Chủ Nhật, Tháng Chín 8, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
Homec/Tài LiệuNghiên Cứu Kinh Thánh8 Lý Do Tôi Tin Chúa Jêsus Đã Sống Lại Từ Cõi...

8 Lý Do Tôi Tin Chúa Jêsus Đã Sống Lại Từ Cõi Chết

  1. Chính Chúa Jêsus làm chứng về sự phục sinh sắp đến

Chúa Jêsus cởi mở nói về những điều sẽ xảy đến với Ngài: bị đóng đinh và sau đó sống lại từ cõi chết. “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, phải bị các trưởng lão, các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo chối bỏ, phải bị giết, và sau ba ngày phải sống lại” (Mác 8:31; xem thêm Ma-thi-ơ 17:22; Lu-ca 9:22 ). Những người không tin vào sự phục sinh của Chúa Jêsus sẽ nói rằng Ngài đang lừa đảo hoặc Hội Thánh thời ấy đã bịa đặt ra những lời được chép trong Kinh Thánh. Nhưng ai học biết các sách Phúc Âm và thận trọng suy xét những bằng chứng thuyết phục mà không hề ảo tưởng trong Kinh Thánh về sự phục sinh của Chúa Jêsus, sẽ khó lòng “thỏa mãn” với lời chứng thẳng thắn, đơn giản đó của chính Chúa.

Lời tiên tri về sự phục sinh không chỉ là những lời đơn giản đó, mà còn là những lời ẩn ý và gián tiếp, không thể nào là “sáng kiến” của các môn đồ giả dối. Ví dụ, hai nhân chứng riêng biệt làm chứng theo hai cách rất khác nhau về lời tuyên bố của Chúa Jêsus khi Ngài còn sống, rằng nếu kẻ thù phá hủy đền thờ (cơ thể Ngài), thì Ngài sẽ xây lại trong ba ngày (Giăng 2:19; Mác 14:58; xem Ma-thi-ơ 26:61).

Ngài cũng nói ẩn ý về “dấu lạ của đấng tiên tri Giô-na” – ba ngày nơi âm phủ (Ma-thi-ơ 12:39; 16:4). Ngài đã gợi ý một lần nữa trong Ma-thi-ơ 21:42: “Hòn đá đã bị người xây nhà bỏ ra, trở nên đá đầu góc nhà”. Vịn vào lời chứng của chính Ngài về sự phục sinh sắp tới, những kẻ tố cáo nói rằng: “Thưa chúa, chúng tôi nhớ người gian dối nầy, khi còn sống, có nói rằng: Khỏi ba ngày thì ta sẽ sống lại” (Ma-thi-ơ 27:63).

Vì vậy, bằng chứng đầu tiên về sự phục sinh chính là lời xác nhận của Chúa Jêsus. Những lời quyền năng này không thể nào ra từ một giáo hội lừa bịp. Và chính đời sống của Chúa Jêsus khiến cho lời chứng của Ngài gần như không một ai cho là giả dối hay lừa bịp.

  1. Ngôi mộ trống

Các tài liệu cổ khẳng định điều này: “Nhưng, bước vào, không thấy xác Đức Chúa Jêsus” (Lu-ca 24:3). Và kẻ thù của Chúa Jêsus cũng xác nhận điều đó khi tuyên bố rằng các môn đồ đã đánh cắp xác Ngài (Ma-thi-ơ 28:13). Họ không tìm thấy xác Chúa Jêsus. Có bốn cách để giải thích điều này.

  1. Kẻ thù đã đánh cắp xác Ngài. Nếu họ làm vậy (họ chưa bao giờ công nhận điều này), họ chắc chắn sẽ trình cái xác ra để ngăn Tin Lành truyền bá thành công trong chính thành phố đã đóng đinh Chúa. Nhưng họ không thể trình ra bất cứ thứ gì.
  2. Bạn hữu Ngài đã đánh cắp xác Ngài. Đây là tin đồn ban đầu (Ma-thi-ơ 28:11–15). Điều này có thể xảy ra không? Liệu họ có thể qua mặt những người lính gác mộ? Hơn nữa, liệu họ có thể rao giảng về sự phục sinh năng quyền của Chúa Jêsus, dù biết rằng Ngài không hề sống lại không? Liệu họ có mạo hiểm mạng sống và chấp nhận bị đánh đập vì thứ mà họ biết là giả dối?
  3. Chúa Jêsus chưa chết, Ngài chỉ bất tỉnh khi được đặt vào ngôi mộ. Ngài tỉnh dậy, lăn hòn đá, vượt qua quân lính, và bốc hơi khỏi dòng lịch sử sau khi gặp gỡ một vài môn đồ và cố thuyết phục họ rằng Ngài đã sống lại từ cõi chết. Ngay cả kẻ thù của Chúa Jêsus cũng không giả định điều này. Rõ ràng Ngài đã chết. Lính La Mã chứng kiến Ngài chết. Một con người vừa bị giáo đâm vào hông vừa bị đóng đinh trên cây thập tự không thể nào dời hòn đá khổng lồ từ bên trong.
  4. Đức Chúa Trời khiến Chúa Jêsus sống lại từ kẻ chết. Ngài nói rằng điều này sẽ xảy ra. Các môn đồ nói rằng điều này đã xảy ra. Nhưng con người thời nay không muốn giải thích sự phục sinh theo cách siêu nhiên. Tất nhiên, chúng ta không muốn tin mù quáng. Nhưng cũng đừng bác bỏ sự thật chỉ vì điều đó quá nhiệm màu. Kết luận của chúng ta bị ảnh hưởng nhiều bởi sở thích – nếu phục sinh là thật thì chúng ta phải làm gì? Nếu sứ điệp của Chúa Jêsus cho thấy rằng có Đức Chúa Trời và bạn cần được tha thứ, thì bạn phải tin vào lời giải thích siêu nhiên. Khi chấp nhận điều này, bạn được giải thoát khỏi những thành kiến ​​sai lầm đối với sự phục sinh.

  1. Các môn đồ ngay lập tức được biến đổi, từ tuyệt vọng và sợ hãi sau sự kiện đóng đinh (Lu-ca 24:21, Giăng 20:19) thành tự tin và dạn dĩ làm chứng về sự phục sinh (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:24, 3:15, 4: 2).

Sở dĩ có sự thay đổi này là vì họ đã thấy Đấng Christ Phục Sinh và được trao quyền làm nhân chứng của Ngài (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:32). Có người cho rằng họ tự tin do bị ảo giác, nhưng quan điểm này có nhiều bất ổn. Các môn đồ không phải là kiểu cả tin, họ thậm chí còn cực kỳ hoài nghi cả trước và sau sự kiện phục sinh. (Mác 9:32, Lu-ca 24:11, Giăng 20:8-9, 25). Hơn nữa, làm sao lời giảng dạy sâu nhiệm của những người chứng kiến Đấng Christ Phục Sinh có thể ra từ ảo giác? Còn bức thư tuyệt vời Phao-lô gửi cho người Rô-ma thì sao? Khó mà nghĩ rằng nguồn trí tuệ khổng lồ và tâm hồn thanh sạch sâu sắc này sinh ra từ sự dối lừa – Phao-lô tuyên bố đã nhìn thấy Đấng Christ Phục Sinh.

  1. Phao-lô tuyên bố không chỉ ông mà còn có năm trăm người khác đã nhìn thấy Đấng Christ Phục Sinh, và nhiều người vẫn còn sống khi ông công khai tuyên bố điều này.

“Rồi đó, cùng trong một lần, Ngài hiện ra cho hơn năm trăm anh em xem thấy, phần nhiều người trong số ấy hiện bây giờ còn sống” (1 Cô-rinh-tô 15:6). Ông viết dòng này cho người Hy Lạp, họ hoài nghi về tuyên bố này khi nhiều nhân chứng vẫn còn sống. Vì thế, tuyên bố này không thể nào sai sự thật, vì chỉ cần vài lời hỏi thăm họ cũng tìm ra được vấn đề. 

  1. Hội Thánh sơ khai thịnh vượng, ủng hộ lẽ thật của sự Phục Sinh.

Hội Thánh lan truyền năng quyền qua lời chứng: Chúa Jêsus đã sống lại từ kẻ chết, Đức Chúa Trời đã tôn Chúa Jêsus làm Chúa và Đấng Christ (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:36). Đấng Christ làm chủ trên mọi quốc gia vì Ngài đã đắc thắng sự chết. Đây là sứ điệp lan tỏa trên toàn thế giới. Quyền năng vượt qua mọi nền văn hóa, tạo ra một dân mới của Đức Chúa Trời, chính là bằng chứng mạnh mẽ về lẽ thật.

  1. Sứ đồ Phao-lô cải đạo đã xác tín lẽ thật phục sinh.

Phao-lô nói với những người thiếu cảm thông trong Ga-la-ti 1:11–17 rằng Phúc Âm của ông đến từ Đấng Christ Phục Sinh, không phải từ loài người. Trước trải nghiệm gặp gỡ Chúa Jêsus Phục Sinh trên đường đến Đa-mách, ông đã chống đối đức tin Cơ Đốc dữ dội (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:1). Nhưng giờ đây, trước sự ngạc nhiên của mọi người, ông đang liều mạng vì Phúc Âm (Công Vụ Các Sứ Đồ 9: 24–25). Ông giải thích: Chúa Jêsus Phục sinh đã hiện ra và giao cho ông nhiệm vụ truyền bá Tin Lành cho dân ngoại (Công Vụ Các Sứ Đồ 26:15–18). Chúng ta có thể tin cậy một lời chứng như vậy không? Điều này dẫn đến lập luận tiếp theo.

  1. Các nhân chứng trong Tân Ước hoàn toàn không phải là những kẻ lừa đảo.

Làm sao để tin tưởng một nhân chứng? Khi một nhân chứng đã chết, chúng ta chỉ có thể đánh giá họ dựa trên tài liệu mà họ để lại, và những gì người khác nói về họ. Làm sao mà Phi-e-rơ, Giăng, Ma-thi-ơ và Phao-lô có thể nói những điều trùng khớp với nhau?

Bây giờ, chúng ta có thể tự mình xét đoán điều gì là công bình (Lu-ca 12:57). Bức thư của những người này để lại trông không hề giống tác phẩm những người cả tin, dễ bị lừa dối hoặc đi lừa bịp người khác. Tầm hiểu biết của họ về bản chất con người thật sâu sắc. Những cam kết cá nhân của họ rất tỉnh táo và cẩn thận. Lời dạy của họ vô cùng mạch lạc, không có vẻ gì là giống lời của những người bất bình thường. Tiêu chuẩn đạo đức và tâm linh của họ rất cao. Và những người này dành cả cuộc đời mình để phục vụ lẽ thật và tôn vinh Đức Chúa Trời.

  1. Vốn có vinh quang trong Phúc Âm về sự thương khó và phục sinh của Đấng Christ, theo các nhân chứng trong Kinh Thánh thuật lại.

Kinh Thánh Tân Ước nói rằng Đức Chúa Trời đã sai Đức Thánh Linh đến để tôn vinh Chúa Jêsus là Con Đức Chúa Trời. Chúa Jêsus nói: “Lúc nào Thần lẽ thật sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật… Ấy chính Ngài sẽ làm sáng danh ta”(Giăng 16:13). Đức Thánh Linh làm sáng danh Chúa bằng cách tuyên bố rằng Chúa Jêsus đã sống lại từ cõi chết. Ngài làm điều đó bằng cách mở mắt chúng ta, để thấy được vinh quang vốn có của Đấng Christ khi tìm hiểu về cuộc đời, sự thương khó và phục sinh của Ngài. Ngài cho phép chúng ta nhìn thấy Chúa Jêsus sống động, chân thật và đẹp đẽ không thể cưỡng lại được. Phao-lô đưa ra giải pháp cho sự mù lòa của chúng ta: “Cho những kẻ chẳng tin mà chúa đời nầy đã làm mù lòng họ, hầu cho họ không trông thấy sự vinh hiển chói lói của Tin lành Đấng Christ, là ảnh tượng của Đức Chúa Trời… Vì Đức Chúa Trời, là Đấng có phán: Sự sáng phải soi từ trong sự tối tăm! – đã làm cho sự sáng Ngài chói lòa trong lòng chúng tôi, đặng sự thông biết về vinh hiển Đức Chúa Trời soi sáng nơi mặt Đức Chúa Jêsus Christ”(2 Cô-rinh-tô 4:4,6).

Hiểu biết về sự thương khó và phục sinh của Đấng Christ không đơn thuần là kết quả của việc suy luận hợp lý từ các sự kiện lịch sử. Đó là thành quả của sự soi sáng thuộc linh, để thấy đúng trong bản chất của những sự kiện đó: sự mặc khải về chân lý và vinh quang của Đức Chúa Trời trước mặt Đấng Christ – Đấng hôm qua, ngày nay cho đến đời đời không hề thay đổi. 

Bài: John Piper; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www.desiringgod.org/articles/eight-reasons-why-i-believe-that-jesus-rose-from-the-dead)

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN