Thứ hai, Tháng mười hai 2, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
Homec/Tài LiệuNghiên Cứu Kinh ThánhHãy để Chúa Jêsus giải phóng bạn khỏi suy nghĩ phải làm...

Hãy để Chúa Jêsus giải phóng bạn khỏi suy nghĩ phải làm vừa lòng người khác

Trong vở nhạc kịch Broadway Hamilton, Aaron Burr là một bậc thầy về nghệ thuật lấy lòng người. Anh ta luôn thích nghi với môi trường của mình, tránh né mọi cuộc tranh cãi và nhờ đó leo lên tới Thượng viện. Ngay từ đầu, anh ta đã khuyên một Hamilton bốc đồng, cố chấp, ngổ ngáo “hãy nói ít đi và cười nhiều hơn. Đừng để họ biết cậu ủng hộ hay phản đối điều gì cả”. Nếu Hamilton học theo cách sống này của Burr, anh ấy sẽ có ít kẻ thù chính trị hơn. Nhưng anh ấy cũng sẽ không thể phục vụ nước Mỹ tốt như anh đã làm rồi.

Mặc dù khó để chúng ta thừa nhận điều này nhưng nhiều người trong chúng ta cũng sống theo kiểu của Burr. Chúng ta mong mỏi sự chấp nhận từ con người. Vấn đề là, việc làm hài lòng người khác chỉ giúp chúng ta có được sự bình yên bề ngoài. Và điều đó sẽ bị thay đổi dựa theo những tiêu chuẩn của xã hội. Khi chúng ta cố đánh đổi niềm tin, lối sống và lựa chọn của mình để có được nhiều nụ cười, lượt thích hoặc những sự đồng thuận hơn, sẽ không ai biết chúng ta là ai. Quan trọng hơn, sẽ không ai biết chúng ta thuộc về ai. Trong Chúa Jêsus Christ, chúng ta được cứu để có được thứ tuyệt vời hơn nhiều so với việc làm hài lòng mọi người.

Không còn tìm kiếm sự chấp nhận từ con người

Chúng ta không thể làm hài lòng tất cả mọi người và chúng ta cần nhận ra điều đó càng sớm càng tốt. Những nỗ lực của chúng ta để làm mọi người hài lòng và tránh làm họ phật ý bởi niềm tin hoặc sự lựa chọn của chúng ta là vô ích và mất công. Nếu có điều gì tốt đẹp được rút ra ở đây từ văn hóa độc hại này thì nó là việc chúng ta nhận ra mình không thể làm hài lòng tất cả mọi người, và chúng ta cần ngừng cố gắng làm điều đó.

Cố gắng làm vừa lòng người khác là giống như ở tù. Nó ngăn chúng ta nói sự thật với bạn bè vì sợ đụng chạm. Nó ngăn cản chúng ta rao giảng Phúc Âm cho những người chống lại Tin Lành. Nó cám dỗ chúng ta thỏa hiệp với niềm tin của mình và tuân thủ các quy tắc do con người tạo ra để tránh bị phán xét. Nó khiến chúng ta cố gắng để hòa nhập với nhiều nền văn hóa khác nhau thay vì chấp nhận được Lời Chúa uốn nắn.

Khi cố gắng để được người khác chấp nhận, chúng ta quên rằng Đức Chúa Trời đã chấp nhận chúng ta qua Đấng Christ. Là những người được Đức Chúa Trời chấp nhận, chúng ta được kêu gọi bước đi trong tự do (Ga-la-ti 5: 1). Thay vì bị nô lệ bởi suy nghĩ ​​và kỳ vọng của người khác, chúng ta sẽ vui vẻ làm theo và vâng lời Đức Chúa Trời, Đấng dẫn dắt chúng ta bằng sự dịu dàng, kiên nhẫn và tình yêu thương. Khi chúng ta tìm được sự bình an của mình từ việc được Ngài công nhận, chúng ta sẽ chẳng còn cần phải đuổi theo bất kỳ điều gì khác nữa.

Được phép có kẻ thù (miễn là chúng ta yêu họ)

Bất cứ ai thuộc về Đấng Christ nhất định phải đối mặt với sự chống đối. Nếu thế gian ghét Ngài, thì họ cũng sẽ ghét chúng ta (Giăng 15: 18–20). Chúng ta theo bước một Đấng Cứu Rỗi bị người ta khinh thường và khước từ. Mặc dù Chúa Jêsus đầy ân điển và lẽ thật, Ngài vẫn bị vu khống và buộc tội. Dù đã chữa lành cho nhiều người, Ngài vẫn bị nhiều người khác căm ghét. Mặc dù vô tội, Ngài vẫn bị kết án trên thập tự giá. Mặc dù rao giảng tin mừng, Ngài lại bị chế giễu vì làm điều đó. Chúng ta có nên mong chờ điều gì khác biệt khi theo Ngài không?

Winston Churchill từng nói: “Bạn có kẻ thù? Tốt. Điều đó có nghĩa là bạn đã đứng lên vì một điều gì đó, vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời của bạn.” Tất nhiên, điều quan trọng là chúng ta gây thù chuốc oán với những lý do chính đáng. Đây không phải là lý do chính đáng để tỏ ra kiêu căng hay lên mình hoặc phán xét. Là những người được kêu gọi sản sinh ra bông trái Thánh Linh, cuộc sống của chúng ta phải được đánh dấu bằng tình yêu thương, sự kiên nhẫn, lòng nhân từ, sự dịu dàng và tiết độ (Ga-la-ti 5: 22–23).

Nếu chúng ta yêu mến lẽ thật một cách hết lòng giữa một thế giới của chủ nghĩa tương đối, tìm kiếm công lý trong một thế giới áp bức, và bày tỏ lòng thương xót trong một thế giới của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, chúng ta chắc chắn sẽ gây thù chuốc oán. Dẫu vậy, sự cứu chuộc của Đức Chúa Trời mang lại sự đảm bảo. Ngài ban phước cho những ai bị ghét bỏ vì Danh Ngài — chẳng có khó khăn hay hoạn nạn nào có thể chia cắt chúng ta khỏi tình yêu của Ngài.

Được tự do để phục vụ

Ngay cả khi chúng ta không còn tìm kiếm sự chấp thuận từ người khác, chúng ta vẫn được kêu gọi để hy sinh vì người khác. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta phải phân biệt giữa việc phục vụ người khác bằng tình yêu thương và việc bị bắt làm nô lệ cho sự chấp thuận của họ.

Nếu chúng ta phục vụ để làm vừa lòng mọi người, chúng ta sẽ bị kiệt sức. Chúng ta sẽ không ngừng lo lắng về những gì người khác nghĩ về chúng ta. Chúng ta cố gắng làm cho mọi người hài lòng và dùng hết sức lực để đáp ứng những yêu cầu mà chúng ta không thể làm được. Sự phục vụ của chúng ta có thể xuất phát từ động cơ lấy người khác làm trung tâm, nhưng khi chúng ta muốn làm vừa lòng mọi người, nó sẽ biến chúng ta thành trung tâm.

Mặc dù nghe có vẻ ngượng ngạo, được tự do khỏi việc cố làm hài lòng mọi người là thứ giúp chúng ta phục vụ người khác một cách tốt nhất. Nó cho phép chúng ta phục vụ vì niềm vui thay vì từ nỗi sợ. Nó cho phép chúng ta bắt chước Chúa Jêsus thay vì phấn đấu để được người khác công nhận.

Phao-lô có những cách tiếp cận khác nhau khi ông tiếp cận với người Do Thái và dân ngoại. Ông viết cho các tín đồ Cô-rinh-tô: “Tôi đã trở nên mọi cách cho mọi người để có thể cứu được vài người, không cứ cách nào. Tôi làm mọi sự vì Tin Lành để có thể cùng chia sẻ phước hạnh của Tin Lành.”(1 Cô 9: 22–23). Chuyện gì đang xảy ra vậy?

Thoạt nhìn, “trở nên mọi cách cho mọi người” nghe có vẻ như Phao-lô đang mệt mỏi lê bước trên con đường làm vừa lòng mọi người. Nhưng thực ra không phải vậy. Phao-lô ý thức rõ sự tự do mà ông có trong Đấng Christ. Ông không dung hợp các nguyên tắc Kinh Thánh với các tập tục văn hóa để khiến bản thân “được người khác chấp nhận”. Ông không lo lắng về việc liệu người Do Thái và dân ngoại có thừa nhận ông hay không. Thay vào đó, bởi vì được tự do, Phao-lô chọn cách kiểm soát hành động của mình để giảm thiểu những rào cản có thể làm người khác bị phân tán khỏi Phúc Âm hoặc sự vinh hiển của Đấng Christ.

Khi Chúa Jêsus Christ chọn chúng ta làm của riêng Ngài, thì Ngài dành ban cho chúng ta những thứ tự ưu tiên mới và quan trọng hơn là chuyện làm vừa lòng người ta. Ngài mời gọi chúng ta sống vì vinh quang của Ngài chứ không phải của chúng ta. Ngài muốn chúng ta tận hưởng sự công nhận của Ngài, thay vì theo đuổi sự thừa nhận từ người khác. Ngài giải phóng chúng ta để chúng ta hầu việc Ngài, tôn thờ Ngài và thỏa nguyện nơi Ngài luôn luôn.

Bài: AMY DIMARCANGELO; dịch: Vĩnh An
(Nguồn: https://www.thegospelcoalition.org/article/free-people-pleasing/)

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN