Đọc Kinh Thánh: 1Tê-sa-lô-ni-ca 2:17-20
17Thưa anh em, về phần chúng tôi, tuy xa cách anh em ít lâu, xa mặt chứ không cách lòng, chúng tôi vẫn thiết tha mong được gặp lại anh em, mặt đối mặt.
18Vì vậy, chúng tôi, nhất là tôi, Phao-lô, đã hai lần muốn đi đến cùng anh em, nhưng Sa-tan đã ngăn trở chúng tôi.
19Vì niềm hi vọng, sự vui mừng, và mão triều thiên đáng hãnh diện của chúng tôi trước mặt Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus khi Ngài quang lâm là gì, nếu không phải là chính anh em?
20Vâng, chính anh em là vinh quang và niềm vui của chúng tôi!
Suy niệm: Đọc những lời trong lá thư này chúng ta thấy sứ đồ Phao-lô quý mến anh chị em tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca là dường nào, vì chỉ xa cách ít lâu mà ông cho là mất mát khá nhiều.
Sứ đồ Phao-lô viết: xa mặt chứ không cách lòng, chúng tôi vẫn thiết tha mong được gặp lại anh em, mặt đối mặt.
Người ta bảo “Xa mặt cách lòng” nhưng Phao-lô bảo rằng anh chị em vẫn ở trong tâm hồn chúng tôi.
Nhưng lý do mà ông không đi gặp mặt anh chị em Tê-sa-lô-ni-ca là: 18Vì vậy, chúng tôi, nhất là tôi, Phao-lô, đã hai lần muốn đi đến cùng anh em, nhưng Sa-tan đã ngăn trở chúng tôi.
Sự can thiệp của Sa-tan thường gây trở ngại cho công việc Chúa. Sa-tan là kẻ luôn phá đổ, gây nản chí, tạo khó khăn thất vọng trong lòng người phục vụ Chúa. Đây là thực sự mà chúng ta phải nhận ra để xin Chúa cứu giúp và giải tỏa.
Sa-tan có thể gây trở ngại, nhưng Chúa không ngạc nhiên và các chương trình của Chúa không sức mạnh nào ngăn cản được.
Ta nên nhớ rằng: kẻ thù đáng sợ nhất, tệ hại nhất của Sa-tan chính là những người truyền rao Tin Mừng về ơn cứu độ của Chúa cho những người sống trong sự thống trị của Sa-tan.
Sa-tan không quan tâm đến một nhóm người nào gọi là Hội Thánh mà không đặt nặng vấn đề giảng truyền Tin Mừng. Nhưng hễ thấy ai đứng ra truyền rao về chân lý muôn đời của Chúa, nó sẽ bắt tay làm việc ngay. Mặt khác, nếu Sa-tan không làm gì cả có thể vì con dân Chúa chưa phục vụ Chúa tận tụy.
Sa-tan không khôn ngoan gì đâu, nó chỉ quỷ quyệt mà thôi. Nó tưởng đã thắng trong việc tác hại tôi tớ trung thành của Chúa là ông Gióp, nhưng nó đã thua, ông Gióp vẫn nói rằng: “Dù Chúa giết tôi, tôi vẫn tin cậy Ngài…Nhưng Chúa biết con đường tôi đi, khi Ngài đã rèn luyện tôi, tôi sẽ ra như vàng.”(Gióp 13:15 và 23:10.)
Câu hỏi đặt ra là: “Làm sao chúng ta biết được hoàn cảnh nào là do Sa-tan gây ra và hoàn cảnh nào là do Chúa đưa đến?”
Trước tiên ta cần định cho rõ tính chất của việc ngăn cản đó.
- Nếu việc ngăn cản đi ngược lại với mục đích của Chúa dành cho cuộc đời chúng ta;
- Nếu việc ngăn cản đó làm chúng ta không còn thánh khiết và hữu dụng nữa,
- Nếu việc ngăn cản đó làm chúng ta không trưởng thành và tăng trưởng,
- Nếu việc ngăn cản làm thỏa mãn con người thể chất và ham muốn của chúng ta
- Nếu việc ngăn cản đó làm chúng ta kiêu căng hơn, đáp ứng đòi hỏi của con người xác thịt
Thì việc ngăn cản đó phải do Sa-tan gây ra, và chúng ta phải xin Chúa cứu giúp.
Nhưng nếu sự cản trở là một cái gì ngược lại với bản tính xác thịt, thì có thể Chúa đã giảm đi những gì dư thừa trong cuộc đời chúng ta, đẽo gọt các bờ thô nhám cho chúng ta thích ứng với ngôi đền thờ mà Ngài đang xây dựng, thì cản trở đó phải do từ Chúa.
Nói tổng quát:
Mục đích của Chúa là xây dựng hữu ích;
mục đích của Sa-tan bao giờ cũng là phá hoại, gây tác hại.
Mão triều thiên của sứ đồ Phao-lô:
19Vì niềm hi vọng, sự vui mừng, và mão triều thiên đáng hãnh diện của chúng tôi trước mặt Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus khi Ngài quang lâm là gì, nếu không phải là chính anh em?
20Vâng, chính anh em là vinh quang và niềm vui của chúng tôi!
Một trong những niềm vui nhất của người tin Chúa là thấy được sự thay đổi của những người đã đến với Chúa do mình hướng dẫn. Vinh quang của người thầy giáo là thành công của học trò mình. Vinh quang của mỗi người truyền rao Lời Chúa là những người đã tin nhận.
Như thế, dù xa cách, dù bị Sa-tan ngăn cản không cho gặp nhau, nhưng một ngày kia mọi người sẽ đứng trước ngôi vinh quang của Chúa trong niềm hân hoan và hãnh diện.
Nguyễn Sinh