Chủ Nhật, Tháng mười hai 15, 2024
No menu items!

Mục sư NGUYỄN HỮU PHIÊN

MỤC SƯ NGUYỄN HỮU PHIÊN

(1910 – 1981)

Đà Nẵng là nơi Giáo sĩ truyền đạo Tin Lành khởi đầu chức vụ truyền giáo vào năm 1911. Các giáo sĩ đầu tiên đã dành nhiều năm để học tiếng Việt và bắt đầu giao dịch truyền giáo cho người Việt. Người dân Tourane, tức là Đà Nẵng, gọi họ là những “người giảng đạo Hoa-kỳ” và tò mò tìm hiểu.

Năm 1919, có ba công chức người Việt thuộc Sở Thương Chánh Hải cảng Tourane đến gặp giáo sĩ E.F. Irwin để hỏi đạo và muốn biết cặn kẽ. Họ đã được ông Irwin tiếp vào giờ nghỉ trưa để học đạo mỗi ngày, để sau đó về sở làm việc. Một trong ba công chức này là ông Nguyễn Hữu Thành, đã tin nhận Chúa sau đó. Ông Thành là một trong những người Việt đầu tiên tin Chúa tại Tourane. Ông Nguyễn Hữu Thành vì được huân chương Hồng Lô Tự Thiếu Khanh của Nam Triều, nên thường được gọi là ông Hường Thành.

Sau khi tin Chúa, ông Thành xin vào học khóa đoản kỳ của Trường Kinh Thánh Tourane để được hiểu rõ về Kinh Thánh. Ông nhận thấy việc mình làm ở Sở Thương Chánh (Thuế quan) Tourane không mấy xứng hợp cho người tin Chúa, vì nhân viên thuế quan rất dễ ăn hối lộ và làm việc gian trá, nên ông đã xin nghỉ hưu sớm hơn tuổi hưu và trở thành người tự nguyện làm chứng về Chúa. Sau đó ông cũng đã lần lượt đưa hai con trai và hai con gái vào học Trường Kinh Thánh, đó là các ông Nguyễn Hữu Khanh, Nguyễn Hữu Phiên và các bà  Nguyễn Thị Biên, Nguyễn Thị Mai.

Ông Nguyễn Hữu Khanh tốt nghiệp Trường Kinh Thánh Tourane năm 1927, khóa học đầu tiên của Trường này. Ông trở thành Mục sư phục vụ Chúa tại miền Nam trong nhiều năm, sau đó được bổ nhiệm làm Mục sư cho Việt Kiều tại Campuchia trong nhiều năm.

Bà Nguyễn Thị Biên cũng học Trường Kinh Thánh và kết hôn với Mục Sư Dương Nhữ Tiếp, cũng tốt nghiệp khóa đầu tiên của trường cùng với Mục Sư Nguyễn Hữu Khanh. Mục Sư Dương Nhữ Tiếp từng là Hội Trưởng của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam và đã phục vụ Chúa ở Bắc Trung và Nam bộ.

Bà Nguyễn Thị Mai học Trường Kinh Thánh sau đó kết hôn với Mục Sư Lê Khắc Lưu, phục vụ Chúa tại miền Bắc.

Riêng Mục Sư Nguyễn Hữu Phiên, ông sinh năm 1910. Thân sinh là ông Nguyễn Hữu Thành. Ông được trưởng dưỡng trong một gia đình tin kính Chúa. Ông vào học trường Kinh Thánh Đà Nẵng và tốt nghiệp năm 1935. Ông kết hôn với cô Lê Thị Cưỡng khi học năm thứ ba Trường Kinh Thánh. Cô Lê Thị Cưỡng là em của Mục Sư Lê Văn Long và Mục sư Lê Văn Thái.

Lạng Sơn. Sau khi tốt nghiệp, Truyền đạo Nguyễn Hữu Phiên bắt đầu chức vụ tại Lạng Sơn, miền Bắc. Ông xây cất nhà thờ Lạng Sơn năm 1937. Lúc ấy, ông bà giáo sĩ Van Hine cũng cộng tác trong việc truyền giáo cho các làng sắc tộc Thổ, Mán (Dao),… tại khu vực Lạng Sơn.

