“Bạn có sẵn sàng chấp nhận rủi ro không?” Đây là câu hỏi quan trọng trong sự nghiệp, bởi vì nếu không chấp nhận rủi ro, chúng ta sẽ không thể nào phát triển.
Trong khi tính cách của một số người khiến họ thường xuyên đối mặt với rủi ro, thì nhiều người chỉ chấp nhận rủi ro trong sự nghiệp khi không còn cách nào khác. Tình trạng thất nghiệp do COVID-19 khiến người lao động mất công việc ổn định và phải tìm kiếm việc làm thay thế. Sự nghiệp ổn định nay bị soán ngôi bởi những bất ổn và rủi ro trong cuộc sống hàng trăm triệu người.
Điểm tích cực duy nhất trong đại dịch COVID-19 là: hoàn cảnh bất an khiến chúng ta suy ngẫm và nhận ra điều thật sự quan trọng trong cuộc sống. Đức tin, gia đình và sức khỏe đứng đầu danh sách. Nhưng sự nghiệp cũng quan trọng. Không chỉ mang lại thu nhập, công việc mang lại cảm giác hài lòng và ích lợi cho cuộc sống. Bạn sẽ trả lời những câu hỏi sau thế nào:
- Công việc này có phù hợp với tôi không?
- Công việc này có phù hợp với những kỹ năng và năng khiếu của tôi không?
- Công việc này là một ơn gọi hay chỉ đơn thuần là một công việc?
- Tôi có tin vào sứ mệnh của công ty mình không?
- Tôi có hào hứng trở thành một phần của công ty này không?
- Tôi đang phát triển hay trở nên trì trệ trong công việc?
- Và, quan trọng nhất, Chúa kêu gọi tôi làm gì vào thời điểm này? Tôi có sẵn sàng chấp nhận rủi ro để theo Ngài không?
Kinh Thánh cung cấp những nguyên tắc liên quan đến lời Chúa kêu gọi, và những rủi ro chúng ta phải chấp nhận để thực hiện lời kêu gọi đó. Trong Ma-thi-ơ 25, Chúa Jêsus kể dụ ngôn về các ta-lâng: ba người đầy tớ được ban cho số ta-lâng khác nhau để làm lợi ra khi chủ đi vắng. Người đầu tiên được ban cho 5 ta-lâng, người thứ hai được 2 ta-lâng và người thứ ba được 1 ta-lâng. Hai người đầu tiên hẳn đã đối mặt với nhiều rủi ro, nhưng vẫn thành công và nhân đôi số ta-lâng của chủ. Người chủ rất hài lòng. Nhưng người đầy tớ thứ ba đã sợ hãi che giấu ta-lâng của mình. Cuối cùng, chủ giận dữ tước đi ta-lâng của ông và trao cho người đầy tớ đầu tiên.
Chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra nếu 2 đầy tớ đầu tiên không thành công như vậy. Liệu người chủ có nổi giận khi 2 đầy tớ này thất bại, như đã nổi giận với đầy tớ thứ ba vì giấu nhẹm ta-lâng không? Không, tôi nghĩ người chủ sẽ khuyến khích họ rút kinh nghiệm từ thất bại lần này và thử lại.
Vì Chúa là Chủ và chúng ta là đầy tớ, nên có những nguyên tắc về việc chấp nhận rủi ro mà chúng ta cần học hỏi:
(1) Chúng ta phải chấp nhận rủi ro để tận dụng hết số ta-lâng mà Chúa ban cho chúng ta. Những rủi ro Chúa kêu gọi chúng ta chấp nhận có thể là tài chính, thể chất, tâm lý, chẳng hạn như đi ngược lại kỳ vọng của người khác dành cho mình, bị hiểu lầm, sống trong bất ổn và mơ hồ về tương lai.
(2) Những rủi ro Chúa kêu gọi chúng ta chấp nhận sẽ luôn quy vinh hiển cho Ngài.
(3) Sống theo tiếng gọi và theo đuổi ước mơ Chúa ban đòi hỏi chúng ta phải chấp nhận những rủi ro lớn trên đường đi.
(4) Chúng ta phải chế ngự nỗi sợ hãi để có thể làm những gì Chúa kêu gọi.
(5) Ghi nhớ động lực làm việc: mọi việc chúng ta làm đều được Chúa ghi nhận!
Những rủi ro Chúa kêu gọi bạn chấp nhận là gì? Bạn có cảm thấy Chúa đang kêu gọi bạn:
- Viết một quyến sách;
- Lập một doanh nghiệp;
- Lấy bằng đại học;
- Nghiên cứu bất động sản;
- Phục vụ cộng đồng;
- Du lịch nhiều hơn;
- Làm việc tại nhà;
- Khích lệ người khác bằng cách hướng dẫn và tâm tình;
- Khám phá công việc mới vận dụng năng khiếu và sở thích của bạn
- …
Những hoài bão, mục tiêu và tiếng gọi từ Chúa – những điều vĩ đại như Ngài – đòi hỏi phải có quyền năng Chúa để đạt được thành công. Chúng ta sẽ bị đẩy khỏi vùng an toàn và buộc phải đối diện với nhiều rủi ro. Hoài bão đủ lớn sẽ khiến đời sống cầu nguyện của chúng ta tăng trưởng, khi nhận ra rằng mình không thể thành công nếu không có quyền năng Chúa giúp sức trong những ước mơ, mục tiêu và ơn gọi của chúng ta.
Bài: Kevin và Kay Marie Brennfleck; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www1.cbn.com/are-you-taking-enough-risks-your-career)