“Hãy đợi trong thành [Giê-ru-sa-lem] cho đến khi được mặc lấy quyền phép từ trên cao” (Lu-ca 24:49)
Các môn đồ phải ở lại trong thành Giê-ru-sa-lem và chờ cho đến ngày lễ Ngũ tuần, không những để họ có sự chuẩn bị riêng cho họ, nhưng vì họ cũng phải đợi cho đến khi Cưú Chúa được mặc lấy sự vinh hiển. Và liền khi ánh sáng của sự vinh hiển khoác lên Ngài, điều gì đã xảy ra? “Vậy sau khi Ngài đã được đem lên bên hưũ Đức Chúa Trời, và từ nơi Cha đã nhận lấy Đức Thánh Linh mà Cha đã hứa ban cho, thì Ngài đổ Đức Thánh Linh ra, như các ngươi đương thấy và nghe” (Công vụ 2:33). Lời dẫn giải trong Giăng 7:39 – “bởi bấy giờ Đức Thánh Linh chưa ban xuống, vì Đức Chúa Giê-su chưa được vinh hiển” – không có nghĩa dành cho chúng ta. Đức Thánh Linh đã được ban xuống; Cưú Chúa đã được mặc lấy sự vinh hiển – sự chờ đợi của chúng ta không tùy thuộc vào sự trù liệu của Đức Chúa Trời, nhưng tùy thuộc sự khoẻ mạnh thiêng liêng của riêng chúng ta.
Quyền năng và ảnh hưởng của Đức Thánh Linh đã vận hành trước lễ Ngũ tuần, nhưng Ngài không có tại đó. Một khi Cưú Chúa chúng ta đã được vinh hiển qua sự thăng thiên của Ngài, thì Đức Thánh Linh ngự xuống thế gian, và Ngài ở luôn tại đây từ giây phút đó. Chúng ta phải tiếp nhận lẽ thật đã được bày tỏ nầy – là Ngài đang ở tại đây. Thái độ tiếp nhận và chào đón Đức Thánh Linh vào đời sống chúng ta là một thái độ phải có liên tục không ngừng của một người tin đạo. Khi chúng ta tiếp nhận Đức Thánh Linh, tức là chúng ta tiếp nhận một đời sống mới ban cho bởi một Cưú Chúa đã thăng thiên trong vinh hiển.
Không phải sự chịu báp-têm của Đức Thánh Linh làm thay đổi mọi người, nhưng chính là quyền năng của Đấng Christ đã thăng thiên ngự vào đời sống của họ xuyên qua Đức Thánh Linh. Chúng ta rất thường hay tách rời các sự kiện mà Thánh kinh Tân ước không bao giờ tách rời chúng. Sự chịu báp-têm bởi Đức Thánh Linh không phải là một kinh nghiệm trừ ra là kinh nghiệm của Cưú Chúa Giê-su Christ – đây là chứng cớ của Đấng Christ đã thăng thiên.
Sự chịu báp-têm bởi Đức Thánh Linh không làm cho bạn suy nghĩ về vấn đề thời gian hay cõi đời đời – nhưng chính ngay bây giờ, một “bây giờ” kỳ diệu và rực rỡ, “Vậy, sự sống đời đời là nhìn biết Cha
” (Giăng 17:3). Hãy bắt đầu nhận biết Ngài ngay bây giờ, và không bao giờ chấm dứt sự hiểu biết đó.
-Nguồn: Trích sách “Tất Cả Của Tôi Cho Sự Cao Cả Của Ngài”- Oswald Chambers-