Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
Homec/Tài LiệuBài Học Kinh ThánhBài 10: Cầu Nguyện Theo Ý Chúa

Bài 10: Cầu Nguyện Theo Ý Chúa

Bài 10: Cầu Nguyện Theo Ý Chúa

Khi cầu nguyện chúng ta đến với Chúa và trình dâng những kế hoạch, những ước muốn và xin Chúa cứu giúp, đó là điều rất đúng.  Tuy nhiên, trước khi Chúa thật sự mở cửa ra cho ta, nghĩa là đáp ứng, Ngài phải nghe ta nói: “nhưng không theo ý con mà theo ý Cha

Như lời chính Chúa Giê-xu cầu nguyện trong vườn Ghết-sê-ma-nê khi xưa ghi trong Lu-ca 22:41-42: Ngài bèn đi khỏi các môn đồ, cách chừng liệng một cục đá, quì xuống mà cầu nguyện rằng: Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén nầy khỏi con! Dầu vậy, xin ý Cha được nên, chớ không theo ý con!

Lối cầu nguyện này thật ra rất là khó, vì ta phải biết tuân phục khi ý Chúa thắng hơn ý của ta. Vì khi Chúa Giê-xu cầu nguyện: “Xin ý Cha được nên, ở đất cũng như trên trời..” thì Cha đáp lời là việc Chúa Giê-xu phải chịu cái chết nhục nhã đẫm máu trên thập giá.

Việc cầu nguyện theo ý Cha nhiều khi đưa đến nguy nan cho người cầu nguyện là như thế.  Ít khi ta cầu xin Chúa điều gì mà ý thức rằng, nếu Chúa nhậm lời và cho việc xẩy ra theo ý Chúa lại có thể gây khó khăn nguy hiểm cho ta.  Đây là điểm tế nhị của việc cầu nguyện.  Vì không phải lúc nào cầu nguyện cũng đưa đến an toàn cả đâu.  Vì cầu nguyện theo ý Chúa thì còn có giá phải trả.  Người tin Chúa nếu không biết điểm này, sẽ bất mãn khi việc khó khăn xẩy ra.

Nhiều bài thánh ca chúng ta hát có những lời hứa nguyện như:

Rao Tin Lành

Dầu mà ta lên trên núi cao, dầu vượt qua nơi biển sâu,
Dầu khi băng qua trong lửa cháy, vững chí ta nào đổi thay
Dầu mà quân binh đương phủ vây, quyền đời hăm ta giết đi
Tâm can vững chắc không kinh gì, vì lo cứu kẻ đương thì

Khi hát những lời thánh ca này ta thường nghĩ đến cuộc đời của những giáo sĩ hi sinh tận tụy rao truyền Tin lành cứu rỗi cho nhiều nơi khó khăn nguy hiểm. Nhưng nhiều khi cầu nguyện theo ý Cha không phải là phải đi làm giáo sĩ, nhưng chỉ là hạ mình đến với một người mà mình căm ghét để xin lỗi va tha thứ, hay làm một công việc không mấy danh vang trong Hội thánh hoặc là giúp đỡ một người đang gặp nguy nan tổn hại đến tài chính hay sức lực của mình. Thì lúc ấy ta có chùn bước hay theo ý Cha mà hành động.  Đây là việc Chúa đưa đến để thử xem lòng tin của ta nơi Chúa có giá trị nào.

Chúng ta thường hát bài thánh ca có những lời như: Dâng tất cả cho Chúa.  Nhưng trên thực tế ta có trung tín dâng chỉ một phần mười lợi tức của mình luôn luôn hay không lại là chuyện khác. Vì lúc dâng tiền chúng ta thường quên đó là điều mình đã tuyên hứa với Chúa, và Chúa đã có kế hoạch sử dụng số tiền ta hứa dâng đó.

Nhiều khi ta cầu nguyện mà không chân thành lắm, chỉ nói lên những xáo ngữ thôi, nghĩa là không cam kết, tuyên hứa gì cả.  Chính vì vậy mà lời cầu nguyện không tạo được hiệu năng. Nhưng khi ta cầu nguyện hết lòng và với cam kết hứa nguyện, ta phải giữ đúng điều đã thưa với Chúa. Truyền đạo dạy rằng: Khi ngươi khấn hứa sự gì với Đức Chúa Trời, chớ chậm mà hoàn nguyện, vì Ngài chẳng thích kẻ dại:  vậy khá trả điều gì ngươi hứa.  Thà đừng khấn hứa, hơn là khấn hứa mà lại không trả. (Truyền đạo 5:3-4).

Khi ý thức được như vậy thì lời cầu nguyện của ta có kèm theo những cam kết và giữ đúng cam kết.

Hậu quả của việc “cầu nguyện theo ý Cha” là gì?

Ta hãy nhớ lại hình ảnh Chúa Giê-xu trong vườn Ghết-sê-ma-nê.  Sau khi cầu nguyện khẩn thiết tinh thần Chúa an tĩnh, không còn buồn như trước. Lúc ấy kẻ thù dẫn quân lính tới hung hăng bắt Chúa, trói lại, giải đi như tử tội, bị thóa mạ, đánh đập tàn nhẫn và cuối cùng bị hành hình trên thập giá. Chúa hoàn toàn bình thản đến nỗi còn cầu xin Cha tha tội cho kẻ đã hành hại Ngài.

Chúng ta rất cần thái độ bình tĩnh trước nguy nan và đau thương tầm thường trong đời, nhưng làm sao có được thái độ đó nếu không cầu nguyện “xin ý Cha được nên” ? Ta nên nhớ rằng Chúa lúc nào cũng muốn ta được an bình và sung sướng, và Chúa có thể làm mọi điều mà ta giới hạn về nhiều mặt không thể tự làm được.

Cầu nguyện theo ý Cha không có nghĩa là ta thụ động không kế hoạch và không quyết định xin Chúa những điều khác.  Chúa sử dụng mỗi chúng ta cho các mục đích của Ngài và Ngài muốn chúng ta nhận được những ân tứ và phước hạnh riêng để áp dụng. Nhưng ưu tiên tất cả, Chúa muốn chúng ta đặt Chúa ở hàng cao nhất.  Chúa Giê-xu từng dạy:

Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa (Ma-thi-ơ 6:33).

Vấn đề khó ở đây là ta phải đem ý của ta đầu phục ý Chúa. Rất nhiều khi ta không biết ý Chúa như thế nào, những lúc ấy phải nhờ đến đức tin.

Một nữ tín hữu đến xin mục sư cầu nguyện cho con trai đang bệnh nặng. Mục sư hỏi: “Nếu bà biết rằng Chúa muốn cậu ấy về với Chúa thì bà có bằng lòng không?” Bà ấy ngần ngừ trong giây lát rồi nói: “Vâng, nếu tôi biết đó là ý Chúa cho cháu thì tôi bằng lòng chứ!” Mục sư cầu nguyện cho cậu trai đó và em được lành. Nhiều khi sự việc có thể xẩy ra ngược lại. Nhưng điều mà chúng ta cần xác định là ý Chúa bao giờ cũng là tốt nhất. Nếu chúng ta tin rằng lời cầu nguyện của ta Chúa luôn luôn nghe và đáp lời, thì chúng ta yên tâm giao thác mọi sự việc xảy ra trong ý Chúa.

Lời Chúa hứa rằng: Trong khi cầu nguyện, các ngươi lấy đức tin xin việc gì bất kỳ, thảy đều được cả. (Ma-thi-ơ 21:22). Chữ quan trọng trong câu này là “lấy đức tin”. Nhiều khi chúng ta không hiểu Chúa có nghe lời chúng ta cầu xin hay không, và nếu nghe, Chúa có nhậm lời và đáp ứng hay không?

Câu chuyện trong Phúc âm Mác 9:20-27 như sau:

20 Chúng bèn đem đứa trẻ cho Ngài. Đứa trẻ vừa thấy Đức Chúa Giê-xu, tức thì ngã xuống đất, rồi lăn lóc sôi bọt miếng ra. 21 Đức Chúa Giê-xu  hỏi cha nó rằng: Điều đó xảy đến cho nó đã bao lâu? Người cha thưa rằng: Từ khi nó còn nhỏ. 22 Quỉ đã lắm phen quăng nó trong lửa và dưới nước, để giết nó đi; nhưng nếu thầy làm được việc gì, xin thương xót chúng tôi và giúp cho! 23 Đức Chúa Giê-xu đáp rằng: Sao ngươi nói: Nếu thầy làm được? Kẻ nào tin thì mọi việc đều được cả. 24 Tức thì cha đứa trẻ la lên rằng: Tôi tin; xin Chúa giúp đỡ trong sự không tin của tôi! 25 Khi Đức Chúa Giê-xu thấy dân chúng chạy đến đông, thì Ngài quở trách tà ma và phán cùng nó rằng: Hỡi quỉ câm và điếc, ta biểu mầy phải ra khỏi đứa trẻ nầy, đừng ám nó nữa. 26 Quỉ bèn la lớn tiếng lên, vật đứa trẻ mạnh lắm mà ra khỏi; đứa trẻ trở như chết vậy, nên nỗi nhiều người nói rằng: Nó chết rồi. 27 Nhưng Đức Chúa Giê-xu nắm tay nó, nâng lên; thì nó đứng dậy.

Người cha đứa bé thưa với Chúa rằng: “Nếu thầy làm được việc gì…”Đây là một câu thách thức đối với Chúa, nhưng Chúa nhẹ nhàng nói: “Sao ngươi nói: nếu thầy làm được? Kẻ nào tin thì mọi việc đều được cả.” Câu nói của Chúa có nghĩa là: Chữ “nếu” là chỉ dùng cho khả năng của con người, đối với Chúa thì kẻ xin nếu đã có lòng tin, thì việc phải thành. Như thế chỉ có một giới hạn cho việc cầu nguyện là giới hạn của đức tin mà thôi.

Đức tin là gì vậy? Đó là cái nhìn trong tâm linh. Đó là khi ta nhìn thấy điều mà ta mong được thành trong đời mình. Trước khi một toà nhà được xây dựng, thì kỹ sư kiến trúc phải vẽ kiểu. Toà nhà ấy phải được thiết kế trên bản vẽ, và toà nhà nào đã thiết kế bản vẽ thì có thể xây lên thực tế.

Tin là vẽ ra trong tâm hồn ta một bản vẽ, và khi đã có bản vẽ đó thì từ “không thể xẩy ra” biến mất hẳn khỏi tâm hồn ta. Khi ta thấy bản vẽ rõ ràng trong tâm trí, dù chưa phải là sự thật, nhưng ta biết có thể thực hiện. Để giúp cho việc tin xin đề nghị ba bước cơ bản như sau:

  1. Ghi ra giấy vấn đề. Bạn sẽ thấy hơi khó lúc đầu, nhưng cứ chịu khó viết ra. Trước khi người kỹ sư xây dựng quyết định vẽ bản đồ chính của một công trình, người ấy phải vẽ phác ra nhiều hình vẽ rồi tẩy xóa, cuối cùng mới nối các đường nét lại với nhau.
  2. Sau khi bạn đã có bản viết điều mà bạn muốn, hãy đọc đi đọc lại nhiều lần mỗi ngày, thêm bớt thay đổi các chi tiết. Sau khi đã bằng lòng với bài viết, hãy rút gọn bài viết lại còn trong vòng năm chục chữ mà thôi.
  3. Xem xét mọi nguồn của bạn và tự hỏi: giá phải trả cho vấn đề khi được Chúa đáp lời là gì? Thường thì lúc đó Chúa đã trả lời cầu nguyện rồi. Nói như thế nghĩa là vào lúc đó Chúa đã ban cho nguồn để cung ứng và chỉ còn chờ bạn sử dụng cho đúng mà thôi. Nhưng đôi khi chúng ta không muốn Chúa đáp lời vì giá thành quá cao. Nên nhớ rằng đôi khi Chúa trả lời cầu nguyện không cần phụ thuộc vào ta, nhưng thường thì Ngài trả lời qua ta.

Chúa muốn cho mỗi chúng ta có cuộc đời sung sướng và thành công. Dù khi ta chưa cầu nguyện thì Chúa đã cung ứng các nguồn cung cấp – như một trí óc suy nghĩ, các bàn tay làm việc, những người bạn giúp đỡ và cổ võ, và một thế giới vô cùng phong phú. Có lẽ Chúa đã nói với bạn như ông già Ca-lép nói với đoàn người Israel trẻ tuổi ngày xưa rằng:

30 Ca-lép bèn làm cho dân sự, đương lằm bằm cùng Môi-se nín lặng đi, mà nói rằng: Chúng ta hãy đi lên và chiếm xứ đi, vì chúng ta thắng hơn được.(Dân-số-ký 13:30).

Riêng vấn đề trả lời cầu nguyện, ta nên nhớ lời Chúa Giê-xu nói với người bại liệt 38 năm. Người ấy cầu xin cho được chữa lành nhưng Chúa hỏi thẳng anh ta: “Ngươi có muốn lành chăng?” (Giăng 5:6) Có thể diễn ý câu này là: Anh có thật sự muốn lời cầu xin được đáp ứng hay không? Rồi Chúa bảo: “Hãy đứng dậy, vác giường ngươi và đi.” Nghĩa là Chúa đã đáp lời cầu nguyện rồi nhưng anh ta chưa biết phải làm gì, và như thế nào. Ta có thể hiểu là phải lấy đức tin bước đi để chứng nghiệm là mình được chữa lành chứ!

Một bà đã bệnh khá lâu, cầu nguyện và được Chúa chữa lành. Nhưng một hôm bà ấy nghe như Chúa hỏi: Có phải con chỉ muốn lành như vậy thôi sao? Bà ấy suy nghĩ về câu hỏi và nhận thấy rằng bà ấy lành bệnh nhưng không hoạt động gì cả, mọi thứ trong nhà không thu giọn và không lau chùi nhà cửa.  Chúa rõ ràng là muốn nhắc bà ấy: Khi con hoạt động trở lại bình thường, con sẽ cảm thấy mình lành mạnh thật sự.  Sau đó bà này đã hoàn toàn bình phục.

Nhiều khi ta cầu nguyện, Chúa đáp lời nhưng dường như không đủ tài nguyên. Ta nên mạnh bạo cầu xin Chúa cho tài nguyên nữa, vì không việc gì khó quá cho Chúa đâu.

Điều kiện cao nhất để nhận được sự cứu giúp từ Chúa là gì?

Ta trở về với gương cầu nguyện của Chúa Giê-xu:

Chúa Giê-xu cầu nguyện nhiều lần, nhưng cao điẻm của việc cầu nguyện của Chúa là tại vườn Ghết-sê-ma-nê. Mục đích mà Chúa đã chuyên tâm đạt đến là việc xây dựng Nước Đức Chúa Trời trên mặt đất này. Vì khi Chúa 12 tuổi, Ngài đã bắt đầu công việc đó và nói rằng:

48 Khi cha mẹ thấy Ngài, thì lấy làm lạ, và mẹ hỏi rằng: Hỡi con, sao con làm cho hai ta thể nầy? Nầy, cha và mẹ đã khó nhọc lắm mà tìm con. 49 Ngài thưa rằng: Cha mẹ kiếm tôi làm chi? Há chẳng biết tôi phải lo việc Cha tôi sao? 50 Nhưng hai người không hiểu lời Ngài nói chi hết.(Lu-ca 2:49)

Nhưng tại Ghết-sê-ma-nê hôm ấy dường như mọi sự đều tan rã cả. Một môn đệ phản Ngài. Sự thù ghét âm ỷ lâu nay trong giới lãnh đạo chính trị và tôn giáo sắp bùng nổ. Mọi việc Ngài đang xây dựng phải hoàn tất trong vài năm nữa và Chúa không muốn chết. Vì vậy Chúa cầu nguyện : “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này khỏi con,”

Sự cám dỗ lớn trong đời người là khi chúng ta theo sở thích của mình, lập kế hoạch theo ý mình và mong rằng Chúa cũng đồng ý. Nhưng giả như Chúa không ưng thuận thì sao? Chúng ta chỉ có một trong hai điều lựa chọn: Khước từ ý Chúa và theo ý mình hay là khước từ ý mình mà theo ý Chúa. Nhiều khi chúng ta phải lựa chọn mà không biết đâu là ý Chúa. Trong trương hợp đó đòi hỏi nhiều đức tin hơn nữa. Vì không dễ quyết định đâu. Cuộc tranh đấu của Chúa rất gay go, đến nỗi mồ hôi nhỏ giọt như hạt máu.

Nhưng Chúa đã thắng khi Ngài nói: “Dầu vậy, xin ý Cha được nên, chứ không theo ý con.”(Lu-ca 22:42). Nhưng ta đừng bỏ qua chi tiết Lu-ca ghi câu sau đó: “Có một thiên sứ từ trên trời hiện xuống cùng Ngài, mà thêm sức cho Ngài.”

Làm theo ý Cha rất khó, nhưng Chúa Cha đã biết tất cả và cung ứng nhu cầu đầy đủ.

Chúng ta hãy noi gương Chúa Giê-xu mà cầu nguyện để ý Cha luôn luôn được nên trong đời mỗi chúng ta.

Nguyễn Sinh Biên Soạn

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN