Thứ sáu, Tháng mười hai 27, 2024
No menu items!
Homec/Tài LiệuNghiên Cứu Kinh ThánhMê-tu-sê-la Có Phải Là Người Sống Thọ Nhất?

Mê-tu-sê-la Có Phải Là Người Sống Thọ Nhất?

Hai tuần sau sinh nhật lần thứ 102, bà tôi qua đời. Nhưng còn Mê-tu-sê-la thì sao? Ông đã sống rất thọ. Liệu sống đến 969 tuổi sẽ như thế nào? Cảm giác làm ông nội của Nô-ê sẽ ra sao? Vâng, sẽ thế nào khi chứng kiến ​​trận Đại Hồng Thủy sắp sửa bắt đầu?

Mê-tu-sê-la là ai?

Mê-tu-sê-la là tổ phụ thứ 8 trong số 10 tổ phụ thời cổ đại, tiền thân của loài người hiện đại chúng ta. Họ sống rất lâu; còn cuộc đời chúng ta thì ngắn ngủi. Từ tổ tiên đầu tiên là A-đam, cho đến đời thứ 10 là Nô-ê, tất cả đều sống rất thọ. Mê-tu-sê-la lo lắng về điều gì khi ở độ tuổi trung niên – khoảng 500 tuổi? Đó là trận Đại Hồng Thủy sẽ đến.

10 tổ phụ trước trận Đại Hồng Thủy là ai?

Mê-tu-sê-la là người sống lâu nhất trong số 10 tổ phụ, mặc dù 4 người khác cũng sống thọ hơn 900 tuổi. Người sống thọ thứ hai là Lê-méc, con trai của Mê-tu-sê-la, qua đời năm 777 tuổi.

Tất cả 10 tổ phụ này đều chết tự nhiên không trừ một ai. Nhưng cha của Mê-tu-sê-la là Hê-nóc thì không chết. Ở tuổi 365, ông “đồng đi cùng Đức Chúa Trời”, như Sáng Thế Ký 5:23  chép rằng “Hê-nóc đồng đi cùng Đức Chúa Trời, rồi mất biệt, bởi vì Đức Chúa Trời tiếp người đi”. Nói cách khác, Hê-nóc được Đức Chúa Trời đưa thẳng lên Thiên Đàng. Đây cũng là điều sau này Ngài làm với Ê-li trong 2 Các Vua 2:11. Hê-nóc và Ê-li là hai con người duy nhất trong Kinh Thánh được lên thẳng Thiên Đàng mà không phải trải qua sự chết. 

Tuy nhiên, trường hợp của Hê-nóc có chắc chắn không? Chúng ta có thể chắc chắn về Ê-li – Kinh Thánh cho biết chi tiết về quá trình Chúa đưa ông lên Thiên Đàng. Nhưng Sáng Thế Ký không cho biết Đức Chúa Trời đã đưa Hê-nóc đi đâu, cũng không mô tả các chi tiết khác ngoài việc nói rằng Hê-nóc không hề chết. Hầu hết Cơ Đốc nhân đều cho rằng Hê-nóc đã được lên Thiên Đàng, nhưng bằng cách nào?

Việc Hê-nóc được “tiếp đi” cho thấy một điều mà chúng ta nên học hỏi. Những người thực sự “đồng đi với Đức Chúa Trời” đặt hy vọng của họ vào Ngài, nhờ đó họ không ở giữa thế gian tội lỗi, nhưng được Chúa tiếp đi, có thể nói như vậy. Họ gắn bó với Chúa, và đó cũng là điều chúng ta nên làm.

Kinh thánh nói gì về Mê-tu-sê-la?

Việc cha của Mê-tu-sê-la biến mất trở thành một câu chuyện thú vị, và cháu trai của Mê-tu-sê-la cũng trải qua sự kiện có một không hai. Đó chính là Nô-ê, người đóng tàu. Chúng ta đều biết về các loài động vật, từng cặp đang tiến vào con tàu Nô-ê.

Nhưng Kinh Thánh cho biết điều gì về chính Mê-tu-sê-la, con trai của Hê-nóc và ông nội của Nô-ê? Chúng ta không có nhiều thông tin. 

Trong số các tổ phụ xưa, A-đam được chú ý nhiều nhất – ông là người đầu tiên, cũng như Nô-ê là người cuối cùng. Hê-nóc có câu chuyện “được Chúa tiếp đi”. Nhưng tất cả các tổ phụ còn lại chỉ được mô tả vỏn vẹn trong 3 câu, với nội dung lặp đi lặp lại giống nhau. Sáng-thế Ký 5:4-31 tóm tắt tất cả các đời phụ hệ, và sử dụng chính xác các từ ngữ giống nhau (với một câu phụ duy nhất cho Hê-nóc). Chỉ có tên và tuổi thọ của mỗi người là khác nhau.

Ví dụ, đây là 3 dữ kiện về Mê-tu-sê-la. Thứ nhất, khi sinh con trai đầu lòng, ông được 187 tuổi. Thứ hai, sau khi sinh con trai đầu lòng và có thêm các con trai, con gái khác, ông được 782 tuổi. Thứ ba, ông sống thọ được 969 năm, và cụm từ cuối cùng là: “rồi qua đời”.

Yếu tố nghệ thuật và ngôn ngữ câu chuyện

Có thể thấy cùng một biện pháp điệp từ khi nói về 9 trong số 10 tổ phụ: “rồi qua đời”. Điệp khúc này giống như hồi chuông mang tính nghệ thuật văn học. 

Nghệ thuật văn học được sử dụng có chủ ý trong Kinh Thánh. Đức Chúa Trời vừa là nhân vật chính vừa là tác giả, là Đấng vô hình, nhưng Ngài cất tiếng nói – có thể là giọng nói tĩnh lặng, dịu êm (với Ê-li trong 1 Các Vua 19:12) hoặc như một tiếng sấm vang rền (Ê-li-hu kêu gọi Gióp lắng nghe trong Gióp 37:2). Khi Đức Chúa Trời phán, từ “debar” được sử dụng trong tiếng Do Thái có nghĩa là cả lời nói và hành động. Cả hai diễn ra cùng một lúc. Lời nói là hành động; từ ngữ không thốt ra vu vơ, mà luôn có thẩm quyền tối cao. 

Về các tổ phụ xưa, phép điệp từ Đức Chúa Trời sử dụng trong Sáng Thế Ký 5 hoàn toàn có chủ ý. “Rồi qua đời”, “rồi qua đời”, “rồi qua đời”. Phép điệp từ này mang tính hình thức. Qua đóm chúng ta chứng kiến ​​tiến trình lịch sử của thời gian và sự kiện trong thời đại các tổ phụ, đồng thời cũng là tiến trình của thời gian và sự kiện về mặt văn học, sáng tạo và thần học.

Chúng ta biết gì về Mê-tu-sê-la?

Đúng là chúng ta không biết gì nhiều về Mê-tu-sê-la trong Kinh Thánh ngoại trừ 3 câu nói về ông. Nhưng liệu chúng ta có thể suy luận ra điều gì không? Tên của ông có ý nghĩa gì? Cái tên này gợi ý cho chúng ta điều gì? Hầu hết các học giả tin rằng tên Mê-tu-sê-la là tiếng Semitic.

Sự tồn tại của tiếng Semitic (và tiếng Do Thái) bắt nguồn từ câu chuyện cứu rỗi của Cựu Ước. Hành động của Đức Chúa Trời, cũng chính là Lời Ngài, được mô tả bằng từ “debarim” (số nhiều của từ “debar”). Chúa “phán” và tạo ra một dân tộc của chính Ngài, theo hình ảnh Ngài, sống trong thế giới Ngài đã tạo ra, sinh sôi nảy nở ở đó, và tuân theo mệnh lệnh Ngài đã truyền. Thật không may, họ không vâng lời. Từ đó, câu chuyện bắt đầu. Câu chuyện về sự sáng tạo, sự sa ngã, sự cứu chuộc và sự phục hưng. Nhưng chúng ta hãy trở lại với Mê-tu-sê-la.

Nửa đầu của tên ông, “m tu”, có nghĩa là “người”. Phần sau có nghĩa là “phóng lao”. Nếu chính xác, tôi tưởng tượng Mê-tu-sê-la là một người lính trẻ tuổi giỏi giang với khả năng phóng lao tuyệt vời. 

Người sống lâu nhất 

Thời tiền cổ là thời kỳ lịch sử loài người đi xuống sau sa ngã. Bị đuổi khỏi vườn Ê-đen, A-đam và Ê-va không còn đặc quyền đồng hành trực tiếp với Đức Chúa Trời, buộc phải tự mình tìm con đường sống, trong một thế giới đòi hỏi đàn ông lao động trên đồng ruộng và phụ nữ đau đớn khi sinh con. Bệnh tật, cái ác, cái chết – tất cả đều là hậu quả của tội lỗi… và đó vẫn là thực tế của chúng ta ngày nay – những người thừa kế bản chất tội lỗi trong một thế giới sa ngã.

Âm mưu của kẻ ác đã rất thành công kể từ khi hắn xuất hiện trong vườn Ê-đen. Ngày nay, chúng ta hầu như không nhận ra hắn đã làm sụp đổ cả vũ trụ, gieo đau khổ ở khắp mọi nơi. Ngày nay, chúng ta bước đi trong nỗi thấp thỏm lo sợ tội lỗi, cố gắng hết sức để tránh phạm tội, cố gắng không phân tâm để đến gần Chúa Jêsus hơn, cố gắng để làm tốt nhất chúng ta có thể. Nhưng chúng ta vốn đã sa ngã.

Chúng ta không thể hiểu nổi làm sao các tổ phụ xưa có thể sống một cuộc đời dài đến thế? Bà tôi đã sống hơn 100 tuổi, và cha tôi cũng thọ 101 tuổi. Nhưng những người có vẻ rất già này lại bị các tổ phụ bỏ xa hơn gấp nhiều lần! Họ có cảm giác gì khi được vây quanh bởi vô vàn con trai con gái trong một bữa tiệc sinh nhật?

Có thể, đây là cách mà họ sống và rồi qua đời. Ca-in đã giết A-bên từ rất sớm. A-đam và Ê-va có một người con trai khác là Sết để thay thế A-bên. Sau đó, trong nhiều thế kỷ, xung đột bùng nổ giữa dòng dõi Sết tốt lành và dòng dõi Ca-in xấu xa. Mê-tu-sê-la thuộc dòng dõi Sết – và dường như bất cứ điều gì tốt lành, mạnh mẽ và công bình trước mắt Đức Chúa Trời đều bị vùi dập cho đến khi Ngài nổi giận. 

Thần của Đức Chúa Trời vẫn ở trong loài người cho đến cuối thời đại phụ hệ. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời quá thất vọng vì sự gian ác của con người, vốn đã lan tràn trên trái đất. Ngài ra lệnh rằng Thánh Linh Ngài sẽ không ở với nhân loại mãi mãi. Vào cuối thời đại này, Đức Chúa Trời xác định rằng “đời người sẽ là một trăm hai mươi năm mà thôi” (Sáng Thế Ký 6:3). Cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời lớn đến nỗi, khi tìm thấy một người công chính là cháu trai của Mê-tu-sê-la, Ngài quyết định bắt đầu lại từ đầu với người công bình đó: Nô-ê, vợ ông, ba con trai ông và vợ của họ – và với bảy cặp những con vật sạch, và một cặp những con vật ô uế. Và rồi trận Đại Hồng Thủy cũng đến. Nhờ đức tin mà Nô-ê được coi là công chính, và nhờ đức tin mà ông cùng tất cả các tổ phụ vâng phục Đức Chúa Trời đã nhận được ân điển cứu chuộc và sự cứu rỗi.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh bà tôi

Bà tôi ngồi trên chiếc ghế dài giữa đại gia đình bao gồm con, cháu và chắt của bà. Tôi là đứa cháu đầu tiên của bà. Tôi ngồi cạnh bà. Tôi 42 tuổi, và sẽ lên 43 sau hai tuần nữa – bản thân tôi đang già đi. Chúng tôi trò chuyện cùng nhau:

“Bà có khỏe không?”

“Bà khỏe. Bà muốn xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo”.

“Con nghe nói thế kỷ đầu tiên là khó khăn nhất. Sau đó mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn”.

Bà mỉm cười. “Thật tuyệt khi nghe vậy. Con đã nói cho Mê-tu-sê-la biết điều đó chưa?”

“Con không tìm được Mê-tu-sê-la để nói cho ông biết đâu”.

Bà suy nghĩ một lúc rồi nói: “Ông ấy vẫn đang ở đâu đó ngoài kia. Tất cả tổ phụ xưa cũng vậy. Chúng ta vẫn có thể cảm nhận được chúng nếu chúng ta cố gắng”.

Ngày nay, chúng ta vẫn đang sống trong một thế giới sa ngã, và con người vẫn đang chết dần vì bản chất tội lỗi, nhưng Đức Chúa Trời đã có kế hoạch ngay từ đầu khi Ngài biết sự lựa chọn của A-đam đầu tiên. Kế hoạch cứu chuộc của Đức Chúa Trời qua Con Ngài là Chúa Jêsus, Đấng Mê-si dành cho tất cả mọi người – tất cả đều có thể được cứu bởi ân điển, nhờ đức tin. Một ngày nào đó, những người tin Chúa sẽ được tiếp đi khỏi thế gian này, và bước vào sự hiện diện của Cha chúng ta trên trời. Khi ấy, chúng ta sẽ thấy các tổ phụ và mọi người tin đều được cứu chuộc bởi quyền năng Đấng Cứu Rỗi.

Bài: Dr. Dikkon Eberhart; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www.crosswalk.com/faith/bible-study/was-methuselah-oldest-man-bible.html)

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN