CHƯƠNG IV TỔNG HỘI

0
2976

ĐIỀU 27: CÁC HỘI ĐỒNG – ĐẠI HỘI ĐỒNG
1. Đại Hội đồng Tổng hội: Tổ chức bốn (04) năm một lần
2. Hội đồng Bồi linh của Tổng hội: Tổ chức hai (02) năm một lần
3. Hội đồng Mục sư – Truyền đạo: Tổ chức hai (02) năm một lần
4. Đại Hội đồng Bất thường: Được tổ chức khi có việc bất thường, quan trọng và cấp bách mà Ban Trị sự Tổng hội không thể giải quyết được, khi có 2/3 thành viên Ban Trị sự Tổng hội hoặc 1/3 tổng số Hội thánh yêu cầu.

ĐIỀU 28: ĐẠI HỘI ĐỒNG TỔNG HỘI
– Ban Trị sự Tổng hội chịu trách nhiệm triệu tập Đại hội đồng Tổng hội.
– Đại Hội đồng Tổng hội là Đại hội Đại biểu có thẩm quyền cao nhất của Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc), giữ quyền lập quy và điều hành của Giáo hội.
– Đại Hội đồng Tổng hội bầu cử và trao cho Ban Trị sự Tổng hội quyền điều hành công việc của Giáo hội trong thời gian giữa hai kỳ Đại Hội đồng.

ĐIỀU 29: ĐẠI BIỂU CHÍNH THỨC ĐẠI HỘI ĐỒNG TỔNG HỘI
1. Thành phần
– Thành viên Ban Trị sự Tổng hội đương nhiệm.
– Mục sư, Mục sư Nhiệm chức, Truyền đạo, Trưởng nhiệm đương nhiệm.
– Đại biểu tín hữu do Hội thánh cơ sở cử theo Hiến chương và đại biểu tín hữu của Điểm nhóm do Ban Trị sự Tổng hội phân bổ.
2. Tiêu chuẩn
Đại biểu chính thức của Đại Hội đồng phải là người không bị kỷ luật của Giáo hội trong thời gian giữa hai (02) kỳ Đại Hội đồng, có tiếng tốt trong Hội thánh và có đủ quyền công dân.
3. Nhiệm vụ và Quyền hạn
Đại biểu chính thức của Đại Hội đồng có quyền đề cử, ứng cử, bầu cử, phát biểu ý kiến, chất vấn Ban Trị sự Tổng hội, và có trách nhiệm tuân thủ Nội quy, Kỷ luật của Đại Hội đồng.

ĐIỀU 30: SỐ LƯỢNG ĐẠI BIỂU CHÍNH THỨC ĐẠI HỘI ĐỒNG TỔNG HỘI.
– Hàng Giáo phẩm đương chức và Ban Trị sự Tổng hội đương nhiệm là đại biểu đương nhiên.
– Hội thánh tự lập: Cứ 50 tín hữu, được cử một đại biểu (tính số tín hữu đã chịu phép Báp-têm và thường xuyên tham gia sinh hoạt trong Hội thánh).
– Số lượng đại biểu của Hội thánh chưa tự lập và Điểm nhóm do Ban Trị sự Tổng hội phân bổ nhưng không vượt quá tiêu chuẩn đối với Hội thánh tự lập.

ĐIỀU 31: NHỮNG ĐỀ NGHỊ TRÌNH ĐẠI HỘI ĐỒNG TỔNG HỘI
Các đề nghị trình Đại hội đồng Tổng hội xem xét phải được Ban Chấp sự Hội thánh và Ban Trị sự Tổng hội thông qua một (01) tháng trước khi tổ chức Đại Hội đồng. Trường hợp Ban Trị sự Tổng hội không thông qua, phải giải trình lý do.

ĐIỀU 32: NHIỆM VỤ ĐẠI HỘI ĐỒNG TỔNG HỘI
– Bầu cử chủ toạ đoàn và các tiểu ban chuyên môn phục vụ Đại Hội đồng Tổng hội.
– Xem xét các báo cáo và giải quyết những vấn đề của Giáo hội.
– Hoạch định đường lối phát triển Giáo hội và ban hành những nghị quyết cần thiết.
– Bầu cử Ban Trị sự Tổng hội.
Tu chỉnh Hiến chương của Giáo hội

ĐIỀU 33: QUYỀN HẠN ĐẠI HỘI ĐỒNG TỔNG HỘI
Đại Hội đồng Tổng hội có thẩm quyền cao nhất, chấp thuận hoặc phủ quyết các vấn đề liên quan đến toàn Giáo hội, phù hợp với Hiến chương. Có quyền chất vấn, khiển trách hoặc miễn nhiệm các thành viên trong Ban Trị sự Tổng hội. Hoạch định phương hướng phát triển Hội thánh.

ĐIỀU 34: CÁCH BẦU CỬ BAN TRỊ SỰ TỔNG HỘI
– Ban Trị sự Tổng hội được Đại Hội đồng Tổng hội bầu cử từng chức danh bằng phiếu kín, theo nguyên tắc dân chủ công khai. Thường trực Tổng hội được bầu từng chức danh bằng phiếu kín, còn Ủy viên Ban Trị sự Tổng hội được bầu chung bằng phiếu kín.
– Ban Trị sự Tổng hội đương nhiệm và Hội thánh cơ sở có trách nhiệm giới thiệu ứng cử viên Ban Trị sự Tổng hội.

ĐIỀU 35: THÀNH PHẦN BAN TRỊ SỰ TỔNG HỘI
1. Thành phần Ban Trị sự Tổng hội, gồm:
– Hội trưởng
– Phó Hội trưởng Nội vụ
– Phó Hội trưởng Ngoại vụ
– Phó Hội trưởng Sắc tộc
– Tổng Thư ký
– Phó Tổng Thư ký
– Tổng Thủ quỹ
– Các Uỷ viên Chuyên trách là Mục sư, Mục sư Nhiệm chức, Nữ Truyền đạo.
2. Chức vụ Hội trưởng, Phó Hội trưởng, Tổng Thư ký, Tổng Thủ quỹ chuyên trách trọn thời gian; các chức vụ khác có thể kiêm Quản nhiệm Hội thánh do Ban Trị sự Tổng hội quyết định.
3. Số lượng thành viên Ban Trị sự Tổng hội nhiệm kỳ tiếp theo do Ban Trị sự Tổng hội đương nhiệm đề xuất với Đại Hội đồng biểu quyết.

ĐIỀU 36: NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA BAN TRỊ SỰ TỔNG HỘI
– Ban Trị sự Tổng hội thảo luận và đề cử các uỷ viên phụ trách các công tác, cơ quan, các địa bàn của Giáo hội.
– Ban hành các văn bản thực hiện: Nội quy, Giáo luật, Kỷ luật và các Quy chế. Thi hành Hiến chương và các nghị quyết của Đại hội đồng Tổng Hội.
– Tấn phong Mục sư, công nhận chức vụ Mục sư Nhiệm chức, Truyền đạo, Trưởng nhiệm.
– Bổ nhiệm trưởng các cơ quan và Quản nhiệm Hội thánh. Ngưng chức và cách chức hàng Giáo phẩm, Trưởng nhiệm, thành viên Ban Trị sự Tổng hội khi có 2/3 thành viên Ban Trị sự Tổng hội chấp thuận.
– Xác định các giáo phái Tin lành, các tổ chức văn hoá, xã hội có thể hiệp thông hoặc tham gia làm thành viên.
– Chịu trách nhiệm chuẩn bị các Đại Hội đồng, trả lời chất vấn của các đại biểu Đại Hội đồng.
– Họp định kỳ ba (03) tháng một lần, hoặc họp bất thường do thường trực Ban Trị sự Tổng hội triệu tập.

ĐIỀU 37: NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN THÀNH VIÊN BAN TRỊ SỰ TỔNG HỘI
1. Hội trưởng
Lãnh đạo và điều hành công việc Giáo hội, đại diện cho Giáo hội trước chính quyền và các Giáo hội khác, triệu tập và chủ tọa các Đại Hội đồng, các cuộc họp của Ban Trị sự Tổng hội.
2. Phó Hội trưởng Nội vụ
Đảm nhiệm những công việc được Ban Trị sự phân công, tham mưu cho Hội trưởng các vấn đề nội vụ, xử lý thường vụ khi được Hội trưởng uỷ quyền.
3. Phó Hội trưởng Ngoại vụ
Đảm nhiệm những công việc được Ban Trị sự phân công, tham mưu cho Hội trưởng các vấn đề ngoại vụ, xử lý thường vụ khi được Hội trưởng uỷ quyền.
4. Phó Hội trưởng Sắc tộc
Đảm nhiệm những công việc được Ban Trị sự phân công, tham mưu cho Hội trưởng các vấn đề liên quan đến sắc tộc, xỷ lý thường vụ khi được Hội trưởng ủy quyền.
5. Tổng Thư ký
Tổ chức, điều hành Văn phòng Tổng hội. Soạn thảo văn bản, ghi chép, phổ biến, lưu trữ các văn thư của Tổng hội. Thừa uỷ nhiệm Hội trưởng khi được Hội trưởng uỷ quyền.
6. Phó Tổng Thư ký
Có khả năng chuyên môn phù hợp với chức vụ, trợ lý cho Tổng Thư ký điều hành công tác, sự vụ của Văn phòng Tổng hội.
7. Tổng Thủ quỹ
Quản thủ tài chính, bảo quản sổ sách tài chính của Tổng hội. Nêu kế hoạch tài chính hàng năm cho công tác điều hành Giáo hội. Báo cáo tài chính thu, chi trong các kỳ họp định kỳ của Ban Trị sự Tổng hội.
8. Các Uỷ viên
Phục vụ tuỳ theo công việc và trách nhiệm được giao.

ĐIỀU 38: THƯỜNG TRỰC TỔNG HỘI
1. Thành phần Thường trực Tổng hội: Phải là Mục sư, Gồm:
– Hội trưởng
– Phó Hội trưởng Nội vụ
– Phó Hội trưởng Ngoại vụ
– Phó Hội trưởng Sắc tộc
– Tổng Thư ký
– Phó Tổng Thư ký
– Tổng Thủ qũy
2. Nhiệm vụ
Thường trực Tổng hội có nhiệm vụ triển khai các biểu quyết của Ban Trị sự Tổng hội, điều hành và giải quyết các việc cấp bách giữa hai (02) kỳ họp Ban Trị sự và chịu trách nhiệm trước Ban Trị sự Tổng hội.
3. Họp định kỳ
Mỗi tháng một lần, hoặc họp bất thường do Hội trưởng triệu tập.

ĐIỀU 39: NHIỆM KỲ CỦA BAN TRỊ SỰ TỔNG HỘI
– Nhiệm kỳ của Ban Trị sự Tổng hội là bốn (04) năm.
– Mỗi thành viên Ban Trị sự Tổng hội đảm nhiệm một chức vụ tối đa là ba (03) nhiệm kỳ liên tiếp.

ĐIỀU 40: TRƯỜNG HỢP BAN TRỊ SỰ TỔNG HỘI KHUYẾT THÀNH VIÊN
1. Trường hợp khuyết Thành viên
Trong nhiệm kỳ, nếu khuyết thành viên nào thì Ban Trị sự Tổng hội đề cử một trong các thành viên kiêm nhiệm cho đến khi có Đại Hội đồng bất thường.
2. Trường hợp khuyết Hội trưởng
Phó Hội trưởng Nội vụ đảm nhiệm chức vụ quyền Hội trưởng cho đến khi Đại Hội đồng bất thường.

ĐIỀU 41: HỘI ĐỒNG MỤC SƯ, TRUYỀN ĐẠO
1. Mục đích
Hội đồng Mục sư, Truyền đạo chịu trách nhiệm các công việc mục vụ và tham mưu cho Ban Trị sự Tổng hội trong việc điều hành công việc.
2. Thành phần
Do Ban Trị sự Tổng hội triệu tập 02 năm một lần, gồm Mục sư, Mục sư Nhiệm chức, Truyền đạo đang làm việc tại các Hội thánh cơ sở hoặc Điểm nhóm, các Cơ quan, hay các Ủy ban của Tổng hội. Trong trường hợp cần thiết, Ban Trị sự Tổng hội có thể mời thêm Mục sư hưu trí, quả phụ Mục sư tham gia.

ĐIỀU 42: HỘI ĐỒNG BỒI LINH
– Tổ chức hai (02) năm một lần do Ban Trị sự Tổng hội triệu tập và chủ toạ.
– Mục đích nhằm bồi dưỡng linh vụ cho hàng ngũ chức sắc, nhân sự đang làm việc trong Giáo hội.

ĐIỀU 43: TÀI CHÍNH TỔNG HỘI
1. Nguồn thu
– Thu từ số dâng 1/10 tổng thu hàng tháng của các Hội thánh và Điểm nhóm.
– Thu từ các khoản dâng hiến khác.
– Do kế hoạch tự túc.
2. Phần chi
Tài chính của Tổng hội được chi cho hành chính và các hoạt động của Tổng hội theo quy chế sử dụng tài chính của Ban Trị sự Tổng hội.