Thứ tư, Tháng ba 26, 2025
No menu items!
Homec/Tài LiệuBài Học Kinh ThánhChân Dung của Người Tín Đồ Thật

Chân Dung của Người Tín Đồ Thật

Đọc Kinh Thánh:Ma-thi-ơ 5:17-18

Các ngươi đừng tưởng ta đến đặng phá luật pháp hay là lời tiên tri; ta đến, không phải để phá, nhưng để làm cho trọn. Vì ta nói thật cùng các ngươi, đương khi trời đất chưa qua đi, thì một chấm một nét trong luật pháp cũng không qua đi được, cho đến khi mọi sự được trọn.

Suy niệm: Các câu Kinh-thánh này mặc dù tiếp nối vào những lời dạy trước đó, nhưng mở đầu cho một phần mới trong bài giảng của Chúa. Chúng ta đã thấy Chúa trình bầy về chân dung của một người tín đồ thật.

Trước tiên chúng ta được nhắc rằng chúng ta là những người như thế nào; sau đó chúng ta được dạy là phải ghi nhớ và sống theo đúng với những tiêu chuẩn chứng tỏ chúng ta là tín đồ thật của Chúa. Y như lời một người cha nói với đứa con sắp rời nhà đi một nơi xa, rằng: Con phải nhớ con là hạng người nào.

Con phải cư xử sao cho khỏi thương tổn đến danh giá của gia đình và của cha mẹ con. Lời dặn cũng tương tự như thế đối với một người học trò đại diện cho trường hay là một người đại diện cho nước. Chúng ta là con dân của Chúa và thuộc về nước trời, vì vậy chúng ta phải thể hiện tư cách của mình cho đúng.

Chúng ta sống sao cho Chúa được vinh quang và người đời cũng phải ca ngợi Chúa. Câu hỏi đặt ra là: trên thực tế chúng ta phải sống như thế nào? Đây cũng chính là đề tài mà chúng ta sẽ phân tích. Vắn tắt có thể nói: Chúng ta phải sống một cuộc đời công chính.

Công chính là chữ tóm lược tất cả sống đạo của người tin Chúa. Đây cũng là đề tài chính của phần còn lại trong bài giảng trên núi. Công chính là gì và sống theo công chính là sống như thế nào? Chương 5:17-20 là phần giới thiệu cho đề tài đó. Trong những câu này Chúa Giê-xu giới thiệu toàn bộ vấn đề công chính và cuộc sống công chính của người tin Chúa.

Ta hãy để ý đến phương pháp trình bày vấn đề của Chúa. Trước khi vào chi tiết, Chúa nêu lên một số nguyên tắc chính. Bao giờ khai triển một vấn đề, cũng nên khởi đầu với nguyên tắc. Vì những người hành động sai là những người thường không nắm vững nguyên tắc. Hầu hết những thất bại trong cuộc sống là vì một số các nguyên tắc chính yếu đã bị bỏ quên. Nói khác đi, nếu tất cả mọi người đều sống thật đúng với các nguyên tắc, chắc chúng ta không bao giờ cần phải tổ chức nhiều hội nghị và nhiều cơ quan như hiện nay.

Chúa Giê-xu nêu lên nguyên tắc thứ nhất trong hai câu 17 và 18. Trong đó Chúa nói rằng tất cả những gì Chúa sẽ dạy tuyệt đối phù hợp với toàn bộ Kinh-thánh Cựu Ước. Không có điều nào mâu thuẫn với các lề luật căn bản.

Nguyên tắc thứ hai trong các câu 19 và 20:

19Vậy, ai hủy một điều cực nhỏ nào trong những điều răn nầy, và dạy người ta làm như vậy, thì sẽ bị xưng là cực nhỏ trong nước thiên đàng; còn như ai giữ những điều răn ấy, và dạy người ta nữa, thì sẽ được xưng là lớn trong nước thiên đàng.

20Vì ta phán cho các ngươi rằng, nếu sự công bình của các ngươi chẳng trổi hơn sự công bình của các thầy thông giáo và người dòng Pha-ri-si, thì các ngươi chắc không vào nước thiên đàng.

Chúa nói rằng lời dạy hoàn toàn phù hợp với Kinh-thánh Cựu Ước lại trái ngược hẳn với lối dạy đạo của các bậc lãnh đạo Do-thái giáo đương thời. Đó là hai lời tuyên bố quan trọng, vì chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được những phần ký thuật về cuộc đời Chúa Cứu Thế trong bốn Phúc Âm nếu chúng ta chưa nắm vững hai nguyên tắc này. Hai nguyên tắc này giải thích rõ tại sao các giới lãnh đạo tôn giáo thời đó chống báng Chúa dữ dội như vậy. Cũng cho ta biết lý do của tất cả những khó khăn bách hại và sự thường xuyên bị hiểu lầm mà Chúa phải chịu.

Chúa Giê-xu còn dùng lối nói tiêu cực nữa. Ngài không những chỉ trình bầy giáo lý của Ngài, nhưng còn chỉ trích các giáo lý khác nữa. Nhiều người nghĩ rằng chỉ nên dùng lối tích cực để trình bầy vấn đề niềm tin, mà không nên có thái độ tiêu cực, tức là chỉ trích các giáo lý sai lạc. Nhưng ta thấy Chúa Giê-xu dùng cả hai. Có lẽ vì Chúa mới đủ thẩm quyền làm như vậy. Chúa chỉ trích những người thuộc dòng Biệt-lập Pha-ri-si và những người dạy luật vì họ là những người chỉ có đạo nhưng không bao giờ sống đạo cả.

Khi chúng ta đọc Phúc Âm, chúng ta thấy lời dạy của Chúa làm cho nhiều người hoang mang. Chúa trở thành một nan đề lớn cho người đương thời. Có rất nhiều điều dị thường trong lối sống của Chúa. Chúa không phải là tu sĩ dòng Pha-ri-si, mà cũng không học trong trường của các tu sĩ ấy, hay trường nào cả.

Những người thời ấy hỏi: Người này là ai, không thuộc hệ phái nào cả, cũng không xuất thân từ một dòng thông thường nào và chỉ là một người thợ mộc tầm thường. Sao người này dám đứng lên dạy? Không những thế người ấy còn châm biếm chỉ trích những người lãnh đạo tôn giáo có mặt ngay trong xã hội lúc ấy nữa.

Người ấy cũng không theo sát giáo luật Cựu ước, mà dạy về ân sủng và tình thương của Đức Chúa Trời qua những dụ ngôn, như truyện người con hoang đàng. Hơn thế nữa, người này còn giao tiếp với những hạng người cặn bã trong xã hội và ngồi ăn chung với họ.

Người ấy có vẻ ngang nhiên vi phạm giáo luật chứ không kiêng nể gì cả.

Câu hỏi căn bản mà các giới tôn giáo hồi ấy đặt ra là:

Vị giáo sư này có tin Kinh-thánh Cựu Ước hay không? Người ấy muốn phá luật lệ hay sao? Giáo lý của người có gì mới mẻ không?

Chúa Giê-xu biết tất cả những nan đề này của quần chúng lúc đó nên Ngài đã khẳng định tuyên bố hai nguyên tắc quan trọng vừa nói trên đây.

Nguyễn Sinh

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN