Thứ năm, Tháng mười một 21, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img

Mục sư PHẠM XUÂN THIỀU

Mục sư PHẠM XUÂN THIỀU

Nhìn lại lịch sử Hội Thánh Tin Lành Việt Nam trong 100 năm qua, chúng ta sẽ biết được công việc của Đức Thánh Linh. Ngài làm việc qua những con người đầu phục hoàn toàn dưới bệ chân của Ngài. Sự đầu phục đó tức là dâng trọn cuộc đời cho Chúa sử dụng, làm một người đầy tớ trung thành. Cố Mục sư Phạm Xuân Thiều, nguyên Hội trưởng Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Nam) thời kỳ 2001-2002 là một trong những người như vậy.

Tiểu sử

Mục sư Phạm Xuân Thiều sinh ngày 6 tháng 4 năm 1942 tại Tống Vũ, Vũ Tiến, tỉnh Thái Bình, là con thứ 6 trong gia đình cụ cố Mục sư Phạm Xuân Lai. Cố Mục sư Phạm Xuân Lai là con trưởng nam của một gia đình phú nông ở Thái Bình. Sau khi tin Chúa, cụ bị cha bắt bớ, đánh đập và đuổi ra khỏi nhà. Hai vợ chống cụ rời miền Bắc vào miền Trung, sau đó dâng mình đi học Trường Kinh Thánh Đà Nẵng.

Mục sư Phạm Xuân Lai đã từng hầu việc Chúa ở nhiều nơi tại miền Trung và miền Nam. Khi phục vụ Chúa tại Ma Lâm, Bình Thuận thì bà bị đau tim, lại hàng ngày phải nghe tiếng pháo kích khiến bịnh tình ngày thêm nặng. Gia đình lại quá nghèo, không có tiền và phương tiện chữa trị. Bà được Chúa đem về nước Ngài khi Mục sư Thiều còn là một thiếu nhi 10 tuổi. (Sau này Mục sư Phạm Xuân Lai tiếp tục chức vụ tại miền Nam và về với Chúa ngay sau một buổi thờ phượng tại Mỹ Luông, Chợ Mới, An Giang).

Cuộc sống thời thơ ấu của mục sư Phạm Xuân Thiều đầy những khó khăn. Ông lớn lên trong một gia đình nghèo và đông anh em. Các anh chị em của Mục sư Phạm Xuân Thiều là: Phạm Thị Kim Chung, Phạm Xuân Trường, Mục sư Phạm Xuân Hiển, Phạm Xuân Quang, Phạm Xuân Thảo, Phạm Xuân Thiên, Phạm Thị Anh Thư và Phạm Thị Kim Quý.

Khi Mục sư Phạm Xuân Lai được cử đi hầu việc Chúa tại Hội Thánh Huế, ông đã tục huyền. Cậu bé Thiều và hai em trai được đưa vào sinh sống và học tập trong Cô nhi viện Tin Lành Nha Trang năm 1953. Rời khỏi Cô nhi viện trong lứa tuổi thiếu niên, cậu Thiều sống tự lập với sự hỗ trợ ít ỏi của anh chị vì cũng thiếu thốn là gia đình Mục sư Phạm Xuân Hiển. Mỗi đầu năm học là mỗi lần tâm trạng lo âu và bấp bênh lại đến với cậu Thiều vì không biết năm nay mình có tiền để tiếp tục đi học hay không. Năm đệ Tứ (lớp 9), cậu ở trọ tại nhà ông Hà Thông ở Phan Rang, một con cái Chúa rất có lòng với những đứa trẻ mồ côi. Tuy còn nhỏ tuổi nhưng cậu Thiều phải vừa đi học vừa phải đi dạy kèm để kiếm sống và mua sách vở. Sau khi thi đậu kỳ thi Trung học Đệ nhất cấp (cấp 2), cậu lên Đà Lạt ở trọ tại đường Bùi Thị Xuân để đi học trường Trần Hưng Đạo. Mặc dầu cuộc sống của một thiếu niên mồ côi sống xa gia đình thật khó khăn, thiếu thốn nhưng hoàn cảnh đã không làm nhụt chí cầu tiến của cậu Thiều. Lúc nào trong cậu cũng nung nấu quyết tâm học lên Đại học trong khi hoàn cảnh buộc phải đi làm kiếm tiền nuôi em.

Năm tháng và cuộc sống hầu việc Chúa khó khăn của ba mẹ đã để lại ấn tượng khó phai trong tâm khảm cậu thiếu nhi Thiều: những bữa ăn không có gì ngoài mắm cà, nước trà thay nước canh. Dẫu vậy, ông bà Mục sư Lai đã không một lời phàn nàn mà luôn tạ ơn Chúa. Đức tin nơi Chúa từ cha mẹ đã ảnh hưởng và giúp cậu Thiều vượt qua cảnh ngộ để vươn lên với lòng tin vào chương trình tốt đẹp Chúa dành cho mình.

Cuộc sống vừa đi học, vừa dạy kèm để tồn tại vẫn tiếp tục trong những năm học cuối cấp. Vượt qua ngưỡng Tú Tài I (xong lớp Đệ Nhị) cậu Thiều lại học tiếp lên Tú Tài II với mong ước là vào đại học, rồi tốt nghiệp, ra trường làm giáo sư kiếm tiền. Nhưng năm đó, suốt mấy tháng ròng, cậu học trò siêng năng vượt khó luôn cảm thấy đau xót trong lòng về những linh hồn đồng bào đang đùa đến sự chết mất. Tiếng Chúa thúc giục cậu dâng mình hầu việc Chúa. Nhưng hình ảnh những bữa cơm đạm bạc và cuộc sống thiếu thốn khiến cậu Thiều đắn đo, tranh chiến bởi cũng như bao người, cậu không muốn tiếp tục cuộc sống thiếu thốn, khó khăn và bị người khác khinh dễ vì nghèo.

Chúa vẫn không ngừng kêu gọi cậu Thiều đi hầu việc Ngài trọn thời gian. Cậu Thiều thi đậu kỳ thi Tú Tài II với số điểm khá cao và có thể vào bất cứ trường đại học nào mà không cần phải thi tuyển. Cậu thanh niên Thiều liền vào học trường Đại học Đà Lạt, ngành Chính trị Kinh doanh. Được một năm, khi chuẩn bị lên năm thứ hai thì tiếng gọi của Chúa lại vang vọng trong tâm. Sinh viên Thiều bây giờ đã thẳng thắn thưa với Chúa về nỗi sợ nghèo của mình, Đức Chúa Trời từng ngày trả lời ông qua những phân đoạn Kinh Thánh đọc hàng ngày và qua bài giảng của một tôi tớ Chúa. Cuối cùng, năm 1962, thanh niên Thiều và một thanh niên nữa tên là Lê Thế Đinh (hiện nay là Mục sư đang hầu việc Chúa tại Texas) đã quyết định gạt bỏ ước ao kiếm tiền để sống đời giàu có, bằng lòng dâng mình hầu việc Chúa trọn đời.

Thật vậy, Mục sư Thiều đã thực hành đúng như vậy trong suốt cuộc đời mình. Và Chúa không hề để cho cậu Thiều thiếu thốn mà sự quan phòng của Ngài luôn theo sát bước chân của chàng trai Phạm xuân Thiều.

Trước khi lên đường vào trường Kinh Thánh, cậu Thiều đã viết một lá thư xin ba cậu cầu nguyện cho mình. Và cậu đã nhận được bức thư hồi âm rất cảm động từ cha mình rằng ông rất tiếc không thể hỗ trợ gì cho con bằng vật chất, chỉ có thể cầu nguyện cho con đi suốt con đường bằng sự tin cậy Chúa như ông mà thôi. Bức thư đó đã đi theo Mục sư Thiều suốt cuộc đời hầu việc Chúa của mình.

Năm 1967, ông tốt nghiệp Thánh Kinh Thần Học Viện Nha Trang. Truyền đạo Thiều đến làm việc tại Trung tâm Thanh niên Nha Trang trong hai năm và phục vụ trong Ban Phát thanh Tin Lành.

Với tinh thần đầu phục ý chỉ của Chúa, Ngài đã mở đường cho ông để ông được trau dồi thêm về lời Ngài. Năm 1968, Ban Trị sự Tổng Liên hội, Hội Thánh Tin Lành Việt Nam đã chọn Truyền đạo Phạm Xuân Thiều đi du học tại trường Cao Đẳng Thần học Canada (Canadian Bible College) một năm để lấy bằng Cử nhân Thần học và sau đó học 3 năm tại Chủng Viện Gordon-Conwell, Theological Seminary của Hoa kỳ (1970-1973).

Năm 1973, ông tốt nghiệp bằng Thạc sĩ Thần học (M. Div.) cùng với Mục sư Nguyễn Anh Tài. Ông được lãnh đạo Hội Thánh tại Việt Nam khuyến khích ở lại học tiếp để lấy bằng Tiến sĩ, nhưng ông bộc bạch rằng “chỉ muốn về nước để hầu việc Chúa giữa vòng đồng bào, vì nếu trong lúc anh chị em khó khăn, nguy khốn mình không ở với họ thì lúc hanh thông biết khuyên dạy họ điều gì.”

Về nước giữa lúc tình hình đất nước rối ren, Truyền đạo Thiều được bổ nhiệm làm Chánh Văn phòng Tổng liên hội từ 1973 đến l975. Trong thời gian này, có lời mời ông đi Manila để thay thế Mục sư Nguyễn Bá Quang và Mục sư Nguyễn Thỉ, nhưng sau một thời gian cầu nguyện ông không thấy cảm động để nhận lời.

Ngày 11 tháng 4 năm 1974, ông được tấn phong làm Mục sư tại nhà thờ Tin Lành Sài Gòn cùng với Truyền đạo Nguyễn Hữu Viễn.

Ngày 28 tháng 4 năm 1974 ông lập gia đình với cô Đặng Thị Phương Lan. Tháng 4 năm 1975 giữa cơn biến loạn của thời cuộc, nhiều người gặp và rủ ông rời bỏ quê hương để di tản sang Mỹ nhưng ông đều từ chối.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông ôm vợ con (đứa con trai mới sinh được 18 ngày) trong lòng và cầu nguyện xin phó dâng cuộc đời mình một lần nữa trong tay Chúa. Ông và một số tôi tớ Chúa khác được Tổng Liên hội bổ nhiệm ra Thần Học Viện Nha Trang để thế vào chỗ các Giáo sư đã di tản. Cả gia đình ba người ra đến Nha Trang vào một buổi chiều tháng 6 năm 1975 trong tâm trạng vừa hồ hỡi vì đến một nơi thân quen (ông đã sống nhiều năm tại Nha Trang) vừa lo lắng (bà không có bà con thân tộc ở đó). Tại đây, mục sư Thiều được cử làm Giám học và Giáo sư Thánh Kinh Thần Học Viện Nha Trang.

Mùa hè năm 1976, sau một năm được mở cửa vui vẻ thì Thần Học Viện được lệnh phải đóng cửa. Đây cũng là giai đoạn thử thách cho chức vụ của ông, vì sau khi Thần Học Viện tạm ngưng thì các Giáo sư vẫn ở lại trường, vừa để giữ trường vừa sẵn sàng khi trường được phép mở cửa lại. Nhưng chính quyền địa phương, sau một số lần làm việc với Ban Giáo sư mà không ai chịu bàn giao Thần Học Viện, nên đã ra lịnh tịch thu cơ sở với lý do đã chứa chấp người vượt biên.

Đầu tháng 11 năm 1978, hàng đoàn xe cơ giới và xe chữa lửa đến để kiểm kê đồ đạc, tịch thu tất cả những gì không có giấy tờ mang tên cá nhân. Tất cả các Giáo sư phải rời Thần Học Viện. Những gia đình Giáo sư và sinh viên nào còn sót lại tại Thần Học Viện được yêu cầu trở về quê quán hoặc họ sẽ tạo điều kiện nếu muốn đi đến đâu. Hầu hết các sinh viên đều trở về quê, còn Ban Giáo sư ở lại Nha Trang vì mong chờ một ngày Chúa cho Viện được mở cửa trở lại. Gia đình Mục sư Phạm Xuân Thiều và gia đình Mục sư Nguyễn Lâm Hương được Hội Thánh Nha Trang mời về ở tại trên lầu tư thất cũ của Hội Thánh. Đây cũng là thời gian các giáo sư Thần Học Viện phải hầu việc Chúa tự túc. Lúc bấy giờ ông Mục sư Thiều góp phần phục vụ Chúa trong vai trò giáo viên Trường Chúa nhật.

Từ năm 1982 đến 1988 ông  được mời làm Phó Chủ tọa Hội Thánh Nha Trang.

Năm 1988, miền Bắc được Chúa thăm viếng, trường Kinh Thánh được Thủ tướng Chính phủ cho mở lớp đào tạo. Mục sư Phạm Xuân Thiều cùng với Mục sư Nguyễn Hậu Nhương được mời đảm nhiệm chức Giáo sư các niên khóa từ tháng 7 năm 1988 đến tháng 5 năm 1993. Tạ ơn Chúa, dù chỉ một thời gian ngắn, nhưng trường đã đào tạo được 15 truyền đạo và hai vị được phong chức mục sư (cùng các bà) để tạm ổn định và phát triển công việc Chúa tại miền Bắc trải nhiều năm qua.

Tháng 5 năm 1993, khóa học duy nhất tại miền Bắc kết thúc. Ông trở lại miền Nam sống tại lầu tư thất Hội Thánh Nha Trang suốt một năm mà không có nhiệm sở.

Tháng 9 năm 1994, ông  thấy cơ thể suy yếu cùng với quá nhiều căng thẳng dồn dập nên ông và gia đình vào Sài Gòn sinh sống và trị bệnh mà vẫn không có nhiệm sở nào.

Vào đến Sài Gòn được 2 tuần, thì đến tuần thứ ba, ông được giấy mời làm việc của Công an quận 4. Họ hỏi ông vào đây với ý đồ gì. Sau đó, họ nói rằng ông không được phép giảng hoặc chúc phước cho đến khi ông có nhiệm sở chính thức. Lúc bấy giờ chỉ có Mục sư mới được phép chúc phước, còn truyền đạo thì không được, nên sau khi được bầu vào Ban Trị sự Tổng Liên Hội, ông đã xúc tiến việc phong Mục sư nhiệm chức cho tất cả các truyền đạo quản nhiệm các hội thánh.

Dù hầu việc Chúa tự nguyện, ông đã âm thầm giúp đỡ giới trẻ trong việc học tập phục vụ Chúa.  Trong những năm từ 1994 đến 1999, ông và gia đình tạm trú tại lầu hai nhà anh chị Trần Ngọc Dư. Trong những năm này ông và một vài tôi tớ Chúa tiếp tục đào tạo người hầu việc Chúa cách âm thầm tại một vài trung tâm. Khi có tư cách pháp nhân năm 2001 thì đã có được trên 300 Truyền đạo Tình nguyện được công khai ra mặt.

Ông cũng góp phần hiệu đính bản Kinh Thánh truyền thống (1926) cùng với một số các tôi tớ Chúa tại Việt Nam (Sau khi ông qua đời, bản Kinh Thánh Tân ước Hiệu đính đã được Chương trình Xuất bản Kinh Thánh phát hành năm 2004).

Từ ngày 7 đến ngày 9 tháng 2 năm 2001, Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Nam) được chính quyền cho phép tổ chức Đại Hội Đồng để bầu ra Ban Trị sự cho giai đoạn mới. Mục sư Phạm Xuân Thiều đắc cử Hội Trưởng Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Nam), lãnh đạo tân Ban Trị sự Tổng Liên Hội gồm 23 vị, nhiệm kỳ 4 năm (2001-2004).

Trải qua hơn một phần tư thế kỷ, Hội Thánh đã gặp rất nhiều gian nan khốn khó. Tân Ban Trị sự Tổng Liên Hội đã phải đối đầu với nhiều thách thức cam go, vừa ổn định sinh hoạt Hội Thánh chung, vừa nghiên cứu phương hướng phát triển theo nhiệm vụ mới, thành lập các Ban Đại diện, bổ nhiệm và thay đổi các quản nhiệm, giải quyết những khó khăn tồn đọng tại các Chi hội, nhất là tập trung cho việc mở lại Viện Thánh Kinh Thần học để đào tạo lớp người kế thừa. Trước kỳ Hội đồng Tổng Liên Hội năm 2001, ông bị bệnh phải nằm bệnh viện ba tuần. Các bác sĩ đã khuyên ông phải giảm bớt cường độ làm việc, nếu không sẽ nguy hiểm cho tính mạng. Nhưng sau khi rời bệnh viện thì ông lại được bầu vào chức vụ Hội Trưởng với trăm công ngàn việc phải giải quyết của Tổng Liên Hội sau nhiều năm không họat động.

Những ngày bận rộn với công việc Chúa ở Tổng Liên hội, ông thường tâm sự: “Ước ao lớn nhất của tôi là được về với Chúa lúc đang hăng say hầu việc Ngài, giống như ba tôi vậy”. Thật vậy, mục sư Phạm Xuân Thiều chỉ thực hiện chức trách của mình hơn một năm. Giữa lúc công việc đang tiến triển tốt đẹp thì Đức Chúa Trời thấy thời giờ của Mục sư trên đất đã đủ và các công tác của ông đã trọn, nên Ngài đã tiếp ông về an nghỉ trong nước vĩnh sanh vào hồi 20 giờ 30 phút ngày 24 tháng 6 năm 2002 tại tư thất Hội trưởng, số 30 đường Hồ Hảo Hớn, phường Cô Giang, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 60 tuổi. Lễ an táng cử hành vào lúc 8 giờ ngày 28 tháng 6 tại Hội Thánh Tin lành Sài Gòn, sau đó di quan và an táng tại nghĩa trang Ân Từ Viên, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Mục sư Phạm Xuân Thiều đã về nước Chúa. Sự ra đi của ông đã để lại sự thương tiếc cho gia đình, bạn bè và tín hữu cả nước giữa lúc đồng lúa đang chín vàng tại Việt Nam. Thợ gặt đã ít lại càng ít hơn. Dẫu vậy, “sự chết của các người Thánh là quý báu trước mặt Đức Giê-hô-v”(Thi thiên 116:15). Cuộc đời hầu việc Chúa của ông đã để lại tấm gương sáng cho những ai đã được gặp ông, chứng kiến về cuộc đời ông, nghe những bài giảng, lời dạy và đọc những tác phẩm của ông.

Mục sư Phạm Xuân Thiều trải qua nhiều năm tháng âm thầm hầu việc Chúa mà không được biết đến, không được nhà nước công nhận. Tổng cộng là hai mươi  năm (từ 1976 – 1988 và từ 1993 – 2001). Một thời gian dài ông không có một chức vị gì trong giáo hội, ngay cả chức Phó Chủ tọa cũng không được chính quyền địa phương công nhận. Nhưng điều đó không ngăn chận bầu nhiệt huyết trong ông. Ông vẫn siêng năng, đều đặn làm công tác của mình, vì với ông: cửa đóng nhưng không khóa. Nếu cửa không khóa, mình vẫn có thể mở được. Và đó là lý do có nhiều người ngày hôm nay đang được hầu việc Chúa nhờ sự huấn luyện, dạy dỗ của ông trong những năm tháng âm thầm ấy.

Hơn nửa đời người hầu việc Chúa, trước khi lên tòa giảng, bao giờ Mục sư Thiều cũng chuẩn bị kỹ lưỡng. Ông nói rằng: “Tuy tôi đã hầu việc Chúa và giảng dạy nhiều năm, nhưng không bao giờ tôi bước chân lên tòa giảng mà không run sợ, vì tôi biết những lời tôi nói ra sẽ ảnh hưởng đến người nghe cho nên tôi luôn luôn xin Chúa dắt dẫn trong mỗi lời tôi chia sẻ.” Tối thứ bảy ông luôn thao thức, bài giảng của ông luôn được viết chi tiết, có dấu gạch dưới vì ông đọc đi đọc lại nhiều lần. Ông không muốn mình bạ đâu nói đó. Càng không muốn mình bị ngắt dòng tư tưởng nếu đang khi giảng buổi tối mà bị cúp điện.

Với Mục sư, trên hết là đức tin của mình với Chúa và sự tin cậy Ngài. Điều đó được thể hiện rõ nét trong những lúc ông đối diện với khó khăn, thiếu thốn của gia đình. Châm ngôn sống của Mục sư là không bao giờ ngại khó. Một trong những thói quen của ông là luôn đến trước giờ hẹn, ông nói: “Thà chờ đợi nửa tiếng, còn hơn đến trễ năm phút”. Trong bất cứ chuyện gì ông cũng luôn tìm điều tích cực, bởi vậy sự hiện diện của ông trong bàn ăn luôn đem lại tiếng cười. Bản tính rất dung dị, dễ gần, vui tính mà cũng rất khiêm nhường, ngay thẳng. Ông sống nhiều về nội tâm, nên tình cảm của ông luôn dạt dào với các bạn đồng lao và các môn sinh. Dầu khi ông còn là Truyền đạo hay đã được bầu làm Hội Trưởng cũng không thay đổi trong cách xử sự. Khi làm công việc Chúa thì dâng sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời và những sự khích lệ cho đồng lao, còn về mình thì ông không muốn đề cập tới. Tâm niệm của ông là đã chấp nhận đi theo tiếng gọi của Chúa thì phải hoàn toàn giao phó sự sống mình cho Chúa. Chúa cũng đã thành tín với ông trong suốt cuộc đời nên ông cũng không màng tìm kiếm danh lợi hay quyền hành gì. Điều gì ông có thể làm cho Hội Thánh và anh chị em thì ông sẵn sàng. Với ông, tình cảm giữa người với người là điều quan trọng; chức tước, học vị chỉ nhằm để giúp mình dễ làm việc hơn mà thôi nên ông không hề lợi dụng sự quen biết của mình để làm lợi cho bản thân hay cho con cái, điều đó đã để lại một tấm gương cho gia đình.

Nhớ về ông, người ta nghĩ đến một bó lúa cúi đầu vì trĩu hạt.

 

Trích từ “Tiểu Sử Người Hầu Việc Chúa” – Ủy ban Cơ đốc Giáo dục – HTTLVN (Miền Nam) phát hành.

 

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN