Thứ tư, Tháng mười 30, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
Homec/Tài LiệuBài Học Kinh ThánhBài 9: Nguyên Tắc Căn Bản Của Cuộc Đời Người Tin Chúa

Bài 9: Nguyên Tắc Căn Bản Của Cuộc Đời Người Tin Chúa

Bài 9: Nguyên Tắc Căn Bản Của Cuộc Đời Người Tin Chúa

Cô-lô-se 3:1-4

Vậy nếu anh em được sống lại với Đấng Christ, hãy tìm các sự ở trên trời, là nơi Đấng Christ ngồi bên hữu Đức Chúa Trời. Hãy ham mến các sự ở trên trời, đừng ham mến các sự ở dưới đất; vì anh em đã chết, sự sống mình đã giấu với Đấng Christ trong Đức Chúa Trời. Khi nào Đấng Christ, là sự sống của anh em, sẽ hiện ra, bấy giờ anh em cũng sẽ hiện ra với Ngài trong sự vinh hiển.

Thông thường người ta hay tránh nói chuyện về cái chết, nhất là trực tiếp với người đối thoại hay trao đổi với mình. Lý do là ai cũng sợ chết và không muốn cái chết ám ảnh mình làm cho bi quan. Tuy nhiên trong đạo Chúa thì chết là một đề tài quan trọng. Có thể nói, đề tài quan trọng nhất của thần học Tin Lành là chết. Cái chết của Chúa Giê-xu đã khai sáng ra một nền thần học mới chủ yếu là về sự chuộc tội cho nhân loại và mở lối cho mọi người trở về với Đấng Tạo Hóa.

Trong thư Cô-lô-se chương ba, Sứ đồ Phao-lô mở đầu với ba từ quan trọng, đó là: sống lại, chết và hiện ra. Cả ba từ này đều quan hệ đến cái chết. Tuy nhiên đây không phải là cái chết của thân xác, và là chết về con người cũ, về bản chất.

Sứ đồ Phao-lô cũng nói về ba hình ảnh của người tin Chúa trong tương quan với Chúa Cứu Thế Giê-xu, đó là: Sống lại với Đấng Christ, giấu mình với Đấng Christ trong Đức Chúa Trời và hiện ra với Đấng Christ.

Tuy nhiên có hai lời khuyên người tin Chúa, là: Hãy tìm các sự ở trên trời; và Hãy ham mến các sự ở trên trời.

Chủ đề chính của bốn câu đầu tiên trong chương thứ ba là Nguyên tắc căn bản của cuộc đời người tin Chúa. Tiền đề của lý luận về nguyên tắc căn bản của cuộc đời người tin Chúa là người ấy đã chết. Thường thì chết là chấm dứt, là cắt đứt, là mở sang một trang mới.

Tại đây sứ đồ Phao-lô không nói về cái chết thông thường đó, nhưng nói về cái chết của bản chất cũ, của con người cũ. Cái chết này thật sự mở vào một con đường hoàn toàn mới với nhân sinh quan hoàn toàn khác hẳn.

Chúa Giê-xu đã chết trên thập giá cách đây hơn 2000 năm, nhưng cái chết của Ngài có quan hệ đến mỗi người trên trần gian. Vì cái chết đó là sinh lộ cho nhân loại. Đó là sinh tế chuộc tội để mỗi người bằng lòng tin thì được tha tội, được tái tạo và sống một cuộc đời mới. Nhưng tin Chúa cũng có nghĩa là bằng lòng từ bỏ con người cũ, cam kết theo Chúa trung tín và giữ niềm tin cho đến cuối cùng. Tin Chúa Giê-xu chính là đồng ý về cái chết hi sinh chuộc tội của Ngài và bằng lòng chôn vùi tất cả quá khứ để cùng sống lại với Chúa trong đời sống mới.

Trong câu 1. Sứ đồ Phao-lô nói về sống lại với Đấng Christ. Nói như thế có nghĩa là đã cùng với Đấng Christ chết trên thập tự. Phải có chết thì mới sống lại được. Nếu anh em được sống lại với Đấng Christ Hay là Một khi anh em đã được sống lại với Đấng Chrsit. Đây là chuyện đã xẩy ra thực sự. Người tin Chúa không phải chỉ là theo đạo và giữ lời dạy của Chúa. Nhưng như thế thì thật sự không khác gì theo bất cứ tôn giáo nào trong đời. Vì trên nguyên tắc, tôn giáo nào cũng dạy ăn ở ngay lành và theo những nguyên tắc đạo đức.

Trong đạo Chúa khác hẳn. Tin Chúa là bằng lòng chết cho được tha tội và sống lại trong con người mới. Đây không phải là việc tu hành, nhưng là phối hợp với Chúa Cứu Thế. Bằng lòng tin Chúa Cứu Thế nghĩa là cùng chết với Ngài, cùng sống lại với Ngài.

Chúa Cứu Thế sau khi từ cõi chết sống lại, đã thăng thiên, ngồi bên cạnh Đức Chúa Trời như trước khi Ngài giáng trần. Tuy nhiên đây là hình ảnh vinh quang sau khi hoàn tất công nghiệp cứu chuộc nhân loại. Người tin Chúa cùng sống lại với Chúa nhưng vẫn còn trên mặt đất, vì vậy dễ sao nhãng tầm nhìn về Chúa Cứu Thế và bận tâm đến những gì tạm bợ trong đời. Chính vì vậy mà lời khuyên của sứ đồ Phao-lô ở đây là: Nếu đã thật sự được chết và sống lại với Chúa qua niềm tin, thì không thể tìm kiếm những điều hay sự việc thuộc về cõi tạm này nữa, mà phải tập trung tầm nhìn vào Chúa và tìm những giá trị cao quý ngoài trần gian này.

Trên thực tế, lời khuyên này bảo ta làm gì? Tìm các sự ở trên trời. Trong nguyên văn là tìm các điều trên cao. Sứ đồ Phao-lô muốn nói đến việc từ bỏ những gì thuộc về tham dục, tham vọng cá nhân ích kỷ mà chú tâm vào những điều thánh khiết, chân thực. Quan trọng hơn cả là noi gương Chúa Giê-xu, có nghĩa là tạo thói quen suy nghĩ về những điều xây dựng thương yêu, đức tin, hi vọng và những phẩm tính của một con người mới. Khi làm như thế, tất nhiên là phải từ bỏ những thói xấu, những tội lỗi mà một người thường dễ phạm.

Câu thứ hai : Hãy ham mến các sự ở trên trời, đừng ham mến các sự ở dưới đất

Ham mến trong nguyên văn là định hướng tâm trí vào. Tức là cố tình, chuyên tâm về các giá trị trên cao mà tránh xa những đam mê trong trần thế. Sống ở dưới đất mà hướng lòng về trời là một điều khó. Khác nào bông sen mọc giữa bùn nhơ. Tuy nhiên đó là thực tế của cuộc đời mỗi người tin Chúa.

Câu thứ ba: vì anh em đã chết, sự sống mình đã giấu với Đấng Christ trong Đức Chúa Trời.

Sứ đồ Phao-lô lý luận tại sao lại phải đặt tầm nhìn vào những giá trị cao cả thuộc về Chúa. Vì người tin Chúa đã có cam kết là bằng lòng chết bản ngã, con người cũ của mình.

Câu này cũng giải thích rõ như thế nào là chết với Chúa Cứu Thế, đó là đã giấu sự sống trong Chúa Giê-xu. Đây là nói về một quan hệ tâm linh của người tin Chúa. Tin Chúa là đưa sự sống của mình hợp một với Chúa. Ta tin Chúa không phải chỉ được an ninh về tội ác, nhưng còn được có quan hệ tâm linh với Chúa nữa. Đây cũng là kinh nghiệm khác hẳn người theo các tôn giáo khác. Vì tất cả đều chỉ tôn thờ các đối tượng, nhưng người tin Chúa được hợp một với Chúa Giê-xu và Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu ở trong Đức Chúa Trời vì thế ta ở trong Chúa Giê-xu cũng là ở trong Đức Chúa Trời.

Câu thứ tư: Khi nào Đấng Christ, là sự sống của anh em, sẽ hiện ra, bấy giờ anh em cũng sẽ hiện ra với Ngài trong sự vinh hiển.

Tại sao phải chú trọng về những việc trên cao? Một lý luận sau cùng của sứ đồ Phao-lô là: Những ai tin Chúa sẽ hi vọng cùng với Chúa xuất hiện trong ngày cuối cùng.

Đấng Christ là sự sống của anh em. Trong thư Ga-la-ti, sứ đồ Phao-lô nói rằng: Chúa Cứu Thế là sự sống của ông. Tại đây ông nói: Chúa Cứu Thế là sự sống của anh em.

Chúa Giê-xu được Kinh Thánh gọi là sự sống, nguồn sống. Người tin Chúa là người đã chết cuộc đời tội ác, tăm tối của mình và bằng lòng nhận Chúa Giê-xu là sự sống. Vì thế ta sống là sống bằng sự sống của Chúa. Nhiều người tin Chúa hay quên điểm này, vì thế nên mới lăn lộn trở lại trong vũng bùn tội ác. Nếu Chúa là sự sống của tôi, chắc chắn tôi không thể phạm tội và làm những gì đáng chê trách trong đời.

Bài học trong các câu này là:

Người tin Chúa cần ý thức rằng: Mình đã có cam kết với Chúa về sự chết của con người cũ, đã sống lại, đã được giấu mình trong sự sống với Chúa, và sẽ cùng với Chúa hiện ra trong vinh quang ngày sau. Vì thế phải hướng về những giá trị trên cao, nơi Chúa ngự trị.

Khi tin Chúa, ta có sự sống của Chúa thay đổi con người ta. Ta phải tự chế để giữ mãi trung tín và yêu mến Chúa cho đến khi gặp Ngài.

Nguyễn Sinh

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN