Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
Homec/Tài LiệuNghiên Cứu Kinh ThánhVì Sao Ngày Chúa Chịu Khổ Nạn Lại Là “Ngày Tốt Lành”?

Vì Sao Ngày Chúa Chịu Khổ Nạn Lại Là “Ngày Tốt Lành”?

Đó là ngày kinh khiếp nhất trong lịch sử thế giới.

Không gì bi thảm hơn, không sự kiện nào trong tương lai có thể sánh bằng. Dù là đột kích bất ngờ, ám sát chính trị, sụp đổ tài chính, xâm lược quân sự, kích nổ nguyên tử hay chiến tranh hạt nhân, khủng bố thảm khốc, nạn đói hoặc đại dịch toàn cầu – thậm chí buôn bán nô lệ, thanh trừng sắc tộc hoặc tôn giáo kéo dài hàng thập kỷ, cũng không thể bao phủ bóng tối của ngày hôm đó.

Chưa bao giờ có nỗi đau nào oan ức đến thế. Chưa một con người nào bị đối xử bất công đến thế, bởi vì không ai đáng được ca ngợi như vậy. Không ai sống mà không phạm tội. Không một con người nào là Thượng Đế. Không nỗi kinh hoàng nào vượt hơn chuyện đã xảy ra trên ngọn đồi ngoài thành Giê-ru-sa-lem, khoảng 2 thiên niên kỷ trước.

Vậy mà người ta gọi đó là Thứ Sáu “Tốt lành”.

Loài người toan làm điều ác 

Những ngày kinh khủng nhất bắt đầu khi Chúa Jêsus bị người La Mã giam giữ ở chỗ quan tổng đốc. Chính con dân Chúa đã nộp Ngài cho đế chế áp bức. Sợi dây gom bó dân Do Thái lại với nhau chính là Đấng cai trị hứa ban trong dòng dõi vua Đa-vít vĩ đại của họ. Chính Đa-vít cùng các tiên tri đến trước và sau ông, đều hướng dân sự về một vị Vua vĩ đại hơn sẽ đến. Nhưng cuối cùng, dân sự lại không biết Ngài là ai. Họ đã từ chối Đấng Mê-si của chính mình.

Vào thời Đa-vít, dân ngoại âm mưu chống lại ông – vị vua được Đức Chúa Trời xức dầu. “Nhân sao các ngoại bang náo loạn? Và những dân tộc toan mưu chước hư không? Các vua thế gian nổi dậy, các quan trưởng bàn nghị cùng nhau nghịch Đức Giê-hô-va, và nghịch Đấng chịu xức dầu của Ngài” (Thi thiên 2:1–2). Nhưng giờ đây, lời Đa-vít đã ứng nghiệm với hậu duệ vĩ đại hơn của ông, khi chính dân sự của Chúa Jêsus muốn giao Ngài cho chính quyền La Mã.

Giu-đa toan làm điều ác

Giu-đa không phải là người đầu tiên âm mưu chống lại Chúa Jêsus, nhưng ông là người đầu tiên “nộp người” (Ma-thi-ơ 26:15) – việc làm mà các sách Phúc Âm lặp đi lặp lại nhiều lần.

Âm mưu chống lại Chúa Jêsus đã bắt đầu từ lâu trước khi Giu-đa biết rằng mình có thể kiếm tiền nhờ việc bán đứng Chúa. Câu nói sẽ nộp Chúa Jêsus (Ma-thi-ơ 22:15) đã nhanh chóng biến thành âm mưu giết Ngài (Ma-thi-ơ 26:4). Và lòng tham tiền của Giu-đa khiến ông trở thành quân cờ đầu tiên trong sự khổ nạn của Chúa Jêsus.

Chúa Jêsus đã thấy trước việc này. Ngài nói trước với các môn đồ: “Nầy, chúng ta đi lên thành Giê-ru-sa-lem, và Con người sẽ bị bắt nộp cho các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo. . . ” (Ma-thi-ơ 20:18). Lúc đầu, kẻ phản bội chưa có tên tuổi. Bây giờ hắn đang ngồi giữa vòng mười hai sứ đồ thân cận của chính Chúa Jêsus. Một trong những người bạn thân của Ngài sẽ phản Ngài (Thi thiên 41:9), với giá của một nô lệ (Xa-cha-ri 11:12–13): ba mươi miếng bạc bẩn thỉu.

Lãnh đạo Do Thái toan làm điều ác

Nhưng Giu-đa không hành động một mình. Chúa Jêsus đã báo trước rằng “các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo sẽ luận giết Ngài. Họ sẽ nộp Ngài cho dân ngoại hầu để nhạo báng, đánh đập, và đóng đinh trên cây thập tự” (Ma-thi-ơ 20:18–19). Và tất cả đều diễn ra theo đúng kế hoạch. “Bấy giờ, cả cơ binh, người quản cơ và những kẻ sai của dân Giu-đa bắt Đức Chúa Jêsus trói lại” và giao Ngài cho Phi-lát (Giăng 18:12,30). Phi-lát đã thừa nhận với Chúa Jêsus rằng: “Dân ngươi cùng mấy thầy tế lễ cả đã nộp ngươi cho ta” (Giăng 18:35).

Vào ngày Đức Chúa Trời để cho Đấng Mê-si bị xử tử tàn nhẫn và bất công, những con người cầm đầu gây tội ác lại chính là các nhà lãnh đạo tôn giáo của dân Chúa. Và họ không thể nào thoát được tội lỗi, “vì ai đã được ban cho nhiều, thì sẽ bị đòi lại nhiều” (Lu-ca 12:48). Chúa Jêsus nói rõ với Phi-lát ai mới là người có tội: “Kẻ nộp ta cho ngươi là có tội trọng hơn nữa (Giăng 19:11).

Ngay cả Phi-lát cũng biết lý do các lãnh đạo Do Thái lại nộp Chúa Jêsus: “Vì người biết rõ các thầy tế lễ cả đã nộp Ngài bởi lòng ghen ghét” (Mác 15:10). Họ thấy dân sự ủng hộ Chúa Jêsus, và run sợ trước viễn cảnh họ mất đi tầm ảnh hưởng (Giăng 12:19). Sự nổi tiếng của Chúa Jêsus đã đe dọa quyền lực mong manh của họ với nhiều đặc quyền kèm theo, nên các thầy tế lễ cả và thầy thông giáo đã thông đồng để hại Ngài.

Phi-lát toan làm điều ác

Trong một dây chuyền tội ác, các bên có tội có vai trò bổ sung cho nhau. Các lãnh đạo Do Thái thúc đẩy kế hoạch, Giu-đa đóng vai trò xúc tác, và Phi-lát cũng có phần của riêng mình, dù chỉ là bị động. Ông sẽ cố gắng rửa sạch lương tâm cắn rứt bằng cách công khai phủi bỏ trách nhiệm, nhưng ông ta vẫn không thể thoát khỏi đường dây tội ác.

Với tư cách tổng đốc, ông có thể chấm dứt sự bất công đang bày ra trước mặt mình. Ông biết đó là điều ác. Cả Lu-ca và Giăng ghi lại lời Phi-lát tuyên bố: “Ta không tìm thấy người có sự gì đáng chết” (Lu-ca 23:14–15,20,22; Giăng 18:38;19:4,6). Trong một tình huống như vậy, người cai trị công bình sẽ không chỉ minh oan cho bị cáo, mà sau đó còn phải bảo vệ bị cáo trước sự tấn công của kẻ tố cáo.

Trớ trêu thay, việc Phi-lát thấy rằng Chúa Jêsus vô tội chính là nguyên nhân khiến ông ta phạm tội, khi ông quyết định cúi đầu để địa vị chính trị của mình thuận buồm xuôi gió.

Đầu tiên, Phi-lát cố gắng mặc cả. Ông đề nghị trả tự do cho một tên tử tù. Nhưng do các nhà lãnh đạo của họ xúi giục, người dân lại đòi trả tự do cho kẻ có tội. Bây giờ Phi-lát bị dồn vào chân tường. “Phi-lát bèn tha tên Ba-ra-ba cho chúng; và khiến đánh đòn Đức Chúa Jêsus, đoạn giao Ngài ra để đóng đinh trên cây thập tự” (Ma-thi-ơ 27:26; Mác 15:15). Mặc dù Phi-lát chỉ ở thế bị động so với các lãnh đạo Do Thái âm mưu, nhưng khi “phó Đức Chúa Jêsus cho mặc ý họ” (Lu-ca 23:25), ông ta đã góp phần không nhỏ vào kế hoạch gian ác của họ.

Dân sự toan làm điều ác

Dân sự cũng góp phần vào sự việc này. Họ để bản thân bị các lãnh đạo gian dối kích động. Họ đòi thả tên tội phạm họ biết là có tội thay vì một người vô tội. Trong Công Vụ Các Sứ Đồ 3:13–15, Sứ đồ Phi-e-rơ nới với người dân thành Giê-ru-sa-lem:

“Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp, Đức Chúa Trời của tổ phụ chúng ta đã làm vinh hiển đầy tớ Ngài là Đức Chúa Jêsus, là Đấng mà các ngươi đã bắt nộp và chối bỏ trước mặt Phi-lát, trong khi người có ý tha Ngài ra. Các ngươi đã chối bỏ Đấng Thánh và Đấng Công bình mà xin tha một kẻ giết người cho mình; các ngươi đã giết Chúa của sự sống mà Đức Chúa Trời đã khiến từ kẻ chết sống lại, và chúng ta là người làm chứng về điều đó”.

Những tín đồ Đấng Christ đầu tiên ở Giê-ru-sa-lem cầu nguyện: “Vả, Hê-rốt và Bôn-xơ Phi-lát, với các dân ngoại, cùng dân Y-sơ-ra-ên thật đã nhóm họp tại thành nầy đặng nghịch cùng Đầy tớ thánh Ngài là Đức Chúa Jêsus mà Ngài đã xức dầu cho” (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:27). Cả Hê-rốt và dân Rô-ma đều không trong sạch. Cuối cùng, tại một ngã rẽ bất ngờ, dân Do Thái và dân ngoại đã hợp tác với nhau để giết chết Đấng Sống.

Và không chỉ có Giu-đa, Phi-lát, các lãnh đạo hay dân sự, chúng ta cũng thấy sự xấu xa nơi chính mình: chính chúng ta đã nộp Ngài. “Đấng Christ chịu chết vì tội chúng ta” (1 Cô-rinh-tô 15:3). Chúa Jêsus “bị nộp vì tội lỗi chúng ta” (Rô-ma 4:25). Ngài “phó mình vì tội lỗi chúng ta” (Ga-la-ti 1:4). “Ngài gánh tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ” (1 Phi-e-rơ 2:24). Chúng ta toan làm điều ác, nhưng Chúa lại biến nó thành điều tốt.

Chúa mượn cái ác để làm điều lành

Chúa đã làm điều tốt nhất thông qua chính điều ác kinh khủng nhất của chúng ta. Sâu bên trong vòng xoáy tội ác của Giu-đa, các lãnh đạo Do Thái, Phi-lát, dân sự, và mọi tội nhân được tha thứ, bàn tay Chúa luôn vững vàng, không bao giờ đổ lỗi cho điều ác, luôn hành động vì lợi ích cuối cùng của chúng ta. Như Phi-e-rơ rao giảng, Chúa Jêsus “bị nộp theo ý định trước và sự biết trước của Đức Chúa Trời, các ngươi đã mượn tay độc ác mà đóng đinh Người trên thập tự giá và giết đi.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:23). Tín đồ Đấng Christ ban đầu thường cầu nguyện: “Vả, Hê-rốt và Bôn-xơ Phi-lát, với các dân ngoại, cùng dân Y-sơ-ra-ên thật đã nhóm họp tại thành nầy đặng nghịch cùng Đầy tớ thánh Ngài là Đức Chúa Jêsus mà Ngài đã xức dầu cho, để làm mọi việc tay Ngài và ý Ngài đã định trước” (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:27–28).

Lời Giô-sép trở nên sống động hơn bao giờ hết: loài người toan làm điều ác, nhưng Chúa lại toan làm điều tốt (Sáng thế ký 50:20). Và nếu ngày khủng khiếp này này không chỉ mang dấu tay của kẻ ác, mà còn phản chiếu bàn tay tối cao tốt lành của Đức Chúa Trời, thì tại sao chúng ta không giương cao ngọn cờ của Giô-sép ngay trên những thảm kịch lớn và kinh hoàng của cuộc đời mình? 

Vì chính Đức Chúa Trời “đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì chúng ta hết thảy mà phó Con ấy cho, thì Ngài há chẳng cũng sẽ ban mọi sự luôn với Con ấy” cho lợi ích đời đời của chúng ta sao (Rô-ma 8:32)?

Đức Chúa Trời đã đánh dấu “tốt lành” lên ngày tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới. Vậy nên, không một ngày, hoặc tuần, tháng, năm, hoặc suốt đời đau khổ – không một tổn thương, mất mát, nỗi đau nhất thời hay dai dẳng nào mà Đức Chúa Trời không thể hóa ra “tốt lành” cho bạn trong Cứu Chúa Jêsus Christ.

Sa-tan và con người tội lỗi toan làm điều ác, nhưng Đức Chúa Trời lại hóa Thứ Sáu ấy ra tốt lành. Vì vậy, chúng ta gọi đó là Thứ Sáu “Tốt Lành”.

(BTV: Các nước phương Tây gọi ngày Lễ Thương Khó là “Good Friday”).

Bài: David Mathis; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www.ugchristiannews.com/why-we-call-the-worst-friday-good-2/)

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN