Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
Homec/Tài LiệuNghiên Cứu Kinh Thánh6 câu Kinh Thánh có thể bạn đang hiểu sai ý nghĩa

6 câu Kinh Thánh có thể bạn đang hiểu sai ý nghĩa

Tìm trong bất kì cuốn từ điển nào bạn cũng sẽ thấy có nhiều từ viết giống nhưng lại có nghĩa khác nhau. Ví dụ: Người đàn ông đánh con dơi (bat) bằng cái gậy (bat). Từ “con dơi” (bat) đầu tiên là động vật sống về đêm từ “cây gậy” thứ hai là một phụ kiện thể thao. Nhờ vào vị trí của nó trong câu mà chúng biết được từ nào mang nghĩa gì. Ý nghĩa của các từ ngữ, cụm từ và câu dựa trên cách chúng được sử dụng trong các ngữ cảnh khác nhau.

Bối cảnh Kinh Thánh là gì và tại sao nó lại quan trọng như vậy?

Để giải thích Kinh Thánh một cách thật chính xác, chúng ta phải chú ý đến việc làm rõ ngữ cảnh. Tất cả những ai học Kinh Thánh đều cần hiểu rõ tầm quan trọng của việc xem xét bối cảnh. Người học Kinh Thánh thường hiểu sai Kinh Thánh vì họ bỏ lỡ nguyên tắc rất quan trọng này: Quy tắc mạch văn – bối cảnh. Điều này rất quan trọng khi chúng ta giải thích Kinh Thánh.

Bối cảnh Kinh Thánh bao gồm bốn lĩnh vực liên quan đến một phân đoạn Kinh Thánh:

  1. Những câu từ và phân đoạn trước sau
  2. Mạch văn
  3. Sách
  4. Toàn bộ Kinh Thánh

Người ta cũng phải so sánh các đoạn văn tương tự để làm rõ và nghiên cứu bối cảnh lịch sử, văn hóa và ngữ pháp thời đó.

Khá cực đúng không? Đúng. Ảnh hưởng đến cõi đời đời? Chắc chắn rồi.

Sáu phân đoạn thường bị hiểu sai và cách hiểu đúng

Trong quá trình phân tích từng câu, chúng ta sẽ nhìn vào bối cảnh để hiểu đúng ý của trước giả:

  1. Thi Thiên 37:4 – Cũng hãy vui thỏa nơi Đức Giê-hô-va Thì Ngài sẽ ban cho ngươi điều lòng mình ao ước.

Một số người sử dụng câu thơ này như một bằng chứng để biện minh cho những ham muốn thuộc thể của họ (sức khỏe và sự giàu có).

Theo mạch văn, Thi Thiên nói về hành động của Đức Chúa Trời trong quá trình sáng tạo và lịch sử, cũng như lịch sử của Y-sơ-ra-ên. Mục đích của chúng là gì? Là để thúc đẩy sự thờ phượng đúng đắn hướng về Chúa là Đức Chúa Trời. Đa-vít đã viết Thi thiên 37 và nó được gửi đến con người. Trong đó, Đa-vít nói về đường lối của con người trái ngược với cách Đức Chúa Trời hành động, và Đa-vít đề cao Đức Chúa Trời trong suốt quá trình đó.

Vui thỏa nơi Đức Giê-hô-va.

Phần đầu tiên của câu này hướng sự chú ý của chúng ta đến Đức Chúa Trời. Vui mừng trong Ngài có nghĩa là khi Cơ đốc nhân chúng ta tìm thấy niềm vui của mình và niềm vui của chúng ta trong Đức Chúa Trời. Chúng ta dành thời gian quý báu với Ngài trong Lời Ngài và giao tiếp với Ngài qua lời cầu nguyện. Chúng ta sẽ biết Ngài rõ hơn qua quá trình đó. Chúng ta đã được biến đổi (Rô-ma 12: 2). Chúng ta yêu mến Ngài (1 Giăng 4:19) và chúng ta muốn làm vui lòng Ngài và (đây là lời báo trước) chúng ta sẽ trở nên giống Ngài hơn (Rô-ma 8:29; 2 Cô-rinh-tô 3:18) và sẽ biết Ngài muốn gì ở chúng ta (1 Cô-rinh-tô 2:16).

Vì vậy, phần thứ hai của câu – “Thì Ngài sẽ ban cho ngươi điều lòng mình ao ước” – có nghĩa là những ước muốn trong lòng chúng ta sẽ giống với ước muốn của Ngài, và chúng không còn là của chúng ta nữa. Thật là một sự biến đổi tuyệt vời!

  1. Giê-rê-mi 29:11 – “Vì chính Ta biết chương trình mà Ta hoạch định cho các con; đó là chương trình bình an chứ không phải tai họa, để ban cho các con một tương lai và một hi vọng.

Câu này được ghi trên tất cả mọi thứ, từ biển quảng cáo đến miếng dán trong xe ô tô. Điều này được mọi người (ngay cả những người không tin) hiểu là Đức Chúa Trời có kế hoạch để họ trở nên thịnh vượng (thường là liên quan đến tiền bạc).

Từ năm 627-586 trước Công nguyên, tiên tri Giê-rê-mi đã viết về những lời phán xét và hứa hẹn cho một Giu-đa tội lỗi, gian ác (Giê-rê-mi 29: 1) trước và trong khi họ bị giam cầm. Giê-rê-mi nhiều lần cảnh báo dân tộc này rằng họ sẽ bị phán xét nếu họ không ăn năn.

Đúng vậy, hy vọng được rải rác khắp sách, nhưng Đức Chúa Trời đã để Giê-rê-mi viết về cách Ngài sẽ làm xáo trộn các kế hoạch ích kỷ của các quốc gia và dập tắt ước mơ của họ.

Người A-si-ri đã đưa phần lớn Y-sơ-ra-ên bị giam cầm đến Ba-by-lôn. Những người bị bỏ lại Giê-ru-sa-lem cảm thấy Đức Chúa Trời ban phước cho họ và nguyền rủa những kẻ bị giam cầm. Giê-rê-mi cũng nói tiên tri việc Đức Chúa Trời sẽ tập hợp họ lại vùng đất của họ, nhưng không theo thời điểm họ mong muốn. Thay vào đó, việc họ trở về từ nơi nơi lưu đày sẽ xảy ra vào thời điểm, kế hoạch và mục đích của Đức Chúa Trời. Sự ăn năn của Y-sơ-ra-ên là chìa khóa cho tất cả. Người Do Thái không thể tưởng tượng được rằng Đức Chúa Trời sẽ “cứu” họ khỏi bị giam cầm và ban phước cho họ, mặc dù thông điệp của Giê-rê-mi đã chỉ ra chuyện đó cách rất rõ ràng.

Giê-rê-mi 29 đề cập đến các phước lành Đức Chúa Trời đã hứa cho quốc gia, và “những phước lành này là sự đảo ngược hoặc đình chỉ những lời nguyền của giao ước trong Phục truyền luật lệ ký 28: 30–34.” Đức Chúa Trời hứa sẽ mang họ trở lại, và đây là bối cảnh quan trọng của câu 11. Theo Kevin D. Gardner – Tạp chí Tabletalk: “Bối cảnh của Giê-rê-mi 29:11 chỉ ra rằng nó không phải là một lời hứa về các phước lành trên đất này.”

Đây có phải là thông điệp cho chúng ta? Phước lành này không phải trực tiếp dành cho chúng ta. Thông điệp của Giê-rê-mi 29:11 dành cho những người Do Thái đang sống lưu vong và trong sự an toàn tương đối của Giê-ru-sa-lem trước nhất. Đức Chúa Trời tối cao của chúng ta sẽ thực hiện những lời hứa của Ngài khi họ nhìn về Đấng Christ – điều mà Đức Chúa Trời biết nhưng người Do Thái thì chưa. Nhưng vì dân Y-sơ-ra-ên sẽ được ban phước, và chúng ta với tư cách là Cơ đốc nhân cũng được xem là là dân thánh của Đức Chúa Trời, nên chúng ta sẽ chia sẻ trong sự những ơn phước của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ sau này.

  1. Ê-sai 53:5 – Người đã bị người ta khinh rẻ và chối bỏ, Từng trải sự đau khổ, biết sự đau ốm, Bị khinh như kẻ mà người ta che mặt chẳng thèm xem; Chúng ta cũng chẳng coi Người ra gì.

Nhiều người giải thích câu này về Cứu Chúa của chúng ta có nghĩa là Ngài mang lại sự chữa lành thể chất cho chúng ta (trên đất) bởi vì Ngài đã gánh lấy tất cả vết thương của chúng ta trên thập tự.

Ê-sai là một nhà tiên tri của quốc gia miền nam Giu-đa từ năm 739-686 trước Công nguyên trong thời kỳ thuộc linh suy tàn của họ, khi mà các vương quốc phía bắc và phía nam bị chia cắt. Những lời tiên tri của ông bao gồm những lời tiên tri về vương quốc tương lai và về Đấng Christ. Trọng tâm trong phần viết của Ê-sai là chương 53 liên quan đến Chiên Con của Đức Chúa Trời bị giết. Trong đó có câu 3.

Câu này chỉ về sự chữa lành thuộc linh, không phải sự chữa lành về thể chất. Chúa Jêsus đem đến một sự chữa lành thuộc linh thông qua sự hy sinh hoàn hảo của Ngài, và chúng ta có được ân điển và sự cứu chuộc của Ngài bằng đức tin và sự vâng lời (1 Phi-e-rơ 2:24). Chúng ta được tẩy sạch khỏi tội lỗi; đó là cách chúng ta được chữa lành! Chúng ta sẽ không chết nữa vì chúng ta sẽ được sống lại để sống đời đời. Đó là lúc cơ thể vật chất của chúng ta sẽ được thánh hóa.

  1. Phi-líp 4:13 –  Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi.

Sứ đồ Phao-lô đã viết thư này cho Hội Thánh ở Phi-líp khi ông bị bắt. Phi-líp là thuộc địa của La Mã, và nhiều người trong Hội Thánh thấy vui khi là công dân của Rô-ma. Họ phải đối mặt với nhiều sự chống đối từ Sa-tan, nhưng họ vẫn giúp đỡ Phao-lô về mặt tài chính. Hai trong số những lý do ông viết lá thư này là để khích lệ họ đoàn kết và chống lại những giáo sự giả. Chủ nghĩa khắc kỷ đóng một vai trò quan trọng trong triết học do La Mã cai trị, và triết lý này thể hiện niềm tin rằng những người theo chủ nghĩa khắc kỷ có thể kiểm soát hoàn cảnh của họ để mang lại sự hài lòng cho chính họ.

Trong những câu ngay trước câu 13, Phao-lô nói về sự thỏa lòng của ông trong mọi hoàn cảnh- dù nghèo khó hay dư dả, ông đã học được “bí quyết khi đối mặt với sự giàu có và đói khát, dư dật và thiếu thốn”. Phao-lô dạy rằng sự thỏa lòng không dựa trên tình huống hiện tại của chúng ta. Ông chỉ các Cơ đốc nhân cách chúng ta phải ứng phó khi gặp đủ mọi loại nghịch cảnh. Chiến thắng nằm ở đâu? Và chúng ta có thể với tới nó thông qua đau khổ không? Phao-lô cho biết chúng ta có thể thắng trong bất kỳ tình huống nào và có được sự thỏa lòng bằng cách tin cậy nơi Đấng Christ cùng với sức mạnh và sự chu cấp của Ngài.

  1. I Cô-rinh-tô 10:13 “Những sự cám-dỗ đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là thành-tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám-dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám-dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được.”

Hầu như tất cả mọi người đều đã nghe câu nói “Chúa sẽ không ban cho tôi thứ gì mà tôi không thể chịu được”. Lý luận đó đặt sự hiểu biết của con người vào cách thức mà Đức Chúa Trời vận hành.

Hãy phân tích ý nghĩa câu Kinh Thánh này.

I và II Cô-rinh-tô được Sứ đồ Phao-lô viết cho một nhà thờ thuộc La Mã vào khoảng năm 55 sau Công Nguyên. Thành phố Cô-rinh-tô tồi tệ đến nỗi khi ai đó gọi một dân tộc là “Cô-rinh-tô”, nó có nghĩa là đồi bại. Hội Thánh đã không thể hoàn toàn thoát khỏi nền văn hóa đang xâm lấn và Phao-lô muốn nói đến những thất bại của họ bằng những lời khuyên nhủ, mệnh lệnh và khích lệ.

Chương mười bắt đầu với việc Phao-lô nhắc nhở dân Y-sơ-ra-ên về bốn mươi năm trong sa mạc khi họ đi từ Ai Cập đến Ca-na-an. Mục sư John MacArthur nói rằng: “Họ đã lạm dụng tự do của mình và sa vào việc thờ hình tượng, vô đạo đức và nổi loạn, đến mức khiến bản thân không đủ tư cách để nhận được ân phước của Chúa”. Đức Chúa Trời hướng dẫn họ đi qua sa mạc, và vì sự bất tuân không ngừng của họ, Ngài chỉ cho phép hai người đàn ông trên mười chín tuổi vào Đất Hứa. Vì vậy, Phao-lô tiếp tục nhắc nhở họ về ân điển của Đức Chúa Trời. Trước đây họ đã sa vào những cám dỗ tội lỗi của chính mình, và nhiều người đã rơi vào tình trạng sa đọa tương tự ở Cô-rinh-tô.

Phao-lô nhấn mạnh trọng tâm của vấn đề khi nói câu 13. Tất cả chúng ta đều là những người tội lỗi, và những cám dỗ đến thường xuyên với chúng ta. Cám dỗ được sử dụng ở đây, cũng có thể có nghĩa là thử thách. Đức Chúa Trời không mang đến những cám dỗ tội lỗi, nhưng Ngài cho phép chúng thử thách đức tin của chúng ta (2 Cô-rinh-tô 13: 5).

Ngài cho phép chúng thử thách Hội Thánh Cô-rinh-tô bởi sự xấu xa lan tràn của nền văn hóa xung quanh nó.

Nhưng hãy nhìn vào phần còn lại của câu này: “Đức Chúa Trời là thành-tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám-dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám-dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được.”

Chìa khóa – và điều này quan trọng – là Đức Chúa Trời cung cấp cho bạn một lối thoát khỏi những cám dỗ. Nó không phải là một lời hứa loại bỏ những cám dỗ, và không ở đâu nó nói rằng chúng ta sẽ không chịu đựng nỗi đau hoặc mất mát (kể cả cái chết). Những góa phụ hoặc cha mẹ mất con sẽ nói với bạn rằng mỗi ngày sự mất mát vượt quá khả năng của họ. Không ai có thể vượt qua những mất mát đó, trừ khi người đó biết Chúa Jêsus, và sự tập trung của chúng ta nên luôn hướng về Ngài và công việc tay Ngài. Như Đa-vít đã nói “Đức Giê-hô-va là sức mạnh của con” (Thi thiên 28: 7).

  1. Khải Huyền 3:20 – Nầy, Ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho, thì Ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người, và người với Ta.

Cách hiểu sai phổ biến về câu này là Chúa đang gõ cửa trái tim của từng người. Chẳng hề vậy.

Sứ đồ Giăng đã ghi lại những lời của Chúa Jêsus khi Ngài nói với “bảy Hội Thánh ở Châu Á” (Khải Huyền 1: 4) trong thời gian ông bị lưu đày trên Đảo Bát-mô (khoảng năm 95 sau Công Nguyên). Một trong những Hội Thánh mà Chúa nói đến là Hội thánh ở Lao-đi-xê, nơi không nhận được lời khen ngợi nào từ Ngài, ngược lại còn bị quở trách và buộc phải ăn năn. Hội thánh Lao-đi-xê tồi tệ đến nỗi Chúa Jêsus muốn nôn họ ra khỏi miệng Ngài vì họ hâm hẩm – “những kẻ đạo đức giả tự lừa dối mình” (John MacArthur).

Họ nói rằng họ giàu có và không cần gì cả. Chúa Jêsus nói với họ rằng họ “khốn khổ, đáng thương, tội nghiệp, mù ​​lòa và trần truồng” (Khải Huyền 3:17). Chúa Jêsus khuyên họ hãy nhận tất cả những gì họ cần từ Ngài, không phải từ bất cứ thứ gì trên thế gian.

Câu 20 tiết lộ một sự thật đáng kinh ngạc. Chúa Jêsus đã bị khóa bên ngoài Hội Thánh của chính Ngài. Mục vụ Ligonier từng nói: “Tiếng gõ này là tiếng gõ của kỷ luật và sự phán xét đối với một Hội Thánh đã quên mất sứ mệnh của mình,” và “Hội Thánh ở Lao-đi-xê đang tận hưởng sự thịnh vượng của mình và từ bỏ Phúc Âm. Lòng nó đầy kiêu hãnh và tự tin, thiếu sự phụ thuộc vào Chúa Jêsus về phương diện đời sống thuộc linh và chức phận truyền giảng. ”

Chẳng có một người nào tin Chúa thực sự trong Hội Thánh Lao-đi-xê. Chúa Jêsus đứng bên ngoài, gõ cửa, và nếu họ mời Ngài vào (nghĩa là, cho phép Ngài trở thành Chúa của cuộc đời họ), họ có thể dự phần các phước lành của Ngài – điều này vĩ đại hơn bất cứ thứ gì thế gian này có thể cho họ.

Thần học Giải Kinh (môn khoa học giải thích Kinh Thánh) là môn học bắt buộc đối với bất kỳ sinh viên Thần học nào. Thuật ngữ này nghe có vẻ như chỉ dành cho các học giả, nhưng chẳng phải tất cả Cơ đốc nhân chúng ta đều là những người học theo Lời Chúa hay sao? Làm thế nào chúng ta có thể phân biệt và áp dụng đúng cách giải thích về Kinh Thánh? (Vì chỉ có một cách giải thích đúng cho mỗi câu Kinh Thánh mà thôi.)

Dịch: Vĩnh An
(Nguồn: https://www.crosswalk.com/faith/bible-study/6-bible-verses-you-are-probably-reading-wrong.html)

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN