Thứ Năm, Tháng Năm 2, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
Homec/Tài LiệuBài Học Kinh ThánhBài 3: Tính Cao Cả Tuyệt Đối Của Chúa Cứu Thế Giê-xu

Bài 3: Tính Cao Cả Tuyệt Đối Của Chúa Cứu Thế Giê-xu

Bài 3: Tính Cao Cả Tuyệt Đối Của Chúa Cứu Thế Giê-xu

15Ấy chính Ngài là hình ảnh của Đức Chúa Trời không thấy được, là Đấng sanh ra đầu hết thảy mọi vật dựng nên.

16Vì muôn vật đã được dựng nên trong Ngài, bất luận trên trời, dưới đất, vật thấy được, vật không thấy được, hoặc ngôi vua, hoặc quyền cai trị, hoặc chấp chánh, hoặc cầm quyền, đều là bởi Ngài và vì Ngài mà được dựng nên cả.

17Ngài có trước muôn vật, và muôn vật đứng vững trong Ngài.

18Ấy cũng chính Ngài là đầu của thân thể, tức là đầu Hội thánh. Ngài là ban đầu, sanh trước nhứt từ trong những kẻ chết, hầu cho trong mọi vật, Ngài đứng đầu hàng.

Cô-lô-se 1:15-18.

Mục đích của Kinh thánh là cho chúng ta biết về Chúa để chúng ta ăn năn hối lỗi cho được tha tội, và kính sợ tôn thờ Chúa để được hưởng phúc lành vĩnh hằng. Khúc kinh thánh hôm nay đặc biệt cho chúng ta biết về Chúa Cứu Thế Giê-xu.

Ngày xưa Hội thánh Cô-lô-se bị các tà thuyết lung lạc cho rằng Chúa Giê-xu cũng chỉ là một trong các vị thần mà con người phải tôn thờ. Khúc Kinh  thánh chúng ta học hôm nay là một phần câu giải đáp của sứ đồ Phao-lô về vai trò độc nhất của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ngài là Đấng Chủ Tể Cao Cả không ai có thể so sánh được. Có ba lời tuyên bố về Chúa Cứu Thế Giê-xu trong các câu Kinh thánh hôm nay:

Thứ nhất, nói về Thần tính thì Chúa Giê-xu là hình ảnh của Đức Chúa Trời vô hình. Câu này không có nghĩa hình ảnh cụ thể nhìn thấy được hay đụng chạm được.  Ý nghĩa phải thâm sâu hơn nhiều.  Cũng không phải chỉ giới hạn trong thời gian Chúa Giê-xu xuống đời làm người.  Cũng không phải quãng thời gian trước khi Chúa vào đời.

Thực ra Chúa Giê-xu đã từng là hình ảnh của Đức Chúa Trời, đang là hình ảnh của Đức Chúa Trời, và sẽ còn là hình ảnh của Đức Chúa Trời.

Cuộc vào đời của Chúa Giê-xu không làm cho Ngài trở thành hình ảnh của Đức Chúa Trời vô hình. Nhưng đã đưa hình ảnh ấy lại gần con người chúng ta hơn.

Từ ‘hình ảnh’ trong nguyên văn Hi-lạp là  icon, có hai nghĩa: thứ nhất là  giống.

Chúa Cứu Thế là hình ảnh Đức Chúa Trời nghĩa là giống hệt Đức Chúa Trời, như hình của một đồng tiền khi soi vào gương.

Nghĩa thứ hai là: bày tỏ hay thể hiện. Như thế khi nói: Chúa Giê-xu là hình ảnh của Đức Chúa Trời vô hình tức là nói rằng: Bản chất và con người của Đức Chúa Trời đã được thể hiện trong Chúa Giê-xu hoàn toàn. 

Chính vì vậy mà sứ đồ Phao-lô mạnh bạo viết trong thư Cô-rinh-tô thứ hai chương 4 câu 6 rằng: 6Vì Đức Chúa Trời, — là Đấng có phán: Sự sáng phải soi từ trong sự tối tăm! — đã làm cho sự sáng Ngài chói lòa trong lòng chúng tôi, đặng sự thông biết về vinh hiển Đức Chúa Trời soi sáng nơi mặt Đức Chúa Jêsus Christ.

Những ai tin Chúa Giê-xu, chiêm ngắm vinh quang Ngài thì: 18Chúng ta ai nấy đều để mặt trần mà nhìn xem vinh hiển Chúa như trong gương, thì hóa nên cũng một ảnh tượng Ngài, từ vinh hiển qua vinh hiển, như bởi Chúa, là Thánh Linh. (2 Cô-rinh-tô 3:18)

Thứ hai là trong quan hệ với vũ trụ thì Chúa Giê-xu là Đấng sinh ra đầu hết thảy mọi vật được tạo dựng nên, hay là con  đầu lòng của toàn thể tạo vật. Con đầu lòng  trong câu này có nghĩa là có trước vũ trụ tính theo thời gian và vượt trên vũ trụ về cấp bậc và giá trị.  Nghĩa là Chúa Giê-xu hoàn toàn cao hơn cả vũ trụ vạn vật, là nói đến việc kế tự, theo như truyền thống gia đình cổ thời, và như thế hàm ý về quyền lợi và đặc ân dành riêng. Chúa Giê-xu là đại diện của Đức Chúa Trời, và cũng là con trai kế tự sự nghiệp. Như vậy Chúa Giê-xu là Chúa tể cai quản toàn thể tạo vật.

Sứ đồ Phao-lô đã nói đến lý do khiến Chúa Giê-xu xứng đáng quản trị tạo vật, đó là Con đầu lòng đối với tạo vật, vì Ngài đã làm nên tạo vật. Do nơi Chúa mà tạo vật có hợp nhất, có ý nghĩa, và ngay cả sự tồn tại nữa. Có ba chữ quan trọng được nói đến ở đây, ba giới từ:

Muôn vật được tạo dựng nên Trong Ngài, Bởi Ngài và  Ngài

Muôn vật đã được tạo nên TRONG Ngài:  Nghĩa là việc sáng tạo xẩy ra trong con người của Ngài, trong quyền năng của Ngài.  Chúa Giê-xu là khởi nguyên về điều kiện, là trung tâm về nguyên nhân, và nơi chốn về tâm linh của vũ trụ vạn vật.  Việc sáng tạo muôn loài vạn vật là do từ nơi Chúa,  nghĩa là TRONG Ngài.

Muôn vật đã được tạo dựng nên BỞi Ngài: nghĩa là  Ngài trung gian mà qua Ngài việc sáng tạo hình thành được. Trung gian đây là giữa Thượng đế với muôn loài vạn vật.

Muôn vật lại được tạo nên VÌ Ngài, nghĩa là:  Chúa Giê-xu là mục đích và lý do mà muôn loài vạn vật được tạo dựng nên.  Muôn loài vạn vật được tạo dựng nên là để phục vụ Chúa, góp phần xây dựng vinh quang cho Ngài.  Đơn giản hơn là Vì Chúa Giê-xu mà tất cả đều được tạo dựng nên.

Câu 16 đã xác định: Chúa Giê-xu là Đấng Sáng Tạo

Câu 17 tóm lược lại tư tưởng của câu 15 và 16 nhưng thêm ý về quan hệ giữa Chúa Giê-xu và tạo vật:  “Ngài có trước muôn vật và muôn vật đứng vững trong Ngài.”

Chúa có trước,  đó là nói về thời gian, nhưng câu này còn hàm ý là Chúa ở trên tạo vật một bậc.

Muôn vật đứng vững trong Ngài, hay là nhờ Ngài mà muôn vật được bảo tồn và tồn tại.

Chúa Giê-xu vừa là nguyên lý phối hợp lại vừa là sức mạnh nối kết và trung tâm của tất cả.  Nói khác đi,  Chúa Giê-xu là nguyên lý kết hợp Đấng khiến cho tạo vật trở thành một vũ trụ chứ không phải một mớ hỗn độn.

Điều thứ Ba sứ đồ Phao-lô nói đến là: Tính chất cao cả của Chúa Giê-xu đối với Tân Tạo vật. Ấy cũng chính Ngài là đầu của thân thể, tức là đầu Hội Thánh. Ngài là ban đầu sinh trước nhất từ trong những kẻ chết hầu cho trong mọi vật Ngài đứng đầu hàng.

Đầu Hội thánh tức là chủ tể của Hội thánh. Một mình Chúa Giê-xu là chủ tể của Hội thánh, không có ai khác cả. Nhưng Hội thánh là gì?

Hội thánh trong nguyên văn là Eklesia nghĩa là hội hay hội chúng. Đây là tập họp tất cả những người đã được Chúa cứu chuộc. Tuy nhiên ở đây vì nói Hội thánh như một thân thể của Chúa Cứu Thế hàm ý ba điều:

Thứ nhất là: Hội thánh là một cơ quan sống động gồm có những cơ phận nối kết sống với nhau.

Thứ hai là: Hội thánh chính là phương tiện Chúa thực hiện các mục đích của Ngài và thể hiện công việc của Chúa.

Thứ ba là: Hội thánh là sự phối hợp thực hiện giữa Chúa và dân Chúa trong mối liên kết thâm sâu và thực sự.  Hai bên tạo thành một đơn vị sống, mà theo một ý nghĩa, bên này không thể đầy đủ nếu không có bên kia.

Phần thứ hai của câu 18 đưa ra một lý do tại sao Chúa Giê-xu lại là đầu của Hội thánh: Ngài là ban đầu sinh trước nhất từ trong những kẻ chết.

Bản Truyền Thống Hiệu Đính Kinh thánh dịch lại câu này là: 18Ngài là đầu của thân thể, tức là Hội Thánh. Ngài là khởi đầu, là Đấng sinh trước nhất từ những người chết, để trong mọi sự Ngài đều đứng đầu.

Bản Thánh Kinh Diễn ý dịch câu này: Chúa là Đầu của thân thể, tức là Đầu Hội thánh.  Chúa sống lại đầu tiên, làm Căn nguyên của sự sống lại, nên Chúa đứng đầu vạn vật.

Chúa Giê-xu là Đấng đầu tiên sống lại từ cõi chết và thực sự sống lại mãi mãi. Vì thế Ngài sở hữu một sự sống mới và cao hơn mà dân Chúa sẽ được chia sẻ. Chúa Giê-xu đứng đầu đời sống giáo hội.

Như thế trong bốn câu Kinh thánh ta học hôm nay, ta biết được mấy điểm sau đây:

Chúa Giê-xu là Đấng Tạo Hóa và muôn vật tạo dựng nên Trong Chúa Giê-xu Do Chúa Giê-xu và  Chúa Giê-xu.

Chúa Giê-xu là chủ tể của Hội Thánh.

Biết như thế ta cần hết lòng tôn thờ Chúa Giê-xu và tôn phục một mình Chúa trong Giáo Hội.

Trong vũ trụ vạn vật cũng như trong Giáo Hội không có ai cao trọng hơn Chúa Giê-xu.

Tôn thờ Chúa Giê-xu không phải là cúi lạy trước bàn thờ Chúa hay dâng hương hoa cho Ngài. Nhưng là xưng nhận tội lỗi, xin được tái tạo cho thành con người mới và quyết tâm sống theo lời Chúa răn dạy.

Quý độc giả đã nghe lời Chúa trong thư Cô-lô-se, quý vị có bằng lòng tôn thờ Chúa Giê-xu trong tâm hồn, trong đời sống mình hay không?

Hãy dâng lên Chúa một lời cầu nguyện và đến với Chúa xưng nhận những tội lỗi của mình cho được tha thứ, và bằng lòng mời Chúa làm chủ đời sống mình. Cam kết cả tuần lễ này sẽ để Chúa Giê-xu trước nhất, cao hơn hết, ưu thế trong đời sống mình và tôn phục Chúa, vâng trọn những điều Chúa răn dạy, không phạm tội và không sống một cuộc đời nhơ nhớp để không thể đứng trước mặt Chúa được.

Cầu xin Chúa ban ơn lành cho quý vị và các bạn.

Nguyễn Sinh

Bài viết trước
Bài tiếp theo
RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN