Nói một cách đơn giản, cầu nguyện là trò chuyện với Chúa. Chúng ta có nên “trò chuyện” sao cho đẹp lòng Chúa không? Cầu nguyện không phải là trình lên một danh sách rồi yêu cầu Chúa thực hiện mà là thực sự hiểu cách trò chuyện với Ngài, cách chia sẻ những lo âu, nỗi sợ hãi và lời khẩn cầu của chúng ta. Chúng ta không bắt bạn bè phải làm theo những yêu cầu bắt nguồn từ nỗi lo lắng hay lòng kiêu ngạo của mình. Vậy thì làm sao chúng ta có thể nói chuyện với Chúa đúng cách?
Kinh Thánh viết rất nhiều về cầu nguyện, bao gồm lời Chúa Jêsus dạy cách cầu nguyện (Lời cầu nguyện của Chúa – Ma-thi-ơ 6:9-13). Chúa Jêsus từng chia sẻ với các môn đồ một dụ ngôn về cách cầu nguyện.
Dụ ngôn về người Pha-ri-si và người thu thuế
Trong Lu-ca 18, Chúa Jêsus kể câu chuyện về hai người đàn ông cùng cầu nguyện với Đức Chúa Trời, và cách Chúa Cha phản ứng với lời cầu nguyện của họ.
“Ngài lại phán thí dụ nầy về kẻ cậy mình là người công bình và khinh dể kẻ khác: Có hai người lên đền thờ cầu nguyện: một người Pha-ri-si và một người thâu thuế” (Lu-ca 18: 9-10, NLT).
Dụ ngôn này là một thước đo để tra xét lòng khi chúng ta đến với Chúa trong lời cầu nguyện. Hãy tự hỏi mình, tôi là người Pha-ri-si hay người thu thuế?
Thật khó để xác định ai là người tốt trong tình huống này khi Chúa Jêsus chưa giải thích quan điểm của Đức Chúa Cha. Chúa Jêsus quở trách nghi thức tôn giáo giả hình của người Pha-ri-si, trong khi họ là các lãnh đạo giáo hội được kính trọng. Họ là những người thánh đương thời. Còn người thu thuế luôn bị ghét bỏ. Người ta ngay lập tức cho rằng Chúa Jêsus sẽ buộc tội người thu thuế là “tội nhân”. Nhưng hành động của người thu thuế khi đứng trong đền thờ đã thay đổi mọi thứ.
“Người Pha-ri-si đứng cầu nguyện thầm như vầy: Lạy Đức Chúa Trời, tôi tạ ơn Ngài, vì tôi không phải như người khác, tham lam, bất nghĩa, gian dâm, cũng không phải như người thâu thuế nầy. Tôi kiêng ăn một tuần lễ hai lần, và nộp một phần mười về mọi món lợi của tôi. Người thâu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà rằng: Lạy Đức Chúa Trời, xin thương xót lấy tôi, vì tôi là kẻ có tội! Ta nói cùng các ngươi, người nầy trở về nhà mình, được xưng công bình hơn người kia; vì ai tự nhắc mình lên sẽ phải hạ xuống, ai tự hạ mình xuống sẽ được nhắc lên” (Lu-ca 18: 11-14).
Qua cách hai người này hành động trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời, chúng ta nhận được những bài học đắt giá.
Người lãnh đạo giáo hội cố gắng chứng tỏ “sự công bình” của chính mình qua lời cầu nguyện. Ông ta đoán xét tất cả những người lân cận, đồng thời chỉ ra những việc lành của bản thân, như thể điều đó sẽ đảm bảo rằng Chúa hài lòng với ông. Ngược lại, người thu thuế cầu nguyện cách khiêm nhường. Gạt bỏ hết lòng tự tôn, ông cầu xin Chúa thương xót thân ông.
Những lời cầu nguyện được Chúa lắng nghe
Chúa nghe lời cầu nguyện của người công chính và người khiêm nhường. Như được ghi lại trong Cựu Ước, cuộc đời kính sợ Đức Chúa Trời của Vua Giô-si-a là một ví dụ về điều này.
2 Sử ký 34:27 cho thấy Đức Chúa Trời sẽ đoái đến những tấm lòng ăn năn.
“Khi ngươi nghe lời ta phán nghịch cùng chỗ nầy, và nghịch cùng dân cư nó, thì ngươi có lòng mềm mại, hạ mình xuống trước mặt ta, xé áo ngươi, và khóc lóc tại trước mặt ta; bởi vậy cho nên ta cũng có nghe ngươi”.
Đức Chúa Trời muốn thấy thái độ chân thành trong lời cầu nguyện của chúng ta, chứ không phải ba hoa phù phiếm. Khi cầu nguyện, hãy quyết tâm kiên trì khiêm nhu trước mặt Chúa. Đức Chúa Trời rộng lòng thương xót tất cả những ai đến với Ngài trong sự ăn năn, ngay cả những người đang mắc kẹt trong nghi thức tôn giáo, như người Pha-ri-si. Điểm mấu chốt: Đức Chúa Trời quan tâm đến tấm lòng bạn.
Lần tới khi bạn cầu nguyện với Chúa, hãy tự hỏi mình, tôi khiêm nhường hay kiêu ngạo? Dù thế nào, đó cũng là một cơ hội để đến ngay với Ngài.
Bài: Hannah Goodwyn; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www1.cbn.com/biblestudy/the-correct-way-to-pray)