Đọc Kinh thánh:Ma-thi-ơ 6:19-24
19“Các con đừng tích trữ của cải ở dưới đất, là nơi có mối mọt, ten rỉ làm hư, và kẻ trộm đào ngạch, khoét vách mà lấy.
20Nhưng hãy tích trữ của cải ở trên trời, là nơi không có mối mọt, ten rỉ làm hư, cũng chẳng có kẻ trộm đào ngạch, khoét vách mà lấy.
21Vì của cải các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó.”
22“Mắt là đèn của thân thể. Nếu mắt con tốt thì cả thân thể con sẽ đầy ánh sáng,
23nhưng nếu mắt con bị hỏng thì cả thân thể con sẽ là bóng tối. Vậy, nếu ánh sáng trong con chỉ là bóng tối thì bóng tối ấy sẽ lớn là dường nào!”
24“Không ai có thể làm tôi hai chủ; vì sẽ ghét chủ nầy mà yêu chủ kia, hoặc trọng chủ nầy mà khinh chủ kia. Các con không thể vừa phục vụ Đức Chúa Trời lại vừa phục vụ tiền tài nữa.
Suy niệm: Trong khi nghiên cứu về khúc Kinh-thánh đặc biệt Phúc Âm Ma-thi-ơ 6:19-24, chúng ta thấy lối dạy trực tiếp và đặc biệt của Chúa Giê-xu về việc chất chứa của cải ở dưới đất và ở trên trời. Nhưng không phải chỉ có vậy. Trong khúc Kinh-thánh này còn có một bài học gián tiếp nữa. Bài học đó là tội ác và hậu quả của nó. Chúa Giê-xu đã dạy về tội như thế nào qua các câu Kinh-thánh này?
Trước tiên chúng ta phải nhận ra rằng tội ác là một cái gì gây ra những hậu quả xáo trộn và làm hư hỏng đời sống quân bình của con người. Con người được tạo dựng với ba phần là thân, hồn và linh. Phần cao hơn cả là phần linh, sau đó là hồn và cuối cùng là thân. Tội ác đã làm cho thứ tự này đảo lộn.
Tặng phẩm quý giá nhất Tạo-hóa ban cho con người là lý trí. Theo Kinh-thánh, con người đã được tạo dựng trong hình ảnh của Đức Chúa Trời, một phần của Đức Chúa Trời trong con người chắc chắn là lý trí, đó là khả năng suy nghĩ và lý luận, đặc biệt là trong ý nghĩa cao nhất và tâm linh nhất.
Như vậy, con người phải hoạt động theo thứ tự này:
Tâm trí là khả năng cao nhất và tự nhiên nhất mà người sở hữu phải luôn luôn ưu tiên. Mọi sự vật đều phải do tâm trí nhận định và phân tích.
Sau đó đến tình cảm, là tâm hồn, cảm xúc do Đức Chúa Trời ban cho.
Rồi thứ ba là ý chí, đó là khả năng chúng ta đem ra thực hành những gì mình đã nghe và hiểu, những gì mình muốn sau khi đã biết rõ.
Đó là cách thức Chúa tạo dựng nên người, và đó cũng là phương cách con người phải hoạt động. Nghĩa là con người phải hiểu biết và được kiểm soát chế ngự bởi những gì mình đã hiểu. Con người phải biết yêu thích những gì mình đã hiểu là tốt nhất và chân thật nhất cho chính mình và cho những người mà mình quan tâm; và sau đó phải đem tất cả vào thực hành. Nhưng do cuộc sa ngã và tội ác vây hãm đời sống con người, tự con người đã làm hỏng trật tự đó và mất thăng bằng.
Chúa Giê-xu vì vậy đã dạy trước tiên là cho tấm lòng: Đừng chứa của cải ở dưới đất là nơi có sâu mối ten rét làm hư, và kẻ trộm đột nhập vào lấy, nhưng hãy chứa của cải ở trên trời là nơi không có sâu mối ten rét làm hư cũng chẳng có kẻ trộm nào lấy được. Vì của cải các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó.