Gia đình Mục sư Nguyễn Hữu Phiên tại Lạng Sơn năm 1935

Thái Bình. Sau 9 năm phục vụ tại Lạng Sơn, năm 1943,  Truyền đạo Nguyễn Hữu Phiên được thuyên chuyển về Hội Thánh Thái Bình thay cho Mục Sư Huỳnh Kim Luyện được thuyên chuyển đi Hải Phòng.

Khả Cảnh – Kiến Xương – Thái Bình. Năm 1946, trong giai đoạn tiêu thổ kháng chiến, Truyền đạo Nguyễn Hữu Phiên và gia đình phải tản cư về làng Khả Cảnh – huyện Kiến Xương – Thái Bình. Hội Thánh tại đây đã có sẵn mấy sào đất để làm nhà giảng và tư thất cho người quản nhiệm.

Hải Dương. Năm 1950 Truyền đạo Nguyễn Hữu Phiên hồi cư về Hà nội và được bổ nhiệm đến Hải Dương. Năm 1951, sau nhiều năm chiến tranh và tản cư, miền Bắc có 7 vị Truyền đạo được tấn phong Mục sư, trong số đó có Truyền đạo Nguyễn Hữu Phiên. Năm 1953 cũng là năm mà Nhà thờ Hải Dương được xây dựng và khánh thành.

Các vị Truyền đạo được tấn phong Mục sư năm 1951 tại nhà thờ Hà Nội. Mục sư Nguyễn Hữu Phiên đứng hàng thứ nhất, thứ hai từ phải sang.

Hải Phòng. Năm 1953 Mục sư Huỳnh Kim Luyện được thuyên chuyển đi Đà Lạt và Mục sư Nguyễn Hữu Phiên được bổ nhiệm đến Hải Phòng thay thế.

Sài Gòn. Năm 1954, đất nước bị chia đôi, một số đông tín hữu Tin Lành di cư vào Nam cùng với chín Mục Sư và Truyền Đạo. Mục sư Nguyễn Hữu Phiên vào Sài Gòn cộng tác với hai giáo sĩ D.I. Jeffrey trong việc rao giảng Phúc Âm cho tù nhân tại khám Chí Hòa.

Trương Minh Giảng – Sài Gòn. Năm 1957, Giáo sĩ D.I. Jeffrey mở một phòng đọc sách Tin Lành tại khu phố Trương Minh Giảng – Trương Tấn Bửu và sau đó mua căn phố 16 đường Trần Quang Diệu để làm nhà thờ. Năm 1957, Mục sư Nguyễn Hữu Phiên được mời làm quản nhiệm Hội Thánh Trương Minh Giảng. Năm 1962, Hội Thánh mua thêm căn phố kế cận, số 18 đường Trần Quang Diệu và số tín hữu gia tăng đến trên 250.

Cơ sở Tin Lành An Đông – Sài Gòn. Sau 15 năm phục vụ Chúa tại Hội Thánh Trương Minh Giảng, Mục Sư Nguyễn Hữu Phiên được bổ nhiệm làm Giám đốc Cơ quan Thánh Kinh Hàm Thụ tại cơ sở Tin Lành An Đông – Sài Gòn cho đến năm 1975.

Bà Mục sư Nguyễn Hữu Phiên về an nghỉ nơi nước Chúa năm 1974. Còn ông Mục Sư Nguyễn Hữu Phiên về an nghỉ nơi nước Chúa năm 1981, hưởng thọ 70 tuổi.

Ông bà Mục Sư Nguyễn Hữu Phiên sinh hạ tám con, bốn trai và bốn gái, trong số đó có bốn người theo gót ông bà phục vụ Chúa trong Hội Thánh và cơ quan truyền thông Tin Lành.

Trích từ “Tiểu Sử Người Hầu Việc Chúa” – Ủy ban Cơ đốc Giáo dục – HTTLVN (Miền Nam) phát hành.

 

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN