Bài 31: Cầu Xin Chúa Thêm Thợ Gặt
Ma-thi-ơ 9:37-38
Ngài bèn phán cùng môn đồ rằng: Mùa gặt thì thật trúng, song thợ gặt thì ít. Vậy, hãy cầu xin chủ mùa gặt sai thợ gặt đến trong đồng lúa của Ngài.
Chúa Giê-xu thường dạy môn đệ là phải cầu nguyện và cầu nguyện như thế nào, nhưng ít khi Ngài dạy họ cầu nguyện cho vấn đề gì. Vì vấn đề cầu nguyện tùy thuộc vào ý thức về nhu cầu và sự chỉ đạo của Thánh Linh. Nhưng trong các câu vừa đọc chúng ta thấy Chúa bảo họ rõ ràng vấn đề cầu nguyện. Khi nhìn vào đồng lúa chín vàng, người ta phải lo gặt và phải xin chủ ruộng gọi thêm thợ gặt. Cũng như lời dạy về kiên trì xin bánh cho bạn vào lúc nửa khuya, Chúa muốn dạy họ việc cầu nguyện này không phải cho lợi ích riêng, nhưng là xin phước hạnh cho người khác. Cha là chủ mùa gặt, nên khi chúng ta cầu nguyện là xin Thánh Linh chuẩn bị và đưa thợ gặt vào đồng lúa.
Vấn đề kỳ lạ là tại sao Chúa bảo các môn đệ cầu nguyện như thế? Tại sao chính Ngài không cầu nguyện, vì lời cầu xin của Ngài chẳng hiệu nghiệm hơn của các môn đệ sao? Còn Chúa Cha, chắc hẳn đã biết mùa gặt cần thợ gặt chứ, tại sao Ngài không sai thợ gặt đến để làm việc mà lại cần môn đệ cầu nguyện?
Những câu hỏi đó đưa chúng ta vào những huyền nhiệm của việc cầu nguyện, và quyền năng của Nước Đức Chúa Trời. Trả lời cho những câu hỏi này sẽ thuyết phục chúng ta rằng cầu nguyện thực sự là một sức mạnh trong đó thực sự việc thu lúa trong mùa gặt và Nước Đức Chúa Trời hầu đến đều phải trông chờ.
Cầu nguyện không phải là một hình thức hay trình diễn. Chúa Giê-xu chính là chân lý, và những gì Ngài dạy đều chân thật. Đúng là khi Chúa nhìn thấy đoàn dân đông đảo, Ngài động lòng thương xót, vì thấy họ như chiên không có người chăn, mà Chúa bảo môn đệ cầu xin chủ mùa gặt đưa thêm thợ gặt vào đồng lúa để gặt. Chúa dạy như thế vì Ngài thực sự tin rằng lời cầu nguyện của họ rất là cần thiết, và có thể giúp giải quyết vấn đề.
Bức màn che khuất thế giới vô hình đối với chúng ta lại như trong suốt đối với tâm hồn của Chúa Giê-xu. Chúa nhìn sâu vào cái quan hệ về nhân và quả trong thế giới tâm linh.
Ngài từng ghi lại trong Kinh thánh cách thức mà Chúa kêu gọi những người như Áp-ra-ham, Môi-se, Giô-suê, Sa-mu-ên, và Đa ni-ên, và cách nào Ngài ban cho họ uy quyền để kêu gọi sức mạnh từ trời trợ giúp họ khi họ cần. Ngài biết đối với những nhân vật ấy, và với chính Ngài một thời gian trên mặt đất, đã được giao thác công việc của Đức Chúa Trời, và bây giờ Ngài sắp trao cho các môn đệ. Chúa biết rằng khi công việc này giao cho họ thì không phải là hình thức hay một cuộc trình diễn, nhưng thành công hoàn toàn tuỳ thuộc vào sự trung tín hay không trung tín. Chính vì vậy mà Chúa dạy họ khởi đầu bằng cách cầu nguyện, và khi bắt tay vào việc Chúa giao, thì phải lưu ý ưu tiên về việc cầu xin rằng: Xin Chúa mùa gặt sai thợ gặt đến đồng lúa của Ngài. Chúa là Đấng giao phó công việc cho họ, và khiến phần lớn công việc họ phải gánh vác, lại cho họ thẩm quyền để cầu xin Ngài sai thợ gặt đến giúp căn cứ vào lời cầu nguyện của họ.
Đồng lúa trần gian đã chín vàng, nghĩa là nhiều người trên đời đang sẵn sàng nghe Tin Mừng để được cứu, nhưng con dân Chúa không mấy ai làm việc chứng đạo, lại cũng ít người quan tâm đến việc truyền giáo, làm sao có người tin Chúa được.
Nhiều người than rằng đạo Tin Lành ở Việt nam sao lúc nào cũng chỉ là thiểu số, nhưng mỗi ngày có bao nhiêu người cầu nguyện xin Chúa sai người đi truyền giáo, và bao nhiêu người quan tâm đến việc trợ giúp cho các mục sư, truyền đạo, truyền đạo tình nguyện hay các chứng đạo nhân? Chúng ta phải nhận rằng mình đã bỏ qua lời dạy: Hãy cầu xin chủ mùa gặt sai thêm thợ gặt. Và chính chúng ta cũng không bao giờ nói cho ai biết Tin Lành là gì và Chúa Giê-xu là ai?
Chúa cho chúng ta là con dân Chúa cái quyền kêu cầu Chúa sai thợ gặt đến đồng lúa Việt Nam để đem vô số linh hồn người Việt về cùng Chúa, nhưng chúng ta vẫn lo cầu nguyện những vấn đề khác. Tại sao lời kêu gọi hay lệnh truyền của Chúa không mấy ai tuân hành?
Có lẽ vì chúng ta không thương dân tộc. đồng bào của mình?
Có lẽ vì chúng ta quá bận rộn những công tác khác?
Có người không cầu nguyện vì chính người ấy đã là thợ gặt.
Nhưng lúc ấy Chúa truyền lệnh cho các môn đệ của Ngài là những người đang đi truyền giáo và sẽ thay thế Chúa khi Chúa thăng thiên.
Mệnh lệnh cầu xin thêm thợ gặt lúc nào cũng phải thi hành, vì đồng lúa đã chín từ lâu rồi.
Sở dĩ chúng ta phải cầu nguyện xin thêm thợ gặt, vì nếu không sẽ không kịp rao báo tin mừng cho mọi người chung quanh mình. Thứ hai là chúng ta phải có tình thương như Chúa khi ấy. Chúa động lòng thương đoàn người chưa biết Chúa và chưa biết phước hạnh từ Chúa ban cho khi tin nhận Ngài.
Tuy nhiên, khi cầu xin Cha ban thêm thợ gặt không có nghĩa là chỉ thêm mục sư hay truyền đạo, nhưng là thêm những người làm chứng, truyền giáo. Trước tiên là nhiều người tham gia lớp học Kinh Thánh, trở thành những người biết rõ lời Chúa và chia sẻ lời Chúa trong nhà thờ giữa các nhóm tráng niên, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.
Việc chia sẻ lời Chúa như thế chính là gặt lúa trên cánh đồng mà nhiều người chưa biết. Vì ngay trong hội thánh vẫn có những người mới tin Chúa, chưa biết rõ giáo lý căn bản hay chưa hiểu và áp dụng lời Chúa trong đời.
Muốn tránh các nan đề trong hội thánh, việc đầu tiên là phải tổ chức các lớp học lời Chúa cho mọi lớp tuổi. Đây là khâu đầu tiên trong việc truyền giáo và mở rộng nứơc Chúa.
Khi con dân Chúa thấm nhuần lời Chúa thì việc truyền giáo dễ tham gia hơn vì Lời Chúa sẽ thúc đẩy mọi người nói cho người khác biết về Chúa.
Trên đất nước chúng ta có nhiều người âm thầm truyền giáo, chúng ta cần nối kết và hỗ trợ. Nhưng công nhân ngày nay rất đông đảo đi xa làng thôn để đến công trường làm việc nhiều khi hằng năm trời. Chúng ta nên tổ chức những buổi họp mặt đển truyền giảng Tin Lành cho họ.
Nhiều nơi con dân Chúa đang tham gia việc này và cứu nhiều bạn trẻ. Đây cũng là một đồng lúa chín vàng mà chưa đủ thợ gặt.
Viện Thánh Kinh Thần học thuộc Hội Thánh Tin Lành Miền Nam được phép tổ chức lớp học từ tháng 2 năm 2003.
Kết quả khóa đầu tiên (2003-2006) có 50 sinh viên tốt nghiệp và phục vụ Chúa trong các nhà thờ.
Khóa thứ hai (2005-2009) 100 sinh viên đã tốt nghiệp tháng Ba năm 2009.
Khóa thứ Ba (2007-2011) có 115 sinh viên đang thực tập tại các hội thánh và trở về trường tốt nghiệp năm 2011.
Khóa thứ Tư (2009-2013) khai giảng tháng Ba năm 2009 với 100 sinh viên nam nữ, sẽ tốt nghiệp năm 2013.
Hiện nay, sau các khóa học đầu tiên, đã có 150 truyền đạo và sinh viên tập sự trong các nhà thờ, nhưng bấy nhiêu vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của Hội Thánh Miền Nam.
Cuối quý 3 năm 2006, Tổng Liên Hội Miền Nam đã khởi công xây dựng Viện Thánh Kinh Thần Học trong một khu đất tại phường Bình Trưng Đông, thuộc Quận Hai TP HCM. Việc xây dựng Viện Thánh Kinh Thần học là một công trình lớn của Hội Thánh để đào tạo người truyền đạo cho hiện tại và tương lai. Công trình này tốn kém hàng triệu đô-la và vẫn chưa hoàn tất. Đây là một trong những vấn đề mà con dân Chúa phải quan tâm, cầu nguyện, và dâng giúp. Con dân Chúa phải trực tiếp cầu nguyện và đóng góp cho công tác sớm hoàn tất, vì trong sáu năm đầu, Viện Thánh Kinh Thần Học vẫn phải dùng tạm cơ sở của nhà thờ Sài Gòn và không có cư xá cho sinh viên.
Ngoài cơ sở, con dân Chúa cũng phải quan tâm đến việc chu cấp học bổng cho sinh viên. Vì học phí và chi phí ăn ở cũng như di chuyển của sinh viên cũng tốn hàng chục triệu đồng mỗi khóa. Hơn nữa, trong các khóa học còn có các sinh viên người dân tộc từ Bắc, Trung Nam về học, họ hoàn toàn trong nhờ vào học bổng. Nếu nghĩ đến cánh đồng chín vàng tại Việt Nam mà không lo cho thợ gặt được đào tạo đầy đủ, là một thiếu sót vô cùng to lớn.
Lời cầu xin Cha ban cho thêm thợ gặt vào đồng lúa chín vàng ở Việt Nam không đơn giản, như đã trình bày ở trên. Vì chúng ta phải thực tế nhìn vào cánh đồng và tình hình kinh tế của Viện Thánh Kinh Thần học cũng như hàng trăm sinh viên nam nữ đang theo học hay sẽ gia nhập trong những khóa tiếp theo. Cầu xin Chúa tiếp trợ, nhưng chính chúng ta phải tham gia và tích cực đóng góp, vì công việc này là xây dựng hội thánh tương lai và đem tin mừng cho hàng chục triệu đồng bào chưa biết Chúa.
Thưa quý độc giả, những tiếng than rằng người Tin lành vẫn là thiểu số có thể thay thế bằng lời cầu xin Chúa sai thêm thợ gặt đến trong đồng lúa chín vàng. Tuy nhiên thợ gặt cần phải được đào tạo ít nhất là bốn năm để có thể bắt tay vào việc, trong khi đó việc đào tạo cần cơ sở, giáo sư sinh viên và nhất là tài chính để chu toàn mọi nhu cầu. Đây chính là nhiệm vụ của mỗi tín hữu Việt Nam ở trong nước cũng như ngoài nước. Vì Chúa dạy chúng ta hãy cầu xin Cha sai thợ gặt đến trong đồng lúa đang chín vàng tại đất nước chúng ta.
Phương Pháp Cầu Nguyện
Nguyễn Sinh Biên Soạn