Chúa dạy về tấm lòng trước tiên, sau đó Chúa mới dạy về tâm trí như sau: Con mắt là đèn của thân thể. Nếu mắt con đơn thuần thì cả thân thể sẽ sáng. Nhưng nếu mắt con xấu, thì toàn thân sẽ tối tăm. Đó là nói về tâm trí.
Cuối cùng Chúa dạy về ý chí như sau: Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì sẽ ghét người này và yêu người kia; hay là trọng người này mà khinh người kia. Các con không thể vừa phục vụ Đức Chúa Trời lại vừa tôn thờ tiền tài.
Con người do hậu quả của tội đã không còn được tâm trí và hiểu biết quản trị; con người được dục vọng, thèm khát và tham muốn thúc đẩy. Như thế thay vì được phần cao trọng nhất quản trị, con người theo thị hiếu mà sống.
Phúc âm Giăng 3:19 ghi rằng: Đây là án phạt của nhân loại, ánh sáng đã đến trần gian, nhưng con người yêu bóng tối hơn ánh sáng, vì những việc làm của họ là xấu xa.
Như thế con người thay vì nhìn vào đời sống bằng tâm trí, đã nhìn bằng ước muốn và cảm xúc. Con người ưa tối tăm và được chế ngự bằng tấm lòng thay vì bằng tâm trí. Ta phải hiểu rõ điểm này. Nói như thế không có nghĩa là tấm lòng là điều không nên tạo dựng, và không nên có tình cảm. Nhưng quan trọng là con người không thể sống đời thành công nếu bị xúc cảm và tham muốn chế ngự.
Đây chính là ảnh hưởng của tội. Con người cần phải được chế ngự bằng tâm trí, đúng như thứ tự Chúa đã ấn định. Đây cũng là câu trả lời cuối cùng cho tất cả những người chưa tin nhận Chúa và những người nói rằng họ không tin Chúa vì họ suy nghĩ và lý luận.
Nhưng thật sự là những người chưa chịu tin Chúa không phải do tâm trí chế ngự mà do tấm lòng và thành kiến của họ. Những mưu định cố biện minh là vì mình là người trí thức, không tin Chúa được, chính là cách ngụy trang che giấu tình trạng vô thần trong tâm hồn họ.
Họ cố biện minh cho loại đời sống của họ đang sống bằng cách dựng lên một lập trường trí thức, nhưng nan đề chính là họ đang bị tham dục và ước muốn chế ngự. Họ không đến với chân lý bằng tâm trí, nhưng họ đã đến với tất cả thành kiến từ tấm lòng xuất phát ra.
Như lời Thi-thiên đã ghi: Kẻ dại nói trong lòng rằng không có Đức Chúa Trời. Đó chính là luận điệu người vô tín thường có, và cũng là lý do tại sao họ nói như vậy. Sau đó cố đi tìm một lý do trí thức nào đó để biện minh cho những gì tấm lòng người ấy muốn nói.
Chúa Giê-xu nhắc chúng ta rằng: chính là tấm lòng thèm muốn những điều thuộc về trần tục, và lòng người tội ác mạnh đến nỗi chế ngự cả tâm trí, hiểu biết và tri thức của mình. Con người ưa tự cho mình là một bậc tri thức vĩ đại. Khoa học gia thường thích tuyên bố như vậy. Nhưng bạn nên nhớ rằng các nhà khoa học nhiều khi lại là những người có thành kiến nhiều hơn bất cứ ai. Nhiều khoa học gia cố sắp xếp những dữ kiện sao cho các lý thuyết họ đưa ra xem như hữu lý.
Sách của họ lúc nào cũng khởi đầu nói rằng một ý nghĩ nào đó chỉ là lý thuyết, nhưng vài trang sau đó thấy họ đề cập đến lý thuyết ấy như là một sự kiện. Đó chính là hoạt động của tấm lòng chứ không phải của đầu óc.
Đây chính là những thảm trạng về tội ác và ảnh hưởng của nó. Việc đầu tiên mà tội ác làm là đảo lộn trật tự và thăng bằng của đời sống con người, và ân tứ lớn nhất, cao nhất trở thành phụ thuộc cho phần xúc cảm tầm thường.
Của cải các con ở đâu thì lòng ở đó. Đúng như vậy.
Nguyễn Sinh