Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
Homec/Tài LiệuNghiên Cứu Kinh Thánh10 điều cần biết về Thiên Sứ

10 điều cần biết về Thiên Sứ

  1. Thiên Sứ là thần hầu việc.

Sách Hê-bơ-rơ mô tả về Thiên Sứ: “Các Thiên Sứ há chẳng phải đều là thần hầu việc Đức Chúa Trời, đã được sai xuống để giúp việc những người sẽ hưởng cơ nghiệp cứu rỗi hay sao?” (Hê-bơ-rơ 1:14). Từ đây, chúng ta biết rằng Thiên Sứ là thần, là tôi tớ và có sứ mệnh. Thiên Sứ là đầy tớ và sứ giả – đó là công việc của họ.

  1. Thiên Sứ hoạt động theo cấp bậc.

Dionysius the Areopagite (khoảng năm 500 sau Công nguyên) đã phân cấp các Thiên Sứ thành ba nhóm: nhóm cao nhất ở gần Chúa nhất, nhóm thấp nhất ở gần loài người nhất. Trong hệ thống này, sê-ra-phim thuộc nhóm cao nhất của Thiên Đàng, có vai trò thờ phượng Chúa Ba Ngôi. Thiên Sứ thuộc nhóm thấp nhất, với vai trò mang sứ điệp thiêng liêng đến cho loài người. Nhưng hệ thống của Dionysius không phù hợp với Kinh Thánh. Chúng ta chỉ biết rằng có Thiên Sứ và Thiên Sứ Trưởng. Ví dụ, Mi-chen là một Thiên Sứ Trưởng và thủ lĩnh của đội quân Thiên Sứ (Giu-đe 9 và Khải huyền 12:7). Tất cả những điều còn lại chỉ là suy đoán. 

  1. Có những “Thiên Thần hộ mệnh”.

Nhà triết học Công giáo Peter Kreeft cho rằng mỗi con người đều có một “Thiên Thần hộ mệnh”. Không có bằng chứng Kinh Thánh cụ thể cho ý tưởng này. Tuy nhiên, Kinh Thánh nói rõ rằng có các Thiên Sứ bảo vệ. Chê-ru-bim canh giữ cây sự sống trong Sáng thế ký 3:24, và Thi Thiên 91 nói về các Thiên Sứ bảo vệ người viết Thi Thiên (Thi 91:11).

  1. Một số Thiên Sứ không hề sa ngã.

Trong Sáng thế ký 3, đất bị nguyền rủa vì tội lỗi của A-đam (Sáng thế ký 3:18). Vì vậy, trong Rô-ma 8:20–22, Phao-lô viết rằng muôn vật đang than thở trông chờ được phục hưng. Tuy nhiên, có những sinh vật đã không phạm tội. Đó là những Thiên Sứ, không giống như sa-tan, họ luôn trung thành với Đấng Tạo Hóa. Có nghĩa là Đức Chúa Trời hằng sống không bao giờ ngừng được tôn thờ từ lúc sáng thế. Khải Huyền 4–5 cho ta thấy sự thờ phượng liên tục trên trời.

  1. Thiên Sứ xuất hiện vào những thời điểm quan trọng trong Kinh Thánh.

Các Thiên sứ (Chê-ru-bim) xuất hiện ở đầu Kinh Thánh (Sáng Thế Ký 3:24) và xuất hiện ở cuối Kinh Thánh khi nói chuyện với Giăng (Khải huyền 22:6). Các Thiên Sứ luôn xuất hiện ở những thời điểm then chốt trong lịch sử cứu chuộc: khi dân Đức Chúa Trời rời khỏi Ai Cập (Xuất Ê-díp-tô Ký 14:19), và xuyên suốt cuộc hành trình sau đó (Xuất Ê-díp-tô Ký 23:23), khi ban hành luật pháp (Ga-la-ti 3:19), khi Con Đức Chúa Trời nhập thể (Lu-ca 1:26), khi Ngài bị thử thách trong vườn (Lu-ca 22:43), khi Ngài phục sinh từ cõi chết (Giăng 20:12), và khi Ngài trở lại để phán xét (2 Tê-sa-lô-ni-ca 1: 5–8). Dầu vậy, Thiên sứ chỉ là nhân vật phụ trong “câu chuyện cứu chuộc”.

  1. Các Thiên Sứ xuất hiện theo nhiều cách khác nhau.

Kinh Thánh có nhiều cách mô tả Thiên Sứ, như có 4 cánh (ví dụ: chê-ru-bim trong Ê-xê-chi-ên 41:18–19) hoặc 6 cánh (ví dụ: sê-ra-phim trong Ê-sai 6:1–4). Ngôn ngữ giàu hình ảnh ẩn dụ và ngôn từ sống động. Đôi khi, Kinh Thánh cũng mô tả Thiên Sứ không có cánh và có hình dạng giống con người (xem Sáng thế ký 18:2; 19:1–5). 

  1. Thiên Sứ không được tôn thờ.

Chỉ có Đấng Tạo Hóa mới đáng được tôn thờ (Rô-ma 1: 24–25). Thiên Sứ là những sinh vật năng quyền, và chúng ta có thể bị cám dỗ để tôn thờ họ. Câu chuyện của Giăng là một trường hợp điển hình. Chúa sai một Thiên Sứ đến để bày tỏ cho ông những gì sắp xảy ra. Cách phản ứng của ông rất ấn tượng: “tôi sấp mình xuống dưới chân thiên sứ đã tỏ những điều ấy cho tôi, để thờ lạy” (Khải huyền 22:8). Thiên Sứ ngay lập tức ngăn cản: “Đừng thờ lạy tôi! Tôi cũng là bạn đồng bộc của anh, của các anh chị em là các tiên tri của Chúa, và của tất cả những người vâng giữ các lời ghi trong sách này. Anh hãy thờ lạy Đức Chúa Trời!” (Khải huyền 22:9 BDM). Ngược lại, các giáo sư giả bắt bớ Hội Thánh Cô-lô-se lại chủ trương thờ phượng các Thiên Sứ (Cô-lô-se 2:18). 

  1. Thiên Sứ không phải là đối tượng để cầu nguyện.

Kinh Thánh không đưa ra bất cứ trường hợp nào con người cầu nguyện với Thiên Sứ. Chúa Jêsus chứng minh rằng chúng ta có thể được Thiên Sứ trợ giúp, nhưng phải thông qua việc cầu xin Đức Chúa Cha. Khi quân lính vây hãm Ngài với gậy và gươm trong Vườn Ghết-sê-ma-nê, Ngài đã nói rõ: “Ngươi tưởng ta không có thể xin Cha ta lập tức cho ta hơn mười hai đạo thiên sứ sao?” (Ma-thi-ơ 26:53). Chúng ta có thể cầu nguyện với Cha để được Thiên Sứ trợ giúp. Tuy nhiên, cầu nguyện trực tiếp với Thiên Sứ là điều không thể chấp nhận. Chúng ta phải cầu xin Đức Chúa Cha và Chúa Jêsus – Thầy Tế Lễ Thượng phẩm của chúng ta, thay vì đặt những người khác vào vị trí cao trọng của Ngài (ví dụ: bà Ma-ri và các thánh đồ).

  1. Con người sẽ xét đoán các Thiên Sứ.

Thiên Sứ cũng giống như con người. Thiên Sứ xưng hô là “Tôi” khi nói chuyện, chứng tỏ Thiên Sứ cũng có bản chất như một con người. Thiên Sứ hiện ra với Giăng nói: “Tôi cũng là bạn đồng bộc của anh, của các anh chị em là các tiên tri của Chúa…” (Khải Huyền 22:9 BDM). Cả con người và Thiên Sứ đều là những sinh vật có đạo đức. Đấng Tạo Hóa bắt cả hai sinh vật này phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Do đó, cả Thiên Sứ sa ngã và con người sa ngã đều phải đối mặt với sự phán xét của Đức Chúa Trời. Hạnh phúc thay cho những người tin Chúa, chúng ta đã có Đấng Christ. Khi xét về thứ bậc quan trọng của tạo hóa, có vẻ như con người cao trọng hơn Thiên Sứ. Theo Phao-lô, người tin Chúa sẽ phán xét các Thiên Sứ (1 Cô-rinh-tô 6:3). Không có phân đoạn Kinh Thánh nào nói rằng Thiên Sứ sẽ phán xét chúng ta.

  1. Chúa ban Kinh Thánh cho chúng ta, không phải Thiên Sứ.

Kinh Thánh không được ban cho Thiên Sứ, mà là cho chúng ta. Do đó, có nhiều điều chúng ta chưa biết về các Thiên Sứ. Vì Thiên Sứ là thần, tôi nghĩ rằng họ không có cơ thể hữu hình, mặc dù không phải ai cũng đồng ý điều này. Thần là như thế nào? Tại sao một số Thiên Sứ lại phản bội Chúa, còn các Thiên Sứ khác thì không? Thiên Sứ khiến chúng ta nảy ra nhiều suy đoán. Tuy nhiên, chúng ta cần hết sức thận trọng khi suy đoán những điều vượt khỏi Kinh Thánh. Chúng ta có thể làm ảnh hưởng xấu đến Phúc Âm khi tuyên bố những điều mâu thuẫn. Chúng ta có thể đặt một số lẽ thật Kinh Thánh làm trọng tâm suy nghĩ của mình, nhưng đó không phải là trọng tâm của chính Kinh Thánh. Người ta có thể thêu dệt rất nhiều điều về thiên Thiên Sứ, và chúng ta nên cẩn trọng suy xét theo lời Kinh Thánh. 

Bài: Graham A. Cole; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www.crossway.org/articles/10-things-you-should-know-about-angels/)

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN