Thứ ba, Tháng mười hai 17, 2024
No menu items!
Homec/Tài LiệuNghiên Cứu Kinh ThánhTìm Hiểu Kinh Thánh - Trẻ Con

Tìm Hiểu Kinh Thánh – Trẻ Con

Vai trò của trẻ con trong thời Kinh Thánh ra sao?
Hưởng Nước Đức Chúa Trời như trẻ con là thế nào?

Trẻ con là một đề tài được Kinh Thánh nói đến rất nhiều.  Trong cả loài người chỉ có A-đam và Ê-va là không có thời thơ ấu, còn tất cả đều bắt đầu đời sống trẻ con.  Ca-in và A-bên là hai đứa trẻ đầu tiên và Ca-in đã trở thành kẻ sát nhân đầu tiên mà A-bên chính là nạn nhân.  Đó cũng là thảm kịch đầu tiên của nhân loại.

Theo Kinh Thánh thì: “con cái là cơ nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra; Bông trái của tử cung là phần thưởng.” Thi-thiên 127:3.

Ngay trong Sáng Thế Ký 1:28, sau khi Chúa sáng tạo ra loài người thì Ngài cũng chúc phước cho để có nhiều con cái.  con cái đúng là phước hạnh Chúa ban.  Cũng chính vì vậy mà son sẻ hay không con là một điều bất hạnh.

Kinh Thánh nói đến nhiều trường hợp gia đình không con hay con hiếm muộn.

Trước tiên phải kể đến gia đình của Áp-ra-ham.  Ông này giàu có, gia nhân và gia súc nhiều vô cùng,  nhưng đã gần trăm tuổi mà vẫn chưa có con,  mặc dù Chúa hứa rằng hậu tự sẽ đông như cát biển,  như sao trời.  Đứa con Y-sác ra đời trong lúc bà mẹ Sa-ra đã 90 tuổi.  Nhưng Chúa lại bảo Áp-ra-ham dâng Y-sác làm sinh tế.  Lệnh truyền này rất khó cho Áp-ra-ham tuân hành, nhưng ông vẫn làm đúng như điều Chúa dặn.  Khi sắp ra tay giết con làm sinh tế thì thiên sứ của Chúa ngăn cản và chỉ cho một con chiên con để thay thế(Sáng thế 24:13).  Đây là chuyện Chúa thử đức tin của Áp-ra-ham và sau đó ông được mệnh danh là ông tổ của đức tin.

Sa-mu-ên cũng là đứa con sinh hiếm muộn và trở thành nhà tiên tri vĩ đại của Chúa.

Trong Kinh Thánh Tân Ước thì Giăng, người làm báp tem sinh ra trong gia đình hiếm muộn và trở thành người mở đường cho Chúa Cứu Thế.

Chúa lựa chọn những người của Ngài từ khi họ còn thơ ấu.

Sa-mu-ên được Chúa gọi khi mới có 5 tuổi;

Đa-vít thì được biết Chúa khi còn thơ ấu.

Giê-rê-mi được Chúa kêu gọi từ khi còn trong lòng mẹ, ông viết:

4 Có lời Đức Giê-hô-va phán cùng tôi như vầy: Trước khi tạo nên ngươi trong lòng mẹ, ta đã biết ngươi rồi;
 5 trước khi ngươi sanh ra, ta đã biệt riêng ngươi, lập ngươi làm kẻ tiên tri cho các nước.
 6 Tôi thưa rằng: Ôi! hãy Chúa Giê-hô-va, nầy tôi chẳng biết nói chi, vì tôi là con trẻ.
7 Nhưng Đức Giê-hô-va lại phán: Chớ nói: Tôi là con trẻ; vì ngươi sẽ đi khắp nơi nào ta sai ngươi đi, và sẽ nói mọi điều ta truyền cho nói.

Một số ông vua trẻ tuổi cũng được Chúa mở lòng sáng trí tìm đến Chúa khi còn thơ ấy, như vua Giô ách, lên làm vua lúc bẩy tuổi và Giô-ách lên ngôi lúc 8 tuổi.  Nhưng các ấu chúa này đã được Chúa ban phước, sớm tin nhận và tôn thờ Chúa nên họ thành công trong việc cai trị dân.

Thi thiên 8:2 ghi:

Nhơn vì các cừu địch Chúa, Chúa do miệng trẻ thơ và những con đương bú, mà lập nên năng lực Ngài, Đặng làm cho người thù nghịch và kẻ báo thù phải nín lặng.”

Câu này có thể dịch lại là: “Từ môi miệng con trẻ và hài nhi Chúa được ca ngợi vì kẻ thù Chúa để cho kẻ báo thù và kẻ nghịch thù phải im lặng.”

Khi Chúa Giê-xu vào thành Giê-ru-sa-lem, trẻ con reo lên ca ngợi Chúa: “Hô-sa-na,  con vua Đa-vít”  làm cho các lãnh đạo tôn giáo thời đó tức giận,  bảo Chúa cấm trẻ con ca hát như vậy,

Chúa trích dẫn ngay câu Thi-thiên 8:2 kể trên.

Chúa Giê-xu khi dạy đạo cho môn đệ và dân chúng thường dùng trẻ con làm biểu tượng cho lòng tin đơn sơ thành thật.  Một lần các bà mẹ đem con đến cho Chúa đặt tay ban phước cho, các môn đệ Chúa ngăn cản, thì Chúa bảo:  Hãy để trẻ thơ đến với ta, đừng ngăn cản chúng, vì nước thiên đàng thuộc về những kẻ giống như con trẻ.  Quả thật, ta nói cùng các ngươi, ai không nhận lãnh nước Đức Chúa Trời như một đứa trẻ, thì sẽ không vào đó được.”

Tâm hồn trẻ thơ làm biểu tượng cho lòng tin chân thành không nghi ngờ mà ta gọi là thành tâm.  Những ai không hạ mình, cứ lý luận và nghi ngờ, sẽ không thể nào tin Chúa được và sẽ không bao giờ kinh nghiệm được nước Chúa.

Một lần khác, các môn đệ bàn luận xem ai là lĩnh tụ của họ, Phúc-âm Lu-ca 9:47-48 ghi:

“Nhưng Đức Chúa Jêsus biết ý tưởng trong lòng môn đồ, thì lấy một đứa trẻ để gần mình, mà nói rằng: Hễ ai vì danh ta mà tiếp con trẻ nầy, tức là tiếp ta; còn ai tiếp ta, tức là tiếp Đấng đã sai ta. Vì kẻ nào hèn mọn hơn hết trong vòng các ngươi, ấy chính người đó là kẻ cao trọng.”

Đó là hai hình ảnh về con trẻ mà Chúa dùng để dạy cho môn đệ Ngài.

Trong những lần Chúa Giê-xu làm phép lạ chữa bệnh, Chúa cũng chữa lành một số trẻ em, như một bé gái 12 tuổi, mấy đứa con trai bị quỷ ám, một đứa con gái của phụ nữ Gờ-réc.

Trong phép lạ hoá bánh ra cho hơn 5000 người ăn, Chúa Giê-xu dùng 5 cái bánh và hai con cá của một bé trai để làm phép lạ.  Như thế ta thấy Chúa rất thân gần với trẻ em.

Chúa Giê-xu cũng từng dạy môn đệ là không nên xui khiến trẻ con phạm tội, trong các sách Phúc âm đều ghi câu nói này:

Mt 18:6  Song, nếu ai làm cho một đứa trong những đứa nhỏ nầy đã tin ta sa vào tội lỗi, thì thà buộc cối đá vào cổ, mà quăng nó xuống đáy biển còn hơn.

 Mc 9:42  Nhưng hễ ai làm cho một đứa trong những đứa nhỏ nầy đã tin, phải sa vào tội lỗi, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà bỏ xuống biển còn hơn.

Lu 17:2  Nếu ai gây cho chỉ một kẻ nhỏ nầy phạm tội, thì thà rằng buộc cối đá vào cổ nó mà quăng xuống biển còn hơn.

Trong nguyên văn là buộc cối đá vào kẻ đã gây cho trẻ em phạm tội và thả kẻ đó xuống đáy biển còn hơn là để cho sống.  Nghĩa là ai gây cho trẻ em phạm tội là đáng chết.  điều này giúp ta suy nghĩ kỹ về hành vi của mình để không bao giờ nêu gương xấu cho trẻ em và chúng phạm tội.

Sứ đồ Giăng khi viết thư cho các tín hữu, ông gọi họ là các con cái bé mọn ta.  Đây là cách xưng hô thương yêu của một vị sứ đồ cao tuổi đối với những người tin Chúa mà ông rất quý mến.  Hơn nữa, trong các thư tín, Sứ đồ Phao-lô cũng hay gọi các tín hữu là các con, hay là con cái Chúa.  Đây là cách xưng hô của những ngừơi cùng trong đại gia đình của Chúa, họ coi nhau như những đứa con nhỏ cùng thờ phượng Chúa cả.

Bài học về trẻ con trong Kinh Thánh rất phong phú, tuy nhiên người tin Chúa cần hiểu rằng mỗi đứa trẻ là một người, vì thế không nên khinh thường,  mà phải quý mến,  thương xót và đưa chúng tới niềm tin nơi Chúa,  vì đây là phần quà quý nhất dành cho trẻ em mà ta yêu mến.

Nguyễn Sinh

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN