Đọc Kinh thánh: Ma-thi-ơ 5:46-48
Nếu các ngươi yêu những kẻ yêu mình thì có được thưởng gì đâu? Những kẻ thu thuế chẳng làm như vậy sao? Lại nếu các ngươi tiếp đãi anh em mình mà thôi thì có gì lạ hơn ai? Người ngoại chẳng làm như vậy sao? Như thế các ngươi hãy trọn vẹn, như Cha các ngươi ở trên trời là trọn vẹn.
Suy niệm: Câu Kinh-thánh chúng ta chú trọng trong bài này là: Lại nếu các ngươi tiếp đãi anh em mình mà thôi thì có lạ gì hơn ai? Người ngoại chẳng làm như vậy sao?
Sau khi giải thích cặn kẽ nên đối xử và coi kẻ thù như thế nào, Chúa Giê-xu đưa toàn bộ bài dạy của Ngài lên một tuyệt đỉnh. Trong suốt bài giảng trên núi, chúng ta để ý thì nhận thấy rằng Chúa không chú trọng nhiều về chi tiết của từng hành động của môn đệ Ngài, nhưng Chúa chỉ muốn họ hiểu và nắm vững được họ là người như thế nào và họ phải sống như thế nào.
Cuối cùng Chúa Giê-xu tóm tắt tất cả những gì Chúa dạy trong một câu: Như thế các ngươi hãy trọn vẹn, như Cha các ngươi ở trên trời là trọn vẹn. Đó chính là chất lượng của đời sống mà Chúa muốn ta có.
Bài giảng trên núi không phải là một loạt bài dạy về luân lý đạo đức hay một loại chương trình sinh hoạt trong xã hội. Câu Kinh-thánh kể trên minh định rõ như vậy. Vì câu Kinh-thánh này tóm lược hết điều mà chúng tôi gọi là đặc tính chính yếu quan trọng nhất của toàn bộ Phúc Âm Tân Ước và cũng là sự nghịch lý ngay trong ý nghĩa của nó.
Phúc Âm của Chúa Cứu Thế chính là một sự nghịch lý, vì người ta thấy rõ có sự mâu thuẫn trong đó từ đầu đến cuối. Trong phần phân tích hôm nay, chúng ta sẽ đề cập đến điểm quan trọng đó.
Tính chất nghịch lý của Phúc Âm đã được một bậc bô lão tên là Si-mê-ôn ngày xưa phát biểu đầu tiên trong dịp gặp gỡ Hài Nhi Giê-xu và bồng ãm trên tay. Ông nói: Con trẻ nầy đã được lập nên cho nhiều người trong Israel vấp ngã và chổi dậy, và sẽ là dấu hiệu gây mâu thuẫn. Đây chính là một câu nghịch lý. Chúa Giê-xu đã được lập nên để vừa làm cho người ta ngã xuống, lại vừa làm cho kẻ khác đứng lên. Đó cũng chính là tác dụng của Phúc Âm. Đây là điểm chứng minh Phúc Âm chân xác.
Ngay trong bài giảng trên núi, tinh túy của Phúc Âm, ta đã thấy hai yếu tố này. Bài Giảng trên núi cao quý thật, nhưng cũng gây cho nhiều người nản lòng. Thử đọc từ chương 5 câu 17 cho đến hết, với những dẫn chứng về cách chúng ta phải sống, ta sẽ thấy rất là nản.
Ta thường cho rằng Mười Điều Răn, căn bản cho tiêu chuẩn đạo đức thông thường đã khó, nhưng đọc những lời răn cấm không được nhìn với tham dục, rồi phải chịu đi thêm một dặm đường thứ hai khi bị bắt đi một dặm, và ném cả chiếc áo ngoài luôn cả khi bị lấy mất áo ngắn, v.v. nhiều người cảm thấy bất lực hoàn toàn. Tiêu chuẩn cao quá không ai có thể bắt đầu được nữa.
Nhưng đồng thời ta cũng thấy Bài Giảng Trên Núi tạo nhiều phấn khởi. Vì trong đó có những lời khen rất là quý giá. Nguyên việc Chúa truyền dạy những nguyên tắc này cũng đã ngụ ý là có thể thực hiện nổi. Như thế lời dạy vừa làm nản lòng, lại vừa khuyến khích, nghĩa là vừa làm cho ngã xuống, lại vừa làm cho chổi dậy. Chúng ta luôn luôn nên nhớ hai khía cạnh quan trọng này của Phúc Âm.
Khi không thấy được rõ hai khía cạnh của Bài Giảng Trên Núi, người ta đã làm giảm giá trị của nó. Trước tiên người ta làm giảm thiểu những đòi hỏi của nó. Những người nói rằng: BGTN rất thực tế, chúng ta có thể thực hiện nổi. Thực ra không hiểu là Chúa đòi hỏi mỗi chúng ta toàn vẹn như Cha trên trời, toàn vẹn trong thái độ đối với kẻ thù, yêu kẻ thù như Chúa yêu. Nhưng khi chúng ta đối diện với thực tế, chúng ta mới thấy con người tự nhiên không thể nào thực hiện nổi. Nhiều người không nhận ra như vậy.
Thí dụ như bảo rằng: Chúng ta phải yêu kẻ thù, vì vậy chúng ta nên chống cự thụ động. Nhưng như vậy không phải tinh thần BGTN. BGTN dạy: Như thế các ngươi hãy trọn vẹn, như Cha các người ở trên trời là trọn vẹn. Những người có thái độ thụ động không hiểu áp dụng câu này như thế nào.
Đồng thời nhiều người cũng không thấy khía cạnh bên kia của BGTN, đó là, làm con cái của Chúa chúng ta hoàn toàn khác thường và riêng biệt. Những người này không bao giờ thấy vinh quang và tính cách độc nhất của lập trường Cơ-đốc-giáo. Họ thường nghĩ rằng người tin Chúa Giê-xu là người cố gắng sống đạo đức hơn bất cứ ai và là người biết tự kiềm chế mình.
Nói tóm lại, nhiều người ngày nay không hiểu rõ BGTN cũng như toàn bộ Phúc Âm vì họ không nắm vững Tín Đồ thật của Chúa Giê-xu nghĩa là gì?
Đây chính là nan đề quan trọng.
Nguyễn Sinh