi thật đen tối, nhưng lời cầu nguyện của ông rất tích cực. Ông xác nhận rõ sự hiện hữu của Chúa và cảm thấy Chúa hiện diện. Thế rồi Đa-vít chấm dứt bài cầu nguyện với hai kết luận:

Thứ nhất, ngày mai đây sẽ là ngày tốt: vì Phước hạnh và nhân từ thương xót sẽ theo tôi.

Thứ hai, những ngày tháng sau ngày mai đó cũng sẽ tốt lành cả, vì tác giả sẽ ở trong nhà của Đức Giê-hô-va mãi mãi.

Mời quý độc giả đọc lại bài cầu nguyện Chúa dạy.

Bài ấy bắt đầu với Chúa và rồi nhìn vào cuộc đời bằng đức tin tích cực.

Tin Rằng nước Chúa sẽ đến;

Rằng những nhu cầu thể chất hằng ngày sẽ được chu cấp;

Rằng tội sẽ được tha thứ; và

Rằng chúng ta có thể có năng lực đối phó với những thử thách trong đời sẽ xuất hiện.

Một vị mục sư kể chuyện về một người nhảy từ cửa sổ một cao ốc để tự tử. Một người lao công da đen coi sóc cao ốc đó quen biết người tự tử, đã nói rằng: Khi một người mất Chúa, thì chẳng còn gì khác hơn là nhảy cửa sổ mà tự hủy mình. Nhưng chừng nào một người còn có Chúa, thì người ấy luôn luôn có việc gì khác để làm.

Ngày hôm qua hay ngay hôm nay dù xấu đến đâu, có Chúa thì ta vẫn có ngày mai tốt lành đón chờ.

Mục đích đầu tiên của việc cầu nguyện là biết Chúa.  Văn hào Leo Tolstoy từng nói rằng: Biết Chúa là sống.  Ước mong quý độc giả nắm bắt được ý nghĩa cao quý của lời nói đầy kinh nghiệm này.

Nguyễn Sinh biên soạn

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN