Thứ sáu, Tháng mười hai 6, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
Homec/Tài LiệuNghiên Cứu Kinh ThánhĐiều Chúa Có Thể Làm Qua Một Cuộc Trò Chuyện Ngắn Ngủi

Điều Chúa Có Thể Làm Qua Một Cuộc Trò Chuyện Ngắn Ngủi

“Vua Ạc-ríp-ba phán cùng Phao-lô rằng: Thiếu chút nữa ngươi khuyên ta trở nên tín đồ Đấng Christ!” (Công Vụ Các Sứ Đồ 26:28)

Một ngày trước đó, Phê-tu đã tâu với nhà vua: “Có một tù nhân mà người Do Thái rất muốn giết đi. Đây là một trường hợp kỳ lạ. Họ bất bình xông đến và kể cho tôi nghe câu chuyện lạ lùng nhất.”

“Chuyện gì vậy?” Vua Ạc-ríp-ba hỏi.

“Họ muốn tử hình người này, vì ông ta tuyên bố rằng một tiên tri tên là Jêsus đã chết nhưng bây giờ vẫn còn sống. Tôi không thể điều tra những chuyện hoang đường như vậy. Tôi chẳng biết phải nói gì với Sê-sa”.

“Ta có thể tra khảo tù nhân không?”

“Tất nhiên, thưa đức vua. Ngày mai tôi sẽ dẫn người đó đến với Ngài.”

Ngày hôm sau, khi Ạc-ríp-ba ngồi trên ngai giữa những hào hoa và lộng lẫy của hoàng gia, với những quan viên hùng mạnh xung quanh, ắt hẳn ông sẽ thấy Phao-lô nhỏ bé hơn nhiều so với dự kiến. Sự im lặng bao trùm cả cung điện khi nhà vua ra hiệu cho Phao-lô trình bày lời biện hộ.

Người tù nhân bắt đầu nói: “Tâu vua Ạc-ríp-ba, tôi lấy làm may mà hôm nay được gỡ mình tôi trước mặt vua về mọi điều người Giu-đa kiện tôi,  nhứt là vì vua đã rõ mọi thói tục người Giu-đa, và cũng biết sự cãi lẫy của họ. Vậy, xin vua hãy nhịn nhục mà nghe tôi” (Công Vụ Các Sứ Đồ 26: 2–3).

Ạc-ríp-ba đã đồng ý lắng nghe. 

Ông lắng nghe Phao-lô hồi tưởng lại trước đây mình là một người Pha-ri-si, săn lùng các Cơ Đốc nhân, và gặp Chúa Jêsus trong một khải tượng từ trời trên đường Đa-mách. “Hỡi Sau-lơ, Sau-lơ, sao ngươi bắt bớ ta?” Phao-lô nhấn mạnh rằng Chúa Jêsus còn sống. Hơn nữa, ông nói rằng Môi-se và các nhà tiên tri đã nói về điều này, và thậm chí còn báo trước rằng sự cứu rỗi sẽ mở ra cho dân ngoại (Công Vụ Các Sứ Đồ 26: 4–23).

“Hỡi Phao-lô, ngươi lãng trí rồi” Phê-tu lớn tiếng ngắt lời “ngươi học biết nhiều quá đến đỗi ra điên cuồng” (Công Vụ Các Sứ Đồ 26:24). Cách Phao-lô đáp lại điều này không kém phần gây sốc trước tri giác của nhà vua. Và cách Phao-lô chuyển vấn đề trực tiếp sang nhà vua đã đặt ra một nền tảng vững vàng cho việc truyền giáo của chúng ta ngày nay.

Vua hóa tội nhân

Phao-lô trả lời: “Bẩm quan lớn Phê-tu, tôi chẳng phải lãng trí đâu; tôi nói đó là những lời thật và phải lẽ”. Và như thể nhắm vào ngai vàng, Phao-lô tiếp tục: “Vua biết rõ các sự nầy; lại tôi bền lòng tâu vì tin rằng chẳng có điều nào vua không biết; vì mọi việc đó chẳng làm ra cách chùng vụng đâu. Tâu vua Ạc-ríp-ba, vua có tin các đấng tiên tri chăng? Tôi biết thật vua tin đó!”(Công Vụ Các Sứ Đồ 26: 25–27).

Vốn là người bị xét xử trước mặt vua, giờ đây Phao-lô lại đưa vua ra xét xử trước mặt Đấng Christ.

Lời kêu gọi của Phao-lô không hề mơ hồ hay bâng quơ. Ông nói năng súc tích, phải phép, mạnh dạn và trực tiếp. Ông không chĩa mũi tên vào đầu Ạc-ríp-ba, mà nhắm vào tim vua. Trước vô vàn đôi mắt đang quan sát, Phao-lô nhìn thẳng vào mắt vua và nói cho tất cả mọi người nghe: “Tâu vua Ạc-ríp-ba, vua có tin các đấng tiên tri chăng? Tôi biết thật vua tin đó!”

Mũi tên đã tìm được đích đến. Nhà vua đã dao động. Ông kinh ngạc nói: “Thiếu chút nữa ngươi khuyên ta trở nên tín đồ Đấng Christ!” (Công Vụ Các Sứ Đồ 26:28).

Chẳng kíp thì chầy 

Tôi nhận thấy lẽ thật tuyệt vời trong phân đoạn này, được tóm tắt trong câu trả lời cuối cùng của Phao-lô:

“Cầu xin Đức Chúa Trời, chẳng kíp thì chầy, không những một mình vua, nhưng hết thảy mọi người nghe tôi hôm nay đều trở nên như tôi, chỉ trừ bỏ xiềng nầy thôi!” (Công Vụ Các Sứ Đồ 26:29)

Truyền giáo kiểu “mưa dầm thấm lâu” giữ một vị trí quan trọng. Hình thức truyền giáo này đặc biệt hữu ích với những người luôn gắn liền trong cuộc sống chúng ta. Khi gặp gỡ họ, chúng ta muốn họ chứng kiến ​​cuộc sống mình, và mở lòng để chúng ta mang Đấng Christ đến trong những hy vọng, tội lỗi và nỗi buồn của họ. Cứ từ từ bồi đắp, từ từ nói chuyện, vì chúng ta có nhiều thời gian! “Dù sớm hay muộn”, Phao-lô tuyên bố với Ạc-ríp-ba, “Tôi mong vua sẽ trở thành Cơ Đốc nhân.” Phao-lô đang nói về thứ hai – “muộn”.

Nhưng liệu bao nhiêu người trong chúng ta ngày nay đã từ bỏ vế thứ nhất – “sớm”? Một cuộc truyền giáo nhanh chóng, cuộc trò chuyện đầu tiên đã bắt phục nhà vua? Vua không ngờ rằng Phao-lô sẽ kết nối tin tức này với chính lương tâm của ông, và bắt ông phải trả lời ngay trong lần đầu họ trò chuyện. Vua nói: “Thiếu chút nữa ngươi khuyên ta trở nên tín đồ Đấng Christ!” Trong một thời gian ngắn, Phao-lô có thể làm điều này.

Phao-lô không chỉ có gan truyền bá Phúc Âm cho vua trước những ánh nhìn dò xét, mà còn hướng về họ, tìm cách thuyết phục tất cả những ai nghe được tiếng ông, hãy đến với Cứu Chúa Jêsus Christ. Ông nói với tất cả mọi người: “Nhưng hết thảy mọi người nghe tôi hôm nay đều trở nên như tôi, chỉ trừ bỏ xiềng nầy thôi!” Phao-lô chỉ có một cơ hội duy nhất. Vì vậy, không quan tâm đến lợi ích bản thân, ông đã phá bỏ mọi rào cản vô hình để công khai nói với mọi người nam, người nữ và trẻ thơ: “Tôi mong tất cả các bạn tin cậy và được cứu!”

Nhận định sai lầm về truyền giáo ngắn hạn

Chúng ta có làm như Phao-lô không? Bạn có “kỵ” việc chia sẻ Phúc Âm tại bến xe buýt, nhà hàng, trận bóng, hoặc trên máy bay không? Một số người gọi đây là kiểu truyền giáo “mỳ ăn liền”. Không tự nhiên, không hiệu quả, đột ngột và dễ gây khó chịu, thật bất lịch sự và phản dân chủ. Nếu nhất định phải làm vậy, thì kiểu truyền giáo này nên để dành cho những người có năng khiếu đặc biệt như các nhà truyền giáo. 

Cách suy nghĩ này thể hiện những quan điểm sai lệch đang chi phối thời đại chúng ta.

“Chúa Jêsus không thể cứu rỗi bạn bằng một cuộc trò chuyện.”

Khi quên rằng Phúc Âm là quyền năng cứu rỗi của Đức Chúa Trời (Rô-ma 1:16), tôi sẽ giữ im lặng. Nói về niềm hy vọng thực sự với một người xa lạ chỉ khiến tôi trông thật ngớ ngẩn! Vậy tại sao tôi phải bận tâm?

Nhưng Phao-lô ghi nhớ năng quyền của Phúc Âm.

Rung cảm với cuộc đời thánh khiết, rúng động với mong đợi cao vời, Phao-lô có đủ năng quyền để bắt phục và giải cứu chính tội nhân cầm đầu. Ông sẵn sàng thuyết phục họ với giọng nói dõng dạc tại chính phiên tòa xét xử mình, và mong đợi Vua Agrippa, “quan quản cơ và các người tôn trưởng trong thành” bỏ vương miện và quỳ gối trước Vua vinh hiển (Công Vụ Các Sứ Đồ 25:23). Nếu giáo phái Chứng Nhân Giê-hô-va dám đi truyền giáo từng nhà, và tin rằng họ sứ điệp của họ có thể mang đến sự cứu rỗi trong chốc lát – vậy tại sao những nhân chứng thật sự của Đức Giê-hô-va lại không thể làm như vậy?

“Cứu rỗi là công việc của tôi, không phải của Chúa.”

Sự tái sinh không phải là kết quả của một mối quan hệ tốt đẹp giữa Cơ Đốc nhân và người ngoại. Những cuộc trò chuyện, cà phê tán gẫu, những trận bóng hay việc giúp đỡ lẫn nhau không có năng quyền khiến một người từ cõi chết sống lại. Sự cứu rỗi bây giờ và mãi mãi là công việc tối cao của Đức Chúa Trời Toàn Năng. Khi nghe Chúa Jêsus giải thích điều này, Ni-cô-đem rất bối rối và kinh ngạc: “Các ngươi phải sanh lại” (Giăng 3:4).

  • Tôn trọng ta và các phép lạ ta thôi là chưa đủ – ngươi phải được tái sinh.
  • Nỗ lực của bản thân không thể giúp ngươi thấy nước Đức CHúa Trời. Ngươi cũng không thể nỗ lực để được tái sinh tâm linh, giống như không thể lựa chọn sự ra đời thể xác của mình. 
  • Thánh Linh giống như gió, không ai có thể kiểm soát. Và nếu đã đọc kỹ Kinh thánh, ngươi sẽ không ngạc nhiên về điều này.

Đêm đó, Chúa Jêsus đã khiến Ni-cô-đem bối rối, nhưng điều này lại khuyến khích chúng ta trong công việc truyền giảng Tin Lành. Mặc dù yếu đuối, liều lĩnh, hay vụng về đến đâu, nhưng qua Phúc Âm, Đức Chúa Trời có thể và chắc chắn sẽ cứu rỗi – có thể qua một mối quan hệ nhiều năm, và cũng có thể chỉ qua những cuộc trò chuyện ngắn gọn, ngẫu nhiên. Cuộc đời của Ni-cô-đem chứng tỏ những gì có thể xảy ra sau một cuộc trò chuyện không mấy thoải mái (Giăng 7:50–51; 19: 38–40).

‘Quan hệ cá nhân làm cho việc truyền giáo dễ dàng hơn.’

Càng ít suy nghĩ về truyền giáo ngắn hạn, chúng ta càng ít có khả năng truyền giáo dài hạn hơn. Nếu ngay từ đầu bạn đã không xưng mình là Cơ Đốc nhân, thì về sau lại càng khó bày tỏ. Sau này, bạn sẽ luôn cảm thấy kỳ quặc khi cố giới thiệu một sự thật lớn lao như vậy về bản thân mình. Cứ như thế, người ta sẽ thấy rằng dường như Chúa Jêsus không thực sự quan trọng với bạn.

“Chúng ta đã quen nhau một thời gian, nhưng tôi có bao giờ nói với bạn điều quan trọng nhất đối với với tôi chưa? Tôi tin rằng một thợ mộc Do Thái bị giết chính Đức Chúa Trời bằng xương bằng thịt, và là Đấng thực hiện kế hoạch của Đức Chúa Trời dành cho thế giới. Ngài hiện đang sống, ngồi trên ngai thiên đàng và sẽ sớm trở lại để phán xét thế giới trong sự công bình!”

Thông thường, nếu ban đầu chúng ta càng tỏ ra thẳng thắn (ngay trong cuộc trò chuyện đầu tiên nếu có thể), thì càng về sau, việc bắt chuyện nói về Chúa Jêsus càng dễ dàng hơn. Và hãy nhớ, chúng ta có đặc quyền chia sẻ hy vọng, chứ không có trách nhiệm phải biến đổi một người bằng kỹ năng thuyết phục của mình. Cứu rỗi là công việc của một mình Đức Chúa Trời mà thôi.

Xin cho con cơ hội!

Tôi không công kích việc truyền giáo dựa vào “mối quan hệ” hoặc “tình bạn”. Dù sao thì Phao-lô cũng sẽ thuyết phục được vua Ạc-ríp-ba không sớm thì muộn. Quan điểm của tôi là truyền giáo dài hạn không phải phương pháp duy nhất, cũng không phải là lý do hợp lý để bỏ bê việc truyền giáo ngắn hạn. Bất chấp những tuyên bố như “niềm tin phải được xây dựng dựa trên mối quan hệ lâu dài”, hãy nhớ rằng lẽ thật Phúc Âm không chỉ phát triển trong những mối quan hệ bền chặt, và Phúc Âm sẽ chẳng đi đến đâu nếu không ai chịu chia sẻ.

Một trưởng lão trong Hội Thánh nói với tôi rằng: “Tôi cầu nguyện xin Chúa mỗi ngày cho tôi gặp một người để chia sẻ về Chúa Jêsus, và trong 50 năm qua, Ngài chưa làm tôi thất vọng một lần nào.” Phao-lô là gương mẫu cho việc truyền bá Phúc Âm dạn dĩ, táo bạo, lịch sự, trong cả ngắn hạn và dài hạn. Hãy cầu nguyện điều này và đừng bỏ cuộc cho tới khi nào cơ hội đến.

Bài: Greg Morse; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www.desiringgod.org/articles/what-god-can-do-in-one-conversation)

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN