Đọc 2 Phi-e-rơ 1:5-9
“5Chính vì lý do đó mà anh em phải cố gắng hết sức để thêm cho đức tin mình lòng nhân đức, thêm cho nhân đức sự tri thức,
6thêm cho tri thức tính tiết chế, thêm cho tiết chế tính kiên nhẫn, thêm cho kiên nhẫn lòng tin kính,
7thêm cho lòng tin kính tình huynh đệ, thêm cho tình huynh đệ tình yêu thương.
8Vì nếu anh em có những điều nầy và có dư dật, thì sẽ không sợ mình thiếu hiệu năng hoặc không kết quả trong sự nhận biết Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ.
9Vì ai thiếu những điều ấy là người cận thị, người mù, quên rằng mình đã được thanh tẩy khỏi những tội lỗi cũ.
Câu căn bản: Vì nếu anh em có những điều này và có dư dật, thì sẽ không sợ mình thiếu hiệu năng hoặc không kết quả trong sự nhận biết Chúa chúng ta là Chúa Cứu Thế Giê-xu. Câu 8.
Suy niệm: Người tin Chúa có hai loại: Tín đồ xác thịt và tín đồ thiêng liêng. Tín đồ xác thịt có nhãn quang cận thị (câu 9); nhưng tín đồ thiêng liêng là người sống có hiệu năng và kết quả.
Sứ đồ Phi-e-rơ liệt kê ra tám đức tính của người tín đồ thiêng liêng mà không giải thích: Đức tin, nhân đức, tri thức, tiết chế, kiên nhẫn, tin kính, tình huynh đệ, yêu thương.
Đức tin trong Chúa Giê-xu phân biệt người tin Chúa và người đời.
Đức tin nơi Chúa đưa chúng ta vào đại gia đình của Chúa.
Đức tin cũng là nền tảng của mọi đức tính khác trong cuộc đời người tin Chúa.
Mục sư Lê Hoàng Phu đã diễn ý phần Kinh Thánh này như sau:
Tuy nhiên, muốn được những phúc lành đó, không phải chỉ có đức tin là đủ; anh em còn phải sống cuộc đời đạo đức.
Hơn nữa , anh em phải học hỏi để biết rõ Thượng Đế hơn và tìm hiểu Chúa muốn mình làm gì. Lại phải biết tự chủ và kiên tâm sống một cuộc đời tin kính.
Nhờ đó anh em biết đối xử với người đồng loại trong tình huynh đệ, và nhất là yêu thương họ cách chân thành.
Càng tiến bước theo chiều hướng đó, tâm linh anh em ngày càng tăng trưởng và kết quả tốt đẹp cho Chúa Cứu Thế Giê-xu.
Ai đi ngược lại hẳn là kẻ mù lòa, nếu không cũng là cận thị, vì họ quên rằng Thượng Đế giải phóng họ khỏi nếp sống cũ đầy tội lỗi cốt để họ sống cuộc đời mạnh mẽ, đức hạnh trong Ngài.
(Bản Thánh Kinh diễn ý 1994)
Nguyễn Sinh