Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
Homec/Tài LiệuNghiên Cứu Kinh ThánhChuyện gì xảy ra sau khi Chúa thăng thiên?

Chuyện gì xảy ra sau khi Chúa thăng thiên?

Nếu mọi tội lỗi chúng ta đã được chuộc khi Chúa Jêsus chết trên thập tự giá, vậy tại sao bây giờ chúng ta vẫn cần xưng tội?

Để trả lời câu hỏi này, hãy cùng xem xét một sự kiện thường bị lãng quên – Chúa Jêsus thăng thiên. Theo Tân Ước, Đức Chúa Trời đã khiến Chúa Jêsus sống lại từ kẻ chết, và 40 ngày sau, Ngài được cất lên trời (Công Vụ Các Sứ Đồ 1:9–11). Các thư Rô-ma, Hê-bơ-rơ và 1 Giăng đều mô tả: sau khi thăng thiên và ngự bên hữu Đức Chúa Trời, Chúa Jêsus vẫn đang tích cực làm việc vì dân Ngài. Rô-ma 8:34 và Hê-bơ-rơ 7:25 xác nhận Chúa Jêsus đang cầu thay cho chúng ta. Trong 1 Giăng 2:1–2, Chúa Jêsus là Đấng biện minh cho chúng ta trước mặt Đức Chúa Cha.

Nhưng tại sao dân sự Chúa lại cần một Đấng biện minh? Việc Chúa chịu đóng đinh không đủ để chúng ta được cứu rỗi sao? Câu trả lời là không. Chỉ sự kiện diễn ra trên thập tự giá thôi là không đủ – mà toàn bộ Con Người của Chúa Jêsus mới đủ cho chúng ta. Nếu chỉ có thập tự giá, chúng ta sẽ không có sự cứu rỗi. Công việc cứu chuộc bao hàm nhiều phương diện quan trọng không kém sự hy sinh của Chúa Jêsus. Chúng ta cần Chúa Jêsus cầu thay liên tục cho sự cứu rỗi mình. Sách Hê-bơ-rơ khẳng định Chúa Jêsus liên tục cầu thay để “cứu toàn vẹn những kẻ nhờ Ngài mà đến gần Đức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 7:25). Khi nói rằng công việc cứu chuộc chỉ đơn thuần được làm trọn qua sự chết của Chúa Jêsus, chúng ta đang bỏ qua khía cạnh quan trọng trong chức vụ hiện tại của Ngài.

Sự cứu rỗi không thể hoàn thành chỉ qua sự chết của Chúa Jêsus, mà còn qua sự phục sinh và thăng thiên của Ngài. Trên Thiên Đàng, Chúa Jêsus liên tục cầu thay cho chúng ta, để duy trì Giao Ước Mới tốt hơn đời đời so với mọi của lễ và thầy tế lễ của Giao Ước Cũ. Sách Hê-bơ-rơ và 1 Giăng sử dụng khái niệm “của lễ” và “thầy tế lễ” trong Cựu Ước để mô tả chức vụ của Đấng Christ trên trời. Sách Hê-bơ-rơ nhắc lại Đại Lễ Chuộc Tội hàng năm (Lê-vi Ký 16) để giải thích lý do việc Chúa Jêsus thăng thiên đảm bảo sự cứu rỗi cho dân Ngài. Mỗi năm một lần, các thầy tế lễ thượng phẩm trên đất bước vào sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong Nơi Chí Thánh để dâng của lễ chuộc tội bằng cách rảy huyết.

Nhưng Chúa Jêsus đã làm điều tốt hơn. Ngài bước vào sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong Nơi Chí Thánh trên trời một lần cho mãi mãi. Ngài đã dâng mình làm của lễ hằng sống trước mặt Đức Chúa Cha, như các thầy tế lễ thượng phẩm trên đất đã dâng của lễ bằng huyết (Hê-bơ-rơ 9:6–7, 24–26). Sách Hê-bơ-rơ chép rằng Chúa Jêsus ngồi bên hữu Đức Chúa Trời sau khi “làm xong sự sạch tội” (Hê-bơ-rơ 1:3). Chúa Jêsus hiện đang cai trị trên ngai với tư cách Con Đức Chúa Trời. Chúa Jêsus cũng đang làm chức thầy tế lễ thượng phẩm, tiếp tục công việc cứu rỗi con dân Ngài. Chúa Jêsus đã trở về ngai vàng vinh hiển, nhưng Ngài không ngồi bất động. Ngay bây giờ, Đấng Christ Thăng Thiên vẫn đang làm chức vụ Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm trong Nơi Chí Thánh trên trời (Hê-bơ-rơ 8:1–2), cầu thay không thôi cho dân Ngài (Hê-bơ-rơ 7:25). Đây là một phần trong công trình cứu rỗi trọn vẹn Ngài dành cho chúng ta. 

Tương tự, 1 Giăng mô tả công việc của Chúa Jêsus như là của lễ chuộc tội cho người Do Thái: chính Chúa Jêsus là “của lễ chuộc tội lỗi chúng ta” đang ở trong sự hiện diện của Đức Chúa Cha (1 Giăng 2:1-2). Theo sách Hê-bơ-rơ, Chúa Jêsus không im lặng trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Chúa Jêsus liên tục biện minh cho dân Ngài khi họ phạm tội. Đây là lý do Giăng khuyên các tín đồ nên liên tục xưng nhận tội lỗi (1 Giăng 1:9). Thực trạng tội lỗi đang diễn ra đòi hỏi chúng ta phải liên tục xưng tội và liên tục được tha thứ. Sự thăng thiên của Chúa Jêsus giúp điều này trở nên khả thi, bởi vì chính Ngài là “của lễ chuộc tội”, hiện đang cầu xin Đức Chúa Cha tha thứ cho dân Ngài. Không giống như sách Hê-bơ-rơ, 1 Giăng không gọi Chúa Jêsus là “thầy tế lễ thượng phẩm”, nhưng việc Chúa Jêsus liên tục biện minh cho chúng ta rõ ràng đang ngụ ý chức tế lễ của Ngài.

Trong Rô-ma 8:34, Phao-lô nhấn mạnh rằng việc Chúa Jêsus cầu thay bên hữu Đức Chúa Trời là phương tiện chính để duy trì mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời và dân sự Ngài. Không ai có thể kết án những người ở trong Đấng Christ. Lẽ thật này không chỉ đến từ sự chết của Chúa Jêsus, mà còn là sự phục sinh và cầu thay hiện tại của Ngài bên hữu Đức Chúa Trời. Nhờ đó, Phao-lô tự tin tuyên bố rằng không gì “có thể phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương mà Đức Chúa Trời đã chứng cho chúng ta trong Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa chúng ta” (Rô-ma 8:39). Tình yêu Chúa Jêsus vượt khỏi thập tự giá – cả sự chết, sự phục sinh và sự cầu thay liên tục của Ngài bên hữu Đức Chúa Trời đều cần thiết cho sự cứu rỗi của chúng ta. Nếu loại bỏ bất kỳ yếu tố nào, những tuyên bố đầy tự tin của Phao-lô trong Rô-ma 8:35–39 sẽ sụp đổ.

Những đánh giá trên vẫn chưa lột tả hết ý nghĩa của sự kiện Chúa Jêsus thăng thiên. Chúng chỉ nhấn mạnh một số ý nghĩa quan trọng của sự kiện này, nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Jêsus Thăng Thiên không ngồi yên trong sự hiện diện của Cha Ngài. Ngài cầu thay và bênh vực chúng ta không thôi, phục vụ trước mặt Đức Chúa Cha như thầy tế lễ thượng phẩm giàu lòng thương xót và thành tín của chúng ta (Hê-bơ-rơ 2:17). Chúng ta cần chức tế lễ Ngài trong khi tiếp tục chờ đợi Ngài trở lại và biến đổi mọi thứ (Hê-bơ-rơ 9:28). Sự cứu rỗi của chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào Chúa Jêsus – Đấng đã chết nhưng cũng đã sống lại, thăng thiên và hiện đang cầu thay cho chúng ta.

Trở lại câu hỏi mở đầu: Tại sao chúng ta phải tiếp tục xưng nhận tội lỗi và cầu xin được tha thứ, mặc dù đã tuyên xưng đức tin nơi sự hy sinh cứu chuộc của Đấng Christ? Chúng ta mạnh dạn xưng tội, vì Chúa Jêsus Thăng Thiên là “thầy tế lễ thượng phẩm lớn”, Đấng biện minh cho chúng ta (Hê-bơ-rơ 4:14–16). Ngài đã trở về với Cha để cầu thay cho chúng ta. Công việc cầu thay là một phần thiết yếu của mối quan hệ giữa Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, Đức Thánh Linh và chúng ta – dân sự Ngài. Sự thăng thiên góp phần duy trì mối quan hệ trong Giao Ước Mới mà Chúa Jêsus đã thiết lập khi Ngài chịu chết. Hành động chuộc tội trong Cựu Ước không chỉ đơn giản là giết chết con sinh tế; thầy tế lễ phải mang thi thể và huyết của chúng đến bàn thờ và dâng lời cầu nguyện. Tương tự, qua sự thăng thiên, Đấng đã chết và sống lại đã bước vào sự hiện diện trên trời của Đức Chúa Trời để phục vụ như một thầy tế lễ thượng phẩm của dân Ngài. Chúa Jêsus là của lễ hy sinh chuộc tội đã chết, sống lại và giờ đây cầu thay cho anh chị em Ngài. Chúa Jêsus đảm bảo dân Ngài sẽ nhận được sự cứu rỗi Đức Chúa Trời đã hứa ban. Chúng ta vẫn còn phạm tội và mắc nhiều sai lầm, nhưng có một Đấng luôn biện hộ cho chúng ta ở trên trời. Do đó, chúng ta có thể dạn dĩ tuyên xưng sự chết Chúa Jêsus cho đến lúc Ngài đến (1 Cô-rinh-tô 11:26).

Bài: DAVID MOFFITT; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www.christianitytoday.com/ct/2020/may-web-only/whats-up-with-ascension.html)

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN