Trong cuộc trò chuyện với người phụ nữ bên giếng, Chúa Jêsus không có ý nói rằng nơi chốn thờ phượng không quan trọng. Việc thờ phượng bằng “tâm thần và lẽ thật” có thể được thực hiện ở bất cứ đâu, không nhất thiết phải ở địa điểm chính xác. Chúng ta biết rằng nơi thờ phượng có Chúa Thánh Linh hiện diện và có lẽ thật. Khách quan mà nói thờ phượng được xem là một lựa chọn và hoạt động cá nhân. Tất cả chúng ta phải lựa chọn có thờ phượng Đấng Christ hay không, và đó là quyền tự do cá nhân. Nhưng vấn đề là việc nhóm họp để thờ phượng dường như không được coi trọng. Các buổi nhóm thờ phượng không phải là một nghi thức bổ sung, mà là hoạt động cần thiết trong đời sống Cơ Đốc, kết nối chúng ta đến những câu chuyện vĩ đại hơn.
Có cần phải đến nhà thờ để thờ phượng Chúa không?
Thờ phượng là công việc thiêng liêng. Môn đồ hóa là công việc hàng ngày. Nghi thức thờ phượng diễn ra vào mỗi Chúa Nhật, khi chúng ta nhóm lại với nhau tại một địa điểm và thời gian cụ thể. Đó là buổi lễ thờ phượng công khai của tín đồ. Để sống một đời sống thờ phượng, chúng ta có nhiều cách để tôn vinh Chúa và có những điều đặc biệt mà các tín đồ phải làm cùng nhau. Vậy nếu tất cả hoạt động đều là thờ phượng, vậy chúng ta có cần đến nhà thờ thờ phượng Chúa? Có. Môn đồ hóa – hay các vấn đề liên quan đến việc học biết và theo Chúa từng giây phút – bao gồm cả việc thờ phượng và đi nhà thờ.
Thờ phượng cũng bao gồm ngợi khen, cầu nguyện và phục vụ. Có thể những điều này không được thực hiện theo nghĩa đen khi bạn đến nhà thờ, vì phục vụ có nghĩa là bạn phải làm việc gì đó cho người khác. Nhưng, tất cả đều là thờ phượng. Ngợi khen và cầu nguyện là biểu hiện của sự thờ phượng. Lắng nghe và giảng dạy Kinh Thánh cũng là thờ phượng. Nhóm họp tạo cho chúng ta một nơi thiêng liêng để thảo luận và trân trọng những gì chúng ta làm với nhau. Vì vậy, khi Chúa Jêsus trò chuyện với người phụ nữ bên giếng, Ngài không hề nói rằng việc nhóm nhau lại thờ phượng là không quan trọng.
Thông điệp thật sự ở đây là: chúng ta là môn đồ, là học trò của Chúa Jêsus trong mọi việc làm hàng ngày. Mỗi buổi thờ phượng là một sự kiện thiêng liêng. Cả hai đều quan trọng như nhau. Không có gì sai khi phân biệt giữa việc thờ phượng qua đời sống hằng ngày và việc thờ phượng khi nhóm họp cùng nhau. Nhưng rốt cuộc, bạn có cần phải đến nhà thờ để thờ phượng Chúa không?
Nhóm họp không chỉ là sự kiện truyền giáo
Nhiều ban linh vụ đang chạy theo sự “hấp dẫn”. Họ cố gắng lên chương trình phù hợp nhân khẩu học, sử dụng các phương pháp tiếp thị để đáp ứng nhu cầu cảm xúc, đánh giá sự thành công theo lượng người tham dự… Buổi thờ phượng và các chương trình khác của Hội Thánh được xây dựng để thu hút “khán giả”. Âm nhạc bắt tai, các bài giảng phải dễ nghe dễ hiểu, và các phần mục phải thu hút đám đông. Những điều này không có vấn đề về đạo đức hay thần học, trừ khi chúng ta gọi đó là “sự thờ phượng”. Thu hút cộng đồng là một ý tưởng tuyệt vời và chúng ta nên làm điều đó! Nhưng những hoạt động hấp dẫn đó là trọng điểm của sự nhóm họp hay thực chất là công cụ để thờ phượng?
Cấu trúc buổi nhóm truyền thống thường có: tụ họp, học Lời Chúa, thông công và cầu nguyện. Tất cả bốn yếu tố này đều đúng theo Kinh Thánh! Còn việc tiếp cận người chưa tin, hay chăm sóc người yếu đuối thì sao? Đó cũng là việc cần làm. Nhưng, chúng ta vẫn được kêu gọi để nhóm hiệp thờ phượng công khai. Nếu bỏ bê Kinh Thánh để thay bằng những bài chia sẻ mang tính giải trí hay các hoạt động thuần thuộc thể khác, thì chúng ta đang đi sai hướng.
Chúng ta kêu gọi những người chưa tin đến với sự thờ phượng thật. Để họ chứng kiến câu chuyện về Chúa qua sự thờ phượng chẳng phải là tốt hơn một buổi trình diễn sao? Chúng ta có thể tự do sử dụng các phương tiện sáng tạo để thu hút họ, nhưng hãy làm mọi thứ với trọng tâm là kêu gọi thờ phượng. Tại sao chúng ta giới hạn việc truyền giảng và môn đồ hóa trong một tiếng đồng hồ vào Chúa Nhật, và nghĩ rằng thờ phượng trong đời sống hằng ngày là đủ rồi? Sách Hê-bơ-rơ cho biết chúng ta phải “thôi thúc” nhau vì tình yêu thương và việc lành trong sự thờ phượng. Chúng ta chỉ quan tâm đến việc thu hút đám đông hay thật sự yêu mến những con người đó? Vả lại, chúng ta tiếp cận cách nào thì cũng phải dùng cách đó để giữ họ lại. Nếu những tiết mục trình diễn được dùng để thu hút người chưa tin, thì chúng ta phải tiếp tục trình diễn để giữ chân họ.
Quyền năng Chúa hiện diện
Nếu Cơ Đốc nhân chúng ta thật sự yêu thương nhau và yêu quý người lân cận, thì điều đó tốt hơn sân khấu hoành tráng, dàn âm thanh sang trọng, phục vụ cà phê ngon, hoặc thiết kế nhà thờ thoáng đãng với phông nền gỗ đắt tiền. Thực chất tất cả những điều này không có gì sai. Nhưng việc nhóm họp không phải là để nuôi dưỡng cảm xúc. Trải nghiệm thờ phượng thời nay không còn được như thời kỳ trong Kinh Thánh.
Kinh nghiệm Chúa qua sự thờ phượng sẽ thay đổi cuộc sống bạn. Một bài hát cảm động, thôi thúc mọi người tiến về phía trước và cam kết dâng cuộc đời họ cho Chúa là một điều tốt. Nhưng, kinh nghiệm Chúa thật sự còn mạnh mẽ hơn nhiều. Đó là trải nghiệm xảy đến với chúng ta, chứ không phải điều chúng ta chủ động lựa chọn. Trên đường đến Đa-mách, sứ đồ Phao-lô được gặp Chúa Jêsus và cuộc đời ông hoàn toàn thay đổi. Nếu chúng ta lấy cuộc gặp gỡ biến đổi cuộc sống này ra để kêu gọi mọi người đến nhóm họp, mà cuối cùng chỉ mang lại cho họ những rung cảm nhất thời của một buổi hòa nhạc, thì chẳng khác nào sự mời chào lừa đảo.
Bạn hoàn toàn có thể trải nghiệm cuộc đời biến đổi vì Chúa đã hứa sẽ hiện diện với chúng ta. Nhưng chúng ta không thể hứa hẹn mang đến trải nghiệm này cho mọi người. Ai cũng thích những điều thú vị, tuy nhiên, đó không phải là công việc của chúng ta. Chúng ta không lập chương trình trải nghiệm cho “người tiêu dùng”. Chúng ta rao giảng những lời hứa và lẽ thật, sau đó để Đức Thánh Linh hành động theo ý muốn của Ngài. Việc mong đợi Đức Thánh Linh hành động khác với việc lập ra kế hoạch trải nghiệm tâm linh cụ thể. Trải nghiệm thiêng liêng luôn huyền nhiệm hơn những rung cảm tốt đẹp nhất thời. Chúng ta phải tin vào những lời hứa ngay cả khi không rung động, xao xuyến.
Bày tỏ câu chuyện của Chúa là mục đích sống của chúng ta
Khi chúng ta nhóm họp, giảng dạy và chia sẻ Lời Chúa, thông công vui thỏa trong sự hiện diện Chúa, cùng dự Tiệc Thánh, sau đó dọn lòng trong sự cầu nguyện, chúng ta đang mời gọi mọi người sống bày tỏ câu chuyện có thật: Chúa chúng ta. Nếu chỉ dừng ở việc đưa mọi người đến nhà thờ, thì mục đích ở đây là gì? Nếu chúng ta không tự mình sống bày tỏ câu chuyện về Chúa, thì còn cách nào để kể câu chuyện đó? Hội Thánh trong tiếng Hy Lạp là “ekklesia”, có nghĩa là “những người được Đức Chúa Trời quy tụ”. Chúng ta chính là Hội Thánh! Không chỉ đến nhà thờ, chúng ta cần trở thành những người được Đức Chúa Trời quy tụ.
Khi lối sống cộng đồng bị thay đổi với quá trình đô thị hóa và vô vàn phương tiện truyền thông xã hội, việc nhóm họp trực tiếp càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Xã hội đầy rẫy những xu hướng và suy nghĩ thay đổi không ngừng. Điều gì sẽ trở thành nền tảng đạo đức nếu Kinh Thánh không phải là trọng tâm? Khi không có Đức Chúa Trời hiện diện, chúng ta nương dựa vào đâu để vận hành cuộc sống này? Chúng ta cần ngồi lại với nhau để học biết ân điển thực sự. Và đời sống tín đồ là đời sống có mục đích. Sự thờ phượng sẽ không trọn vẹn nếu chúng ta không khích lệ nhau sống theo mục đích của Đấng Christ.
Tóm lại, tôi có cần phải đến nhà thờ để thờ phượng Chúa không?
Nhiều người nói: “Nhà thờ của tôi ở bãi biển” hoặc “Nhà thờ của tôi ở sân bóng”. Nếu “nhà thờ” của bạn gồm đầy đủ bốn yếu tố thờ phượng truyền thống được đề cập ở trên, thì tôi có thể đồng ý. Nếu mọi người tập hợp lại như con dân Chúa, nếu Kinh Thánh được giảng dạy và chia sẻ, nếu có sự thông công với nhau và thông công trong Tiệc Thánh, nếu bạn hiệp một cầu nguyện và dọn lòng để thực hiện lời Chúa kêu gọi, thì vâng, đó chính là Hội Thánh. Vậy thì bạn có cần đến nhà thờ để thờ phượng Chúa? Chắc chắn bạn có thể tự mình thờ phượng ở bất cứ nơi nào. Tuy nhiên, liệu đó có phải là Hội Thánh?
Bài: Rich Kirkpatrick; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://churchleaders.com/worship/worship-articles/288340-christians-really-need-go-church-worship-rich-kirkpatrick.html/2)