Thứ tư, Tháng mười 30, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img

Trò chuyện với Chúa

Đó là một trong những khoảnh khắc đáng kinh ngạc nhất trong toàn bộ Kinh Thánh!

Khi dân Y-sơ-ra-ên nổi loạn chống lại Đức Chúa Trời, ngang nhiên vi phạm giao ước Ngài vừa lập với họ, Môi-se lại dám đứng ra làm trung gian giữa Đức Chúa Trời và dân Ngài. Tại đỉnh điểm của lời cầu thay – cuộc đối thoại cẩn thận nhưng kiên quyết của Môi-se với Đức Chúa Trời hằng sống, ông đưa ra lời cầu xin vĩ đại nhất và sâu sắc nhất mà một tạo vật có thể thỉnh cầu với Đấng Tạo Hóa mình.

Và suy cho cùng, đó là một lời cầu nguyện khiêm nhu nhưng táo bạo, của một con người dành cho Đức Chúa Trời Toàn năng: “Tôi xin Ngài cho tôi xem sự vinh hiển của Ngài!”

Chúng ta không đứng trong vị trí của Môi-se. Chúng ta không phải là nhà tiên tri được kêu gọi để làm trung gian cho một giao ước, và chúng ta không sống theo giao ước trên núi Si-na-i ấy. Tuy nhiên, lời cầu nguyện của Môi-se vẫn là kiểu mẫu cho những người tin kính. Đây không phải là lời cầu xin được xem sự vinh hiển của Đức Chúa Trời cuối cùng trong Kinh Thánh, và ngày nay các tín đồ trung tín vẫn nhắc lại lời cầu nguyện đó. Qua câu chuyện Môi-se cầu xin Đức Chúa Trời trong Xuất Ê-díp-tô Ký 32–33, chúng ta có thể học được điều gì cho đời sống cầu nguyện của mình?

Liệu Chúa có tha thứ cho dân Ngài không?

Trước tiên chúng ta cần thừa nhận câu hỏi đầy ám ảnh của Môi-se: Liệu Đức Chúa Trời có tha thứ khi dân sự vi phạm giao ước Ngài trắng trợn như vậy không? Môi-se vẫn chưa chắc chắn. Ông đã nghe những câu chuyện về tổ tiên, gặp gỡ Chúa nơi bụi gai, chứng kiến ​​những bệnh dịch ở Ai Cập và cuộc giải cứu ở Biển Đỏ. Môi-se biết rằng Đức Chúa Trời quyền năng đã giải cứu dân tộc mình, nhưng liệu Ngài có tha thứ cho họ không?

Lúc đầu, có vẻ như Đức Chúa Trời sẽ không tha thứ. Lần đầu tiên Đức Chúa Trời thông báo cho Môi-se rằng dân sự đã “bại hoại rồi” khi họ đúc một con bò tơ và thờ phượng nó (32:7–8), Đức Chúa Trời phán: “Vả, bây giờ hãy để mặc ta làm, hầu cho cơn thạnh nộ ta nổi lên cùng chúng nó” (32:10). Khi Môi-se bắt đầu khẩn cầu Đức Chúa Trời nguôi cơn giận, chúng ta thấy rằng mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời và dân Ngài khó mà khôi phục hoàn toàn.

Đức Chúa Trời đã không giáng tai họa xuống dân sự ngay lập tức (32:14), nhưng giao ước vẫn bị phá vỡ. Mặc dù Môi-se đã xuống núi, đối đầu với dân sự đang nổi loạn, đốt con bò tơ, kỷ luật dân sự (32:15–20), và thanh trừng ba nghìn người dẫn đầu cuộc nổi loạn (32:21–29), Môi-se vẫn biết rằng những gì đã tan vỡ sẽ không bao giờ khôi phục được. Ngày hôm sau, ông trở lại gặp Chúa trên núi.

Động lực thúc đẩy Môi-se cầu nguyện trong Xuất Ê-díp-tô Ký 33 chính là lời cầu xin đầu tiên ông đưa ra trong 32:32: “Nhưng bây giờ xin Chúa tha tội cho họ!” Liệu Đức Chúa Trời có khôi phục lại mối quan hệ và ngự giữa họ, sau khi họ nổi loạn thờ phượng con bò vàng không? Sau đó, Đức Chúa Trời khiến Môi-se tuôn đổ lời cầu nguyện, và Ngài bắt đầu trả lời câu hỏi của ông theo cách thức năng quyền và ấn tượng hơn nhiều so với khi chưa có mối quan hệ nảy nở, phát triển sâu sắc giữa Chúa và Môi-se.

Môi-se dạy chúng ta cầu nguyện

Xuất Ê-díp-tô Ký 33 bắt đầu khi Đức Chúa Trời tuyên bố với dân sự rằng: dù Ngài sẽ ban cho họ đất đã hứa với tổ tiên họ, nhưng chính Đức Chúa Trời sẽ không bước đi giữa họ (33:3). Khi dân sự nghe lời hăm nầy, bèn đều để tang. Họ muốn có Đức Chúa Trời, chứ không chỉ miền đất hứa. Họ hạ mình trước mặt Đức Chúa Trời, lột các đồ trang sức mình từ núi Hô-rếp (33:6).

Tuy nhiên, mặc dù dân sự bị cảnh báo nặng nề, Môi-se vẫn tiếp tục được Đức Chúa Trời ban cho ân huệ. Trong căn lều cách xa trại quân, Đức Chúa Trời nói chuyện với Môi-se (33:9), và câu 11 chép: “Đức Giê-hô-va đối diện phán cùng Môi-se, như một người nói chuyện cùng bạn hữu mình”. Điều này đã xây dựng nên bối cảnh phù hợp cho lời cầu thay ấn tượng của Môi-se trong 33:12–18.

Cơ Đốc nhân ngày nay có thể rút ra 3 bài học từ lời cầu nguyện của Môi-se.

  1. Cầu nguyện đáp lời Đức Chúa Trời

Đức Chúa Trời hằng sống luôn chiếm thế chủ động. Đầu tiên Ngài thông báo cho Môi-se về việc dân sự vi phạm giao ước (32:7–10). Chúa bày tỏ đặc ân lâu bền của Ngài dành cho Môi-se, thúc giục ông đáp lời. Đối với chúng ta cũng vậy. Chúng ta không chỉ tìm đến Chúa trong lời cầu nguyện mỗi khi chúng ta muốn. Trước tiên, Chúa phán với chúng ta, như đã tỏ chính mình Ngài ra trong thế gian, trong lời Ngài, và trong Con Ngài là Ngôi Lời. Sau đó, qua lời cầu nguyện, chúng ta đáp lại Chúa theo sự mặc khải Ngài dành cho chúng ta. Trước tiên, chúng ta nghe tiếng phán Chúa trong Kinh Thánh; sau đó chúng ta đáp lời Ngài qua lời cầu nguyện. Chúng ta cầu nguyện để đáp lại những lời hứa Ngài.

  1. Cầu xin danh Đức Chúa Trời được cả sáng vinh hiển 

Khi Đức Chúa Trời thông báo cho Môi-se biết tội lỗi của dân sự, rằng Ngài có ý định tiêu diệt họ và bắt đầu lại từ đầu với Môi-se, phản xạ của ông là ngay lập tức bám vào danh Đức Chúa Trời. Đây là cách phản ứng rất tốt. “Sao để cho người Ê-díp-tô nói rằng: Ngài đưa chúng nó ra khỏi xứ đặng làm hại cho, giết đi tại trong núi, cùng diệt chúng nó khỏi mặt đất?” (Xuất Ê-díp-tô Ký 32:12).

Môi-se cầu xin Đức Chúa Trời Cầu xin Chúa “hãy nguôi cơn giận và bỏ qua điều tai họa mà Ngài muốn giáng cho dân Ngài”, vì lợi ích của chính danh Đức Chúa Trời. Môi-se không cầu xin vì giá trị của con người – hay nhân tính của họ, được tạo ra theo hình ảnh Đức Chúa Trời – mà ông cầu xin dựa vào sự lựa chọn và tiếng phán của Ngài. Chính Đức Chúa Trời đã chọn họ làm dân sự Ngài.

Hôm nay, chúng ta có cơ hội tốt để cầu nguyện vì danh Đức Chúa Trời trên khắp thế giới, và nhắc lại những lời hứa của Ngài. Đức Chúa Trời mong muốn dân Ngài cầu nguyện theo những gì Ngài đã phán, để chúng ta khẩn cầu đáp lại lời hứa Ngài. Và việc cầu nguyện cho sự vinh hiển Ngài không chỉ làm vang danh Đức Chúa Trời trên thế giới, mà còn chứng minh rằng chúng ta hiểu biết và vui hưởng Ngài. Sâu thẳm bên trong lời cầu nguyện như vậy là niềm khao khát chúng ta được thấy mặt Ngài, chứ không chỉ là được bàn tay Ngài chu cấp.

  1. Cầu nguyện theo tiến trình và tuần tự

Chúng ta có thể gọi lời cầu nguyện của Môi-se là một cuộc “đối thoại”. Điều đáng chú ý là tiến trình và tuần tự cầu nguyện của ông có liên quan mật thiết trong các chương này.

Trọng tâm của “cuộc đối thoại” là dân Y-sơ-ra-ên thuộc về Ai. Đó là chủ đề mà Đức Chúa Trời kêu gọi Môi-se tham gia vào. Trước tiên, Đức Chúa Trời phán với Môi-se rằng “dân mà ngươi đưa ra khỏi xứ Ê-díp-tô đã bại hoại rồi” (32:7). Sau đó, Đức Chúa Trời bày tỏ rằng Ngài luôn dành đặc ân cho Môi-se. Đức Chúa Trời sẽ tiêu diệt dân sự và làm cho Môi-se thành một dân lớn (32:9–10). Đặc ân này giải đáp lời cầu nguyện của Môi-se.

Môi-se cầu xin được biết thêm về Đức Chúa Trời: “xin cho tôi biết đường của Chúa” (33:13) – để xác định liệu Đức Chúa Trời có tha thứ cho dân tộc cứng cổ này hay không. Môi-se bày tỏ thái độ khiêm nhường trong lời cầu xin đầu tiên: “Xin cũng hãy nghĩ rằng dân nầy là dân của Ngài!” Đức Chúa Trời trả lời ngắn gọn mà tích cực: “Chính mình ta sẽ đi cùng ngươi, và ta sẽ cho ngươi an nghỉ” (33:14). Câu trả lời ngắn gọn này kêu gọi Môi-se cầu xin mạnh mẽ hơn nữa, vì lợi ích của dân sự. Từ “tôi” của Môi-se chuyển thành “chúng tôi”. Ông cầu nguyện cho “tôi cùng dân sự Ngài”. Môi-se đồng nhất bản thân mình với dân sự, cầu xin đặc ân mà ông nhận được từ Đức Chúa Trời cũng được ban cho dân sự Ngài.

Lời cầu nguyện của một con người dành cho Đức Chúa Trời hằng sống không chỉ đơn thuần là một “giao dịch”. Lời cầu nguyện ấy còn mang tính chất thân thuộc, thường tăng dần theo tiến trình, với cả sự táo bạo và khiêm nhu. Đức Chúa Trời dẫn dắt chúng ta, giống như Môi-se, vào việc cầu nguyện. Chúng ta bày tỏ nhu cầu của mình. Chúa sẽ trả lời vào đúng thời điểm của Ngài. Khi học hỏi thêm về Ngài, chúng ta càng muốn được hiểu biết Ngài càng hơn. 

“Tôi xin Ngài cho tôi xem sự vinh hiển của Ngài!”

Cuộc đối thoại giữa Môi-se và Đức Chúa Trời ngày càng táo bạo hơn – lời khẩn cầu dần gia tăng sau mỗi lần: Cầu xin Chúa hãy nguôi cơn giận và bỏ qua điều tai họa (32:11–13). Xin Chúa tha tội cho họ (32:31–32). Xin cho tôi biết đường của Chúa (33:13). Tôi cùng dân sự Ngài sẽ được phân biệt với muôn dân trên mặt đất (33:15–16). Và lời cầu xin mạnh dạn nhất: “Tôi xin Ngài cho tôi xem sự vinh hiển của Ngài!” (33:18).

Lời cầu xin ngắn gọn nhưng táo bạo này là lời cầu xin cuối cùng của Môi-se. Ông sẽ không nói lại điều này cho đến đoạn 34:9, khi Môi-se hoàn thành lời cầu xin tha thứ mà ông đã bỏ dở trong 32:32.

Trong Xuất Ê-díp-tô Ký 33:19, Đức Chúa Trời đáp lại:

“Ta sẽ làm cho các sự nhân từ ta phát ra trước mặt ngươi; ta hô danh Giê-hô-va trước mặt ngươi; làm ơn cho ai ta muốn làm ơn, và thương xót ai ta muốn thương xót” (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:19)

Tuy nhiên, Môi-se chỉ nhận được câu trả lời trọn vẹn trong Xuất Ê-díp-tô Ký 34:7, với một mặc khải khác:

“Ngài đi ngang qua mặt người, hô rằng: Giê-hô-va! Giê-hô-va! là Đức Chúa Trời nhân từ, thương xót, chậm giận, đầy dẫy ân huệ và thành thực, ban ơn đến ngàn đời, xá điều gian ác, tội trọng, và tội lỗi; nhưng chẳng kể kẻ có tội là vô tội, và nhân tội tổ phụ phạt đến con cháu trải ba bốn đời (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6–7). Câu hỏi đã được trả lời, vì vậy Môi-se sấp mình thờ phượng và cầu nguyện với lòng tin cậy: “Lạy Chúa! Nếu tôi được ơn trước mặt Chúa, xin hãy đi giữa chúng tôi… và nhận chúng tôi làm cơ nghiệp của Chúa.” (34:9). Sau khi cầu nguyện và chiêm ngưỡng vinh quang khi Đức Chúa Trời tuyên bố về tính cách, sự tốt lành, lòng nhân từ và ân điển Ngài, Môi-se tin chắc rằng Đức Chúa Trời sẽ ban sự tha thứ và làm mới giao ước.

Đấng Christ – Môi-se của chúng ta

Câu chuyện của Môi-se là hình ảnh phản chiếu những đặc ân Đức Chúa Trời dành cho Đấng Christ. Lời cầu xin của Môi-se đã ứng nghiệm, và Chúa Jêsus chính là Đấng Trung Bảo cuối cùng cho dân sự Đức Chúa Trời.

Chúng ta có thể học hỏi nhiều điều từ những lời cầu nguyện của Môi-se. Tuy nhiên, khi đến với Xuất Ê-díp-tô Ký 32–33 trong danh Đấng Christ, chúng ta thấy hình ảnh của chính mình nơi dân sự Ngài. Họ “cứng cổ”, ương ngạnh, đáng bị phán xét. Họ tha thiết cầu xin lòng thương xót và ân điển. Nhưng trong Đấng Christ, chúng ta có một Đấng vĩ đại hơn Môi-se, Đấng cầu thay cho chúng ta, tận dụng đặc ân trọn vẹn Đức Chúa Trời dành cho Ngài để cứu chúng ta.

Chúa Jêsus, thầy tế lễ thượng phẩm vĩ đại của chúng ta “đã trải qua các từng trời” và kêu gọi chúng ta “hãy vững lòng đến gần ngôi ơn phước, hầu cho được thương xót và tìm được ơn để giúp chúng ta trong thì giờ có cần dùng” (Hê-bơ-rơ 4:14,16). Và Ngài làm điều này không chỉ với tư cách là Đấng Trung Bảo cầu thay cho chúng ta trong giao ước mới, mà còn là Đấng mang chính sự vinh hiển Đức Chúa Trời để chúng ta chiêm ngưỡng. Đặc ân đối với dân Y-sơ-ra-ên xưa – trò chuyện với Đức Chúa Trời “như một người nói chuyện cùng bạn hữu mình” – nay được trao cho tất cả những ai ở trong Đấng Christ.

Giờ đây, Đức Chúa Trời mời gọi chúng ta đến với Ngài với tư cách là Cha, và đến với Đấng Christ như một người chồng – mối quan hệ sâu sắc và gần gũi nhất giữa con người – không phải để đưa ra yêu cầu, để đạt được những gì chúng ta muốn, xoay chuyển tình thế, và tiếp tục cuộc sống không có Chúa; nhưng để đến gần Ngài hơn qua lời cầu nguyện, và một lần nữa khám phá ra rằng: Đấng Christ chính là phần thưởng tuyệt vời.

Bài: David Mathis; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www.desiringgod.org/articles/talking-back-to-god)

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN