Chúa Jêsus đi trên mặt nước bằng cách nào? Làm sao Ngài có thể cho năm ngàn người ăn chỉ với 5 ổ bánh và 2 con cá? Chúa làm cho La-xa-rơ sống lại từ cõi chết như thế nào?
Nếu không nghiên cứu cẩn thận, nhiều Cơ Đốc nhân sẽ lập tức cho rằng: vì Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời! Đúng là như vậy, nhưng Kinh Thánh Tân Ước có trả lời theo cách này không? Theo các sách Phúc Âm, phép lạ của Chúa Jêsus cho thấy Ngài là Đức Chúa Trời, nhưng trong bản thể con người, cách Ngài làm những phép lạ này không đơn giản như chúng ta vẫn nghĩ.
Đặc biệt, Kinh Thánh nhiều lần làm chứng về sự hiện diện của Đức Thánh Linh trong cuộc đời Đấng Christ. Đấng Thần Nhân có thực sự cần Đức Thánh Linh không, nếu Ngài làm mọi phép lạ chỉ nhờ thần tính của mình?
Khi nghiên cứu về mối quan hệ của Đức Thánh Linh và Đức Chúa Con trong nhân tính Ngài, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về Chúa Jêsus (và các sách Phúc Âm), cũng như ngạc nhiên về ân điển Đấng Christ ban cho chúng ta qua món quà Thánh Linh.
Chúa Jêsus và Thánh Linh
Trước tiên, hãy nghiên cứu các phân đoạn Kinh Thánh nói về “Thần học Thánh Linh” – để nhận biết tầm quan trọng của Thánh Linh và công việc Ngài trong bản thể và công việc của Đấng Christ.
Sinclair Ferguson quan sát 3 “giai đoạn” trong cuộc đời Đấng Christ, qua đó chúng ta có thể nhận biết mối quan hệ của Đức Thánh Linh với Đức Chúa Con. Các giai đoạn đó là:
- Thụ thai, ra đời và trưởng thành
Đức Thánh Linh hiện diện khi thiên sứ thông báo cho cả Ma-ri và Giô-sép. Khi Ma-ri hỏi rằng một trinh nữ như mình sẽ thụ thai và sinh con trai bằng cách nào, “Thiên sứ truyền rằng: Đức Thánh Linh sẽ đến trên ngươi, và quyền phép Đấng Rất Cao sẽ che phủ ngươi dưới bóng mình, cho nên con thánh sanh ra, phải xưng là Con Đức Chúa Trời” (Lu-ca 1:35). Sách Ma-thi-ơ cũng tường thuật tương tự về trường hợp của Giô-sép, khi Đức Thánh Linh hiện diện rõ ràng trong lời thông báo của thiên sứ (Ma-thi-ơ 1:18,20).
Tuy nhiên, Thánh Linh không chỉ hiện diện rõ ràng khi Đấng Christ được thụ thai và sinh ra, mà Ê-sai đã nói tiên tri cụ thể về Thánh Linh vào bảy thế kỷ trước: “Thần của Đức Giê-hô-va sẽ ngự trên Ngài, tức là thần khôn ngoan và thông sáng, thần mưu toan và mạnh sức, thần hiểu biết và kính sợ Đức Giê-hô-va” (Ê-sai 11:2).
Chúa Jêsus thành Na-xa-rét chính là “một chồi sẽ nứt lên từ gốc Y-sai” (Ê-sai 11:1), và “thần khôn ngoan và thông sáng” đã ngự trên Ngài ngay từ khi Ngài “vừa nghe vừa hỏi” trong đền thờ năm 12 tuổi. “Ai nấy nghe, đều lạ khen về sự khôn ngoan và lời đối đáp của Ngài” (Lu-ca 2:47–48).
Ngay trong thời thơ ấu, khi Chúa Jêsus “khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn, càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta” (Lu-ca 2:52), thì không chỉ tự một mình Ngài, mà luôn có Thánh Linh là “bạn đồng hành không thể tách rời”.
- Báp têm, Cám dỗ và Chức vụ
Lời Ê-sai tiên tri về Đấng được xức dầu bởi Thánh Linh một lần nữa ứng nghiệm, khi Chúa Jêsus bắt đầu chức vụ công khai bằng việc làm phép Báp-têm. Giăng Báp-tít, người dọn đường cho Ngài nói về Báp-têm Thánh Linh sắp đến, điều mà ông đã đoán trước khi làm phép Báp-têm bằng nước (Lu-ca 3:16). Nhưng trên hết, trước khi làm phép Báp-têm cho người khác trong Thánh Linh, chính Chúa Jêsus đã là Đấng trỗi hơn hết thảy. “Vả, khi hết thảy dân chúng đều chịu phép báp-têm, Đức Chúa Jêsus cũng chịu phép báp-têm. Ngài đương cầu nguyện thì trời mở ra, Đức Thánh Linh lấy hình chim bồ câu ngự xuống trên Ngài; lại có tiếng từ trên trời phán rằng: Ngươi là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đường” (Lu-ca 3:21–22; Ma-thi-ơ 3:16).
Khi Chúa Jêsus bắt đầu chức vụ công khai, Thánh Linh ngự xuống trên Ngài, đầy dẫy trên lời kêu gọi độc nhất dành cho Ngài, và tiếng nói từ trời cao vang đến Đấng được xức dầu trong Thi thiên 2 và Người đầy tớ trong Ê-sai 42. Người đầy tớ – và Đức Chúa Con – không chỉ được hưởng đặc ân hoàn hảo của Đức Chúa Trời, mà Đức Giê-hô-va còn nói rằng: “Ta đã đặt Thần ta trên người” (Ê-sai 42:1).
Sau đó Chúa Jêsus đến nơi đồng vắng đầy dẫy Thánh Linh. Ngài không chỉ “được Thánh Linh đưa đến” (Lu-ca 4:1; Ma-thi-ơ 4:1) nơi đồng vắng, mà như Mác tường thuật, “Tức thì Đức Thánh Linh giục Ngài đến nơi đồng vắng” (Mác 1:12). Đây không phải là rút lui phòng vệ, nhưng là tiến lên trong cuộc chiến, để chạm trán với kẻ thù và giành lại lãnh thổ.
Khi Đấng Christ trở lại, chiến thắng thử thách trong đồng vắng nhờ quyền năng Thánh Linh (Lu-ca 4:14) – Ngài đến Ga-li-lê và quê hương Na-xa-rét. Trong nhà hội, họ trao cho Ngài cuộn sách Ê-sai, và hành động công khai đầu tiên sau khi Ngài làm phép Báp-têm là gì? Ngài bắt đầu đọc Ê-sai 61:1: “Thần của Chúa ngự trên ta…” (Lu-ca 4:18).
Sau đó, chức vụ của Chúa Jêsus sang trang mới. Bởi Thánh Linh, Ngài công bố Tin Lành cho người nghèo, mang tự do cho những người bị giam cầm, làm sáng mắt kẻ mù, bênh vực người bị áp bức, và truyền ra năm lành của Chúa (Lu-ca 4:18–19; Ê-sai 61:1–2). Chúa Jêsus làm chứng rằng “ta cậy Thánh Linh của Đức Chúa Trời để trừ quỉ” (Ma-thi-ơ 12:28). Bởi Thánh Linh, Ngài giảng dạy với thẩm quyền phi thường. Con Người hoàn toàn phụ thuộc hoàn toàn vào Cha – Ngài đến chẳng phải để làm theo ý Ngài, nhưng làm theo ý Đấng đã sai Ngài đến (Giăng 6:38). Và sau này Phi-e-rơ sẽ kể câu chuyện của Ngài cho dân ngoại: “Đức Chúa Trời đã xức cho Đức Chúa Jêsus ở Na-xa-rét bằng Đức Thánh Linh và quyền phép” (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:38).
Theo Giăng 3:34: “Vì Đấng mà Đức Chúa Trời đã sai đến thì rao truyền lời của Đức Chúa Trời, bởi Đức Chúa Trời ban Thánh Linh cho Ngài không chừng mực”.
- Thương khó, Phục sinh và Thăng thiên
Qua công việc của Thánh Linh trong thời thơ ấu và chức vụ của Chúa Jêsus, chúng ta có thể trông đợi rằng Thánh Linh cũng sẽ hiện diện khi Ngài chết, sống lại và thăng thiên. Theo Hê-bơ-rơ 9:14, Chúa Jêsus hiến thân vì tội lỗi nơi thập tự giá “nhờ Đức Thánh Linh đời đời”. Khi Chúa Jêsus cứng rắn hướng mặt về Giê-ru-sa-lem, cưỡi lừa vào thành, đối mặt với các thầy thông giáo và người Pha-ri-si, cầu nguyện “kêu lớn tiếng khóc lóc” ở Ghết-sê-ma-nê (Hê-bơ-rơ 5:7), Ngài đều được Đức Thánh Linh xức dầu, nâng đỡ và thêm năng lực đến cùng.
Khi phục sinh, Chúa Jêsus “được Đức Thánh Linh xưng là công bình” (1 Ti-mô-thê 3:16). Phao-lô viết trong Rô-ma 1:4, Chúa Jêsus “được tỏ ra là Con Đức Chúa Trời có quyền phép, tức là Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta”. Ngài hứa sẽ đến và ban báp têm Thánh Linh (Công Vụ Các Sứ Đồ 1:5,8), Chúa Jêsus thăng thiên (Công Vụ Các Sứ Đồ 1:9) để được tôn vinh bên hữu Đức Chúa Trời, từ đó Ngài sẽ đổ đầy Thánh Linh trên những người tin Ngài (Giăng 7:37–39; Công Vụ Các Sứ Đồ 2:2–4, 17,33). Khi đó, Phi-e-rơ sẽ rao giảng: “Hãy hối cải, ai nấy phải nhân danh Đức Chúa Jêsus chịu phép báp-têm, để được tha tội mình, rồi sẽ được lãnh sự ban cho Đức Thánh Linh” (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:38). Rốt cuộc, tiếp nhận Đấng Christ nghĩa là tiếp nhận Thánh Linh, và ngược lại.
Thực tế, Đức Thánh Linh đã trở thành “bạn đồng hành không thể tách rời” với Đấng Christ, đến nỗi chúng ta thấy sự gắn bó nổi bật giữa Chúa Jêsus và Thánh Linh trong các thư của Phao-lô (1 Cô-rinh-tô 15:45; 2 Cô-rinh-tô 3: 17–18). Giờ đây, không chỉ là “Thánh Linh của Đức Chúa Jêsus” (Phi-líp 1:19; Công Vụ Các Sứ Đồ 16:7), mà việc ở trong Đấng Christ và đầy dẫy Đức Thánh Linh cũng tương quan mật thiết với nhau, như trong Rô-ma 8:9–11: Cơ Đốc nhân “có Thánh Linh của Đấng Christ,” và trong Thánh Linh, “Đức Chúa Jêsus … ở trong anh em”.
Chúa Jêsus không gian lận
Trở lại câu hỏi ban đầu: Làm sao Chúa Jêsus có thể đi trên mặt nước, hóa bánh ra nhiều và khiến kẻ chết sống lại? Kinh Thánh Tân Ước làm chứng quá rõ ràng về việc Đức Thánh Linh là “bạn đồng hành không thể tách rời” và là nguồn sức mạnh thiêng liêng của Đấng Christ. Chúa Jêsus, Đấng Thần Nhân, cần Đức Thánh Linh. Ngài nhập thể, trở thành một con người trọn vẹn. Sự thật Ngài là Ngôi Hai trong Ba Ngôi không thể cung cấp mọi quyền năng thiêng liêng cho Đấng Christ con người. Đúng hơn, Ngài làm việc qua trung gian là Đức Thánh Linh.
Nói cách khác, hành động duy nhất Đức Chúa Con trực tiếp thực hiện là hợp nhất bản chất con người với chính Ngài khi nhập thể. Mark Jones viết: “Mọi hành động khác dựa trên bản chất con người của Đấng Christ đều đến từ Đức Thánh Linh. Đấng Christ đã làm phép lạ nhờ quyền năng Đức Thánh Linh, chứ không trực tiếp bởi quyền năng thiêng liêng của Ngài”. Jones cũng nhận xét: “Sự vâng phục của Đấng Christ nơi thế gian phải là vâng phục thực sự. Chúa không gian lận bằng cách dựa vào thần tính Ngài khi sống như A-đam thứ hai”. Đức Thánh Linh đã đồng hành, chu cấp và cưu mang Đức Chúa Con trong bản chất con người, từ lúc thụ thai cho đến thời thơ ấu, đến thánh chức, đến thập tự giá và phục sinh, và bây giờ Ngài đang ngồi bên hữu Đức Chúa Trời trong vinh quang.
Thánh Linh Đấng Christ trong chúng ta
Thần học Thánh Linh chứng tỏ nhân tính chân chính của Đấng Christ. Không chỉ để chúng ta bắt chước cuộc sống Ngài, Chúa Jêsus còn đánh đổi cuộc sống con người hoàn hảo của Ngài để chuộc lấy chúng ta là những người tội lỗi. Ngoài ra, học hỏi về tầm quan trọng của Thánh Linh đối với thần tính Đấng Christ giúp chúng ta hiểu biết Kinh Thánh. Từ Ê-sai, đến Phúc âm, Công Vụ Các Sứ Đồ, và các sách Thư Tín, Lời Chúa nhiều lần nhấn mạnh quyền năng của Thánh Linh là bạn đồng hành không thể tách rời của Đấng Christ. Nếu muốn biết và hiểu Lời Chúa, chúng ta nên hiểu rõ ý nghĩa của cụm từ “bởi Thánh Linh”.
Cuối cùng, Thần học Thánh Linh cho thấy điều có thể xảy ra với chúng ta, bởi cùng một Thánh Linh đang ngự trị trong lòng bạn và tôi. Tôi không nhấn mạnh việc chúng ta là công cụ để Thánh Linh thể hiện quyền năng phi thường (mặc dù chúng ta có thể trông đợi điều này), nhưng quan trọng nhất là sự thánh khiết và niềm vui thiêng liêng. Chúa Jêsus đã, đang và mãi là độc nhất. Quyền năng Thánh Linh trong cuộc sống phàm trần của Ngài thể hiện Ngài là Đức Chúa Trời độc nhất. Chúng ta được ban cho cùng một Thánh Linh – Đấng đã trao năng quyền cho Thần Nhân Jêsus, qua sự chết hy sinh và phục sinh đắc thắng, với tên gọi “Thánh Linh của Đức Chúa Jêsus” (Công Vụ Các Sứ Đồ 16:7). Ngài không chỉ làm việc qua chúng ta, mà còn ở trong chúng ta (Rô-ma 8:9,11; 2 Ti-mô-thê 1:14). Ngài đã được ban cho chúng ta (Lu-ca 11:13; Giăng 7: 38–39; Công-vụ 5:32; 15: 8; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 4: 8). Chúng ta đã tiếp nhận Ngài (Giăng 20:22; Công vụ 2:38; 8:15, 17, 19; 10:47; 19: 2; Rô-ma 5: 5; 8:15; 1 Cô-rinh-tô 2:12; 2 Cô-rinh-tô 5: 5; 1 Giăng 3:24), để tôn vinh Đức Chúa Con (Giăng 16:14).
Quyền năng Đức Chúa Trời qua Thánh Linh ngày càng biến đổi chúng ta. Chúng ta là đền thờ Ngài, cả cá nhân và tập thể (1 Cô-rinh-tô 3:16; 6:19). Và ngày đó sẽ đến, khi chúng ta cùng Đấng Christ trị vì trong vinh quang, đầy dẫy Thánh Linh, để hưởng sự sống đời đời trong Đức Chúa Trời.
Bài: David Mathis; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www.desiringgod.org/articles/did-jesus-need-the-spirit)