Thứ hai, Tháng mười hai 23, 2024
No menu items!
Homec/Tài LiệuNghiên Cứu Kinh ThánhTrái Đất Đã Bắt Đầu Từ Khi Nào?

Trái Đất Đã Bắt Đầu Từ Khi Nào?

Rất khó để xác định niên đại của trái đất một cách chính xác. Có người tin rằng trái đất đã trải qua hàng tỷ năm tuổi, và cũng có người tin rằng trái đất xấp xỉ 6.000 năm tuổi. Cũng có người phân vân ở khoảng giữa; và có người chỉ đơn giản nói rằng: “Tôi không biết”. Mỗi người người đều đưa ra những hiện tượng hỗ trợ lập trường của mình. Chúng ta có thể thực sự biết được trái đất bao nhiêu tuổi không?

Kinh Thánh nói gì về trái đất?

Khi đọc Kinh Thánh, tôi nhận ra lịch sử thế giới không phải là một chuỗi năm tháng liên tiếp, mà được chia thành các sự kiện lớn, từng giai đoạn thay đổi mọi thứ. Đây là điều sứ đồ Phi-e-rơ ám chỉ khi nói rằng trong những ngày cuối cùng sẽ có những kẻ chế giễu, cho rằng mọi thứ vẫn y nguyên như lúc bắt đầu.

“Hỡi kẻ rất yêu dấu, nầy là thơ thứ hai tôi viết cho anh em. Trong thơ nầy và thơ kia, tôi tìm cách làm cho nhớ lại để giục lòng lành trong anh em, hầu cho ghi lấy lời nói trước của các thánh tiên tri, cùng mạng lịnh của Chúa và Cứu Chúa chúng ta, đã cậy các sứ đồ của anh em mà truyền lại. Trước hết phải biết rằng, trong những ngày sau rốt, sẽ có mấy kẻ hay gièm chê, dùng lời giễu cợt, ở theo tình dục riêng của mình, đến mà nói rằng: Chớ nào lời hứa về sự Chúa đến ở đâu? Vì từ khi tổ phụ chúng ta qua đời rồi, muôn vật vẫn còn nguyên như lúc bắt đầu sáng thế. Chúng nó có ý quên lửng đi rằng buổi xưa bởi lời Đức Chúa Trời có các từng trời và trái đất, đất ra từ nước và làm nên ở giữa nước, thế gian bấy giờ cũng bị hủy phá như vậy, là bị chìm đắm bởi nước lụt” (2 Phi-e-rơ 3:1-6).

Những “kẻ hay gièm chê” này nói rằng sẽ chẳng có trận đại hồng thủy nào khi Chúa Jêsus Christ tái lâm: “Hãy nhìn vào lịch sử! Mọi thứ vẫn giống y như lúc ban đầu!” George Eldon Ladd và Donald Alfred Hagner đã nói về “cơn đại hồng thủy sẽ đến” trong “Thần học Tân Ước”. Những người nắm vững Kinh Thánh và những ghi chép quan sát thấy trong quá trình sáng tạo sẽ tin rằng có thảm họa. Còn những kẻ gièm chê không tin có nước lụt trong 2 Phi-e-rơ đang dựa vào triết lý lịch sử trái đất được gọi là chủ nghĩa thống nhất.

“Vả, đất là vô hình và trống không, sự mờ tối ở trên mặt vực; Thần Đức Chúa Trời vận hành trên mặt nước” (Sáng Thế Ký 1:2).

Kinh Thánh dạy chúng ta rằng có sự sáng tạo, trải qua nhiều lần tái thiết hỗn loạn và thảm khốc, cuối cùng là sụp đổ (2 Phi-e-rơ 3:1-6). Cả hai sự kiện này đã thay đổi hoàn toàn công trình sáng tạo. Sau khi loài người sa ngã và trước trận đại hồng thủy, đã có một kỷ nguyên khác. Sau trận lụt, thế giới được tái thiết đáng kể. Thật vậy, trận lũ lụt là cột mốc gián đoạn giữa quá khứ và một quy chuẩn mới về địa chất môi trường cho tương lai.

“Vả, lúc đó, chưa có một cây nhỏ nào mọc ngoài đồng, và cũng chưa có một ngọn cỏ nào mọc ngoài ruộng, vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời chưa có cho mưa xuống trên đất, và cũng chẳng có một người nào cày cấy đất nữa. Song có hơi nước dưới đất bay lên tưới khắp cùng mặt đất” (Sáng Thế Ký 2:5-6).

Đó là một phần lập luận của Phi-e-rơ. Đây không chỉ là một lập luận đúng đắn, mà còn là lời kiên định và không thể sai lầm của Đức Chúa Trời. Không cần nhìn đâu xa cũng thấy rằng thế giới tự nhiên luôn khẳng định tính chính xác của Kinh Thánh. Dù là voi ma mút hay các loài sinh vật đột nhiên hóa thạch, thế giới cho chúng ta biết rằng đã có những sự kiện kịch tính xảy ra. Phi-e-rơ khẳng định sự kiện ấy là trận đại hồng thủy. Giống như những người gièm pha đã phủ nhận sự kiện lúc đó, thì bây giờ họ cũng vậy. Nếu có người hỏi, “Những con voi ma mút và hóa thạch có liên quan gì đến việc xác định niên đại của trái đất?”, đó là câu hỏi hay. Câu trả lời là: “Liên quan về mọi mặt”. Chúng ta có thể lấy những thông tin quan sát được ở hiện tại để nghiên cứu về lịch sử. Đã có ít nhất năm sự kiện biến cố đã thay đổi hoàn toàn môi trường, khí quyển, địa chất, các chất hóa học, động vật, sinh vật biển và cả trái đất.

Những biến cố có liên quan gì đến niên đại trái đất?

Bản thân sự sáng tạo liên tục được tái cấu trúc qua những biến cố:

  • Tiền sa ngã (Thời kỳ Ê-đen)
  • Hậu sa ngã, sau khi A-đam và Ê-va phạm tội
  • Trước trận lụt, khi trời chưa mưa và sương mù bao phủ trái đất
  • Sau trận lụt (sự kiện gián đoạn vũ trụ)

Dựa trên Kinh Thánh và sự mặc khải chung, khó mà khẳng định tuổi chính xác của trái đất. Có quá nhiều điều đã thay đổi. Để áp dụng phương pháp khoa học, cần có hai mẫu vật có thành phần chính xác, chưa nói đến việc phải tương tự nhau. Đó là điều không thể.

Với dữ liệu quan sát được trong sự mặc khải đặc biệt – tức là Thánh Kinh – có thể lập luận rằng tuổi của trái đất có thể được xác định qua gia phả (xem Sáng Thế Ký 4:1-26, Sáng Thế Ký 5:1-32). Tôi tin rằng Kinh Thánh là lời không thể sai lầm của Đức Chúa Trời hằng sống, vì thế tôi hiểu vì sao các anh chị em tín đồ tin rằng có thể đếm ngược số năm từ A-đam đến Nô-ê để biết được chính xác ngày trái đất hình thành. Mặc dù chính xác, gia phả bao gồm những người đã sống và trải qua những sự kiện thay đổi trái đất trong lịch sử. Liệu có thể tính tuổi trái đất chỉ dựa vào phả không, nếu một số thế hệ đã sống qua trận đại hồng thủy chẳng hạn? Hoặc trước trận lụt? Hoặc thời Ê-đen?

Tôi không tin rằng thiên nhiên là “sách thứ 67” của Kinh Thánh như những người theo chủ nghĩa sáng tạo tiến bộ (tin vào sự tiến hóa hữu thần). Theo Tiến sĩ Terry Mortenson, những người theo chủ nghĩa này tin rằng thiên nhiên cũng đáng tin cậy như Lời Chúa. Chúng ta nên nhớ rằng mọi tạo vật đã bị Đức Chúa Trời nguyền rủa sau thời kỳ Ê-đen, và tạo vật không có khả năng giao tiếp; do đó, không nên sử dụng thiên nhiên để giải thích Kinh Thánh, là lẽ thật của Đức Chúa Trời.

Theo Phi-e-rơ và Kinh Thánh, “mẫu vật” (sự mặc khải) đã bị tội lỗi phá hoại. Hoặc một loạt các thảm họa thay đổi thế giới đã làm ảnh hưởng đến mẫu vật. Thật khó để so sánh thế giới chúng ta sống bây giờ với thế giới sau sa ngã và trước trận đại hồng thủy. Hơn nữa, sáu ngày sáng tạo diễn ra trong 24 giờ (từ tiếng Do Thái là “yom”, có nghĩa là “một ngày”). Vấn đề với cách tính ngày lại là một trong những phép so sánh chính xác. Liệu một ngày trong quá trình sáng tạo và một ngày sau khi mọi thứ đã hoàn tất có gì khác biệt nhau? Tôi không chắc chúng ta có thể hiểu được. 

Câu chuyện của Gióp: Làm sao chúng ta biết trái đất bao nhiêu tuổi?

Tôi tin rằng trái đất được tạo ra trong sáu ngày và Chúa nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy. Sáng Thế Ký 1 và 2 không phải là thơ ca hay thần thoại. Ngôn ngữ trong Sáng Thế Ký 1 và 2 là ngôn ngữ sử thi. Tuy nhiên, ngay cả khi tin rằng trái đất được tạo ra trong sáu ngày và Đức Chúa Trời nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy, và tin tưởng vào gia phả từ A-đam đến Nô-ê, tôi vẫn không thể khẳng định tuổi của trái đất. 

Khi Gióp đã cạn lời và ngừng kêu than trước mặt Đức Chúa Trời, Ngài mới trả lời ông. Câu trả lời của Đức Chúa Trời cho những giả định của Gióp về ý muốn ẩn giấu của Ngài có chút châm biếm, lên án để nhấn mạnh sự khác biệt giữa Đức Chúa Trời và Con người:

“Khi ta đặt nền trái đất, thì ngươi ở đâu? Nếu ngươi thông sáng, hãy tỏ bày đi. Ai đã định độ lượng nó, và giăng dây mực trên nó, ngươi có biết chăng? Nền nó đặt trên chi? Ai có trồng hòn đá góc của nó? Trong khi ấy các sao mai đồng hát hòa nhau, và các con trai Đức Chúa Trời cất tiếng reo mừng.”(Gióp 38:4-7).

Đương nhiên, câu trả lời của Gióp cho câu hỏi này thật đau đớn: “Không, lạy Chúa, con đã không ở đó khi Ngài đặt nền trái đất. Không, Chúa ơi, con không hiểu biết gì. Cha ơi, con không biết Cha đã đo lường trái đất như thế nào. Không, thưa Chúa, con không biết. Sao mai đồng hát hòa nhau? Lạy Chúa, điều này nằm ngoài tầm hiểu biết của con. Con cái Chúa cất tiếng reo mừng? Con không biết gì cả. Chúa ơi, con sẽ yên lặng, và không nói thêm gì nữa”.

Vì vậy, tôi cũng không thể trả lời chắc chắn rằng trái đất bao nhiêu tuổi. Tôi đã không ở đó khi Chúa tạo ra nó. Tôi có bằng chứng về Lời Chúa, từ đó tôi sẽ xem xét các dữ liệu có thể quan sát thấy trên thế giới. Khi làm như vậy, tôi hiểu rằng trái đất được tạo ra trong sáu ngày, và sau đó đã trải qua sự biến đổi mạnh mẽ. Tôi hiểu thế giới đã trở nên ô uế bởi tội lỗi loài người. Tôi hiểu rằng đã có lúc chẳng cần có mưa, vì một làn sương mù luôn bao phủ trên mặt đất. Có một trận lụt lớn. Một lần nữa, cấu tạo của trái đất và mọi sự sống đã thay đổi. Các sự kiện chấn động đã định hình lại toàn bộ hệ thống sự sống trên trái đất, khiến tôi không thể so sánh ngày nay với ngày bắt đầu thế giới.

Tôi tin vào gia phả. Nhưng khi quay trở lại thời kỳ khai lập thế giới trong sáu ngày, Chúa hỏi liệu tôi có ở đó khi Ngài tạo ra vạn vật không? Ngài đang thách thức những giả định của loài người về sự kiện xảy ra trước khi họ được tạo nên. Điều chắc chắn tôi biết về lịch sử thế giới: Sứ đồ Phao-lô nói trong 1 Cô-rinh-tô 15 rằng mọi thời đại đều tập trung vào một sự kiện biến đổi thế giới: Cứu Chúa Jêsus Christ phục sinh. Tất cả mọi thứ đã xảy ra trước và sau đó, hoặc sẽ xảy ra, đều được đánh dấu bởi sự kiện trung tâm trong lịch sử vũ trụ: sự phục sinh Đấng Christ. Có thể tôi không biết trái đất bao nhiêu tuổi, nhưng tôi biết Đấng đã tạo ra nó. Tôi đặt niềm tin nơi Ngài. Tôi hoàn toàn chắc chắn rằng sự kiện Đấng Christ phục sinh đã thay đổi mọi thứ.

Một sự kiện làm thước đo cho mọi sự kiện  

Vẫn còn một trận đại hồng thủy “chung kết” sẽ xảy ra trên trái đất và toàn vũ trụ: sự tái lâm của Chúa Jêsus Christ, sự phán xét cho thế giới, và tái cấu trúc mọi thứ để mang lại Trời Mới và Đất Mới. Đây là điều quan trọng nhất: việc bạn tin hay không tin vào sự phục sinh của Đấng Christ sẽ quyết định bạn có là một phần của Trời Mới Đất Mới hay không. Tôi không thể xác định tuổi của trái đất vì có quá nhiều thứ đã thay đổi. Nhưng tôi có thể chắc chắn rằng bởi vì Đấng Christ đã sống lại từ kẻ chết, nên chúng ta cũng sẽ sống lại từ kẻ chết. Chúng ta sẽ sống với Ngài trong Trời Mới Đất Mới mãi mãi. Tôi cũng không hoàn toàn hiểu điều này, nhưng đây mới là vấn đề quan trọng!

Đức tin là tin cậy nơi Đức Chúa Trời, ngay cả những điều chúng ta không thể thấy: “Vả, đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đương trông mong, là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy” (Hê-bơ-rơ 11:1).

Ở cuối mỗi câu hỏi lớn trong Kinh Thánh (về tuổi của trái đất hay một giáo lý huyền nhiệm – như trong Rô-ma 9), Đức Thánh Linh kêu gọi phân biệt rạch ròi giữa sự tồn tại hữu hạn của con người và bản chất hằng hữu vô hạn của Đức Chúa Trời:

“Nhưng, hỡi người, ngươi là ai, mà dám cãi lại cùng Đức Chúa Trời? Có lẽ nào cái bình bằng đất sét lại nói với kẻ nắn nên mình rằng: Sao ngươi đã làm nên ta như vậy?” (Rô-ma 9:20)

Nói tóm lại, Chúa là Đức Chúa Trời, còn chúng ta chẳng là gì cả. Vì vậy, hãy tin cậy Chúa. Thế giới này là công trình sáng tạo của Đức Chúa Trời Toàn Năng, cũng như Đấng Christ phục sinh là cột mốc can thiệp của Đức Chúa Trời. Bạn có thể đấu tranh để khám phá ra niên đại của trái đất, nhưng tôi thỏa lòng khi biết rằng Chúa biết, Chúa quan tâm, và Ngài sẽ ban cho tôi những gì tôi cần biết một cách rõ ràng không thể nghi ngờ. Đây là điều tôi biết: 

Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta đến nỗi đã sai Con một của Ngài đến để sống cuộc đời chúng ta không bao giờ có thể sống và chết cái chết lẽ ra chúng ta phải chịu. Và vào ngày tôi xưng nhận lẽ thật đó, Chúa đã tạo nên một con người mới trong tôi. Đối với tôi, trái đất bắt đầu vào ngày đó.

Bài: Dr. Michael A. Milton; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www.crosswalk.com/faith/spiritual-life/what-age-is-the-earth.html)

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN