Thứ năm, Tháng mười hai 26, 2024
No menu items!
Homec/Tài LiệuNghiên Cứu Kinh ThánhSự Kiện “Chúa Về trời” Dạy Chúng Ta Điều Gì?

Sự Kiện “Chúa Về trời” Dạy Chúng Ta Điều Gì?

Sự thăng thiên của Đức Chúa Jêsus Christ là một chi tiết quan trọng. Tất nhiên, sự giáng sinh, chức vụ, sự chết và phục sinh của Đấng Christ đều có ý nghĩa quan trọng và tất cả đều dẫn đến sự thăng thiên.

Sự kiện Chúa Jêsus thăng thiên được chép ở đâu trong Kinh Thánh?

Sau khi Chúa Jêsus phục sinh trong Giăng 20:17, Ngài bảo Ma-ri đừng chạm vào Ngài vì Ngài vẫn chưa thăng thiên ở với Cha Ngài.

Khi thăng thiên, Ngài được cất lên trời, và ngự bên hữu Đức Chúa Trời.

Các sách Phúc Âm lần đầu đề cập đến sự kiện thăng thiên trong Mác 16:19-20:

“Đức Chúa Jêsus phán như vậy rồi, thì được đem lên trời, ngồi bên hữu Đức Chúa Trời. Về phần các môn đồ, thì đi ra giảng đạo khắp mọi nơi, Chúa cùng làm với môn đồ, và lấy các phép lạ cặp theo lời giảng mà làm cho vững đạo.”

Lu-ca 24:51 mô tả: “Đương khi ban phước, Ngài lìa môn đồ mà được đem lên trời.”

Lu-ca cũng mô tả hành động của các sứ đồ trong khoảnh khắc Chúa thăng thiên:

“Ngài phán bấy nhiêu lời rồi, thì được cất lên trong lúc các người đó nhìn xem Ngài, có một đám mây tiếp Ngài khuất đi, không thấy nữa.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 1:8-10)

1 Phi-e-rơ 3:21-22 nói về Chúa Jêsus sau khi thăng thiên: “Bởi sự sống lại của Đức Chúa Jêsus Christ, 22 là Đấng đã được lên trời, nay ngự bên hữu Đức Chúa Trời, các thiên sứ, các vương hầu, các quyền thế thảy đều phục Ngài.”

Điều gì đã xảy ra trước khi Đức Chúa Jêsus thăng thiên?

Sau phục sinh và trước khi thăng thiên, Chúa Jêsus đã xuất hiện nhiều lần. Ngày đầu tiên trong tuần lễ phục sinh, Chúa Jêsus hiện ra với Ma-ri Ma-đơ-len, người nữ được Ngài đuổi 7 quỷ (Mác 16:9). Ngài cũng hiện ra với hai người khác, họ đã nói chuyện với Ma-ri Ma-đơ-len và không tin bà đã thấy Chúa Jêsus. Ngài cũng hiện ra với mười một sứ đồ khi họ cùng nhau dùng bữa. Chúa Jêsus quở trách họ “về sự không tin và lòng cứng cỏi, vì chẳng tin những kẻ từng thấy Ngài đã sống lại” (Mác 16:14).

Trước khi thăng thiên, Chúa Jêsus hướng dẫn các môn đồ:

“Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin lành cho mọi người. Ai tin và chịu phép báp-têm, sẽ được rỗi; nhưng ai chẳng tin sẽ bị đoán phạt. Vậy những kẻ tin sẽ được các dấu lạ nầy: Lấy danh ta mà trừ quỉ; dùng tiếng mới mà nói; bắt rắn trong tay; nếu uống giống chi độc, cũng chẳng hại gì; hễ đặt tay trên kẻ đau, thì kẻ đau sẽ lành” (Mác 16:15-18).

Ý nghĩa của câu Kinh Thánh này được giải thích theo nhiều cách khác nhau. Phao-lô đã xử lý một con rắn mà không cần làm nó bị thương, và một số Cơ Đốc nhân cố gắng bắt chước hành động đó.

Chúng ta không cần cố gắng bắt rắn. Chúa Jêsus muốn nói rằng chúng ta có thể xử lý ổn thỏa những kẻ quỷ quyệt và bình an trở về. Mặc dù vậy, chúng ta cũng có thể bị nhiễm nọc độc, và đặt tay chữa lành người bệnh, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta có quyền bất cẩn.

Các Thiên Sứ có ý gì khi thông báo rằng Chúa Jêsus sẽ trở lại?

Theo Kinh Thánh, Chúa Jêsus đã xuất hiện và biến mất trong 40 ngày sau phục sinh:

“Sau khi chịu đau đớn rồi, thì trước mặt các sứ đồ, Ngài lấy nhiều chứng cớ tỏ ra mình là sống, và hiện đến với các sứ đồ trong bốn mươi ngày, phán bảo những sự về nước Đức Chúa Trời” (Công Vụ Các Sứ Đồ 1:3).

Khi đã trọn 40 ngày đó, Chúa Jêsus dặn dò các môn đồ ở Giê-ru-sa-lem hãy chờ đợi Đức Thánh Linh, “Ngài phán bấy nhiêu lời rồi, thì được cất lên trong lúc các người đó nhìn xem Ngài, có một đám mây tiếp Ngài khuất đi, không thấy nữa” (Công Vụ Các Sứ Đồ 1:9).

Sau khi Chúa Jêsus rời thế gian, những người ở với Ngài vẫn còn đứng nhìn lên trời. Lúc ấy, hai Thiên Sứ xuất hiện với trang phục trắng tinh, nói rằng: “Hỡi người Ga-li-lê, sao các ngươi đứng ngóng lên trời làm chi? Jêsus nầy đã được cất lên trời khỏi giữa các ngươi, cũng sẽ trở lại như cách các ngươi đã thấy Ngài lên trời vậy” (Công Vụ Các Sứ Đồ 1:11).

Các Thiên Sứ cố gắng an ủi và cho các môn đồ biết rằng Chúa Jêsus sẽ trở lại một lần nữa. Mọi người rời núi Ô-li-ve và trở về Giê-ru-sa-lem với những tín đồ khác, bao gồm cả Ma-ri, mẹ Chúa Jêsus và các em Ngài.

Chúa Jêsus thăng thiên dạy chúng ta điều gì ngày nay?

Chúa Jêsus đã thăng thiên, và Ngài sẽ trở lại. Sự kiện thăng thiên dạy chúng ta rằng Chúa Jêsus cần phải trở lại Thiên Đàng – vị trí xứng đáng của Ngài, vì Chúa Cha chỉ sai Ngài đến thế gian thi hành chức vụ trong một thời gian ngắn. Chúng ta có đủ bằng chứng trong Kinh Thánh, lời chứng từ những người đã thấy Ngài, và lòng chúng ta tin rằng Chúa Jêsus luôn luôn hiện diện.

Chúng ta không bị bỏ lại một mình. Sự thăng thiên của Chúa Jêsus Christ rất ý nghĩa vì Ngài không hề để con cái Ngài cô độc trên thế gian. Chúa nói với các môn đồ rằng Đức Thánh Linh sẽ đến yên ủi họ sau khi Ngài ra đi. Ngày nay, chúng ta được ban năng lực để làm nhiều điều vì Chúa đã ban Đấng Yên Ủi cho chúng ta. 

Chúng ta có việc phải làm. Sự thăng thiên cho thấy, chúng ta cần phải bận rộn thực hiện sứ mệnh “thu hoạch linh hồn” và hoàn thành tốt mọi chức vụ mà Chúa kêu gọi. Cần phải ý thức rằng Chúa Jêsus sẽ trở lại, nhưng chúng ta không được phép đứng nhìn và “há miệng chờ sung”. Chúng ta phải thực hiện Đại Mạng Lệnh thông qua bất cứ ân tứ nào Chúa ban cho mình. Là thánh đồ, chúng ta cũng nên chuẩn bị đón Chúa trở lại vì không biết khi nào điều đó sẽ xảy ra. Không biết chúng ta có phải là thế hệ được chứng kiến Ngài tái lâm từ trời hay không, nhưng vẫn nên có một tấm lòng mong đợi và chuẩn bị sẵn sàng.

Chúa có kế hoạch cho các ân tứ. Sự thăng thiên cũng dạy chúng ta về trật tự. Chúa Jêsus sẽ về trời, và sau đó Đấng Yên Ủi – Đức Thánh Linh sẽ đến thế gian. Đức Thánh Linh ban cho chúng ta năng quyền để làm phép lạ giống như Chúa Jêsus. Sự nghi ngờ thường che mờ tấm lòng và tâm trí, khiến chúng ta nghĩ rằng mình không thể làm nên kỳ tích. Tất nhiên, mỗi người có những khác nhau. “Đức Thánh Linh tỏ ra trong mỗi một người, cho ai nấy đều được sự ích chung” (1 Cô-rinh-tô 12:8-10).

Một số người có ân tứ đức tin. Họ tin cậy Chúa trong mọi sự. Một số người có ân tứ chữa bệnh, nói tiên tri, phân biệt các thần, v.v. Chúng ta nên đầu tư sử dụng các ân tứ Chúa ban để tiếp tục phát triển vương quốc Đức Chúa Trời.

Phép lạ vẫn đang xảy ra ở một số nơi trên thế giới, nhưng có thể chúng ta không nhìn thấy vì đức tin chưa đạt mức độ đó. Chúng ta phải thoát khỏi tâm trí xác thịt và bước vào tâm trí thiêng liêng. Đôi khi người ta không tin Chúa vì ngại khó khăn. Đức Chúa Trời vừa là Chúa của những điều dễ dàng, vừa là Chúa của những thứ khó khăn. Bạn chỉ cần tin cậy.

Khi tin cậy Chúa ban phép lạ, tôi cố gắng suy ngẫm về điều đó, và mường tượng trong tâm trí mình. Thật dễ mất đức tin và thất bại, nhưng Chúa muốn chúng ta biết Ngài vĩ đại đến nhường nào và Ngài có thể làm những gì. Đừng để người ta làm mất chất đức tin của bạn vì sự không tin của họ. Vì mọi việc đều là có thể chỉ cần bạn tin (Mác 9:23).

Bài: Dr. Sandra Hamer Smith; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www.crosswalk.com/faith/bible-study/what-can-we-learn-from-jesus-ascension.html)

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN