Tôi. Sắp. Nổi. Điên. Lên. Mất. Tôi nghĩ vậy khi tôi ghé vào một bãi đậu xe ở trường học của con tôi vào buổi sáng hôm đó. Vâng, tôi là người mẹ mà bạn thường thấy với một chiếc radio đang mở to hết cỡ, khăn giấy bay tứ tung và mascara tùm lem trên khuôn mặt.
Không có một điều gì cụ thể khiến tôi phát điên, nhưng có rất nhiều điều nhỏ nhặt chồng chất làm tôi khó chịu: hành vi với lũ trẻ; danh sách việc cần làm dài ngoằng của tôi; một người họ hàng yêu quý đã làm phiền tôi với những bình luận của cô ấy về một sự kiện sắp diễn ra; quá nhiều hoạt động của nhà thờ mà tôi đã hứa hẹn thay vì giành thời gian cho cho gia đình.
Cuộc sống nói chung là tốt (mọi người đều có việc làm và không có bị bệnh tật gì), nhưng vào thời điểm đó, mọi thứ khiến tôi khuỵu xuống sàn (à, thực ra là gục tay lái của tôi) và khóc. Tôi gọi cảm giác này là “cái chết từ một ngàn cây tăm”, và vào một ngày mùa xuân, những cây tăm đó giống như những chiếc xiên dài hơn 1 mét. Khi cuộc sống quá bộn bề, tất cả những gì chúng ta muốn là sự bình yên. Chúng ta muốn các vấn đề của chúng ta tự giải quyết và biến mất. Chúng ta muốn những đám mây đen nặng nề trong cảm xúc của chúng ta phân tán và để lại những tia nắng đầy hy vọng.
Tất nhiên, vấn đề là không phải lúc nào chuyện đó cũng có thể diễn ra. Hầu hết các vấn đề của chúng ta không thể được khắc phục chỉ bằng một cái búng tay. Cuộc sống vô cùng phức tạp và thậm chí đôi khi rất khắc nghiệt. Đúng vậy, khi chúng ta quá tải, việc ủy quyền, sắp xếp thứ tự ưu tiên và thậm chí bỏ qua một số việc có thể sẽ rất hữu ích. Thiết lập lại nhịp điệu và thói quen cũng giúp giảm thiểu căng thẳng trong cuộc sống. Cá nhân tôi, tôi là một người rất thích làm những việc mang tính “sỉ” (những bữa ăn sẵn bỏ tủ lạnh và mua sắm trước cho cả tháng là những người bạn thân của tôi).
Có rất nhiều nguồn lực tuyệt vời ngoài kia để giúp chúng thoát khỏi sự choáng ngợp, nhưng bài đăng không nhằm mục đích đó. Thay vào đó, tôi muốn cung cấp cho bạn một công cụ tư duy thực tế trong thời điểm hiện tại để giúp bạn khi bạn đang trong tình trạng choáng ngợp và cần bình tĩnh để kết nối lại với Chúa. Tôi muốn dạy bạn tái định hình lại góc nhìn của mình — một quan điểm mới về hoàn cảnh của bạn, tôn trọng sự thất vọng đồng thời cho phép bạn tập trung vào sự thật và tìm thấy sự bình yên — nó là một bí quyết sống cần thiết bất cứ khi nào áp lực và căng thẳng ập đến cửa nhà bạn. Ngay cả khi cuộc sống dường như nằm ngoài tầm kiểm soát, thì tin tuyệt vời là chúng ta luôn có quyền kiểm soát góc nhìn của mình để tìm thấy sự giải tỏa cho những suy nghĩ tiêu cực, lo lắng.
Khoan đã, bị quá tải mà lại là điều tốt sao?
Bạn có thể cho tôi là điên rồ, nhưng tôi đã học cách ca ngợi Chúa vì những khoảnh khắc bị quá tải này. Nhưng nói trước, tôi không nói về việc ca ngợi Chúa trong chính khoảnh khắc ấy. Đó không phải là những giọt nước mắt vui sướng mà tôi đã khóc trong bãi đậu xe ngày hôm đó.
Hãy để tôi giải thích. Về bản chất, tôi là một người cầu toàn quá mức. Tôi thường xuyên nhận nhiều việc vượt sức mình. Một số bài học lớn nhất trong cuộc đời tôi (bao gồm cả lần suýt mất mạng vì lịch trình dày đặc, khắt khe) đã xảy ra những lúc mà tôi không nghĩ mình có thể tiếp tục được nữa. Đã hơn một lần, Chúa Jêsus, với lòng nhân từ và sự thương xót của mình, đã phải nâng đỡ một cô gái bướng bỉnh và luôn cố tự mình làm hết mọi thứ này ra khỏi mớ hỗn độn hỗn độn của chính mình và nhẹ nhàng nói: “Con yêu, con đã sẵn sàng để Ta giúp con chưa? “
Sự quá tải nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta có giới hạn. Rằng chúng ta là con người (và điều đó không sao cả). Chúng ta không thể làm tất cả và Chúa không muốn chúng ta như vậy. Sự quá tải là một tín hiệu cảnh báo rằng chúng ta không được tạo ra để quản lý sự hỗn loạn của thế giới này một mình và rằng chúng ta cần những người khác (quan trọng nhất là chính Chúa) để vượt qua.
Trong những lúc bị quá tải, Đức Chúa Trời đã phải dạy tôi rằng Ngài là nguồn nuôi dưỡng tôi, là ma-na của tôi. Ngài đã dạy tôi những cách thực tế để giữ cho sự quá tải ở mức tối thiểu, nhưng Ngài cũng dạy tôi rằng Ngài là Đấng chu cấp cấp tất cả những gì tôi cần và rằng, giống như dân Y-sơ-ra-ên, ma-na mỗi ngày của Ngài sẽ đến ngày một cách kỳ diệu và chúng không thể được tích trữ cho tới ngày mai.
Ngài đã dạy tôi cách thừa nhận những thất vọng, căng thẳng và tức giận của tôi và xem chúng như những điều phải có của một thế giới sa ngã; trong khi vẫn nói “lòng tôi nay bình an thay, bình an thay” và “những gì Ngài ban cho là quá đủ, ngay tại và ngay bây giờ.”
Hãy cùng nhau nói về cách hình thành nên một tinh thần yên bình và bình tĩnh những lúc chúng ta thấy quả tải nhé.
3 bước bình tĩnh lại khi bạn cảm thấy bị quá tải
1/ Hãy thừa nhận những gì bạn đang cảm thấy là sự thật
Những suy nghĩ điên cuồng mà bạn đang cảm thấy là gì? Viết chúng xuống và đưa chúng ra khỏi đầu bạn mà không sợ hãi hay phán xét chúng. Cố gắng ngừng nghĩ rằng bạn “biết rõ” hoặc “không nên” đấu tranh trong lĩnh vực này. Đơn giản là hãy để những ý tưởng xuất hiện và nhìn chúng từ góc độ của tình yêu thương. Làm thế nào để những gì bạn nhận thấy về mình trong thời điểm này có ý nghĩa dựa trên những gì bạn đang trải qua?
Thừa nhận nỗi đau là chính đáng và có thể hiểu được. Bạn không cần phải cố gắng sửa chữa nó hoặc tìm ra giải pháp. Hãy cho phép bản thân để ý đến những gì đang xảy ra và cảm thông cho chính bản thân mình.
Hãy thử hoàn thành câu sau: “Cũng hợp lý tại sao tôi cảm thấy X bởi vì …”
2/ Phân biệt những gì là thật và không thật.
Khi bạn nhận ra những gì đang diễn ra bên trong mình và xem nó là hợp lý, tiếp theo, hãy chú ý những sự thật không rõ ràng hoặc những dối trá có thể xuất hiện trong tình huống này. Trong tình huống này, nỗi sợ và nỗi đau đóng vai trò như thế nào?
Hãy tự hỏi bản thân:
Khía cạnh nào của điều này là đúng, và khía cạnh nào là sai?
Làm thế nào để những gì trong đầu tôi phù hợp với những gì tôi biết là đúng từ Lời Đức Chúa Trời?
