Thứ tư, Tháng mười 30, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
Homec/Tài LiệuNghiên Cứu Kinh ThánhLo Lắng Có Phải Là Tội Lỗi?

Lo Lắng Có Phải Là Tội Lỗi?

Lo Lắng Có Phải Là Tội Lỗi?

Hầu hết chúng ta đều lo lắng khi đối diện với vấn đề trước mắt. Ngày đầu nhận công việc mới, hay một bài phát biểu sắp phải thực hiện có thể khiến chúng ta bồn chồn. Những suy nghĩ tiêu cực xoay vần, và những rủi ro có thể xảy ra hiện lên đe dọa tâm trí chúng ta.

Cuối cùng, mọi việc cũng qua đi, và những lo lắng tan biến. Nhưng đôi khi, lo lắng vẫn kéo dài, trở nên quá sức chịu đựng và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Vậy có gì khác biệt giữa lo lắng lành mạnh và rối loạn lo âu?

Liệu lo lắng có trở thành tội lỗi không? Mặc dù hầu hết phản ứng lo lắng là tự nhiên, và thậm chí mang đến lợi ích cho cuộc sống, thì câu câu trả lời vẫn là có: đôi khi lo lắng thực sự có thể trở thành tội lỗi.

Lo lắng có nghĩa là gì?

Lo lắng được định nghĩa là những suy nghĩ, cảm giác hoặc hình ảnh tiêu cực lặp đi lặp lại, thường xoay quanh một hoàn cảnh thực tế trong tương lai.

Lo lắng chỉ là tạm thời và thường biến mất khi hoàn cảnh cụ thể đã trôi qua. Điều đó khác với nỗi lo dai dẳng, liên tục, hiện hữu ngay cả khi vấn đề hoàn toàn không thực tế.

Lo lắng không được coi là một loại rối loạn tâm thần hoặc bệnh lý, mà là một phản ứng tự nhiên của cơ thể và tâm trí đối với mối đe dọa hoặc nỗi sợ hãi phía trước. Nói theo cách này, lo lắng cũng gần giống như căng thẳng.

Liệu lo lắng có tốt cho chúng ta?

Lo lắng thực sự có thể là một điều tốt. Đó là một tri giác, thậm chí còn là một món quà Chúa ban để đương đầu với nguy hiểm. Lo lắng cũng thể hiện rằng các kỹ năng nhận thức của chúng ta vẫn đang hoạt động bình thường, khi ta cảm nhận được rủi ro, phân tích tình hình và bắt đầu giải quyết vấn đề, đối phó và xử lý hậu quả của mối đe dọa đó.

Lo lắng và rối loạn lo âu khác nhau như thế nào?

Trong khi lo lắng là suy nghĩ tiêu cực tạm thời để đối phó với một tình huống trong tương lai, rối loạn lo âu thường kéo dài, để đối phó với một tình huống không thực tế hoặc không hợp lý. Rối loạn lo âu đặc trưng bởi những suy nghĩ bi quan thái quá.

Đối với một số người, lo lắng là cách bộ não cố gắng đối phó với một tình huống đe dọa. Đối với những người khác, rối loạn lo âu bắt nguồn từ sự mất cân bằng hóa học trong não.

Không phải lo lắng hay lo âu đều là tội lỗi. Trong Vườn Ghết-sê-ma-nê, chính Chúa Jêsus cũng lo lắng khi Ngài sắp bị nộp, và cầu xin Cha Ngài “cất chén này khỏi con” theo ý Cha (Mác 14:36). Lo lắng và lo âu là những phần bình thường và tự nhiên của cuộc sống.

Để nói về sự khác biệt giữa hai khái niệm này, thì lo lắng chủ yếu nằm trong suy nghĩ, cụ thể cho một tình huống hợp lý, và không ảnh hưởng quá tiêu cực đến cuộc sống hàng ngày.

Ví dụ, chúng ta sắp phải đi công tác bằng máy bay. Chúng ta có thể lo rằng máy bay gặp tai nạn, hoặc những sai sót có thể xảy ra trong chuyến công tác, lo lắng sắp xếp công việc và tâm sự với người thân. Nhưng nỗi lo đó không khiến chúng ta hủy bỏ chuyến đi, và khi chuyến bay kết thúc, chúng ta không còn lo lắng nữa.

Rối loạn lo âu thì khác. Ngoài tâm trí, nó có thể ảnh hưởng đến cơ thể, khiến chúng ta chóng mặt, buồn nôn, tim đập nhanh. Rối loạn lo âu có thể mơ hồ chứ không cụ thể, nghĩa là chúng ta không thể hiểu chính xác mình đang lo lắng điều gì.

Rối loạn lo âu có thể tồn tại trong một thời gian dài, ảnh hưởng đến cuộc sống, gây khó khăn trong việc tập trung hoặc hoàn thành nhiệm vụ, và khiến chúng ta tưởng tượng thái quá về rủi ro của một tình huống nhất định.

Nỗi lo lắng bình thường trở thành tội lỗi như thế nào?

Lo lắng và rối loạn lo âu về cơ bản không phải là tội lỗi, nhưng chúng có thể trở thành tội lỗi.

Ví dụ, khi nỗi lo lắng bắt đầu chi phối và kiểm soát cuộc sống, và chúng ta cho phép nó làm vậy mà không tìm cách quản lý hay kiểm soát nó. Một ví dụ khác là khi chúng ta chọn nghe theo tiếng nói của nỗi lo thay vì tiếng phán Chúa.

Chúa nói rõ trong Kinh Thánh rằng chúng ta phải đặt Ngài lên hàng đầu trong đời sống mình. Khi Chúa ban cho Môi-se và dân Y-sơ-ra-ên Mười Điều Răn trong đồng vắng, Ngài tuyên bố: “Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, đã rút ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô, là nhà nô lệ. Trước mặt ta, ngươi chớ có các thần khác” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:2-3).

Khi nói “các thần khác”, Chúa muốn ám chỉ bất cứ điều gì xen giữa Ngài và chúng ta. Chúa nói về các thần tượng như Ba-anh, A-sê-ra hoặc các thần khác mà dân chúng tôn thờ vào thời đó; nhưng Ngài cũng nói về các thần tượng dưới dạng tiền bạc, mối quan hệ, vua chúa, hoặc những mối quan tâm xác thịt khác. Ngài cũng ám chỉ nỗi sợ hãi, lo lắng và rối loạn lo âu.

Có một lý do Chúa khuyên chúng ta “đừng sợ hãi” khoảng 365 lần trong suốt Kinh thánh. Ngài biết con người chúng ta được tạo dựng với khả năng nhận thức nguy hiểm và phản ứng hợp lý.

Nhưng Chúa cũng muốn chúng ta biết Ngài vĩ đại và quyền năng hơn nhiều so với nỗi sợ hãi chúng ta. Và mặc dù ban đầu có thể chúng ta không thấy được điều đó, nhưng Ngài nói rằng chúng ta cần phải nhận ra điều đó và tin cậy nơi Ngài.

Khi chúng ta chọn bằng lòng để tiếng nói sợ hãi, lo lắng lấn át tiếng phán Chúa, chọn tin nó thay vì tin Ngài, thì đó chính là lúc lo lắng trở thành tội lỗi.

Làm gì để vượt qua nỗi lo lắng dai dẳng?

Lo lắng là điều bình thường và tự nhiên, nhưng Chúa kêu gọi chúng ta vượt lên nỗi lo lắng và ưu tiên thờ phượng Ngài.

Trong suốt Kinh thánh, Chúa dạy chúng ta chính xác làm thế nào để chiến thắng nỗi lo lắng. Chúng ta cần đặt Chúa lên hàng đầu và tin cậy nơi Ngài bất chấp những tiếng nói tiêu cực và nỗi lo xung quanh. Đó cũng là cách chúng ta chiến thắng mọi tội lỗi. Chúng ta chọn theo Chúa và ý muốn Ngài thay vì theo ý mình.

Tập trung vào Chúa thay vì lo lắng

Dưới đây là những câu Kinh Thánh giúp bạn làm được điều này:

“Ấy vậy, các ngươi chớ lo lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì? Uống gì? Mặc gì? Vì mọi điều đó, các dân ngoại vẫn thường tìm, và Cha các ngươi ở trên trời vốn biết các ngươi cần dùng những điều đó rồi. Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa” (Ma-thi-ơ 6:31-33).

“Vậy nếu anh em được sống lại với Đấng Christ, hãy tìm các sự ở trên trời, là nơi Đấng Christ ngồi bên hữu Đức Chúa Trời. Hãy ham mến các sự ở trên trời, đừng ham mến các sự ở dưới đất; 3 vì anh em đã chết, sự sống mình đã giấu với Đấng Christ trong Đức Chúa Trời. 4 Khi nào Đấng Christ, là sự sống của anh em, sẽ hiện ra, bấy giờ anh em cũng sẽ hiện ra với Ngài trong sự vinh hiển” (Cô-lô-se 3:1-4).

“… và đừng cho ma quỉ nhân dịp” (Ê-phê-sô 4:27).

“Hãy yên lặng và biết rằng ta là Đức Chúa Trời; Ta sẽ được tôn cao trong các nước, cũng sẽ được tôn cao trên đất” (Thi thiên 46:10).

“Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus Christ” (Phi-líp 4:6-7).

Hãy nhớ rằng bạn có thể lo lắng – nhưng đừng quá rối loạn lo âu. Chúa nắm quyền kiểm soát, và cuối cùng Ngài sẽ lo liệu mọi việc cho bạn.

Bài: Jessica Brodie; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www.crosswalk.com/faith/spiritual-life/can-worrying-become-a-sin.html)

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN