Bạn Chọn “Jêsus” Nào?
“Jêsus Ba-ra-ba? Hay Jêsus gọi là Christ?” Bạn sẽ trả lời Phi-lát như thế nào?
Quan tổng đốc tin rằng Đức Chúa Jêsus không phạm bất cứ tội gì đáng chết (Ma-thi-ơ 27:23). Ông biết rằng các lãnh đạo tôn giáo nộp Ngài bởi lòng ghen ghét (27:18). Ông quyết định xoa dịu đám đông bằng cách cho họ quyền lựa chọn thả một tù nhân.
Thật ra cả hai tù nhân đều được gọi là “Jêsus” (mặc dù chi tiết này bị bỏ qua trong một số bản Kinh Thánh). Phi-lát đề nghị dân chúng đưa ra sự lựa chọn (27:17):
“Trong hai người này, các ngươi muốn ta tha ai?”
– Jêsus Ba-ra-ba – tên tội phạm khét tiếng
– Jêsus Christ – Đấng được xức dầu
Jêsus (tiếng Do Thái là Joshua) là một cái tên tương đối phổ biến, có nghĩa là “Đấng giải cứu” (theo Ma-thi-ơ 1:21). Nhưng hai “Jêsus” lại mang quan điểm hoàn toàn khác nhau về phương cách giải cứu dân sự.
Jêsus Ba-ra-ba tương tự như Giô-suê trong Cựu Ước – người lãnh đạo cuộc đấu tranh đánh đuổi dân Ca-na-an khỏi Đất Hứa. Ông đấu tranh cho tự do, nhằm khôi phục Y-sơ-ra-ên trở lại thành vương quốc Đức Chúa Trời, thay vì phục vụ Sê-sa. Ông cho rằng mình đang theo đuổi mục tiêu thánh, giống như các quan xét mà Đức Chúa Trời dấy lên để giải cứu dân chúng (Các Quan Xét 2:16). Việc làm này khiến Ba-ra-ba trở thành một “tội phạm nổi tiếng” (27:16). Trong khi Ba-ra-ba coi bản thân như một vị cứu tinh, thì người La Mã xem đó là kẻ khủng bố và giết người (Mác 15:7, Lu-ca 23:19, Giăng 18:40).
Đức Chúa Jêsus Christ có một phương cách hoàn toàn khác để khôi phục vương quốc Đức Chúa Trời. Khác với “Giô-suê truyền thống” và các quan xét, Jêsus người Na-xa-rét khẳng định dân Ngài cần yêu thương cả kẻ thù, chứ không phải chém giết (Ma-thi-ơ 5:44).
Phi-lát thấy rõ sự khác biệt ở đây. Ông kinh ngạc khi Chúa Jêsus không hề biện minh: “Song Đức Chúa Jêsus không đáp lại một lời gì, đến nỗi làm cho quan tổng đốc lấy làm lạ lắm” (27:14).
Bạn sẽ theo Jêsus nào? Người chiến tranh cho tự do, hay Người Thầy mang đến yêu thương?
Vấn đề là cách của Đức Chúa Jêsus Christ không phù hợp với kỳ vọng của dân chúng. Đứng trước quan tổng đốc, Ngài trông không giống một Đấng Cứu Thế: bị chính đồng bào mình (27:2,18) và môn đồ mình giao nộp (27:3-4), và sắp bị đóng đinh (27:26). Tình yêu thương là một lý tưởng đáng quý, nhưng đường lối của Ba-ra-ba hiệu quả hơn trong mắt đám đông.
Đây vẫn là vấn đề của nhiều người ngày nay. Theo họ, Chúa Jêsus không phải là Đấng Cứu Thế, vì Ngài đã không cứu dân tộc khỏi lệ thuộc. Đối với người Hồi giáo, vũ lực là biện pháp chính đáng. Quan điểm của Đức Chúa Jêsus đi ngược xã hội đến nỗi nhiều người tin rằng việc giết người là để tự vệ hoặc bảo vệ tổ quốc. Một số nhà Thần học Giải phóng vẫn ủng hộ phương pháp vũ lực của Ba-ra-ba để giải phóng người bị áp bức.
Đám đông nhìn thấy phương cách Chúa Jêsus trông thật vô vọng. Ba-ra-ba đã thắng. Đám đông đã chọn anh hùng của họ, trong khi Đấng được Đức Chúa Trời xức dầu lại bị đóng đinh (27:26). Ba-ra-ba – một kiểu anti-Christ, kẻ giết người – lại được thả, còn Đấng Christ thì không. Tất nhiên, cuối cùng hắn không thể cứu dân chúng. Giờ đây bàn tay họ nhuốm đầy máu (27:25).
Bạo lực không bao giờ giải quyết được bạo lực… trừ khi bạn cho rằng kẻ sử dụng vũ lực có thể cứu rỗi thế giới.
Bạn quyết định theo Jêsus nào?
Bài: Allen Browne; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://blogs.crossmap.com/2022/01/21/which-jesus-do-you-want-matthew-2715-26/)