Hãy nhớ vẫn giữ một quan điểm cảm thông, yêu thương đối với những gì bạn khám phá ra. Nhiều người trong chúng ta có nỗi sợ hãi sâu sắc hơn hoặc nỗi đau trong quá khứ thúc đẩy những suy nghĩ tiêu cực của chúng ta, chúng có thể khiến chúng ta cảm thấy tê liệt hoặc thúc đẩy chúng ta làm việc chăm chỉ hơn. Một trong những kết quả này có thể khiến bạn thấy quá tải.
3) Quyết định xem bạn sẽ cảm thấy và phản ứng như thế nào
Bạn sẽ bám vào đâu để tiến về phía trước? Bão tố có thể vẫn đang tung hoành xung quanh bạn, nhưng bạn sẽ chọn suy nghĩ gì để đầu óc được nghỉ ngơi?
Đôi khi chúng ta muốn phóng nhanh đến bước này và tự cho mình một câu nói “tránh né” nhưng không cho phép chúng ta điều chỉnh lại góc nhìn của mình. Những điều này có thể làm chúng ta thêm phần xấu hổ. Chúng có thể là những lời nói thật lòng, nhưng chúng có phải là liều thuốc mà trái tim bạn đang cần trong lúc này? Chỉ bạn mới có thể quyết định, đó là lý do tại sao điều quan trọng là bạn phải tự hỏi bản thân, “tâm hồn tôi thực sự cần gì để bình tĩnh hơn và được an nghỉ?”
Bạn có thể tự hỏi bản thân:
Nhu cầu được nhìn thấy, được lắng nghe, được biết đến và được yêu thương của tôi có thể đóng vai trò như thế nào đối với cảm giác của tôi bây giờ?
Có những điều nào tôi cần phải từ bỏ trong tình huống này nhưng tôi không thể làm vậy? Đâu là những điều tôi cần phải chịu trách nhiệm? Tôi có thể giao trách nhiệm cho người khác ở những phần nào?
3 ví dụ về việc thay đổi góc nhìn khi bạn thấy bị quá tải
Dưới đây là một số ví dụ về việc thay đổi góc nhìn dựa trên mô hình thừa nhận, phân biệt và quyết định mà tôi đã chia sẻ ở trên. Hãy linh hoạt áp dụng chúng để phù hợp với hoàn cảnh của bạn, hoặc tốt hơn, sử dụng mô hình này để đưa ra giải pháp của riêng bạn!
SUY NGHĨ: Tôi sẽ không bao giờ làm được.
THAY ĐỔI GÓC NHÌN: Có rất nhiều thứ chồng chất lên tôi nên tôi hoàn toàn có thể hiểu được lý do tại sao tôi mệt mỏi, kiệt sức và mất hy vọng về một số vấn đề trong cuộc sống của mình. Cuộc sống thật khó khăn và một số tình huống thực sự khiến tôi cảm thấy bị tức ngực. Tôi biết rằng Đức Chúa Trời là người kiểm soát cuộc đời tôi và mọi thứ đều phải qua tay Ngài — xấu và tốt. Tôi cũng biết chắc chắn rằng Chúa yêu tôi và luôn dõi theo tôi. Khi tôi nghĩ về nỗi đau mà tôi đang trải qua, những sự thật đó không mâu thuẫn với nhau bởi vì tôi biết rằng mỗi trải nghiệm Chúa cho phép đến trong cuộc sống của tôi là cơ hội để tôi đến gần Ngài hơn và hiểu bản thân mình hơn. Tôi không cần phải sợ rằng Ngài sẽ không cho tôi những gì tôi cần để vượt qua trong mọi tình huống. Tình yêu của Ngài sẽ luôn ở đó với tôi, và tôi đã thấy rất nhiều bằng chứng về điều này trong cuộc đời mình để tôi có thể đặt niềm tin vào sự tốt lành của Ngài. Sự an ủi của Ngài là nơi ẩn náu của tôi khi tôi tiếp tục tin cậy Ngài cho những bước tiếp theo của mình. Tôi có thể chưa biết mình sẽ làm thế nào, nhưng điều đó không sao vì Cha nhân từ của tôi biết, và Ngài đang hướng dẫn tôi từng chút một để hướng cuộc sống của tôi đến điều tốt nhất. Tôi sẽ chọn tin rằng tôi sẽ làm được điều đó với Chúa là người dẫn đường cho tôi.
SUY NGHĨ: Tôi không bao giờ có thể vượt lên phía trước.
THAY ĐỔI GÓC NHÌN: Nó hoàn toàn hợp lý tại sao tôi lại đang cảm thấy mình bị tụt lại đằng sau. Có quá nhiều điều đang xảy ra, và một vài thứ khiến tôi vô cùng mệt mỏi đã diện ra trong cuộc đời tôi suốt một khoảng thời gian dài. Sự thật là Đức Chúa Trời biết điều gì đang xảy ra, và Ngài ở đây để giúp tôi vượt qua nó. Tôi không phải biết làm thế nào để giải quyết tất cả ngày hôm nay. Tôi không cần biết mình sẽ vượt lên như thế nào. Tôi sẽ tiếp tục đi và tin rằng Chúa sẽ chỉ cho tôi mọi thứ tôi cần khi tôi cần. Ngài nghe thấy tiếng khóc của tôi và muốn giải cứu tôi khỏi sự quá tải này, vì vậy tôi sẽ tin cậy Ngài là một người Cha nhân từ và rằng Ngài sẽ chu cấp mọi thứ tôi cần. Tôi thành công khi tôi vâng lời Ngài, vì vậy tôi không cần phải lo lắng rằng tôi không “vượt lên”. Vâng lời Chúa từng bước là tất cả những gì tôi cần làm, vì vậy đó là điều tôi đang chọn để tập trung vào lúc này
SUY NGHĨ: Cuộc sống của tôi thật khó khăn.
THAY ĐỔI GÓC NHÌN: Đúng là cuộc sống hiện tại rất khó khăn. Có rất nhiều ẩn số, và cảm giác sợ hãi luôn đồng hành cùng tôi trên mọi nẻo đường. Mặc dù ngày hôm nay có nhiều vấn đề, nhưng thực ra không có lúc nào trong cuộc đời mà chúng ta không có vấn đề phải giải quyết cả. Ngày hôm qua có vấn đề và ngày mai cũng vậy. Chúa không hứa cho tôi một cuộc sống không gặp phải vấn đề nào. Ngài nói rằng Ngài sẽ ở bên tôi để cùng tôi vượt qua các vấn đề và chỉ cho tôi cách chiến thắng chúng. Cũng đúng thôi, vì ngày hôm qua có những điều tốt đẹp, nên tôi biết ngày mai cũng vậy. Những điều tốt đẹp cũng sẽ luôn ở đó, giống như những điều khó khăn vậy. Việc để ý đến những khoảng thời gian khó khăn vì chúng đau đớn là điều đương nhiên, nhưng tôi có quyền lựa chọn liệu mình có cho phép những điều khó khăn đó lấn át những điều tốt đẹp hay không. Hôm nay tôi chọn cách ngừng nghĩ rằng cuộc sống không hoàn hảo. Chúa ơi, xin giúp con đừng để những điều khó khăn kiểm soát cảm xúc và cướp đi những món quà tốt đẹp mà Ngài ban tặng.
Thật không may, trong thế giới sa ngã của chúng ta, những sự kiện gây căng thẳng và sợ hãi sẽ tiếp tục khiến chúng ta cảm thấy choáng ngợp, lo lắng và bất an. Tin mừng là Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta quyền lựa chọn cách chúng ta tiếp cận các vấn đề trong cuộc sống. Chúng ta không cần phải làm nô lệ cho bất cứ suy nghĩ nào trong đầu. Chúng ta có thể thừa nhận những gì chúng ta đang cảm thấy là thật; chúng ta có thể phân biệt đâu là sự thật và quyết định cách chúng ta đối diện chúng. Cũng giống như sợ hãi và choáng ngợp là những hành vi chúng ta học dần qua thời gian, chỉ cần luyện tập một chút, chúng ta có thể học và rèn luyện sự bình tĩnh như một hành vi mặc định mới.
Bài:Alicia Michelle; dịch: Vĩnh An
(Nguồn: https://www.crosswalk.com/faith/women/3-ways-to-reframe-overwhelming-thoughts-and-reconnect-with-god.html)