Tại Sao Họ Có Còn Tôi Thì Không?
Cuộc sống vốn không công bằng
Hào quang tỏa sáng qua các ân tứ là món quà có chủ đích Chúa ban cho mỗi người. Mọi tạo vật của Ngài đều được thừa hưởng ánh sáng ấy, và loài người còn nhận lãnh vinh quang gấp đôi.
“Chúa làm người kém Đức Chúa Trời một chút, Đội cho người sự vinh hiển và sang trọng” (Thi thiên 8:5). Vinh quang của loài người là ánh sáng vay mượn, phản chiếu, nhưng cũng là sự thật. Tuy nhiên, loài người lại “đổi vinh hiển của Đức Chúa Trời không hề hư nát lấy hình tượng của loài người hay hư nát” (Rô-ma 1:23).
Hào quang của sự thu hút, năng lực, trí thông minh, sắc đẹp, tài năng nghệ thuật, của cải, mối quan hệ – cho chúng ta cảm giác như đang chạm tới cánh cửa thiên đường đã khóa chặt. Và chúng ta phải đáp lại, qua sự ngưỡng mộ, thích thú, tôn thờ, nhưng cũng có thể là sợ hãi và căm ghét.
Có một cái tên cho nỗi sợ hãi và căm ghét ấy: đố kỵ.
Khao khát khiêm nhu
Đố kỵ tỉ lệ thuận với nỗi thèm khát của chúng ta. Không chỉ muốn tận hưởng vinh quang, chúng ta còn khao khát đắm chìm trong vinh quang do chính mình tạo ra.
Đây là một mong muốn tự nhiên. Khi thảo luận về vinh quang thiên đàng, C.S. Lewis chia sẻ rằng ông cảm thấy không thoải mái với “sự vinh hiển cao trọng đời đời, vô lượng vô biên” (2 Cô-rinh-tô 4:17) đang chờ chúng ta trên thiên đàng. Ông tự hỏi đây có thể là loại vinh hiển nào? Vì chúng ta không nên thèm muốn vinh quang, nhưng cũng phải khiêm tốn đúng mức. Nhưng cuối cùng, ông đã hiểu ra:
“Suốt những năm tháng qua, quan niệm sai lầm của tôi về sự khiêm tốn đã ngăn tôi thật sự hiểu được đâu là khao khát khiêm nhu và đơn sơ nhất của kẻ thấp hèn: khao khát của thú vật trước con người, của trẻ thơ trước cha mình, học trò trước thầy mình, một sinh vật trước Đấng Tạo Hóa mình.”
Loài người được tạo ra để “tôn vinh Đức Chúa Trời và vui hưởng Ngài mãi mãi”. Nhưng con người cũng được tạo ra để làm vinh hiển chính mình, và đội mão triều thiên vui thỏa đời đời của Cha.
Lòng đố kỵ nhỏ bé
Nhu cầu cơ bản của chúng ta là được Chúa nhìn nhận và nghe Chúa nói: “Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm… hãy đến hưởng sự vui mừng của chúa ngươi” (Ma-thi-ơ 25:21). Chỉ ngắm nhìn vinh quang Chúa thôi chưa đủ; chúng ta muốn được dự phần trong đó. Chúng ta muốn được biến đổi, tỏa sáng rực rỡ, mạnh mẽ đủ để tận hưởng vinh hiển Ngài. Chúng ta được tạo nên để làm hài lòng Cha trên trời.
Giống như Ca-in thứ hai, chúng ta bất bình khi nghe Cha nói với anh chị em mình rằng: “Làm tốt lắm!” Chúng ta không thể chịu nổi việc Cha khen ngợi người khác, bởi vì lòng đố kỵ đang trỗi dậy. Lòng đố kỵ khiến chúng ta tin rằng vinh quang Chúa là hữu hạn.
Lòng đố kỵ thật nhỏ bé. Nó không hiểu được Chúa ban cho niềm vui và tình yêu thương vô hạn. Tâm trí hạn hẹp của chúng ta thực sự tin rằng Ngài không có đủ vinh hiển để ban phát cho tất cả mọi người. Nghĩa là nếu có người đã được Chúa trao cho vinh quang (tài năng, sắc đẹp, công việc hoặc mối quan hệ), thì phần của tôi sẽ bị bớt đi!
Làm sao để dập tắt lòng đố kỵ?
Tất cả chúng ta đều tìm kiếm cái đẹp, hào quang và danh vọng trong thời gian rảnh rỗi. Khi nghe bất kỳ giọng nói nào thì thầm về Cha chúng ta (dù sai hay đúng), và chúng ta cũng sẽ chạy theo.
Sau cuộc tìm kiếm rong ruổi này, làm sao chúng ta có thể tin khi Tin Lành đến? Tin Lành có vẻ quá tốt đẹp, quá sức chịu đựng:
“Sự sáng nầy là sự sáng thật, khi đến thế gian soi sáng mọi người. Ngôi Lời ở thế gian, và thế gian đã làm nên bởi Ngài; nhưng thế gian chẳng từng nhìn biết Ngài. Ngài đã đến trong xứ mình, song dân mình chẳng hề nhận lấy. Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài, là kẻ chẳng phải sanh bởi khí huyết, hoặc bởi tình dục, hoặc bởi ý người, nhưng sanh bởi Đức Chúa Trời vậy” (Giăng 1:9–13).
Chúng ta đứng ngoài hành lang, nghi ngờ rằng người khác đã được Chúa đã được ban cho những vinh quang mà mình không có. Chúng ta tự hỏi liệu tình yêu thương Cha có cạn kiệt trước khi chúng ta bước kịp vào phòng hay không. Lỡ đâu Ngài nhìn chúng ta như Y-sác nhìn Ê-sau và nói: “Em con đã dùng mưu kế đến cướp sự chúc phước của con rồi” (Sáng thế ký 27:35)! Liệu vinh quang nào có thể cứu chúng ta đây?
Vinh quang nào có thể xua tan nỗi day dứt ấy: tại sao mình nghèo trong khi người khác giàu, mình độc thân trong khi người khác có mái ấm hạnh phúc, mình cống hiến hết sức lực mà chỉ vẽ nên một bức tranh tầm thường, trong khi những người chẳng hề nỗ lực lại có thể tạo ra một kiệt tác?
Lòng đố kỵ sẽ tan biến trong vinh quang
Có một vinh quang sẽ xóa tan lòng đố kỵ – ánh sáng đã ban cho chúng ta quyền trở thành con cái Đức Chúa Trời. Và đây chính là vinh quang sẽ làm nên điều kỳ diệu ấy:
“Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật; chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của Con một đến từ nơi Cha” (Giăng 1:14).
Niềm vui Cha ban sẽ bao trùm trên chúng ta và mọi thứ khác – niềm vui vì công việc Đấng Christ đã làm thay cho chúng ta, vì chúng ta đã được biến đổi theo hình ảnh vinh quang Ngài từ trong ra ngoài. Bây giờ, chúng ta trông giống như Đấng Christ – và một ngày nào đó, vinh hiển Ngài sẽ bao phủ và biến đổi chúng ta. Việc đó đã bắt đầu ngay từ bây giờ:
“Chúng ta ai nấy đều để mặt trần mà nhìn xem vinh hiển Chúa như trong gương, thì hóa nên cũng một ảnh tượng Ngài, từ vinh hiển qua vinh hiển, như bởi Chúa, là Thánh Linh” (2 Cô-rinh-tô 3:18).
Lòng đố kỵ không còn cơ hội tồn tại. Trong ngày cuối cùng, nó sẽ tan biến trong vinh quang. Xin Cứu Chúa Jêsus mau đến!
Bài: Tilly Dillehay; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www.desiringgod.org/articles/why-do-they-get-what-i-want