Thi phú Do Thái

Thi phú là phương tiện diễn đạt những tư tưởng và cảm xúc sâu xa cũng như cao thượng nhất trong tâm hồn con người.

0
2313

THI PHÚ DO THÁI
Thi phú là phương tiện diễn đạt những tư tưởng và cảm xúc sâu xa cũng như cao thượng nhất trong tâm hồn con người. Chúng ta biết thi phú là gì nhưng có lẽ không thể nào định nghĩa được. Đó là văn thể có cấu trúc nhịp nhàng và thường viết theo âm vận. Ngôn ngữ của nó thường thanh thoát và đẹp đẽ.
Kinh Thánh có rất nhiều thi phú: không phải chỉ Thi Thiên; Châm Ngôn mà còn có Gióp, Nhã Ca, Ca Thương và một phần các sách tiên tri nữa. Ngay cả những lời Chúa Giê-xu cũng có vẻ thơ nữa (Xem Mat Mt 7:6 và GiGa 6:35). Nhiều khúc thi phú trong Kinh Thánh không in thành dòng theo hình thức thơ nên khó nhận ra.
CÁC ĐẶC ĐIỂM THI PHÚ
Các đặc điểm thi phú của Kinh Thánh có thể thấy rõ trong nguyên văn tiếng Do Thái, nhưng khi dịch ra, một số đặc điểm bị mất đi. Để giúp việc giải kinh, chúng ta cần biết những khúc nào là thi phú trong bản dịch Kinh Thánh của chúng ta.
1. Song hành (Parallelism)
Đặc điểm chính của thi phú Do Thái là tiết tấu của ý tưởng (không phải của âm vận) gọi là song hành. Điều nầy có nghĩa là thi phú được viết thành câu kép, một câu gồm hai dòng liên hệ với nhau. Thỉnh thoảng có những câu ba dòng (EsIs 41:5) hoặc có khi bốn (Thi Tv 27:1), nhưng thường là hai.
Ví dụ:
Xin hãy rửa hết các gian ác tôi
Và tẩy sạch tội lỗi khỏi tôi ! (51:2)
Tương quan giữa hai dòng trong câu thơ không phải luôn luôn giống nhau. Thật ra, chúng ta có thể nói đến nhiều loại song hành, mỗi loại có một tên riêng như sau:
a. Song hành điệp ý (Repetition ): diễn đạt bằng những câu tương đồng, hay đồng nghĩa. Ví dụ, EsIs 1:3
Y-sơ-ra-ên chẳng biết
Dân ta chẳng thông hiểu,
dòng thứ hai lập lại ý dòng đầu để làm sáng tỏ ý, hay nhấn mạnh. Thi Tv 33:2 cũng vậy:
Hãy dùng đờn cầm cảm tạ Đức Giê-hô-va,
hãy dùng đờn sắt mười dây mà ngợi khen Ngài.
Dòng thứ nhì dùng nhạc cụ và hành động khác nhưng cũng cùng một ý với dòng trên.
Trong những câu song hành như thế này, ta có thể nhờ ý dòng nầy mà hiểu được dòng kia. Ví dụ EsIs 45:7:
“ Ấy chính ta là Đấng gây nên sự sáng và dựng nên sự tối tăm, làm nên sự bình an và dựng nên sự tai vạ. ”
Ở dòng trên, hai chữ “sự sáng” và “tối tăm” là phản nghĩa, thì dòng dưới hai chữ “bình an” và “tai vạ” cũng phải phản nghĩa.
Trong bản tiếng Anh Authorized Version, chữ “tai vạ” dịch là: “evil” là “sự xấu xa, gian ác” thì thành ra Thượng Đế dựng nên sự ác. Bản tiếng Việt dịch thành “tai vạ” như vậy là đúng.
b. Tương Phản (Contrast ): dùng lối song hành đối nghịch (antithetic). Hai dòng diễn tả những tư tưởng trái ngược hay có khi mâu thuẫn nhau. Thường thường dòng thứ hai bắt đầu bằng chữ nhưng để tỏ ý tương phản. Như trong ChCn 15:1
Lời đáp êm dịu làm nguôi cơn giận
Nhưng lời xẳng xớm trêu thạnh nộ thêm
Mười bốn câu đầu trong Châm Ngôn 10 đều là những câu song hành đối nghịch.
c. Bổ ý (Addition ) dùng lối song hành tổng hợp (synthetic). Trong lối nầy, dòng thứ hai bổ túc ý cho dòng trước (Thi Tv 9:10, 104:5). Một số học giả cho rằng đây không đúng là loại thơ song hành, nhưng vì hai dòng của câu thơ có liên quan nhau và cấu trúc cân đối nên chúng ta có thể liệt vào loại đó.
d. Trương (Expansion ) dùng lối song hành tiệm tiến (climatic). Dòng sau lặp lại một phần dòng trước nhưng thêm vào đó ý mới. 34:4
Tôi tìm cầu Đức Giê-hô-va, Ngài đáp lời tôi
và giải cứu tôi khỏi mọi điều sơ hãi.
Phần nào ở dòng trên được mở rộng ở dòng dưới?
e. Chuyển hình (Transformation ) dùng lối song hành biểu hiện (emblematic), có nghĩa là dùng biểu tượng, biểu hiệu. Vì cả hai dòng cùng nói một điều, nên đây cũng là song hành đồng nghĩa. Ví dụ 42:1.
Hỡi Đức Giê-hô-va, linh hồn con ao ước Chúa
như nai cái thèm khe nước
Hình ảnh con nai cái khát nước làm tăng sức mạnh và vẻ sống động cho tác giả mô tả tấm lòng ngưỡng vọng Chúa.
EsIs 46:11 nói về Đức Giê-hô-va “gọi chim ó đến từ phương đông và gọi người làm mưu của ta đến từ xứ xa. ” Nhờ biết cách kết cấu theo lối song hành của câu thơ, ta hiểu rằng chữ “chim ó” không có nghĩa đen mà là chỉ người làm mưu sĩ.
Bạn sẽ thấy nhiều câu không ăn khớp với một dạng nào trên đây cả. Không gọi tên loại nào được thì cũng không sao, vì thường bạn có thể thấy ý nghĩa rõ ràng (ví dụ Thi Tv 47:4, 9).
Có rất nhiều hình thức song hành, mà không phải lúc nào cũng rõ ràng. Có những dòng có cấu trúc hay ý dở dang. Những người viết Kinh Thánh không máy móc khi họ viết thi phú. Nhiều khi họ kết hợp hai hay ba câu khép thành một câu song hành.
Chúng ta thông giải các câu song hành như thế nào? Khi chúng ta biết những dòng thơ có liên quan với nhau, chúng ta sẽ không xét từng dòng riêng mà phải tìm cho ra mối liên hệ. Chúng ta cũng đã biết qua một số quan hệ của chúng thế nào rồi, như vậy khi nào có nghi ngờ gì về ý nghĩa thì hãy thử qua những dạng khác để xem dạng nào thích hợp nhất. Ví dụ, xem 22:16
Vì những chó bao quanh tôi
một lũ hung ác vây phủ tôi,
chúng nó đâm lũng tay chân tôi
Có lẽ là người viết đã bị bầy chó bao vây thật, dầu điều nầy có vẻ hơi lạ. Nếu đó là câu song hành biểu hiện thì chó tượng trưng cho lũ hung ác trong dòng thứ hai. Khi ta đọc trong chương Thi Thiên nầy, ta thấy có một số hình bóng khác như “tôi là một con trùng ” (c.6), ta hiểu câu trên là loại song hành biểu hiệu.
2. Ảnh tượng (Imagery)
Tất cả thi phú đều có ngôn ngữ hình bóng: những hình ảnh đẹp đẽ, táo bạo, gây cảm xúc. Chúng ta đã học về những dụ ngữ tức là những hình ảnh ví von trong Thi ca Do Thái, và cũng học qua cách giải chúng.
3. Ngoa ngữ (Hyperbolic language)
Thi phú thường diễn tả cảm xúc mạnh mẽ. Nhà thơ có khuynh hướng dùng lời lẽ khoa đại (quá lố) để diễn tả cảm xúc mãnh liệt của mình. Nếu chúng ta không nhận biết được những câu như vậy, chúng ta sẽ thấy nhiều đoạn Kinh Thánh thật khó hiểu.
Ví dụ Giop G 6:26, “Lời nói của người ngã lòng chỉ như luồng gió. ” Đó là một lối nói khoa đại. Ông cũng dùng lối nói ngông cuồng như vậy trong 16:12-13. Ông nói Đức Chúa Trời “Nắm cổ tôi và nghiền nát tôi. .. Ngài bắn lủng hông tôi. ” Ở đây ông không nói theo nghĩa đen nhưng muốn nhấn mạnh cảm xúc mạnh mẽ sâu xa của mình.
Đây cũng là loại ngôn ngữ thường thấy trong các Thi Thiên gọi là Thi Thiên nguyền rủa, trong đó tác giả kêu xin Thượng Đế rủa sả hay phán xét kẻ thù ông. Xem Thi Tv 58:6-11, 59:5, 13, 69:22-23, 109:6-15, 137:8-9, 139:19-22, 143:12.
Thông giải những Thi Thiên nầy là một nan đề, vì thái độ của người viết đi ngược lại thái độ từ bi, yêu thương của Thượng Đế đối với tội nhân. Nếu ta bảo rằng tác giả nói thật những cảm nghĩ của mình nhưng những cảm nghĩ đó không phù hợp với ý muốn và mục đích của Thượng Đế, thì ta sẽ trở nên hoang mang không biết trong tất cả Thi Thiên, chỗ nào là ý người, chỗ nào là ý Thượng Đế. Nan đề nầy không thể nào giải đáp cách đơn giản được. Chúng ta cần xét cả đoạn cẩn thận, nhất là dựa theo ý của đề mục Thi Thiên. Sau đây là một số điểm gợi ý:
a. Một số câu nói mạnh bạo có nghĩa bóng, không phải nghĩa đen. Những câu Thi Thiên như “nguyền mắt chúng nó bị tối tăm, ” “bẻ gảy răng trong miệng chúng nó, ” “người công bình sẽ dầm chân mình trong máu kẻ ác, ” “những kẻ bắt con nhỏ chúng nó đập vào đá thật là sung sướng, ” nếu hiểu theo nghĩa đen thì thật bất công cho người viết. Người viết muốn tỏ tấm lòng nồng nàn yêu mến Thượng Đế, không muốn thấy danh dự, chân lý và sự thánh khiết của Ngài bị hoen ố vì những kẻ phản loạn chống nghịch Ngài và khinh bỉ lòng nhân từ Ngài. Cảm xúc mãnh liệt đưa tới ngôn ngữ mạnh bạo. Có lẽ lý do khiến chúng ta khó hiểu họ là vì chúng ta không có nhiệt tình với Chúa bằng người viết Thi Thiên.
b. Người viết không chỉ nói đến kẻ thù riêng của mình mà nói đến kẻ thù Thượng Đế. Đó không phải là cuộc tranh cải cá nhân. 139:1-24, cho thấy rõ người viết nói: Ông ta ghét kẻ ác vì họ chống nghịch Thượng Đế. Bạn có thể thấy một số câu Tân Ước, kể cả lời của Chúa Giê-xu cũng có ý tương tự. Mat Mt 18:5-6, ICo1Cr 16:22, GaGl 1:8-9, KhKh 6:10, 18:20.
c. Hãy để ý cách Đavít đối xử với Sau-lơ khác xa những lời ông viết về kẻ thù của ông, trong đó có Sau-lơ. Trong Thi Tv 18:40 ông nói “Còn những kẻ ghét tôi, tôi đã diệt chúng nó rồi. ” Hãy xem đầu đề Thi Thiên. Trong ISa1Sm 24:1-7, 26:1-11, chúng ta thấy hai lần ông đối xử với Sau-lơ rất nhẫn nhục, kiềm chế không làm hại Sau-lơ. So sánh hai phần Kinh Thánh với nhau giúp ta xác nhận lời nói trên kia là ngoa ngữ.
Thi phú trong Kinh Thánh đi thẳng vào tấm lòng chúng ta vì nó phát xuất từ những người tội lỗi như chúng ta, những người cần và nhận biết ơn thương xót của Thượng Đế. Họ đã trút đổ những nỗi niềm hổ thẹn, yêu mến, biết ơn và tận hiến. Trong thi phú Kinh Thánh, chúng ta thấy chính mình và tập nhìn thấy Thượng Đế.
QUI TẮC HƯỚNG DẪN GIẢI KINH
1. Phân tích những dòng câu thơ kép để xem chúng liên hệ với nhau như thế nào. Tìm những chữ đồng nghĩa, phản nghĩa và những chữ quan trọng như: “nhưng, vì vậy, cho nên…” Xem thử có chỗ nào chỉ cho biết một dòng là nghĩa thật còn dòng kia là nghĩa bóng không.
2. Tìm những ẩn dụ, dụ ngữ. Xem chương 13.
3. Khi xét những câu thơ mạnh bạo nên nhớ rằng thi phú không dùng một ngôn ngữ như văn xuôi. Nên nhớ rằng ngôn ngữ đó diễn tả cảm xúc của người viết đối với kẻ thù của Thượng Đế, không phải chỉ là kẻ thù của mình.