Thứ bảy, Tháng mười hai 21, 2024
No menu items!
Homec/Tài LiệuNghiên Cứu Kinh ThánhThông Điệp Nguy Hiểm Từ Bộ Phim Turning Red - Gấu Đỏ...

Thông Điệp Nguy Hiểm Từ Bộ Phim Turning Red – Gấu Đỏ Biến Hình

Phim hoạt hình “Gấu đỏ biến hình” (Turning Red) kể về những chật vật tuổi dậy thì của một cô bé 13 tuổi. Câu chuyện hàm chứa nhiều chủ đề nóng hổi và những quan điểm sâu sắc về thế giới này. 

Bộ phim thể hiện một cách thú vị các khía cạnh ít thấy về văn hóa hay vấn đề xung đột thế hệ trong gia đình và những vụng về khó tránh của tuổi dậy thì. Đạo diễn Domee Shi – một người Canada gốc Hoa, lớn lên ở Toronto) nói rằng gấu trúc đỏ là “phép ẩn dụ cho quá trình dậy thì thần kỳ” và bộ phim mô tả chính xác những biến động lộn xộn của giai đoạn này. Tôi thực sự thích cách tiếp cận chân thực và đồng cảm với tuổi dậy thì của bộ phim. Đó là nền tảng tốt để phụ huynh thảo luận về những cô con gái sắp hoặc đang trải qua quá trình thay đổi vô cùng hỗn loạn này.

Tuy nhiên thật đáng tiếc khi còn nhiều ý tưởng và thông điệp của Turning Red không hợp lý. Các giá trị hữu ích lại là vỏ bọc cho thông điệp trung tâm cổ xúy tư tưởng đề cao cá nhân: chấp nhận chính con người bạn, kể cả những thói xấu liều lĩnh cùng những cơn bốc đồng nguy hiểm, và đừng để bất kỳ ai ngăn cản bạn.

Đừng thuần hóa “con quái vật”. Hãy thả nó ra.

Trong “Gấu đỏ biến hình”, nhân vật chính Meilin Lee phát hiện ra rằng mỗi khi cô bé có cảm xúc mạnh mẽ sẽ biến thành một con gấu trúc đỏ cao hơn 2 mét. Đây là mô típ thường thấy: nhân vật chính với nhân cách xấu xa tiềm ẩn. Nhưng “Gấu trúc hóa đỏ” muốn chứng minh rằng việc cố gắng kìm hãm nhân cách đó đã quá lỗi thời rồi. Bộ phim đi theo hướng chấp nhận mọi khía cạnh của bản thân. Đó là phản ứng tự nhiên của thời hiện đại: giữa trắng và đen là màu xám, tồn tại một khái niệm giữa đúng và sai, biến những điều sai trái thành thú vị.

Thông thường, bên trong mỗi con người luôn tồn tại mâu thuẫn giữa niềm đam mê thể xác và lý trí, lương tâm. Một bên dẫn chúng ta đến chỗ liều lĩnh, hỗn loạn, trong khi một bên giúp chúng ta rèn luyện đạo đức, kỷ luật và ngăn chặn mối nguy tiềm tàng mà những đam mê bồng bột sẽ gây ra.

Đây cũng là một ý tưởng thần học sâu sắc. Trong Rô-ma chương 7, sứ đồ Phao-lô mô tả sống động về cuộc chiến trong chính ông: “Vì tôi không hiểu điều mình làm: Tôi chẳng làm điều mình muốn, nhưng làm điều mình ghét … Vả, tôi biết điều lành chẳng ở trong tôi đâu, nghĩa là trong xác thịt tôi, bởi tôi có ý muốn làm điều lành, nhưng không có quyền làm trọn” (câu 15,18). Ông thường nói về cuộc chiến giữa xác thịt và Thánh Linh (Ga-la-ti 5: 16–26), giữa con người cũ và con người mới (Ê-phê-sô 4: 17–24).

Điều đáng khích lệ là Kinh Thánh Tân Ước bình thường hóa khía cạnh này của con người: bản chất sa ngã, nổi loạn luôn làm suy yếu lý trí (ý chí) mong muốn xây dựng đạo đức và trật tự. Tuy nhiên, Kinh Thánh không hề khuyến khích chúng ta cam chịu cả hai “nhân cách” của bản thân hay xem đó là các khía cạnh thiết yếu chứng tỏ bản thân. Kinh Thánh không bao giờ ủng hộ việc chấp nhận những mặt “thú tính” trong bản chất sa ngã như thể thánh vật, như thể con quái vật bên trong là một phần “bản chất thật” mà chúng ta không nên che giấu, thay vào đó cứ mạnh dạn thả nó ra không chút áy náy.

Tuy nhiên, nền văn hóa ngày nay lại cổ xúy điều này. “Gấu đỏ biến hình” cũng vậy. Trong phim, cha Meilin nói chuyện với cô bé về các “bộ mặt” khác nhau, rằng mặc dù một số mặt gây rối, nhưng mấu chốt là không phải đẩy những thứ tồi tệ ra xa, nhưng nên nhường chỗ và sống chung với nó.

Câu thoại cuối cùng của Meilin đưa ra một quan điểm thẳng thừng hơn – với đối tượng khán giả là trẻ em: “Tất cả chúng ta đều có một con quái vật bên trong. Tất cả chúng ta đều có một phần rắc rối, ồn ào, kỳ lạ trong con người mình. Và rất nhiều người không bao giờ để lộ chúng. Nhưng tôi đã làm điều đó. Còn bạn thì sao?”.

Thông điệp đó hoàn toàn hợp nhất với chủ nghĩa “yêu bản thân” của thời đại này, và vô cùng khớp với chủ đề “tự do bức phá” trong các bộ phim hoạt hình Disney những năm gần đây. Nhưng đây là một thông điệp sai lầm. Như tác giả/học giả Jessica Hooten Wilson nhận xét: tự do thực sự trái ngược với việc để con thú bên trong bạn chạy lung tung. “Sự tự do được bày tỏ khi bạn không làm nô lệ cho những ham muốn của mình. Bạn tự do khi biết cách kiểm soát “thú tính” bên trong và phô bày “nhân tính” ra ngoài”.

Chúng ta có thật sự muốn khuyên bảo trẻ em đừng cố gắng kiềm chế phần nổi loạn của bản thân, như thể bản sắc con người là do người lớn (giáo viên, Mục sư, cha mẹ…) áp đặt lên các em và việc chế ngự con thú bên trong là xóa bỏ bản sắc đó?

“Chấp nhận mặt xấu xí của bản thân” là một khẩu hiệu dễ thương vô hại. Nhưng nếu nó biện minh cho hành vi tội lỗi dưới bức bình phong “sống thật” và “thể hiện bản sắc” thì đó là một triết lý hư hoại sẽ phá phỏng cuộc đời bạn.

“Gấu đỏ của tôi, lựa chọn của tôi!”

Gần cuối phim, Meilin đã “trắng trợn” phát biểu một câu gây sốc khiến tôi không còn nghi ngờ gì quan điểm sai lệch của bộ phim.

Khi Meilin quyết định thể hiện phần “quái thú” trong con người mình, mẹ Meilin đã phản đối việc cô bé xuất hiện nơi công cộng với đôi tai và đuôi gấu trúc lộ ra. Meilin trả lời: “Gấu đỏ của con, lựa chọn của con!”.

Hoàn toàn giống với khẩu hiệu của những người ủng hộ phá thai: “Cơ thể của tôi, lựa chọn của tôi”. Một cô bé 13 tuổi đắc ý tuyên bố rằng mình có quyền lựa chọn làm bất cứ điều gì với cơ thể mình, bất kể ý kiến cha mẹ hay người lớn, như thể một cô bé thiếu niên hiểu biết mọi điều.

Cảnh này gợi nhớ đến quyển “Irreversible Damage/Vết thương không lành” của Abigail Shrier, tập trung ca thán về việc những khó khăn khi chống lại thẩm quyền của cha mẹ trên những thanh thiếu niên chuyển giới. Nếu bạn là một cô bé 13 tuổi, giữa những hỗn độn của tuổi dậy thì, bỗng dưng cảm thấy mình thật sự là một… cậu bé? Vậy thì theo quyển sách, bạn hãy tìm một nhà trị liệu chuyên về chuyển giới để họ hướng dẫn các phương pháp điều trị hoóc-môn, phẫu thuật hàng đầu, và giúp bạn làm tất cả mà chẳng cần thông qua cha mẹ!

Rõ ràng “Gấu đỏ biến hình” không công khai ủng hộ chương trình dành cho người chuyển giới hay cổ vũ nạo phá thai, nhưng đang thúc đẩy cùng một quan điểm nền tảng: chấp nhận mớ hỗn độn, mâu thuẫn nội tâm, tin tưởng mọi cảm xúc của bản thân và không để bất cứ ai ngăn cản bạn – kể cả cha mẹ – trong hành trình trở thành phiên bản mà bạn muốn (hoặc giới tính, hoặc thú tính).

Trong việc nuôi dạy con cái, thông điệp này không chỉ xấu, mà còn là tội lỗi. Khích lệ con cái “giải phóng” bản chất sa đọa, hỗn loạn không phải là tiếp thêm sức mạnh cho các em đâu. Ngược lại, chúng ta đang gây nguy hiểm cho các em.

Bài: BRETT MCCRACKEN; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www.thegospelcoalition.org/article/turning-red/)

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN