Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
Homec/Tài LiệuBài Học Kinh ThánhBài 11: Những Đức Tính Của Một Đời Sống Mới

Bài 11: Những Đức Tính Của Một Đời Sống Mới

Bài 11: Những Đức Tính Của Một Đời Sống Mới

Cô-lô-se 3:12-17

Vậy anh em là kẻ chọn lựa của Đức Chúa Trời, là người thánh và rất yêu dấu của Ngài, hãy có lòng thương xót. Hãy mặc lấy sự nhân từ, khiêm nhường, mềm mại, nhịn nhục,

nếu một người trong anh em có sự gì phàn nàn với kẻ khác thì hãy nhường nhịn nhau và tha thứ nhau: như Chúa đã tha thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha thứ thể ấy.

Nhưng trên hết mọi sự đó, phải mặc lấy lòng yêu thương, vì là dây liên lạc của sự trọn lành.

Nguyền xin sự bình an của Đấng Christ cai trị trong lòng anh em, là bình an mà anh em đã được gọi đến đặng hiệp nên một thể; lại phải biết ơn.

Nguyền xin lời của Đấng Christ ở đầy trong lòng anh em, và anh em dư dật mọi sự khôn ngoan. Hãy dùng những ca vịnh, thơ thánh, bài hát thiêng liêng mà dạy và khuyên nhau, vì được đầy ơn Ngài nên hãy hết lòng hát khen Đức Chúa Trời.

Mặc dầu anh em nói hãy làm, cũng phải nhân danh Đức Chúa Jêsus mà làm mọi điều, nhờ Ngài mà tạ ơn Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha.

Trong phần Kinh Thánh này chúng ta có thể chia ra làm bốn phần:

  1. Thứ nhất là các thể hiện của tình thương

Người tin Chúa được khuyên dạy là phải trút bỏ con người cũ mà mặc lấy người mới. Nhưng con người mới này cần có y phục cho thích hợp.

Câu 12 nói đến các y phục này, đó là thương xót.

Thương xót là cảm thương đối với hoàn cảnh của người đau khổ. Đây là thương xót chân thật như Chúa đã thương.

Tiếp theo là nhân từ, trong câu này mang nghĩa là nhân hậu, tức là tốt, tử tế và sẵn sàng cho.

Thứ ba là khiêm nhường và mềm mại là đức tính hiếm và quý của người tin Chúa. Khiêm nhường không có nghĩa là nhu nhược, nhưng là thái độ hạ mình, tôn trọng người khác. Thêm vào đó là mềm mại, nghĩa là nhẹ nhàng, dịu dàng, không nóng nầy và cuối cùng là kiên nhẫn. Tất cả các đức tính này đều là thành phần của thương yêu.

Câu 12 còn có mấy danh xưng tác giả dành cho các tín hữu tại Cô-lô-se, đó là những người được Chúa chọn, những người thánh và được Chúa thương yêu. Những ai bằng lòng nghe tiếng gọi của Chúa, tôn thờ Ngài, đều được mang danh hiệu như thế. Đây là những danh hiệu của người được tha tội tái tạo và luôn vâng theo lời Chúa dạy.

Trên thực tế, mặc lấy những đức tính này là thế nào? Tức là thể hiện các đức tính ấy trong sinh hoạt của mình như người mặc những chiếc áo tuyệt đẹp.

Câu 13 giải thích chi tiết hơn. Tha thứ là một đức tính. Chịu đựng và tha thứ là yếu tố giúp cho cộng đoàn dân Chúa sống hòa hợp và an bình. Tha thứ như Chúa đã tha thứ ta. Mỗi khi ta không thể tha thứ một người nào, ta hãy nghĩ đến tình thương và tha thứ mà Chúa thực hiện đối với chúng ta.

Câu 14 Nhưng trên hết mọi sự đó, phải mặc lấy lòng yêu thương, vì là dây liên lạc của sự trọn lành. Đức tính cao nhất phải là tình thương. Tình thương không bẩm sinh, nhưng phải được học tập và thực hành. Người ta thường lẫn lộn tình thương với nhiều tình cảm khác, với ngay là đam mê và dục vọng nữa.

Câu này nguyên văn là: Trên tất cả các đức tính này phải mặc lấy tình thương, vì tình thương buộc chặt tất cả các đức tính này lại với nhau trong một hòa hợp toàn vẹn.

Tình thương là đức tính căn bản, vì từ đó ta mới có thể thương xót, nhân hậu, khiêm nhường, dịu dàng và nhịn nhục được.

  1. Sự quản trị của an bình

Nguyền xin sự bình an của Đấng Christ cai trị trong lòng anh em, là bình an mà anh em đã được gọi đến đặng hiệp nên một thể; lại phải biết ơn.

Chữ căn bản trong câu này là cai trị. Cai trị mang nghĩa làm trọng tài giám định hay phân xử.

An bình của Đấng Christ nghĩa là an bình do từ hành động tin nhận và cam kết vâng theo lời Chúa dạy. Trong an bình của Chúa có việc xưng tội và tha tội, sau đó là tái tạo. An bình của cá nhân đưa đến an bình trong nhóm người. Nhiều người có an bình đó sẽ cùng hợp tác trong những công việc chung. Đây là nói về việc sống trong Hội Thánh.

Khi nào để an bình của Chúa ngự trị thì hòa hợp mới xuất hiện và công việc mới phát triển. Nơi nào nhiều xung khắc và bất hòa, Chúa không ban phước được.

Ta nhận an bình từ Chúa khi hạ mình vâng phục Ngài và đối xử tốt lành với những người quanh mình. Khi ấy ta phải biết ơn Chúa và tạ ơn Ngài vì tất cả đều do Chúa, ta không làm được gì.

Ta được kêu gọi để sống trong an bình, không phải trong những tranh chấp bất hòa.

Tình thương thì ta phải mặc lấy, học tập, thực hành. Nhưng an bình là ân huệ Chúa ban và ta tuân hành, thuận phục. Không thực tập an bình được, nhưng nhận lãnh và biết ơn.

3.Vai trò của Lời Chúa

16 Nguyền xin lời của Đấng Christ ở đầy trong lòng anh em, và anh em dư dật mọi sự khôn ngoan. Hãy dùng những ca vịnh, thơ thánh, bài hát thiêng liêng mà dạy và khuyên nhau, vì được đầy ơn Ngài nên hãy hết lòng hát khen Đức Chúa Trời.

Những lời kêu gọi trong các câu trước mang tính cách chung cho cộng đoàn dân Chúa, nhưng câu 16 trực tiếp nói về cá nhân mỗi người.

Lời Chúa là lời dạy của Ngài đã được các sứ đồ ghi nhớ và truyền lại. Đây là lời cầu chúc của tác giả, ngụ ý rằng người tin Chúa cần học Lời Chúa cho thấu đáo, ghi nhớ và thực hành. Nhiều người rất thích nghe lời Chúa, nhưng nếu những lời đã nghe không có hiệu ứng nào trên tâm hồn, tư tưởng, hành vi của người ấy, thì dù nghe nhiều cũng như không. Làm sao lời Chúa tràn đầy trong lòng ta, nghĩa là ta luôn ghi nhớ, chiêm nghiệm, áp dụng và tuân hành. Có như thế ta mới có khôn ngoan trong mọi việc huấn luyện và ca ngợi Chúa.

Nhiều người muốn dạy người khác về Chúa, nhưng nếu không có lời Chúa tràn đầy trong tâm hồn, không hiểu, không áp dụng thì không thể nào dạy ai được.

Tại đây đề cập đến những loại bài hát ca ngợi Chúa, nhưng ca ngợi Chúa trong tinh thần dạy bảo giáo dục về Chúa. Ngày nay có phong trào gây những âm thanh kích động trong nhà thờ và hát những câu ngắn, nhắc đi nhắc lại không chứa đựng lời Chúa mà chỉ là những câu hát cho trôi dòng nhạc hay bày tỏ đôi cảm xúc với Chúa. Ta nên theo lời dạy của câu này, đó là thánh ca mang mục đích dạy và khuyên nhau trong việc yêu Chúa và truyền bá danh Chúa.

  1. Danh Chúa

Mặc dầu anh em nói hãy làm, cũng phải nhân danh Đức Chúa Jêsus mà làm mọi điều, nhờ Ngài mà tạ ơn Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha.

Lời khuyên tóm tắt ở đây là: Hãy nhân danh Chúa Giê-xu mà phục vụ. Nhân danh Chúa mà nói hay làm tức là hành động như người đại diện cho Chúa. Trọng tâm của người tin Chúa phải là Chúa. Bất cứ công việc nào mà ta không thể nhân danh Chúa mà làm, thì công việc đó cần phải suy xét lại.

Vì ta sống là sống cho Chúa, vì Chúa.

Ngay đến việc tạ ơn Cha trên trời, ta cũng phải nhân danh Chúa Giê-xu mà làm, vì ta không xứng đáng đến trước ngôi của Đấng Chủ Tể.

Tóm lại, sau khi ta trút bỏ con người cũ, mặc lấy người mới, ta còn phải học tập trau giồi những đức tính nhất là tình thương, và lời Chúa để ta luôn có bình an trong tâm hồn và trong mọi hoạt động mà ta nhân danh Chúa để làm.

Ngay cả việc cảm tạ hay tôn vinh Chúa, ta cũng phải nhân danh Chúa Giê-xu mà làm, vì cuộc đời ta đã cùng chết và sống lại với Chúa.

Cầu xin Chúa giúp cho mỗi chúng ta biết sống vừa lòng Chúa.

Nguyễn Sinh

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN