Thứ Năm, Tháng Tư 18, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
Homec/Tài LiệuNghiên Cứu Kinh ThánhCách Chúa Giao Tiếp Với Chúng Ta

Cách Chúa Giao Tiếp Với Chúng Ta

Bạn đã bao giờ nghe ai nói rằng: “Chúa đã phán với tôi”? Điều này có vẻ đáng ngờ. Bạn có thể nghĩ họ là kiểu lập dị, hoặc tò mò không biết Chúa nói gì với họ. Cũng có thể bạn chẳng biết phải phản ứng thế nào, và tự hỏi liệu người đó có thực sự nghe tiếng Chúa hay không.

Hầu hết chúng ta thuộc kiểu thứ hai: chúng ta không biết phải làm gì khi nghĩ rằng Chúa đang cố gắng giao tiếp với mình. Không chỉ vậy, một số Cơ Đốc nhân thực sự không rõ ý nghĩa của việc Chúa “đã nói chuyện với mình”.

Có phải Chúa phán thành tiếng rõ ràng với chúng ta? Hay là một giọng nói nhỏ nhẹ trong tâm trí? Có những tình huống lạ lùng hoặc trùng lặp xảy ra khiến chúng ta tin rằng Chúa đang đứng sau? Hay một vài phân đoạn Kinh Thánh quen thuộc giờ đây bỗng trở nên nổi bật hơn vì một lý do nào đó?

Chúng ta cần biết rõ đó có phải là tiếng Chúa không, và nếu đó thực sự là Ngài, thì chúng ta cũng phải biết nên đáp ứng như thế nào.

Đây là một chủ đề nóng cả trong và ngoài Hội Thánh. Nếu chúng ta nghe thấy tiếng Chúa thì thầm trong tâm trí, hoặc giọng Ngài rõ ràng bên tai, hay cảm nhận Ngài đang giao tiếp với mình bằng một hình thức khác, thì đó chính là khoảnh khắc thiêng liêng, thay đổi cuộc sống. Điều đó có nghĩa là Đức Chúa Trời thấy rõ chúng ta, biết chúng ta và dành thời gian để nói những điều quan trọng với chúng ta.

Chúa có giao tiếp với chúng ta

Kinh Thánh ghi lại rất nhiều lần Đức Chúa Trời giao tiếp với dân sự Ngài: Ngài nói chuyện với A-đam và Ê-va trực tiếp trong vườn Ê-đen. Ngài nói chuyện với Môi-se qua bụi gai cháy và trong lều tạm. Ngài nói chuyện với dân Y-sơ-ra-ên qua các tiên tri. Ngài cũng đã soi dẫn các tác giả Cựu Ước.

Trong Tân Ước, tác giả các sách Phúc Âm ghi lại những lời nói, việc làm và các sự kiện lịch sử xoay quanh Chúa Jêsus. Khi Chúa Jêsus làm phép báp têm, có tiếng Đức Chúa Cha phán từ Trời xác nhận Chúa Jêsus là Con Ngài. Chúa Jêsus tuyên bố với các môn đồ rằng sau khi Ngài ra đi, Thánh Linh Ngài sẽ “… nói mọi điều mình đã nghe, và tỏ bày cho các ngươi những sự sẽ đến” (Giăng 16:13) Trong Công Vụ Các Sứ Đồ, Đức Thánh Linh đã phán với các sứ đồ vào những thời điểm quan trọng, hướng dẫn họ làm theo ý muốn Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Trời đã giao tiếp với dân sự Ngài theo nhiều cách khác nhau trong suốt lịch sử.

Câu hỏi đặt ra là: Ngày nay Đức Chúa Trời giao tiếp với chúng ta như thế nào, và chúng ta nên làm gì khi nghe tiếng Ngài?

Chúng ta sẽ tập trung vào tiếng Đức Chúa Trời phán qua Đức Thánh Linh, vì Chúa Jêsus đã nói rằng Thánh Linh sẽ ở với chúng ta, thay Ngài giao tiếp và dẫn dắt chúng ta. Ngoài ra, phần lớn sách Công Vụ Các Sứ Đồ tập trung vào công việc của Đức Thánh Linh qua các môn đồ và trên toàn thế giới.

Khi nói đến tầm quan trọng của Thánh Linh trong việc truyền đạt tiếng phán của Đức Chúa Trời, có 3 sự thật chúng ta cần biết. Chúng ta cũng sẽ xem xét cách xác định và việc phải làm khi cho rằng Chúa đang thực sự đang giao tiếp với mình.

Giao tiếp với Đấng Christ

  1. Nhờ Đức Thánh Linh, chúng ta được kết nối với Chân Lý tối cao trong Đấng Christ (Giăng 16:12-15).

Phương cách giao tiếp nào cũng phải được kết nối với Đấng Christ. Chúa Jêsus dạy rằng Thánh Linh của Đức Chúa Trời sẽ tiếp tục công việc Ngài, truyền đạt lời dạy của Chúa Jêsus, và kêu gọi mọi người quay trở lại để theo Chúa Jêsus.

Lẽ Thật là một trong những hình thức giao tiếp sâu nhiệm nhất. Lẽ Thật mang lại cảm giác rõ ràng, thoải mái, giúp chúng ta phân biệt thật giả, kéo chúng ta đến gần Đức Chúa Trời hơn và mang lại tự do. Khi Đức Chúa Trời giao tiếp với chúng ta, Ngài luôn luôn truyền đạt Lẽ Thật. Có thể đó không phải là những gì chúng ta muốn nghe, nhưng luôn là những gì chúng ta cần nghe.

  1. Nhờ Thánh Linh, chúng ta có thể hiểu về Đức Chúa Trời, về thế gian và danh tính của chúng ta trong Đấng Christ (1 Cô-rinh-tô 2:10b-16).

Sứ đồ Phao-lô nói rằng Cơ Đốc nhân có “tâm trí của Đấng Christ” nhờ Đức Thánh Linh khơi dậy. Chúng ta không suy nghĩ như thế gian, tìm kiếm sự khôn ngoan của thế gian, hay đuổi theo vật chất và cách thức của thế gian. Cách duy nhất để làm được điều này là nhờ Đức Thánh Linh. Khi Chúa giao tiếp với chúng ta qua hình thức này, đó có thể là khả năng phân biệt, sự khôn ngoan, sức mạnh để lánh xa những việc thế gian, hoặc giúp chúng ta có quan điểm và hành động khác. Tất cả những điều này sẽ nhắc nhở chúng ta về danh tính thật của mình trong Đấng Christ nhờ Thánh Linh.

  1. Nhờ Thánh Linh, Kinh Thánh đã được viết nên, được thông hiểu và trang bị cho chúng ta để tiếp tục bước theo Đấng Christ (2 Ti-mô-thê 3:16-17).

Bạn vẫn có thể hiểu và nhận được lợi ích từ Kinh Thánh khi không có Thánh Linh dẫn dắt. Nhưng chỉ khi có Thánh Linh, chúng ta mới có thể  tiếp nhận, thấu hiểu, thực hành và tôn vinh Đức Chúa Trời qua việc đọc Kinh Thánh. Đó chính là năng quyền Thánh Linh trong đời sống bạn!

Bây giờ, hãy xem cách Chúa giao tiếp với chúng ta.

4 cách Chúa giao tiếp với chúng ta

  1. Qua Kinh Thánh

Đây là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất. Đây là hình thức liên lạc trực tiếp và dễ tiếp cận nhất của ​​Đức Chúa Trời, chúng ta có thể tìm đến bất kỳ lúc nào và bất cứ nơi đâu. Kinh Thánh là phương tiện chính Đức Chúa Trời đã và đang dùng để truyền đạt Lời Ngài cho chúng ta. Đức Thánh Linh đã soi dẫn các tác giả, giúp họ biết được những công việc, lời nói, ý muốn, lời cảnh báo và những phép lạ của Đức Chúa Trời trong lịch sử. Mỗi khi bạn mở Kinh Thánh với tấm lòng sẵn sàng sống theo đường lối Đấng Christ, thì Đức Chúa Trời đang giao tiếp với bạn qua Lời Ngài.

  1. Qua lời cầu nguyện

Cầu nguyện là một trong những môi trường mà chúng ta có thể “nghe thấy” tiếng Chúa. Không nhất thiết Đức Chúa Trời sẽ phán rõ ràng với chúng ta, nhưng Ngài khuyến khích chúng ta chủ động dành thời gian ở trong sự hiện diện Ngài qua lời cầu nguyện. Chúa Jêsus thường ở một mình với Đức Chúa Trời, và nhiều anh hùng đức tin trong Cựu Ước đã nghe tiếng Đức Chúa Trời phán khi ở một mình với Ngài. Trong thời gian cầu nguyện, Chúa có thể gợi lên một câu Kinh Thánh hoặc tên một ai đó trong lòng bạn, ban cho bạn sự bình an, hoặc hướng dẫn bạn trong lời cầu nguyện bằng “sự thở than không thể nói ra” (Rô-ma 8:26). Mặc dù cầu nguyện là thời gian để “trò chuyện với Đức Chúa Trời”, nhưng đó cũng hoàn toàn có thể là lúc để lắng nghe tiếng phán Ngài. 

  1. Thông qua khải tượng, lời nói, ý tưởng công khai hoặc trong lòng

Hình thức giao tiếp này rất hiếm, đặc biệt là trong Tân Ước, và trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ, nhưng vẫn xảy ra: Chúa Jêsus hiện ra với Sau-lơ và A-na-nia trong một khải tượng để đưa Phao-lô đến với con đường truyền giáo (Công Vụ Các Sứ Đồ 9). Thánh Linh phán với Hội Thánh ở An-ti-ốt biệt riêng Phao-lô và Ba-na-ba. (Công Vụ Các Sứ Đồ 13:1-3). Và Thánh Linh đã hướng dẫn Phi-líp đến giúp đỡ hoạn quan Ê-ti-ô-pi-a (Công Vụ Các Sứ Đồ 8:26-29), đây chỉ là một vài ví dụ.

Ngày nay, Chúa có thể giao tiếp với chúng ta theo cách này để xác nhận một sự việc, để hướng chúng ta theo con đường mới, cho chúng ta gặp Chúa lần đầu, ngăn chúng ta làm điều không nên, hoặc xác nhận một việc chúng ta định làm. Một ví dụ về khải tượng thời hiện đại: một số tín đồ Trung Đông thấy một Đấng giống như Chúa Jêsus nói chuyện với mình trong giấc mơ hoặc qua khải tượng. Đây chắc chắn là cách giao tiếp cực kỳ lạ lùng, nhưng đối với những vùng chưa có Kinh Thánh, Hội Thánh hoặc các phương thức khác để tìm hiểu về Đức Chúa Trời, Ngài có thể sử dụng hình thức giao tiếp này.

  1. Thông qua người khác

Đức Chúa Trời xác nhận lời kêu gọi dành cho Phao-lô qua A-na-nia; và Ba-na-ba thuyết phục Hội Thánh ở Giê-ru-sa-lem chấp nhận Phao-lô bất chấp quá khứ bắt bớ dân Chúa của ông. Phao-lô thậm chí còn phản đối Phi-e-rơ ra mặt khi ông đối xử bất công với dân ngoại.

Đức Chúa Trời có thể sử dụng người khác để giúp chúng ta khi lạc lối, đối đầu với tội lỗi, đưa chúng ta trở lại với Đấng Christ, giúp chúng ta hiểu Kinh Thánh, hoặc đơn giản là hướng dẫn khi chúng ta chưa có kinh nghiệm trong mối quan hệ với Đấng Christ. Thánh Linh sống động trong người khác cũng có thể tác động đến chúng ta thông qua họ.

Đây chỉ là một vài cách Đức Chúa Trời giao tiếp với chúng ta. Vậy chúng ta phải làm gì khi cho rằng Ngài đang nói chuyện với mình? 

Những câu hỏi cơ bản cần đặt ra 

Điều này có thật sự đến từ Chúa không? Những hình thức “trông có vẻ giống” không có nghĩa là thật sự tốt lành và đến từ Chúa. Ngay cả khi bạn khá chắc mình đang nghe, cảm nhận hoặc nhận được thông điệp gì đó từ Chúa, thì vẫn chưa có gì đảm bảo điều đó đến từ Ngài! Đó có thể chỉ là suy nghĩ, mong muốn, cảm xúc của bạn, lời nói của người khác, hoặc thậm chí là ảnh hưởng của ma quỷ. Việc cần làm: cầu xin Chúa giúp bạn phân biệt thông điệp này đến từ ai. Hãy nói chuyện với các tín đồ, mục sư hoặc nhóm nhỏ của bạn. Ý kiến tập thể và lời cầu nguyện là những điều vô cùng hữu ích. Đừng cho rằng điều đó đến từ Chúa ngay lập tức!

Điều này tôn vinh Đức Chúa Trời, hay chỉ tốt cho tôi? Nếu bạn nghĩ rằng Đức Chúa Trời đang truyền đạt cho mình điều mà Kinh Thánh không đề cập rõ ràng, hãy nghĩ xem điều đó sẽ mang lại vinh hiển cho Ngài như thế nào. Đức Chúa Trời muốn bạn tôn vinh Ngài trong mọi việc bạn làm. Nếu bạn nghĩ rằng Ngài đang giao tiếp với bạn, hãy tự hỏi điều này sẽ tôn vinh Ngài ra sao. Việc cần làm: cho dù đó là một công việc cần thực hiện, ý tưởng cần suy ngẫm, mệnh lệnh phải tuân theo, tội lỗi phải dừng lại hoặc quyết định phải đưa ra – thậm chí có thể không tốt cho bản thân bạn bây giờ và về sau, nhưng việc đó nhất định phải sáng Danh Đức Chúa Trời. 

Điều này phù hợp hay mâu thuẫn với Kinh Thánh? Bất kỳ điều gì đến từ Đức Chúa Trời đều không thể mâu thuẫn với Kinh Thánh. Đức Chúa Trời không và sẽ không bao giờ đi ngược lại những gì Ngài đã phán qua Lời Ngài. Nếu điều này có bất kỳ mâu thuẫn nào với Kinh Thánh, hãy tránh xa ngay lập tức! Việc cần làm: Dành nhiều thời gian đọc Kinh Thánh để biết rõ những lẽ thật Đức Chúa Trời đã truyền đạt, hiểu được tính cách, sứ mệnh, đường lối, ý muốn và cách Ngài hoạt động trên thế giới. Khi bạn biết điều gì là thật, là tốt và điều gì đến từ Chúa trong Kinh Thánh, bạn cũng có thể xác định điều gì không đến từ Ngài trong cuộc sống.

Giữa Lời Chúa qua ngôn ngữ viết (Kinh Thánh) và lời thì thầm nhỏ nhẹ của Ngài, tôi quan tâm điều nào hơn? Đây là lúc tra xét lại bản thân, đánh giá lại động cơ chúng ta muốn nghe tiếng Chúa phán ngay từ đầu. Đôi khi chúng ta rất quan tâm đến tiếng nói nhỏ nhẹ của Chúa, bởi vì chúng ta không hiểu, không thích hoặc không đồng ý với những gì Chúa đã phán trong Kinh Thánh. Kinh Thánh là phương tiện chính Đức Chúa Trời dùng để giao tiếp với chúng ta. Cho dù Ngài không bao giờ trực tiếp nói với chúng ta bất cứ điều gì, thì chỉ Kinh Thánh thôi cũng hoàn toàn đủ rồi. Việc cần làm: Dành thời gian đọc Lời Chúa thường xuyên, hàng ngày. Hãy cầu nguyện trước khi đọc, cầu xin Đức Thánh Linh hướng dẫn, và nhận biết rằng Chúa đã truyền đạt trọn vẹn mọi điều chúng ta cần qua Kinh Thánh.

Bài: Kile Baker; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www.crosswalk.com/faith/spiritual-life/how-does-the-holy-spirit-communicate-the-words-of-god.html)

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN