Mỗi người đều có một kiểu gắn bó: cách bạn tạo nên sự liên kết với người khác. Bạn là kiểu gần gũi hay xa cách? Bạn tránh xung đột hay thường lao đầu vào đó? Bạn có dè chừng, không muốn quá thân thiết? Đây là nhiều khía cạnh trong kiểu gắn bó của bạn, không chỉ tác động đến mối quan hệ của bạn với người thân hoặc bạn bè, mà còn là mối quan hệ với Chúa.
Học thuyết gắn bó nghiên cứu về cách chúng ta liên kết với người thân. Lĩnh vực này nghiên cứu cách trẻ em gần gũi với mẹ, sau đó mở rộng ra ngoài mối quan hệ cha mẹ-con cái để nghiên cứu cách vợ chồng gắn bó với nhau. Và gần đây nhất, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra cách chúng ta gắn kết với Chúa.
Bạn có liên tục tìm kiếm mối liên hệ gắn bó chặt chẽ với Chúa, lo rằng mình có thể xa Ngài nếu không cố gắng hết sức? Bạn có thích kết nối với Chúa bằng cách nghiên cứu thần học? Bạn có thường hụt hẫng hay cảm thấy rằng Chúa liên tục thất vọng về bạn không? Câu trả lời có thể cho biết một phần nào kiểu gắn bó của bạn.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng qua cách tìm kiếm sự gần gũi và kết nối với người khác, chúng ta có thể xác định xu hướng đặc trưng của một người. Một số người dành rất nhiều năng lượng cho các mối quan hệ, còn những người khác lại giữ khoảng cách thoải mái. Cũng có một số người đan xen linh hoạt cả hai. Một số người quá lo lắng về các mối quan hệ của mình, trong khi những người khác muốn dành thời gian cho công việc hơn là đau đầu vì các mối quan hệ. Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều có lúc cảm thấy bất an, và thường giải quyết theo 3 cách chính. Điều này sẽ tạo nên kiểu gắn bó của bạn.
Mỗi người thường tiếp cận các mối quan hệ quan trọng theo một cách riêng. Khi lo lắng về mối quan hệ, bạn thường cố gắng liên hệ với người kia một cách quá đà – chẳng hạn như gửi quá nhiều tin nhắn. Hoặc bạn tự nhủ với bản thân: “Mình không cần thân thiết với ai” và nén những cảm giác không thoải mái xuống. Phản ứng thứ 3 khi cảm thấy xa cách với người khác là tự trách bản thân: “Nếu tôi là một người bạn tốt hơn, người khác hẳn sẽ muốn dành thời gian cho tôi”. Sau đó, chúng ta bắt đầu tự vấn bản thân, hy vọng mình có thể trở thành một người tốt hơn, được người khác yêu thích hơn. Bây giờ, hãy xem kiểu gắn bó nào hiện diện trong mối quan hệ của bạn với Chúa.
BA KIỂU GẮN BÓ
Xu hướng lo lắng xuất hiện khi bạn cố ngăn chặn cản cảm giác xa cách Chúa bằng mọi giá. Bạn cố gắng hết sức để đến gần Chúa. Tình cảnh mỗi người trông có vẻ khác nhau, nhưng mẫu số chung đều là nỗi lo mất kết nối với Chúa thường trực. Bạn cảm thấy sức nặng đổ dồn lên vai mình khi phải duy trì mối quan hệ. Khi lo lắng trỗi dậy, bạn quan ngại rằng mình sẽ thụt lùi, trôi dạt, xa rời đức tin. Nếu mình không giữ kết nối, ai sẽ giúp mình?
Bạn say mê tham gia thờ phượng để cố giữ Chúa ở gần. Bạn sợ bỏ lỡ giờ thờ phượng hoặc thời gian tĩnh nguyện. Bạn cố gắng không phạm tội để được ở trong ân điển tốt lành của Chúa. Cảm giác lo lắng luôn thì thầm: “Nếu không đủ cố gắng, bạn sẽ mất đi mối quan hệ gần gũi với Chúa”.
Nếu đây là đặc trưng của bạn, thì có thể bạn là kiểu cởi mở về mặt tình cảm với Chúa, nhưng cũng lo lắng về tình trạng thuộc linh của mình. Bạn khao khát được gần gũi với Chúa nhưng cũng căng thẳng vì nghĩ rằng mình phải cố gắng rất nhiều.
Xu hướng đặc trưng này đã sinh ra nhiều tín đồ sốt sắng, tình cảm và sùng đạo. Nhưng đối với nhiều người, thay vì cảm giác được yêu thương, mối quan hệ với Chúa lại trở nên mệt mỏi và dần dần khiến chúng ta cảm thấy quá sức. Chúng ta vô cùng muốn được gần gũi, và cho rằng cách tốt nhất là cố gắng hết sức để níu giữ những người yêu thương, bao gồm cả Chúa. Mặc dù sốt sắng là tốt, nhưng lúc nào cũng phải gồng mình, nhờ sức riêng để giữ mối liên hệ với Chúa, bạn không bao giờ có thể thực sự trải nghiệm trọn vẹn sự bình an trong Ngài.
Xu hướng kìm nén là cách chúng ta gắn kết với Chúa bằng việc gạt bỏ những cảm xúc của mình. Chúng ta cho rằng nỗi lo lắng hoặc buồn bã thể hiện sự thiếu đức tin, và những cảm xúc này sẽ cản trở việc kết nối với Chúa. Với xu hướng này, chúng ta mặc định rằng cảm xúc đối lập với đức tin, và việc xây dựng kiến thức thần học là nền tảng để kết nối với Chúa. Như vậy, thay vì cảm xúc, kiến thức thần học sẽ giúp bạn tránh khỏi đau buồn, lo lắng và những cảm xúc khó chịu khác.
Người theo kiểu này thường cảm thấy thoải mái nhất với công việc phục vụ, và đó có thể là ân tứ Chúa ban để bạn có ích với cộng đồng. Bạn cảm thấy sắp xếp bàn ghế, lau dọn, nấu ăn… dễ dàng hơn là tương tác, nói chuyện với người khác, như là tham gia học Kinh Thánh hoặc các hoạt động nhóm nhỏ khác. Bạn cũng có khuynh hướng suy nghĩ phân tích, điều này hữu ích để xây dựng nền tảng thần học mạnh mẽ trong cộng đồng đức tin của bạn.
Bạn cố gạt bỏ cảm xúc để giữ mối quan hệ với Chúa. Tuy nhiên, khi bạn chỉ kết nối với Chúa qua “não trái” (lý trí), bạn đã bỏ lỡ sự thân mật với Ngài. Bạn đánh mất cơ hội trải nghiệm mối quan hệ thú vị với Đấng luôn muốn bước vào thế giới cảm xúc của bạn, và ở bên bạn trong lúc lo lắng hay buồn phiền.
Xu hướng mặc cảm hình thành khi bạn biết rằng Chúa yêu mình nhưng lại không chắc Ngài có thích mình không. Bạn cảm thấy mình quá thấp kém so với tiêu chuẩn hoàn hảo của Chúa, bạn xấu hổ và tự trách mình vì quá tồi tệ mặc dù Chúa đã chọn yêu bạn. Bạn cố gắng đến gần Chúa, bằng cách chứng minh rằng mình biết bản thân thực sự tồi tệ và không đáng được yêu thương, mong rằng Ngài sẽ thương xót bạn khi bạn tự dằn vặt mình.
Cuối cùng, khi vừa muốn gần gũi Chúa, vừa lo lắng về việc bị Ngài khiển trách nếu đến quá gần, bạn cảm thấy cực kỳ bế tắc. Điều này khiến lòng bạn mâu thuận và bạn khó mà cảm thấy an ninh trong mối quan hệ với Chúa. Khoa học gắn bó cho biết sự kết nối của con trẻ bắt nguồn từ niềm vui của cha mẹ. Khi cảm thấy như Chúa đang chán ghét mình, chúng ta khó gắn kết với Ngài.
Kiểu mặc cảm khiến chúng ta rơi vào tình trạng tồi tệ: dễ chịu hơn khi xa Chúa và cảm thấy bản thân thật tồi tệ khi gần Ngài. Tuy nhiên, chúng ta lại cần được gần Ngài, vì vậy tình thế thật tiến thoái lưỡng nan. Mặc dù khao khát được đến gần Chúa, nhưng khi đến gần hơn, chúng ta chỉ cảm thấy Ngài ghê tởm mình. Chúng ta cho rằng mình phải tốt hơn, thánh khiết hơn để được Chúa ưa thích và mình không đáng được yêu thương, không còn mong đợi được gần Chúa nữa, cho đến khi bản thân thay đổi hoàn toàn.
Những người theo kiểu mặc cảm thấu hiểu sự tầm thường của con người, cũng như tầm quan trọng của mối quan hệ với Chúa. Trong Hội Thánh, chúng ta có thể tạo cơ hội để mọi người được phép đổ vỡ và thừa nhận thất bại. Nhưng chúng ta cũng thường cảm thấy bế tắc trong việc thực sự để kết nối với Chúa, khi những khiếm khuyết của bản thân vẫn còn tồn tại.
Hiểu rõ xu hướng gắn kết của bạn
Nếu bạn thuộc một trong những xu hướng này, hãy kết nối với Chúa theo cách khác.
Câu chuyện Chúa Jêsus kể về đứa con hoang đàng (Lu-ca 15:11-32) cho thấy chúng ta có thể kết nối với Chúa mà không cần cố gắng, kìm nén cảm xúc hoặc trách móc bản thân. Người con hoang đàng không cần phải làm việc chăm chỉ để được đến với cha mình, không cần phải che giấu cảm xúc của mình khi thiếu thốn, và càng không cần phải trở nên hoàn hảo rồi mới được cha bao bọc. Cha chạy đến ôm người con dơ bẩn của mình vào lòng, và bày tỏ niềm vui mừng khôn xiết khi gặp lại con trai mình. Chúa Jêsus muốn chúng ta đến với Đức Chúa Trời – Đấng luôn mở rộng vòng tay ngay trong những lúc chúng ta đầy bất an.
Có nhiều yếu tố hình thành xu hướng gắn kết của chúng ta với Chúa – gia đình và cộng đồng đức tin nơi chúng ta lớn lên, cũng như các sự kiện diễn ra trong cuộc sống…. Nhưng quan trọng là chúng ta phải hiểu nguyên nhân, thời điểm bắt đầu và kiểu gắn bó của mình là gì. Khi nhận thức được điều này, chúng ta có thể tìm ra con đường dẫn đến mối quan hệ an ninh trong Chúa như Ngài thể hiện trong câu chuyện đứa con hoang đàng.
Những kiểu gắn bó này bày tỏ cách chúng ta tìm cách kết nối với Chúa trong những thời điểm bất an – như những lúc cảm thấy xa cách Ngài, qua đó giúp chúng ta tìm được phương pháp hữu ích để mật thiết với Chúa. Có nhiều cách trau dồi tâm linh tùy thuộc vào kiểu gắn bó của bạn, giúp bạn phát triển và kinh nghiệm nhiều điều mới mẻ trong mối quan hệ với Chúa. Bước đầu tiên là nhận thức về bản thân bạn, mở ra cách hiểu mới về mối quan hệ cá nhân của bạn với Chúa, và tìm ra cách giúp bạn tiến đến với Ngài trong an ninh.
Bài: Krispin Mayfield; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www.crosswalk.com/faith/spiritual-life/what-does-your-attachment-style-tell-you-about-your-relationship-with-god.html