Thứ Tư, Tháng Tư 17, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
Homec/Tài LiệuNghiên Cứu Kinh ThánhCách Kinh Thánh phác họa Đức Thánh Linh

Cách Kinh Thánh phác họa Đức Thánh Linh

Chúa là Đấng chúng ta không thể hiểu được. Trong khi chúng ta có thể thực sự biết Ngài (bởi vì Chúa bày tỏ chính Ngài cho chúng ta), chúng ta không bao giờ có thể hiểu hết về Ngài. Ngài là Đức Chúa Trời Ba Ngôi vô hạn, vĩnh cửu; do đó Ngài tự bày tỏ bản thân theo những cách thức phù hợp với khả năng của chúng ta. Như một nhà thần học đã nói: Đức Chúa Trời nói tiếng người với con người, và điều này giúp chúng ta có khả năng hiểu biết thực sự về Đức Chúa Trời.

Mặc dù vậy, đôi khi chúng ta vẫn phải đấu tranh để biết Chúa. Điều này đặc biệt đúng với khi nói đến kiến thức của chúng ta về Đức Thánh Linh.

Khi nói về Đức Chúa Cha, chúng ta có một nền tảng cụ thể để khai thác. Tất cả chúng ta đều có những người cha trên đất (dù tốt hay xấu), và do đó, chúng ta có một khởi điểm để tương tác với Đức Chúa Trời – Cha trên trời. Tương tự như vậy, khi nói đến Đức Chúa Con, chúng ta có nền tảng cụ thể về sự nhập thể. Đức Chúa Con đã xuống thế làm người để cứu rỗi chúng ta. Các sách Phúc Âm vẽ nên một bức tranh tuyệt đẹp về Chúa Jêsus – Đấng Mê-si – là Đức Chúa Trời trọn vẹn và cũng là con người trọn vẹn. Điều này cho phép chúng ta được đến với Ngài.

Nhưng Đức Thánh Linh rất khó hiểu, thậm chí hơi trừu tượng. Mặc dù biết và ca ngợi Ngài là Đấng thiêng liêng, chúng ta vẫn phải đấu tranh tìm kiếm một cơ sở cụ thể để hiểu được Ngài. Chúa Jêsus nói với chúng ta rằng khi Đức Thánh Linh đến, “Ngài sẽ làm sáng danh ta” (Giăng 16:14). Nói cách khác, công việc cơ bản của Đức Thánh Linh trong giao ước mới là làm sáng danh Chúa Jêsus.

Tuy nhiên, Kinh Thánh cũng cung cấp một số hình ảnh giúp chúng ta hiểu rõ hơn về đặc tính của Đức Thánh Linh.

Gió, Hơi thở, Tinh thần

Chính danh xưng Đức Thánh Linh (trong tiếng Hy Lạp là pneuma) kết nối Ngài với gió, hơi thở và tinh thần. Gió là luồng không khí di chuyển ảnh hưởng đáng kể đến thế giới, trong khi vẫn vô hình. Trong Giăng 3, Chúa Jêsus nói rằng chúng ta phải nhờ Thánh Linh mà sanh (Giăng 3:5). Ngài tiếp tục nói rằng: “Gió muốn thổi đâu thì thổi, ngươi nghe tiếng động; nhưng chẳng biết gió đến từ đâu và cũng không biết đi đâu. Hễ người nào sanh bởi Thánh Linh thì cũng như vậy” (Giăng 3:8). Nhờ điều này, chúng ta biết Thánh Linh theo cách chúng ta biết đến gió – bởi tác động của Ngài.

Giống như gió, hơi thở là không khí chuyển động vô hình – lần này là sinh khí nuôi sống cơ thể. Đức Chúa Trời hà sinh khí vào A-đam, thì người trở nên một loài sanh linh (Sáng thế ký 2:7). Trong Giăng 20:22, Chúa Jêsus hà hơi trên các môn đồ và nói: “Hãy nhận lãnh Đức Thánh Linh.” Nhờ đó, chúng ta biết công việc của Thánh Linh khi xem xét cách hơi thở vận hành ra vào để nuôi sống cơ thể vật lý của chúng ta.

Từ “pneuma” cũng đề cập đến tinh thần – tính cách bề trong của một người. Chúa Jêsus ban phước cho những ai “có lòng khó khăn” (Ma-thi-ơ 5:3). Phi-e-rơ mô tả tính cách của người nữ tin kính: “sự trang sức bề trong giấu ở trong lòng, tức là sự tinh sạch chẳng hư nát của tâm thần dịu dàng im lặng” (1 Phi-e-rơ 3:4). Tinh thần giống như một khuynh hướng vô hình trong tâm linh, có khả năng chi phối những hành động hữu hình của chúng ta.

Sông nước, Dầu, Chim bồ câu

Ngoài những điều này, Kinh Thánh còn cung cấp một số hình ảnh bổ sung giúp chúng ta hiểu hơn về Thánh Linh và công việc Ngài. Trong Giăng 7, Chúa Jêsus mô tả Thánh Linh như một dòng sông chảy ra từ cuộc đời những người theo Ngài.

“Ai tin ta, như lời Kinh Thánh đã nói: “Kẻ nào tin ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy từ trong lòng mình, y như Kinh Thánh đã chép vậy. Ngài phán điều đó chỉ về Đức Thánh Linh mà người nào tin Ngài sẽ nhận lấy; bởi bấy giờ Đức Thánh Linh chưa ban xuống, vì Đức Chúa Jêsus chưa được vinh hiển” (Giăng 7:38–39)

Chúng ta có thể kết nối “sông” trong Giăng 7 với “sông nước sự sống” trong Khải Huyền 22, “từ ngôi Đức Chúa Trời và Chiên Con chảy ra. Ở giữa phố thành” (Khải Huyền 22:1–2). Phố thành là Giê-ru-sa-lem Mới, Cô Dâu của Đấng Christ, Hội Thánh của Đức Chúa Trời hằng sống. Như vậy, Đức Thánh Linh là sông nước hằng sống chảy từ Chúa Jêsus đến dân Ngài, và chảy từ dân Ngài ra khắp thế gian để chữa lành các dân tộc. Đây là con sông mà “dòng nước nó làm vui thành Đức Chúa Trời; là nơi thánh về chỗ ở của Đấng Chí Cao” (Thi thiên 46:4), con sông “phước lạc của Chúa” và “nguồn sự sống ở nơi Chúa” (Thi thiên 36:8–9).

Việc liên kết Đức Thánh Linh với sông nước hằng sống cũng gợi nhớ đến việc Thánh Linh được “đổ ra” trên dân Ngài (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:33;10:45; Rô-ma 5:5; Tít 3:6), dân Đức Chúa Trời được “đầy dẫy” Thánh Linh (Ê-phê-sô 5:18), và chúng ta được làm báp-têm Thánh Linh khi làm báp-têm trong nước (Mác 1:8; Công Vụ Các Sứ Đồ 1: 5; 1 Cô-rinh-tô 12:13).

Ngoài nước, Kinh Thánh kết nối Đức Thánh Linh với “dầu” dùng để phong chức các thầy tế lễ và các vị vua trong Cựu Ước. Đa-vít nhận được Thánh Linh khi Sa-mu-ên xức dầu cho ông trong 1 Sa-mu-ên 16:12–13. Cả Ê-sai và Phi-e-rơ trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ đều nhắc điều này khi mô tả về Đấng Mê-si.

“Thần của Chúa Giê-hô-va ngự trên ta; vì Đức Giê-hô-va đã xức dầu cho ta, đặng giảng tin lành cho kẻ khiêm nhường” (Ê-sai 61:1)

“Đức Chúa Trời đã xức cho Đức Chúa Jêsus ở Na-xa-rét bằng Đức Thánh Linh và quyền phép” (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:38)

Cuối cùng, Kinh Thánh kết nối Đức Thánh Linh với hình ảnh loài chim, đặc biệt là chim bồ câu. Thánh Linh “bay là là” như chim trên mặt nước vào buổi đầu sáng thế (Sáng thế ký 1:2 BDY). Và nổi bật nhất, Thánh Linh ngự xuống trên Chúa Jêsus “như chim bồ câu” tại Thánh lễ báp-têm của ngài (Ma-thi-ơ 3:16; Giăng 1:32–33).

Chúa đang vận hành 

Khi kết nối những hình ảnh này lại với nhau, chúng ta sẽ thấy tầm quan trọng của sự vận hành trong các mô tả về Thánh Linh. Thánh Linh thổi như gió, hít thở như không khí vào ra phổi, chảy như nước sông, bay lượn và ngự xuống như chim trời. Một số hình ảnh (gió, hơi thở và tinh thần) vừa biểu thị khả năng vô hình của Thánh Linh, vừa là bằng chứng không thể chối cãi về sự hiện diện của Ngài.

Hơn thế nữa, nếu xem xét chi tiết những hình ảnh này, chúng ta thấy có mối liên hệ với cuộc sống, tình yêu, thỏa lòng và niềm vui của Đức Chúa Trời. “Có một ngọn sông, dòng nước nó làm vui thành Đức Chúa Trời” (Thi thiên 46:4). “Sự yêu thương của Đức Chúa Trời rải khắp trong lòng chúng ta bởi Đức Thánh Linh đã được ban cho chúng ta” (Rô-ma 5:5). Khi tôi tớ Chúa được xức dầu bằng Thánh Linh Đức Chúa Trời, thì Ngài “ban dầu vui mừng thay vì tang chế, ban áo ngợi khen thay vì lòng nặng nề” (Ê-sai 61:3).

Không có gì đáng ngạc nhiên vì Thánh Linh kết nối chặt chẽ với tình yêu thương của Đức Chúa Trời trong suốt Kinh Thánh. 1 Giăng 4 chép rằng “Đức Chúa Trời là sự yêu thương” (1 Giăng 4:8), “ai ở trong sự yêu thương, là ở trong Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời ở trong người ấy” (4:12; 4:16). “Bởi điều nầy chúng ta biết mình ở trong Ngài và Ngài ở trong chúng ta, là Ngài đã ban Thánh Linh Ngài cho chúng ta” (4:13; 4:18). Đức Chúa Trời, tình yêu thương và Đức Thánh Linh gắn kết chặt chẽ với nhau như thế. 

Thi-thiên 36:7–9 ví con tình yêu bền vững của Đức Chúa Trời với hình ảnh “bóng cánh”, sự dư dật của nhà Chúa với “nước sông phước lạc”:

“Hỡi Đức Chúa Trời sự nhân từ Chúa quý biết bao!

 Con cái loài người nương náu mình dưới bóng cánh của Chúa.

 Họ nhờ sự dư dật của nhà Chúa mà được thỏa nguyện;

 Chúa sẽ cho họ uống nước sông phước lạc của Chúa.

 Vì nguồn sự sống ở nơi Chúa;

 Trong ánh sáng Chúa chúng tôi thấy sự sáng”.

Thánh Linh của Chú rể – Cô dâu

Tất cả những điều này đạt đến cực điểm trong Lễ báp-têm của Chúa Jêsus. Con Đức Chúa Trời nhập thể đang ở giữa dòng sông đầy ắp nước. Ngài được làm báp-têm trong dòng nước đó, và Thánh Linh ngự xuống trên Ngài như chim bồ câu (các phân đoạn khác cũng gọi là xức dầu). Và rồi Đức Chúa Trời Cha phán qua hơi thở, liên kết mọi hình ảnh lại với nhau bằng những lời rõ ràng: “Nầy là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng” (Ma-thi-ơ 3:16–17).

Phép Báp-têm của Chúa Jêsus là khởi đầu của cao trào. Kinh Thánh được Thánh Linh soi dẫn hướng mắt chúng ta về Đấng Christ nhập thể. Sau đó, Thánh Linh dẫn Chúa Jêsus vào đồng vắng để thử thách, rồi đưa Ngài trở lại Y-sơ-ra-ên để thông báo về Vương quốc Đức Chúa Trời hầu đến. Thánh Linh của Đức Chúa Trời ban năng quyền cho Chúa Jêsus trong chức vụ và thêm sức cho Ngài trên Con đường Khổ nạn. Dòng nước này chảy mạnh đến nỗi tràn lên con dốc, khi Chúa Jêsus lê bước lên đồi Gô-gô-tha với thập tự giá nặng trĩu trên lưng. Và Thánh Linh thổi qua ngôi mộ trống, để Chúa Jêsus – A-đam thứ hai – trở thành Đấng ban sự sống.

Giờ đây, chính Đức Thánh Linh này đang tuôn đổ trên dân sự Đức Chúa Trời, chảy vào đời sống chúng ta với tình yêu và niềm vui Ngài, và chảy ra từ cuộc sống chúng ta để phục vụ người khác hiệu quả. Thánh Linh và Cô Dâu – Chim bồ câu của Đức Chúa Trời và Hội Thánh yêu dấu của Đấng Christ cùng cất tiếng nói với Chú rể trên trời: “Xin hãy đến!”

Bài: Joe Rigney; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www.desiringgod.org/articles/invisible-and-unmistakable)

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN