Đức Chúa Trời không quá xa vời cuộc sống chúng ta. Từ ngày “Đức Chúa Trời đi ngang qua vườn” (Sáng thế ký 3:8), Ngài đã bắt đầu gắn kết với thế giới. Hơn nữa, Chúa không hành động từ xa; Ngài không bao giờ xa lìa thế gian. Xuyên suốt Thánh Kinh, Đức Chúa Trời bày tỏ sự hiện diện của Ngài theo nhiều cách hữu hình và rõ ràng. Từ ngữ được sử dụng để mô tả những sự kiện như vậy là “khải thị”.
Khải thị bày tỏ vinh hiển Đức Chúa Trời và nêu bật ý định Ngài trên cuộc sống chúng ta. Chẳng hạn, bụi gai cháy diệu kỳ là công cụ giúp Môi-se trở thành người lãnh đạo mà Đức Chúa Trời kêu gọi. Khải thị kết nối chúng ta với câu chuyện cứu chuộc và giúp chúng ta hiểu được cách Chúa tương tác với mình. Vậy thì, làm sao chúng ta nhận ra khải thị hiện diện trong đời sống mình? Điều này dẫn đến một câu hỏi quan trọng: “Ngày nay có còn khải thị không?” Dưới đây là 4 yếu tố quan trọng cần xem xét.
Hiểu về khải thị
Khải thị là các hiện tượng hữu hình chứng tỏ sự hiện diện của Đức Chúa Trời trên thế gian. Hầu hết các khải thị được tìm thấy trong Cựu Ước, và mô tả về “Thiên sứ của Chúa.” Thiên sứ của Chúa khác với thông điệp của thiên sứ. Thiên sứ của Chúa là khải thị hữu hình của Đức Chúa Trời. Ví dụ, khi thiên sứ của Đức Giê-hô-va tuyên bố với Y-sơ-ra-ên “Ta đã đem các ngươi đi lên khỏi xứ Ê-díp-tô, dẫn vào xứ ta đã thề ban cho tổ phụ các ngươi” (Các Quan Xét 2:1), thì có nghĩa là chính Đức Giê-hô-va đang phán. Vì vậy, thiên sứ của Chúa là sự hiện diện hữu hình của Đức Chúa Trời trên đất.
Điều này có nghĩa là khải thị khác với khải tượng hoặc chiêm bao. Trong suốt Kinh Thánh, Đức Chúa Trời sử dụng chiêm bao và khải tượng để hướng dẫn hoặc khích lệ con dân Ngài. Tuy nhiên, khải tượng hay chiêm bao không phải là biểu hiện vật lý hữu hình của chính Đức Chúa Trời. Chúa chỉ xuất hiện trong tâm trí (hoặc tấm lòng) của người nằm chiêm bao. Do đó, mặc dù khải tượng và chiêm bao cũng là cách mà Đức Chúa Trời giao tiếp với dân sự Ngài, nhưng cả hai đều không thể hiện rõ ràng sự hiện diện của Đức Chúa Trời trên đất.
Điều này đặt ra một câu hỏi thú vị. Nếu khải thị là sự hiện diện hữu hình của Đức Chúa Trời trên đất, thì có phải Chúa Jêsus cũng là một khải thị không? Không. Cứu Chúa Jêsus Christ không phải là khải thị của Đức Chúa Trời; Chúa Jêsus chính là Đức Chúa Trời. Nhập thể là sự soi sáng đời đời của Ngôi Hai Đức Chúa Trời. Sự kiện này khác hẳn so với bụi gai cháy. Mặc dù Đức Chúa Trời “hiện ra cùng người trong ngọn lửa, giữa bụi gai kia” (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:2), nhưng điều này chắc chắn không hàm ý rằng Đức Chúa Trời là một bụi gai cháy! Nhưng cách hiểu này hoàn toàn đúng khi tuyên bố về Ngôi Hai Đức Chúa Trời. Chúa Jêsus chính là Đức Chúa Trời. Cả hai không thể tách rời nhau.
Ngoài ra, không có bất kỳ thời điểm nào mà Đức Chúa Trời không phải là Chúa Jêsus. Ngôi Hai Đức Chúa Trời luôn luôn, và đời đời, là Cứu Chúa đã bị đóng đinh và phục sinh. Điều này khác với sự xuất hiện của Đức Chúa Trời trong bụi gai cháy. Rõ ràng, một lúc nào đó Đức Chúa Trời sẽ không còn xuất hiện nơi bụi gai cháy nữa. Điều này khiến sự nhập thể trở nên khác biệt với các khải thị trong Kinh Thánh.
Ví dụ về khải thị trong Cựu ước
Các khải thị chủ yếu xuất hiện trong Sáng Thế Ký. Một trong những ví dụ ấn tượng nhất là khi ba vị khách đến thăm Áp-ra-ham và Sa-ra bên cây dẻ bộp của Mam-rê (Sáng Thế Ký 18:1-15). Bất chấp việc Áp-ra-ham nhìn thấy ba vị khách, Kinh Thánh chép rõ rằng “Đức Giê-hô-va hiện ra cùng Áp-ra-ham” (câu 1). Mặc dù có ba người xuất hiện trước mặt Áp-ra-ham, nhưng cả ba đều đại diện cho một Đức Chúa Trời. Sự thật này càng rõ ràng hơn khi Chúa đáp lại tiếng cười của Sa-ra. “Đức Giê-hô-va phán hỏi Áp-ra-ham rằng: Cớ sao Sa-ra cười như vậy… ”(câu 13). Chính Đức Chúa Trời đang nói chuyện với Áp-ra-ham chứ không chỉ là một thiên sứ từ trời.
Khải thị này rất thú vị, cho thấy Đức Chúa Trời có Ba Ngôi. Sự hợp nhất bản thể Đức Chúa Trời thể hiện dưới dạng “Ba Ngôi”, mỗi Ngôi riêng biệt và khác nhau, nhưng đều là một phần trong bản thể hợp nhất trọn vẹn của Đức Chúa Trời. Do đó, khải thị này là một trong những khải thị đầu tiên về Đức Chúa Trời Ba Ngôi.
Một ví dụ khác về sự hiện diện của Đức Chúa Trời trên đất là sự kiện Gia-cốp vật lộn với thiên sứ (Sáng thế ký 32:24-30). Kinh Thánh nói rõ rằng Gia-cốp vật lộn với Đức Chúa Trời, chứ không phải một con người, hay thậm chí là một thiên sứ. Nhìn lại kinh nghiệm của mình, Gia-cốp gọi nơi này là Phê-ni-ên, và nói rằng: “Tôi đã thấy Đức Chúa Trời đối mặt cùng tôi và linh hồn tôi được giải cứu” (32:30). Tương tự, tên của Gia-cốp được đổi thành Y-sơ-ra-ên, nghĩa là “ vật lộn cùng Đức Chúa Trời”. Do đó, không còn nghi ngờ gì về việc Gia-cốp đã tương tác vật lý trực tiếp với Đức Chúa Trời.
Ví dụ về khải thị trong Tân Ước
Khải thị ít phổ biến trong Tân Ước, nhưng vẫn có những ngoại lệ đáng chú ý. Ví dụ điển hình là khi Đức Thánh Linh giáng xuống, ngay cả lúc Đấng Christ chịu Báp-têm và vào Lễ Ngũ Tuần. Kinh Thánh ghi lại rằng Thánh Linh giáng xuống dưới hình dạng một con chim bồ câu trong lễ Báp-têm của Chúa Jêsus (Ma-thi-ơ 3:16), và như lưỡi lửa vào Lễ Ngũ Tuần (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:3) Đây không chỉ là khải tượng hay ảo giác. Thánh Linh được bày tỏ cách hữu hình, rõ rệt.
Một ví dụ khác là khi Ê-tiên bị ném đá, người “mắt ngó chăm lên trời, thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Jêsus đứng bên hữu Đức Chúa Trời” (Công Vụ Các Sứ Đồ 7:55). Khi Ê-tiên nhìn lên, bầu trời mở ra để bày tỏ vinh quang Đức Chúa Trời và sự hiện diện của Cứu Chúa Jêsus. Mặc dù Ê-tiên là người duy nhất nhìn thấy điều này, nhưng Kinh Thánh khẳng định rằng điều này diễn ra ngay trong thế gian này. Nói cách khác, Ê-tiên không hề có tầm nhìn siêu phàm. Ông nhìn thấy Chúa Jêsus ngồi bên hữu Đức Chúa Trời bằng chính đôi mắt thể xác của mình.
Những khải thị trong Tân Ước, giống như ba vị khách của Áp-ra-ham, thường tiết lộ bản thể Ba Ngôi của Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, khải thị về phép Báp-têm của Đấng Christ bao hàm cả Ba Ngôi; giọng nói rõ ràng của Đức Chúa Cha tuyên bố quyền làm Con thiêng liêng của Đức Chúa Jêsus, trong khi Đức Thánh Linh ngự xuống. Kinh nghiệm của Ê-tiên cũng nhấn mạnh về Ba Ngôi. Ê-tiên “được đầy dẫy Đức Thánh Linh” (Công Vụ Các Sứ Đồ 7:55) khi nhìn thấy Chúa Jêsus ngồi bên hữu Đức Chúa Cha vinh hiển. Cả Ba Ngôi Đức Chúa Trời hiện diện trong khải thị này.
Khải thị ngày nay
Khải thị thường bị giới hạn trong các sự kiện Kinh Thánh. Phải chăng điều này có nghĩa là ngày nay không còn khải thị nữa? Tuyệt đối không! Thực tế, khải thị vẫn diễn ra hàng ngày.
Cơ Đốc nhân không nên tự hỏi: “Làm sao tôi có thể kinh nghiệm một khải thị?” mà nên hỏi: “Làm sao tôi có thể trở thành một khải thị?” Rốt cuộc, nếu khải thị bày tỏ sự hiện diện của Đức Chúa Trời trên thế gian, thì đây chính xác là lời kêu gọi dành cho mỗi Cơ Đốc nhân. Cuộc đời chúng ta là để loan báo về sự hiện diện của Chúa Jêsus. Chúa Jêsus kêu gọi chúng ta sống như vậy: “Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời” (Ma-thi-ơ 5:16). Chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh Đức Chúa Trời và được Đức Thánh Linh ban quyền phép để thực hiện mục đích này. Như vậy, Cơ Đốc nhân ngày nay là phương tiện để khải thị Đấng Christ cho cả thế giới.
Khi Đức Thánh Linh giáng lâm vào Lễ Ngũ Tuần, chính đời sống và lời chứng của các môn đồ Đấng Christ đã trở thành phương tiện khải thị của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời không cần xuất hiện trong bụi gai cháy, hoặc qua những cuộc viếng thăm, vì sự hiện diện Ngài phải được bày tỏ rõ ràng qua chính cuộc đời chúng ta. Phao-lô nói rằng “Chúng ta ai nấy đều để mặt trần mà nhìn xem vinh hiển Chúa như trong gương, thì hóa nên cũng một ảnh tượng Ngài, từ vinh hiển qua vinh hiển, như bởi Chúa, là Thánh Linh” (2 Cô-rinh-tô 3:18). Cuộc đời chúng ta là phương tiện bày tỏ sự vinh hiển của Cha trên trời.
Bạn được kêu gọi bày tỏ sự hiện diện của Đấng Christ trên thế gian như thế nào? Bạn sẽ “chiếu sáng” để mọi người biết đến, đón nhận và tin nhận Chúa Jêsus bằng cách nào? Đây là cốt lõi của khải thị và là lời kêu gọi dành cho mỗi đời sống Cơ Đốc nhân.
Bài: Rev. Kyle Norman; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www.crosswalk.com/faith/bible-study/what-is-a-theophany-in-the-bible.html)