Chủ Nhật, Tháng mười hai 15, 2024
No menu items!
Homec/Tài LiệuNghiên Cứu Kinh Thánh4 Cụm Từ Cơ Đốc Gây Hiểu Lầm Hơn Là Gây Dựng

4 Cụm Từ Cơ Đốc Gây Hiểu Lầm Hơn Là Gây Dựng

Phong trào chỉ là nhất thời nhưng chúng vẫn kịp xuất hiện trong Hội Thánh hay giữa những cuộc trò chuyện của tín hữu…

Dù bạn đang bàn về các bài trắc nghiệm tâm lý như là “8 kiểu người thường thấy” hay ứng dụng một câu nói mà Mục sư vẫn thường nhắc trong bài giảng thì cũng đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại vấn đề: những “phát ngôn Cơ Đốc” đó có phải là thông điệp tôi thật sự muốn nói, dù là với tín hữu hay người chưa tin?   

Sự rõ ràng là chìa khóa cho việc bày tỏ bạn là người theo Chúa khi giao tiếp. Cho dù bạn là mục sư, lãnh đạo mục vụ, sinh viên thần học hay chỉ là một tín đồ, hãy cẩn thận trong lời nói. Hãy chỉ nói những gì bạn thật sự muốn nói theo chuẩn mực Thánh Kinh và để những “phát ngôn thời thượng” chìm vào quên lãng.

Dưới đây là 4 câu nói tưởng như hợp thời nhưng thường gây hiểu lầm hơn là gây dựng.

  1. “Hãy dành chỗ cho Chúa

Để tránh gây vấp phạm cho những người đang tìm hiểu đạo hoặc chưa tin Chúa, chúng ta thường kêu gọi họ “hãy dành cho Chúa một chỗ trong cuộc đời bạn”. Hoặc khi khích lệ con cái Chúa đọc Kinh Thánh và dành nhiều thời gian cầu nguyện, chúng ta vẫn nói “hãy dành chỗ cho Chúa giữa bộn bề cuộc sống”.

Tuy nhiên, chắc chắn chúng ta không định khuyên ai đó rằng hãy dành chỉ một phần nhỏ cuộc đời cho Chúa Jêsus.

Chúa không muốn chỉ là “một phần” trong cuộc sống của bạn. Ngài đòi hỏi và xứng đáng là cả cuộc đời chúng ta. Trong Cô-lô-se 3:4, Phao-lô gọi Chúa Jêsus là “Đấng Christ, là sự sống của anh em”. Chúa Jêsus là tất cả những gì bạn có, chứ không phải chỉ là một phần bé nhỏ thêm vào cuộc sống.

Trong Công vụ 17:28 Phao-lô nói với những Cơ Đốc nhân A-then rằng Chúa Jêsus là hơi thở, là nguồn sống, là lý do chúng ta tồn tại. “Dành chỗ cho Chúa” không thể hiện được hết những điều đó. Chúng ta cần tránh sang một bên để Chúa là trọng tâm, dẫn dắt trọn cuộc đời. Phao-lô mô tả lối sống này (hay đúng hơn là cách từ bỏ bản thân) trong Ga-la-ti 2:20 : “Tôi đã bị đóng đinh vào thập-tự-giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi; nay tôi còn sống trong xác-thịt, ấy là tôi sống trong đức-tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi”.

Phao-lô không nói “Tôi đã dành chỗ cho Chúa” như thể chỉ chừa ra một phần tấm lòng là được. Chúa muốn toàn bộ cuộc đời bạn. Thay vì khuyên người khác dành một chỗ hay một chút sức lực cho Chúa, hãy nhớ chính Chúa là Đấng ban cho bạn sự sống, hơi thở và sức khỏe. Ngài không phải là vị thần tọa tại một góc trong lòng bạn nhưng là Đức Chúa Trời mà chúng ta cần hoàn toàn đầu phục.

  1. “Hãy dựa vào Chúa”

Mặc dù hàng thế kỷ qua chúng ta vẫn hát “Nương cánh vĩnh sinh” nhưng gần đây điều này dường như đang ngụ ý tình trạng do dự và yếu đức tin. Rất nhiều lần chúng ta được dạy cần phải “nương tựa” vào Đức Chúa Trời. Những tác giả Cơ Đốc sử dụng cụm từ này lặp đi lặp lại trong các bài báo, nhật ký điện tử, ấn phẩm… vì bản thân họ thường xuyên nghe nó. 

“Chỉ cần dựa vào Chúa và lắng nghe những gì Ngài nói”.

“Nương tựa, lắng nghe và học hỏi”.

“Hãy dựa vào Chúa Jêsus, Ngài sẽ hướng về bạn”.

Hãy nghĩ về những gì bạn đang nói, đang đọc hoặc đang tiếp nhận. Nếu kiểu nói chuyện này là để áp dụng khi chúng ta muốn trở nên nhạy bén hơn với những người chưa tin Chúa hoặc những Cơ Đốc Nhân trẻ tuổi đang tìm hiểu về Đức Chúa Trời nên vẫn đang giữ khoảng cách với Ngài, thì việc khuyến khích ai đó dựa vào Chúa có thể giúp họ tiến xa hơn trong hành trình thuộc linh. Xét cho cùng, khi bạn dựa vào ai đó mà không ôm lấy họ hoàn toàn, nghĩa là họ mới là người đang ôm bạn hoặc họ chỉ được phép choàng tay qua một bên vai của bạn. Bạn đang giúp họ tiếp cận vấn đề một cách thận trọng. Nhưng hãy thành thật với nhau: một cái dựa thể hiện sự thiếu cam kết. Sự nương dựa ngụ ý sự do dự khi chưa có sự tin tưởng hoàn toàn. Khi có điều gì đó khơi gợi sự quan tâm của chúng ta, chúng ta có thể sẽ muốn tham gia nhưng tìm hiểu thêm một chút trước khi đưa ra cam kết.

Nhưng cho dù chúng ta đang ở đâu trên hành đức tin của mình, liệu Đức Chúa Trời có muốn chúng ta chỉ dựa vào Ngài không? Không! Ngài muốn chúng ta phó thác vào Ngài với sự lệ thuộc trọn vẹn, đầu phục hoàn toàn và tin tưởng tuyệt đối. Ngài muốn chúng ta ôm lấy Ngài. Ngài muốn bạn bám chặt lấy Ngài và không bao giờ để Ngài đi. Giê-rê-mi 29:13 nói: “Các ngươi sẽ tìm ta, và gặp được, khi các ngươi tìm kiếm ta hết lòng.” Lưu ý dòng chữ không có nội dung “Con sẽ gặp được Ta khi con bắt đầu dựa vào Ta”.

Nếu bạn muốn phát triển mối quan hệ của mình với Đức Chúa Trời, tôi khuyên bạn nên ngừng suy nghĩ về việc chỉ tựa vào Ngài và hãy bắt đầu ôm trọn lấy Ngài. Không nên có sự do dự hoặc làm nóng lên khi chúng ta nói đến mối quan hệ giữa bạn và Chúa. Ngài không chỉ tựa vào bạn. Ngài đã chết vì bạn. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta bắt đầu thay thế từ “tựa” bằng từ “phụ thuộc”? Thay vì khuyên bạn của bạn “tựa vào Chúa Jêsus”, hãy thúc giục họ “để Ngài bồm ẵm bạn”. Chúa Jêsus dành tất cả cho chúng ta. Đã đến lúc chúng ta nên tập trung nhiều hơn vào Ngài.

Bạn có thể làm nhiều hơn là chỉ dựa vào Nài không? Và nếu bạn đang nói chuyện với một Cơ Đốc Nhân dày dạn kinh nghiệm, hãy bắt đầu nói về việc nhảy vào hoặc tốt hơn nữa là dốc hết sức lực. Nhưng hãy dành sự dựa dẫm cho những người hay do dự và thiếu cam kết.

  1. Hãy yêu bản thân

Có thể tôi sẽ đụng chạm một số người ở đây bởi vì tôi sắp nói về người mà chúng ta yêu quý nhất: chính chúng ta. Tuy nhiên, cụm từ “hãy yêu bản thân” không có trong Kinh Thánh. Đó là cụm từ mà văn hóa thế tục này tạo nghĩ để nghe có vẻ tử tế và khích lệ, nhưng điều thực sự đem lại tình yêu thương, sự tử tế và khích lệ hơn chính là cụm từ “hãy yêu người khác” như Kinh Thánh dạy. Rõ ràng việc yêu mến Đức Chúa Trời trước hết, tiếp đến là yêu người khác, và sau cùng mới là yêu bản thân giúp chúng ta kinh nghiệm niềm vui thật.

Trong Ma-thi-ơ 22, Chúa Jêsus nhắc lại điều răn lớn nhất: “Ngươi hãy hết lòng, hết linh-hồn, hết ý mà yêu-mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi.” (câu 37). Sau đó Ngài nói với chúng ta điều răn lớn thứ nhì là “yêu người lân cận như mình” (câu 39). Nhưng điều đó không đồng nghĩa với mệnh lệnh hãy yêu bản thân. Đó là mệnh lệnh ít nhất hãy yêu người khác như cách chúng ta yêu chính bản thân mình, bởi vì theo lẽ tự nhiên của xác thịt, chúng ta yêu bản thân mình hơn bất cứ điều gì khác. (Trong Ê-phê-sô 5:29, khi Phao-lô hướng dẫn các ông chồng yêu cơ thể của mình, ông viết: “Vì không hề có người nào ghét chính thân mình, nhưng nuôi nấng, chăm sóc nó.) Ngoài ra, Chúa Jêsus thậm chí còn nhấn mạnh hơn. Ngài biết chúng ta có thể yêu bản thân mình tốt hơn nhiều so với yêu người khác và do đó Ngài dạy những người theo Ngài thông điệp mà không nhiều người để ý đến: Hãy từ bỏ chính mình. (Đó là một cách nói khác để nói rằng hãy yêu Đức Chúa Trời trước hết, rồi yêu người khác, và cuối cùng là yêu bản thân.)

Nếu bạn đang nghĩ rằng tôi đang khuyên bạn tự ghét hoặc tự ghê tởm bản thân (và những điều kinh khủng mà người ta hay làm xuất phát từ suy nghĩ méo mó đó), hãy để tôi nói rõ ra rằng lòng tự ái không giống như sự tự tôn. Kinh Thánh cho biết khi chúng ta trở thành con cái của Đức Chúa Trời bởi ân điển của Ngài (Rô-ma 8:15; Ê-phê-sô 2: 8-9), thân thể của chúng ta trở thành đền thờ của Đức Chúa Trời, và do đó chúng ta phải tôn trọng và yêu quý nơi Đức Chúa Trời ngự bởi vì nó đã được chính Đấng Christ chuộc mua bằng huyết báu của Ngài (1 Cô-rinh-tô 6: 19-20).

Nếu bạn đã từng bị lạm dụng bằng thể chất, bằng ngôn ngữ hoặc bằng tình cảm và căm ghét bản thân, đó là hành vi và suy nghĩ không lành mạnh do tội lỗi của người khác và sự đổ vỡ trong bạn tạo ra. Bất cứ khi nào chúng ta có ý nghĩ tự hủy hoại bản thân hoặc cảm giác tự tử, chúng ta cần phải loại bỏ bản thân (và suy nghĩ của Satan) ra khỏi đầu óc của mình và tập trung vào Đức Chúa Trời, Đấng duy nhất tạo ra chúng ta theo hình ảnh của Ngài. Ngài nói rằng chúng ta “được tạo ra một cách đáng sợ và lạ lùng” (Thi thiên 139: 14), và Đấng Christ đã yêu thương chúng ta đến mức chết vì chúng ta, để chúng ta có thể thấy giá trị của mình trong mắt Ngài. Đó là kiểu yêu thương bản thân duy nhất có trong Kinh Thánh. Đức Chúa Trời xem bạn và tôi là kiệt tác của Ngài (Ê-phê-sô 2:10 NLT), và do đó chúng ta có giá trị đối với Ngài. Nhưng nếu chúng ta bỏ Chúa và sự cứu chuộc của Ngài ra khỏi mọi thứ và chỉ nói chuyện với những người tin Chúa – hoặc những người chưa tin – về việc yêu bản thân mình, chúng ta đã đánh mất thông điệp Phúc Âm và đánh mất lý do chúng ta có thể yêu bất cứ thứ gì hoặc bất cứ ai.

Hãy yêu bản thân mình? Không. Hãy yêu Chúa Jêsus, và hãy để NGÀI yêu bạn. Đó là chìa khóa để hiểu rõ thế nào là yêu bản thân và giá trị của bản thân. Chúng ta phải chăm sóc cho bản thân và đối xử tốt với cơ thể của chúng ta. Nhưng chúng ta không được xem bản thân là nhất. Đó là hai thứ khác nhau hoàn toàn.

  1. Hãy đào sâu nào

Mong muốn đào sâu khi học Kinh Thánh là hoàn toàn đúng theo Kinh Thánh. Trên thực tế, tôi thích điều đó khi các mục sư hoặc Cơ Đốc Nhân nói rằng: “Hãy đào sâu Kinh Thánh.” Chuyện đáng thất vọng chính là khi họ không đi sâu thực sự mà chỉ nói những điều cơ bản cho những người có thể là chưa bao giờ nghe về điều nó trước đây. Sự “sâu sắc” của một người có thể là điều cơ bản đối với người khác.

Tôi nghĩ mình có thể nói rằng hầu hết các Cơ Đốc Nhân (hoặc hầu hết các Hội Thánh?) ở đất nước này vẫn đang “đứng nước tại chỗ” khi nói về độ sâu của Lời Chúa. Chí ít thì họ phải có khả năng “quạt tay” được trong nước trước khi bơi được và sau đó là lặn khi nước vượt qua đầu để trải nghiệm thứ được coi là “sâu” đó. Như Kinh Thánh đã dạy, họ phải có khả năng tiêu hóa sữa, trước khi chuyển sang nhai thịt (Hê-bơ-rơ 5: 12-14).

Đầu tiên, trong Phi-e-rơ 2:2, chúng ta được dạy rằng chúng ta nên uống sữa khi còn là trẻ sơ sinh (những người chưa sâu nhiệm). Cuối cùng chúng ta sẽ có thể xử lý phần thịt của Thánh Kinh giống như đang bơi vậy. Nhưng để “lặn sâu”, bạn phải để nước vượt khỏi đầu của bạn, đến mức đôi khi mọi thứ sẽ rất nguy hiểm – tư duy của bạn sẽ bị thử thách, tâm trí của bạn có thể được đổi mới và niềm tin trường-Chúa-Nhật lâu nay của bạn có thể bị thử thách. Bạn sẽ phải vật lộn với những lẽ thật và những bí ẩn của Lời Chúa, và chúng trái ngược với những gì xác thịt bạn muốn nghe. Đó là một mục tiêu xứng đáng và cao quý mà tất cả chúng ta nên phấn đấu đạt được. Và nó hoàn toàn nên được khuyến khích đối với các Cơ Đốc Nhân. Nhưng đừng sử dụng thuật ngữ này nhiều đến mức khiến những Cơ Đốc Nhân non yếu (hoặc người chưa tin Chúa đang tham dự buổi chia sẻ thân mật của Hội Thánh bạn) tin rằng họ đang đào sâu khi mà bạn chỉ đơn giản đưa cho họ một định nghĩa bằng tiếng Hy Lạp hoặc sử dụng một bản giải kinh để giải thích vài câu Kinh Thánh.

Chúng ta không thể “đào sâu” một câu chuyện hoặc một bài giảng với ba gạch đầu dòng có vần điệu được. Trên thực tế, có thể bạn đã nhiều lần nhìn thấy những tấm biển được dán gần các bể bơi: “Nước cạn. Không được lặn.” Điều đó cần được cân nhắc khi bạn nói với bạn bè, độc giả hoặc hội chúng rằng bạn sẽ giúp họ “đi sâu” hoặc “đào sâu hơn” khi học Lời Chúa. Với lí do là hầu hết các nhà thờ vẫn đang bơi trong những vùng nước nông (đặc biệt nếu bạn đang phục vụ một nhóm người chưa tin, đang tìm hiểu hoặc người mới tin Chúa), hãy để họ học bơi và trở nên thoải mái trong nước trước khi bạn cho họ học lặn hoặc tệ hơn là đẩy họ khỏi tấm ván và chìm xuống đáy bể bơi, nếu đúng những gì bạn giới thiệu đến họ thực sự sâu. 

Bài: Cindi McMenamin; dịch: Vĩnh An
(Nguồn: https://www.crosswalk.com/faith/spiritual-life/trendy-christian-phrases-that-mislead-more-than-they-help.html)

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN