Giáo Sĩ JOHN DRANGE OLSEN
(1893-1954)
`
Một trong những người giữ vai trò quan trọng trong công cuộc truyền giáo và xây dựng Hội Thánh Tin Lành Việt Nam là giáo sĩ tiền phong đầy ơn và lẽ thật, John Drange Olsen. Ông là vị đốc học nổi tiếng của trường Kinh Thánh Đà Nẵng, hết lòng hầu việc Chúa, tận hiến đời mình để truyền rao Tin lành cứu rỗi và khi gửi xác thân lại tại Việt Nam đã để lại cho Hội Thánh tại Việt Nam nhiều di sản quý giá.
John Drange Olsen ra đời tại đảo Tusnes, gần Bergen (Na Uy) ngày 23 tháng 7 năm 1893 trong một gia đình tin kính Chúa. Cha ông là giáo sư; mẹ là một tấm gương sáng về người nữ cầu nguyện trong Hội thánh và gia đình. Bà sớm được Chúa gọi về nước Ngài khi Olsen mới tròn bảy tuổi.
Mười sáu tuổi, John Drange Olsen phải đến Mỹ để sống cùng với anh chị em của mình. Cũng từ lúc đó, ở trong xứ mà chàng cho là đượm sữa và mật, chàng thiếu niên Olsen đã ôm mộng trở thành triệu phú và bắt đầu sự nghiệp bằng những chuyến phiêu lưu kiếm tiền. Hằng ngày chàng những mong giấc mơ làm giàu của mình sẽ nhanh chóng trở thành hiện thực. Rủi thay chàng đã vướng phải bệnh lao. Một thân trơ trọi nơi đất khách quê người, lòng cô đơn, chán nản, chàng lang thang hết phố này đến phố khác trong sự tuyệt vọng vì bệnh tật. Đức Chúa Trời “chẳng bẻ cậy sậy đã gãy, chẳng tắt ngọn đèn gần tàn, cho đến chừng nào người khiến sự công bình được thắng”(Mat. 12:20). Một ngày trong những ngày tháng u ám đó, John Drange Olsen đã được nghe Tin Lành cứu rỗi và tình thương yêu của Đức Chúa Trời tại nhà thờ Gospel Tabernacle, New York, nơi mục sư Albert B. Simpson đang hành chức ở đó.
Ngày đó, tiến sĩ Rader đã chia sẻ về sự chữa lành thân thể là món quà của Thiên Chúa cho chúng ta qua Chúa Giê-xu. John Drange Olsen rất được khích lệ bởi lẽ thật này nên quyết định tin nhận Ngài. Sau buổi thờ phượng, mọi người hiệp lại cầu nguyện chữa lành cho ông và Chúa đã đáp lời. Một thời gian ngắn sau, khi kiểm tra lại sức khỏe, ông đã được lành hoàn toàn. Đây là sự chữa lành đặc biệt từ Thiên Thượng ảnh hưởng đến kế hoạch tương lai của ông.
Càng bước theo Chúa, ông càng ý thức được sự kêu gọi của Chúa dành cho mình trong chức vụ truyền giáo nên đã quyết định ghi danh theo học tại Học viện Đào tạo Giáo sĩ Nyack, Yew York chuẩn bị cho chức vụ thuộc linh tương lai. Ngay trong khi còn là sinh viên, John Olsen đã có những hoạt động cho công việc truyền giáo. Với tài năng âm nhạc và giọng nam cao của mình, ông đã có những ngày tháng trải nghiệm thật quí giá cho sự nghiệp truyền giáo của mình.
Năm 1916, sau khi tốt nghiệp, ông trở thành mục sư tại thánh đường Phaolô, Hội Thánh Hazel Park. Thời gian tại đây đã mang lại cho ông kinh nghiệm quý báu trong việc quản lý một Hội Thánh. Cũng tại thành phố này, ông đã gặp cô Edith Frost, người mà sau này sẽ trở thành vợ ông. (Ông bà kết hôn vào năm 1932. Đám cưới diễn ra tại nhà nguyện của Trường Kinh Thánh do tiến sĩ J.D. Williams làm chủ lễ. Trước khi kết hôn, bà Olsen cũng là một nhà truyền giáo ở Đông Dương. Bà đã là giáo viên nhiều năm tại Trường Kinh Thánh tại Tourane).
Năm 1917, sau khi ông được công nhận là một thành viên cho công tác truyền giáo hải ngoại của Hội Truyền giáo Phước Âm Liên hiệp, ông được Hội phái sang phục vụ ở Viễn Đông. Ông đến Nam Trung Quốc khi đang có chiến tranh và đã bị bắt giam trong một năm. Tại đây, ông dành thời gian để học tiếng Quảng Đông và thu thập những kiến thức cơ bản về văn hóa khu vực Đông Dương.
Năm 1918, chiến tranh kết thúc, ông đặt chân tới Đà Nẵng. Sau đó cùng với Giáo sĩ I.R. Stebbins được cử vào Sài Gòn, thành phố cảng lớn nhất Đông Dương lúc bấy giờ, để chuyên về truyền giảng Tin Lành tại đó và các vùng phụ cận. Ngay khi còn đang học tiếng Việt và tiếng Pháp, hai ông thiết lập cơ sở truyền giáo thứ ba trong nước. Qua nỗ lực của hai ông, một Hội Thánh người Hoa ở Chợ Lớn và một Hội thánh người Việt ở Sài Gòn được hình thành ngay giữa lòng thành phố phồn hoa nhưng đầy dẫy hình tượng.
Năm 1919, ngôi nhà nguyện đầu tiên được lập lên ở Sài Gòn.
Năm 1920 có 7 người chịu báp tem.
Năm 1925, sau kỳ nghỉ đầu tiên của ông, ông được bổ nhiệm làm Đốc học (Viện trưởng) trường Kinh Thánh Tourane và tiếp tục giữ chức vụ đó cho đến năm 1952. Chúa đã dùng giáo sĩ Olsen đào tạo những “tay đánh lưới” thuộc linh người Việt trong suốt 25 năm. Đời sống và chức vụ của ông có ảnh hưởng lớn đến các sinh viên của trường cũng như ông trở thành người có tiếng nói trong xã hội lúc đó. Theo Mục sư Lê Văn Thái, năm 1927, sau khi được cử làm đốc học thì chính giáo sĩ D.J. Olsen đã thiết kế lại toàn bộ chương trình đào tạo của Trường Kinh Thánh Đà Nẵng theo hướng căn bản hơn.
Không chỉ là người giảng Tin Lành có ơn, có năng khiếu huấn luyện cấp lãnh đạo cho Hội Thánh Tin Lành bản xứ, mà giáo sĩ John D. Olsen còn là một học giả uyên thâm, một dịch giả có tài. Ông đã hiệp với giáo sĩ W. Cadman dịch toàn bộ Kinh Thánh ra Việt ngữ và được xuất bản lần đầu năm 1926. Chính ông Olsen đã dịch và hiệu đính quyển “Thiên lộ lịch trình” (một quyển sách nổi tiếng của John Bunyan), “Kinh tiết sách dẫn”, bộ “Thần Đạo học”, “Sử ký Hội Thánh”, quyển “Điều lệ Hội Thánh Tin Lành Việt Nam” cùng khá nhiều sách giải nghĩa Thánh Kinh khác nữa. Riêng cuốn “Thần đạo học” của Mục sư John Drange Olsen được xem là cuốn sách thần học Tin Lành đồ sộ nhất ở nước ta trước 1975. Bộ sách dày gần 1.000 trang, được soạn theo kiểu giáo trình thần học truyền thống Âu – Mỹ, lần đầu tiên ở Việt Nam, trình bày cặn kẽ, Tổng luận về thần học trước khi Luận về Thánh Kinh, Luận về Đức Chúa Trời, Luận về loài người, Luận về tội lỗi, Luận về Đấng Christ… Nhiều thế hệ mục sư của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam đều chịu ảnh hưởng của bộ sách này.
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, ông trở lại Việt Nam cộng tác trong Ban Nhuận chánh Thánh Kinh Tân ước và Thánh ca. Năm 1948, giáo sĩ J.D. Olsen và Mục sư Ông Văn Huyên đã lãnh đạo một nhóm học giả bắt đầu nhuận chánh Kinh Thánh Tân Ước.
Năm 1953, ông đắc cử chức vụ Hội trưởng Hội Truyền giáo Phước Âm Liên hiệp tại Việt Nam và dành nhiều thời gian để giảng dạy tại các Hội Thánh.
Đầu tháng 2 năm 1954, giáo sĩ Olsen từ Đà Lạt xuống Sài Gòn để họp Ban Trị sự Hội Truyền giáo. Vào lúc 22 giờ 10 phút đêm ngày 9 tháng 2 năm 1954, trên đường từ Gia Định trở về với 2 giáo sĩ khác trên ba chiếc xích lô, ông bị tai nạn giao thông nghiêm trọng. Ông được đưa vào bệnh viện cấp cứu, nhưng vì vết thương quá nặng nên ông đã về an nghỉ trong nước Chúa ở tuổi 61.
Lễ an táng giáo sĩ John D. Olsen đã được cử hành một cách trang nghiêm, thật cảm động tại nhà thờ Tin Lành Sài Gòn, ngày 10 tháng 2 năm 1954 và được an táng tại Nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi, nay là công viên Lê Văn Tám.
Bốn ngày trước khi về nước Chúa, ông đã được Chúa dùng đặc biệt giảng dạy cho Hội đồng Thanh niên Toàn quốc họp tại nhà thờ Tin Lành Sài Gòn. Đã có 150 thanh niên thiếu nữ ăn năn xưng tội và bằng lòng dâng mình hầu việc Chúa.
Sự nghiệp 35 năm truyền giáo vẻ vang của ông đã kết thúc. Ông đã được toại nguyện khi làm xong công việc Chúa giao cho mình ngay trên đất nước mà ông đã mến yêu, đã đổ bao công khó, mồ hôi, nước mắt để xây dựng và bảo tồn. Từ một người tuyệt vọng ông đã được gặp Chúa rồi tin Chúa, và Ngài đã sai John D. Olsen ra đi truyền giáo. Khi thì làm thầy, khi thì rao giảng Tin Lành, khi thì dùng lời Chúa để gây dựng, khích lệ, khi thì viết bài giảng, viết sách, viết báo, giải nghĩa Kinh Thánh…. Cả cuộc đời của Giáo sĩ John D. Olsen chỉ biết chăm chỉ, tận tụy để đặt nền móng xây dựng Hội Thánh Tin Lành Việt Nam dấu yêu. Chắc chắn ông đã nhận mão miện vinh quang Chúa dành cho những “đầy tớ ngay lành trung tín” đã tận tâm với thánh chức, kiên quyết tin thờ và phụng sự Ngài cho tới hơi thở cuối cùng.
Hoài Thương