Tìm Thấy Chúa Nơi Tột Cùng Nỗi Đau
Vấn đề tâm linh không có chỗ đứng trong thế giới của tôi. Tôi có đủ lý luận để từ chối bất cứ điều gì liên quan đến tôn giáo hoặc niềm tin. Những thứ đó đơn giản không nằm trong phạm trù “đời tôi”, mà có một từ mô tả chính xác điều này: chủ nghĩa thờ ơ.
Đối với tôi, “Chúa” chẳng hơn gì một khái niệm, một cái tên tôi thường bất cẩn thốt lên, cái tên mà mọi người thường reo lên khi chiến thắng hay thất bại. Tôi chưa bao giờ nghĩ danh ấy thuộc về một Đấng sống – một Đức Chúa Trời có thật.
Tôi đã sống như vậy, tin rằng chỉ những thứ mình có thể nhìn thấy mới là có thật. Cho đến khi điều chân thật nhất mà tôi từng biết bị cướp đi. Năm tôi 25 tuổi, chồng tôi – Tell – đã bị giết ở Iraq. Tôi vừa mới làm mẹ, con gái tôi mới 5 tháng tuổi. Tin xấu đã dìm tôi vào bóng đêm không lối thoát. Cảm giác tê dại bắt đầu ngay khi tôi ngã sụp xuống sàn, trước mặt những người báo tin. Bên tai tôi chỉ còn lại những lời van xin của chính mình: van xin rằng điều đó không phải là sự thật.
Thi Thiên đồng cảm
Không còn gì là “thật” kể từ thời điểm đó, cho đến một ngày tôi thấy mình lướt nhanh qua từng trang Kinh Thánh. Tôi thậm chí còn không biết quyển sách này xuất hiện trong nhà mình bằng cách nào. Tôi lần mò tìm kiếm sự đồng cảm trong những câu Kinh Thánh.
Dừng lại ở Thi Thiên 139, tôi không thể rời mắt khỏi đó:
“Tôi sẽ đi đâu xa Thần Chúa?
Tôi sẽ trốn đâu khỏi mặt Chúa?
Nếu tôi lên trời, Chúa ở tại đó,
Ví tôi nằm dưới Âm phủ, kìa, Chúa cũng có ở đó” (câu 7–8).
Sau khi đọc, tôi không ăn năn tội lỗi và tin cậy nơi Chúa Jêsus ngay lập tức. Tôi không biết đó là điều nên làm. Lúc ấy, tôi chỉ muốn tìm về với Tell yêu dấu của mình – tôi muốn tin rằng anh ấy vẫn còn sống và tôi không đơn độc.
Nỗi đau như đang nuốt chửng tôi, nhưng những câu thơ xa lạ này bỗng chiếu sáng xuống hố sâu đau buồn, dù rằng lòng tôi vẫn chưa tin cậy và còn thờ ơ.
Tôi quay lại với Thi Thiên mỗi ngày, cố gắng tìm những chỗ có thể đưa tôi đến gần Tell hơn. Tôi không biết mình đang tìm gì, chỉ biết rằng mình phải đọc cho đến khi mỏi mắt.
Tôi ấn tượng với lời Thi Thiên 40, 18, 30 và 27. Những lời ấy phản ánh chính xác thực trạng của tôi: khóc lóc đau buồn. Tôi không phải là người duy nhất. Nhưng tôi bắt đầu nhận thấy sự khác biệt: người viết những chương này không nghĩ rằng sẽ chẳng ai nghe tiếng khóc của mình; tiếng than của ông không biến mất theo làn gió. Ông biết rằng khi thử thách dồn dập đến mức đau khổ, ông có thể kêu cầu với Đấng đang lắng nghe.
Tôi chưa từng nghĩ rằng Chúa sẽ lắng nghe những lời khóc lóc, sầu thảm. Kinh Thánh cho tôi thấy một Đức Chúa Trời luôn hướng về những người đau khổ – một Đấng mang đến hy vọng cho kẻ vô vọng.
Đức Chúa Trời này là ai?
Chúa bày tỏ chính Ngài
Qua các trang Thi Thiên, tôi biết rằng Chúa có thật – một Đức Chúa Trời vĩ đại mà các tác giả Thi Thiên kêu cầu trong lúc tuyệt vọng. Và Ngài đã đáp lời. Dần dần, tôi ít tìm kiếm Tell trong những câu Kinh Thánh này, mà bắt đầu tìm kiếm Đấng yên ủi tôi trong nỗi đau buồn.
Đây là điều tôi yêu thích về Chúa chúng ta. Ngài biết cách để gặp chúng ta chính ngay tại nơi chúng ta có thể nhìn thấy Ngài. Trong những ngày đau buồn đó, Chúa tiếp tục dẫn đưa tôi vào các đoạn Thi Thiên, cho đến khi tôi không thể phớt lờ hay trốn tránh Ngài nữa. Tôi bắt đầu tin rằng Chúa đang hiện điện trong nỗi tuyệt vọng, và thổi sức sống vào tôi trong khi tất cả những gì tôi muốn là chết đi.
Nhưng điều tôi không biết lúc đó là: Tôi “đã chết vì lầm lỗi và tội ác mình” (Ê-phê-sô 2:1).
Tội lỗi đã giam cầm tôi, nhưng tôi không biết. Tôi không được nghe nhiều về Chúa Jêsus trước đây. Tôi không biết Ngài đã chết thay cho kẻ đáng phải chết là tôi, và đó là vì tình yêu thương vĩ đại của Đức Chúa Trời (Rô-ma 3: 21–26; 8:32; Giăng 3:16).
Những gì tôi biết là: nỗi đau mất chồng không thể nuốt chửng tôi được nữa. Nỗi tuyệt vọng khi những ước mơ về gia đình nhỏ nay đã tan biến, nỗi lo rằng sẽ không ai yêu tôi như Tell, nỗi sợ cô đơn… tất cả giờ đây đang phai mờ dần.
Tôi khao khát được biết ý nghĩa sống với một hy vọng mới, nhưng chưa thể hiểu rõ điều đó thật sự cảm giác thế nào.
Cuộc sống mới
Tuy nhiên, Chúa biết chính xác tôi đang ở đâu, và làm thế nào để thực hiện mục tiêu đức tin Ngài đã ban cho tôi: cứu rỗi linh hồn tôi (1 Phi-líp 1:9). Ngài đã đưa Rhodes đến với tôi, qua bữa ăn tối tập thể với những đồng đội trong đơn vị của Tell sau khi trở về từ Iraq. Rhodes biết Tell, và Rhodes cũng biết Chúa Jêsus.
Tôi đã bị thu hút bởi sự khiêm tốn và lịch thiệp của anh ấy. Và nhờ ơn Chúa, Rhodes đã chấp nhận tình bạn cũng như trả lời hàng ngàn câu hỏi của tôi. Anh từ tốn để tôi tranh đấu khi nghe rằng tôi là một tội nhân, và cho tôi biết những gì Đấng Christ đã làm trọn trên thập tự giá. Anh ấy vui mừng với tôi khi tôi yêu Chúa Jêsus. Anh ấy đã ở đó cùng tôi khi làm Báp-têm. Anh ấy đau buồn cùng tôi vì mất Tell, và anh ấy yêu thương con gái tôi ngay từ đầu, sẵn sàng lấp đầy khoảng trống mất mát cho cô bé. Nay tôi đã là vợ anh ấy được 12 năm.
Đức Chúa Trời vẫn tiếp tục viết câu chuyện Ngài qua cuộc đời chúng ta, và ân điển Ngài thật vô biên. Đấng mà tôi vốn dĩ không quan tâm đến đã bày tỏ chính Ngài cho tôi, và mỗi ngày nhắc nhở tôi rằng Ngài không thể bị giới hạn trong một phạm trù tầm thường nào đó. Đấng mà tôi từng thờ ơ bây giờ đã là tất cả của đời tôi, và tôi biết ơn Ngài.
Bài: JESSICA GRAY ROBERTS; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www.thegospelcoalition.org/article/found-god-grief/