Đoạn phim khiến tôi rơm rớm nước mắt: Một người đàn ông Ukraine khóc khi vợ và con gái lên xe đi lánh nạn. Hai tay con gái vươn về phía ông cầu mong cả gia đình được đi với nhau. Đôi mắt vợ ông sưng lên và đỏ hoe vì những giọt nước mắt không ngừng rơi.
Chỉ có một vấn đề duy nhất. Thực ra đó không phải một người Ukraine mà là người lính Nga. Truyền thông đã kể sai câu chuyện khi họ lượm lặt đoạn phim đâu đó trên mạng.
Trong một tuần, tôi đã tránh được một vài trường hợp lừa gạt trên mạng hoặc sai lệch thông tin. Nhưng không có gì tự hào khi tôi vẫn bị chi phối bởi nhiều tin tức phiến diện, bẻ lái dư luận.
Điều răn thứ chín của Đức Chúa Trời – ngươi chớ nói chứng dối – đang bị bác bỏ trên mạng xã hội (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:16). Khi sự giả dối bén rễ, lòng tin xã hội tự động giảm sút. Bạn bè bắt đầu nghi ngờ nhau vì chúng ta ngày càng nhận ra rằng “Tôi không thể khẳng định đâu là sự thật nữa”.
Chúa Jêsus cảnh báo các môn đồ rằng: “Kìa, ta sai các ngươi đi khác nào như chiên vào giữa bầy muông sói. Vậy, hãy khôn khéo như rắn, đơn sơ như chim bồ câu” (Ma-thi-ơ 10:16). Trong thời đại mạng xã hội, chúng ta phải từ chối sự cám dỗ hoài nghi, đồng thời khôn ngoan hơn trước những giả dối lan tràn. Hiện nay, hai loại thông tin sai lệch tràn lan trên mạng xã hội là: thông tin gây nhầm lẫn và thông tin sai sự thật. Đầu tiên, chúng ta cần hiểu rõ cả hai loại này.
1- THÔNG TIN GÂY NHẦM LẪN
Thông tin gây nhầm lẫn có hai dạng: (1) không cố ý và (2) có chủ đích.
Thông tin nhầm lẫn không chủ ý: thông tin sai lệch không chủ ý thường là những câu chuyện cảm động. Nếu không phải là sự thật, tại sao nó lại lan truyền?
Mọi thuật toán mạng xã hội đều được thiết kế để mang lại những bài đăng hiệu quả (thu hút sự chú ý như nhiều bình luận, lượt thích và lượt chia sẻ), tiếp cận được càng nhiều người càng tốt. Điều này giữ chân người dùng trên nền tảng mạng xã hội lâu hơn, đồng nghĩa với việc tăng doanh thu quảng cáo. Những bài viết hấp dẫn cảm xúc rất tốt cho việc kinh doanh. Ai quan tâm chuyện đó có thật hay không?
Thông tin sai lệch có chủ đích: Các trang tin tức đảng phái và những người có tầm ảnh hưởng thường tách một trích dẫn hoặc đoạn phim ra khỏi ngữ cảnh để khiến nó phù hợp với câu chuyện của họ. Điều này gây ra phẫn nộ, thúc đẩy tương tác, nhờ đó thuật toán sẽ cho mức độ hiển thị và tiếp cận cao hơn. Chúng ta thích giả định những điều tồi tệ nhất về kẻ thù, vì vậy ít ai chịu khó tìm hiểu câu chuyện toàn cảnh đằng sau một phân đoạn gây sốc.
2- THÔNG TIN SAI SỰ THẬT
Thông tin sai sự thật là một câu chuyện, bức ảnh, thông tin hoặc trích dẫn không đúng sự thật do kẻ bất chính bịa đặt nhằm mục đích gây chia rẽ, gây ngờ vực và thù hận.
Có bảy bước để gieo mầm thông tin sai sự thật:
- Tìm ra vết nứt: Xác định vấn đề khiến xã hội chia rẽ và thù địch nhiều nhất, để tiếp tục thêm dầu vào lửa.
- Lời nói dối vĩ đại: Bịa ra một lời nói dối lớn đến mức khó mà tin đó là bịa đặt.
- Cốt lõi sự thật: Xây dựng sự dối trá xung quanh một chút sự thật để tạo uy tín.
- Ném đá giấu tay: Đảm bảo lời nói dối không thể dễ dàng bị truy ra.
- Kẻ ngốc hữu ích: Xác định những đối tượng có thái độ thù địch vì họ dễ dàng trở thành mục tiêu bị lừa dối. Sử dụng họ như những “con lừa” để lan truyền sự dối trá.
- Phủ nhận mọi thứ: Không cần biết có bằng chứng gì, hãy phủ nhận mọi thứ cho rằng lời bạn nói là bịa đặt.
- Trò chơi lâu dài: Chỉ một vài hạt giống nhỏ cũng có thể bén rễ trong một thời gian dài. Vì vậy, hãy gieo càng nhiều càng tốt, và nuôi dưỡng mầm cây dối trá nào có triển vọng.
6 nguyên tắc chống lại thông tin sai sự thật
Hiểu biết cách thức hoạt động của thông tin nhầm lẫn và thông tin sai sự thật là bước đầu tiên để trang bị cho bạn khả năng chống lại sự giả dối. Dưới đây là sáu nguyên tắc để tránh thông tin gian dối trên mạng một cách khôn ngoan.
- Cẩn thận với tiêu đề giật gân. Nếu một câu chuyện hoặc trích dẫn nghe có vẻ kỳ lạ thì nó có thể sai lệch. Bởi vì chúng ta thường tin vào những tiêu đề công kích kẻ thù, nên hãy thận trọng hơn khi đọc những thông tin tiêu cực về những người bạn không thích. Thuật toán biết bạn ghét điều gì, và nó rất vui lòng kích thích cảm xúc của bạn, để giữ bạn tiếp tục ở lại trên màn hình.
- Kiểm tra nguồn trước khi bạn nhấp chuột, bình luận, chia sẻ hoặc nhấn thích. Khi bạn tương tác với một bài đăng, hãy tự bảo vệ mình bằng cách xem nguồn trước khi nhấp chuột. Thông thường, trang nguồn được ghi chú bên dưới hình ảnh. Nếu đó không phải là một tổ chức uy tín, nổi tiếng, hãy tìm hiểu kỹ trước khi bạn tham gia. Điều này sẽ chọn lọc nguồn cấp dữ liệu của bạn trong tương lai khỏi những thông tin sai lệch do thuật toán tạo ra.
- Đừng vội tin ngay. Hình ảnh có thể bị chỉnh sửa. Đoạn phim có thể bị cắt khỏi ngữ cảnh thật. Bạn có thể tìm thấy nguồn và ngữ cảnh ban đầu của hình ảnh trên Google. Bạn cũng có thể tìm thấy ngữ cảnh thực tế của một đoạn trích dẫn bằng cách tìm kiếm trên YouTube.
- Đừng tin chỉ vì đó là điều một Cơ Đốc nhân đã nói. Thật không may, Cơ Đốc nhân thường là mục tiêu của những thông tin sai lệch. Theo MIT Technology Review, 19/20 trang Facebook mang danh “Cơ Đốc” được điều hành bởi những kẻ giả mạo. Chiến lược của họ là đăng 95% nội dung Cơ Đốc ăn cắp từ các trang khác, và bịa đặt 5%. Việc này rất hiệu quả để biến Cơ Đốc nhân thành “những kẻ ngốc hữu ích” truyền bá thông tin sai lệch.
- Đừng chỉ đọc tiêu đề. Các nhà tiếp thị thích “mồi nhử chuột”. Họ đưa tiêu đề lấp lửng, một nửa sự thật để bạn tò mò nhấp vào. Tuy nhiên, nhiều người không nhấp mà giả định luôn rằng tiêu đề đó hoàn toàn đúng. Ngay cả những tiêu đề trung thực cũng hiếm khi tóm tắt được toàn bộ câu chuyện. Hãy chắc chắn đọc toàn bộ bài báo.
- Thừa nhận khi bạn làm sai. Hầu hết mọi người không đủ trung thực hoặc can đảm để làm điều này. Nhưng khi làm điều đó, chúng ta thể hiện mình quan tâm đến sự thật hơn là danh tiếng mình. Điều này khiến những gì chúng ta tuyên xưng về Chúa Jêsus trở nên đáng tin cậy hơn.
Cứ mãi hoài nghi “Tôi không thể tin tưởng bất cứ điều gì” không phải là giải pháp cho những thông tin sai lệch tràn lan trên mạng. Thay vào đó, chúng ta phải yêu sự thật bằng cách tìm kiếm sự thật. Cơ Đốc nhân cần tìm hiểu thông tin toàn cảnh, tìm kiếm sự thật khi đối mặt với thời đại bùng nổ thông tin.
Bài: Patrick Miller; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www.thegospelcoalition.org/article/avoid-misinformation-disinformation-online/)