Thứ hai, Tháng Một 6, 2025
No menu items!
Homec/Tài LiệuBài Học Kinh ThánhBài 23: Đức Khôn Ngoan Vô Hạn Của Chúa

Bài 23: Đức Khôn Ngoan Vô Hạn Của Chúa

Bài 23: Đức Khôn Ngoan Vô Hạn Của Chúa

Trong bài trước chúng ta đã nói rằng, muốn tin cậy Chúa trong nghịch cảnh, con dân Chúa phải biết rõ Chúa về:

Thứ nhất: Quyền chủ tể của Ngài trên muôn loài vạn vật,

Thứ hai: Chúa tuyệt đối khôn khoan

và Thứ ba: Chúa hoàn toàn thương yêu.

Chúng ta đã nói đến quyền chủ tể của Chúa, hôm nay xin nói đến đức khôn ngoan của Ngài.

Theo một định nghĩa thì khôn ngoan là phán đoán chân xác, hay là khả năng phát triển đường hướng hành động tốt nhất, hoặc là phản ứng hữu hiệu nhất trong một hoàn cảnh nào đó. Chúng ta ai cũng biết rằng khôn ngoan của loài người, dù cho ở mức tối đa, cũng là thất bại. Vì người giỏi nhất trên đời không bao giờ có được toàn thể dữ kiện trong một hoàn cảnh nào đó, và cũng không ai có thể tiên đoán được chắc chắn về kết quả của một việc làm nào đó. Tất cả chúng ta ai cũng có lúc bối rối về một số quyết định phải lựa chọn và cố hình dung ra đường hướng hành động hữu hiệu nhất.

Nhưng Chúa thì khác. Chúa không bao giờ phải bối rối về một quyết định nào. Chúa không bao giờ phải toan tính hay bàn bạc với ai về một việc gì. Khôn ngoan của Chúa bao giờ cũng qua trực giác, vô hạn và không bao giờ sai lạc. Thi thiên 147:5 ghi rằng: “Chúa chúng tôi thật lớn, có quyền năng cả thể; Sự thông sáng Ngài vô cùng vô tận.

Nhà thần học J. L. Dagg ngày xưa định nghĩa khôn ngoan là: Sự lựa chọn hành động tốt nhất và sử dụng phương tiện hữu hiệu nhất để thực hiện mục tiêu nào đó. Đức Chúa Trời khôn ngoan vô cùng, vì Chúa lựa chọn mục tiêu hành động tốt nhất và Ngài cũng dùng những phương cách hữu hiệu nhất để thực hiện mục tiêu mà Ngài đã dự kiến.

Mục tiêu cho tất cả hành động của Chúa là vinh quang của Ngài. Nghĩa là tất cả những gì Chúa hành động hay cho phép toàn thể tạo vật của Ngài hoạt động cuối cùng là vì vinh quang của Ngài.

Tất cả những gì liên quan đến ý niệm về vinh quang của Chúa cũng là một điều huyền nhiệm chúng ta không thể hiểu được.

Khi chúng ta chứng kiến những thảm họa xẩy ra hay chính mình đang kinh nghiệm chúng ta thường đến với Chúa và hỏi rằng: Tại sao vậy Chúa? Lý do đặt câu hỏi là chúng ta cho rằng những nghịch cảnh tai hại đặc biệt xẩy ra cho người thân yêu hay chính mình làm sao đem lại vinh quang cho Chúa được? Phải chăng vinh quang Chúa rạng ngời hơn trong thảm cảnh hơn là trong hạnh phúc chăng?

Ta có nhiều bằng chứng cho thấy rằng Chúa từng thừa trừ chúng ta trong nhiều thảm họa về dịch, về những khó khăn, bất mãn trong thế gian đầy tội ác này, và Ngài thừa khả năng sử dụng mọi hoàn cảnh theo ý Ngài. Chúng ta nên nghĩ đến khôn ngoan của Chúa trong mọi hoàn cảnh, vì Chúa có thể đem điều tốt đến từ những điều hư xấu, cái đẹp ra từ tro tàn. Chúa biến những sức mạnh ác độc gầm thét chống lại con dân Chúa trở thành hữu ích cho con dân Ngài. Nhưng điều hữu ích mà Chúa đem đến khác với những gì chúng ta trông mong.

Rô-ma 8:28 ghi rằng: Chúng ta biết rằng mọi sự hợp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định. Nhiều khi người ta không hiểu rõ chữ ‘làm ích’ trong câu này là gì. Câu 29 tiếp theo bắt đầu với chữ ‘Vì’ nghĩa là hai câu có nối kết với nhau trong ý nghĩa. Vì những kẻ mà Chúa đã biết trước, thì Ngài cũng đã định sẵn để nên giống như hình bóng Con Ngài, hầu cho Con nầy được làm Con cả ở giữa nhiều anh em.

Việc ích lợi cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời trong cả hai câu này là sao cho đời sống người yêu Chúa càng ngày càng trở nên giống như Chúa Giê-xu.  Như thế mọi sự hợp lại đều khiến cho kẻ yêu mến Chúa không phải được phúc lợi về vật chất nhưng là được càng giống Chúa Giê-xu càng hơn. Dần dần trong đời này và hoàn toàn trong vĩnh hằng.

Trong Hê-bơ-rơ 12:10 cũng ghi: Vả, cha về phần xác theo ý mình mà sửa phạt chúng ta tạm thời, nhưng Đức Chúa Trời vì ích cho chúng ta mà sửa phạt, để khiến chúng ta được dự phần trong sự thánh khiết Ngài. ‘Dự phần trong sự thánh khiết Ngài’ cũng là diễn ý của ‘trở thành giống như Chúa Giê-xu’.

Như thế Chúa có ý định rất rõ đối với mỗi chúng ta, đó là khiến cho chúng ta trong hoàn cảnh nào, xấu hay tốt, đều đưa dẫn chúng ta đến mục tiêu là trở thành giống như Chúa Giê-xu.

Tác giả thư Hê-bơ-rơ nói thẳng thắn rằng Chúa định như thế chứ không phải Chúa nhầm lẫn. Mọi hoàn cảnh đều đưa đến chỗ cho chúng ta được dự phần trong sự thánh khiết của Chúa. Sửa phạt gây đau đớn, nhưng đem lại lợi ích, lợi ích trong câu này cũng không phải về vật chất, nhưng là được dự phần thánh khiết với Chúa. Chúa biết rõ những gì chúng ta cần, khi nào và cách nào tốt nhất nữa. Nhưng trong khôn ngoan vĩnh hằng của Chúa, bao giờ cũng ích lợi cho chúng ta.

Chúa không giải thích

Thông thường khi học một môn học nào, thầy hay huấn luyện viên thường giải thích rõ để học viên hiểu, nhất là các môn học cần thực tập. Các cuộc thực tập nhiều khi khó nhọc và mệt sức, nhưng học viên vẫn chịu vì mục tiêu là học biết một môn học hay một ngành nghề nào. Nhưng với Chúa thì khác. Chúa không bao giờ giải thích những gì Chúa sắp làm và tại sao Chúa làm như thế. Trường hợp của ông Gióp ngày xưa đúng là như thế.  Chúa không giải thích lý do của tất cả những tai ách và đau thương mà ông phải chịu. Thực ra ngay trong sách Gióp cũng không cho người đọc biết rõ lý do tại sao Chúa cho phép Sa-tan tàn hại Gióp. Cuộc đối thoại giữa Chúa và Gióp cho ta thấy rằng qua thử thách kinh khủng này, Gióp đã biết Chúa rõ hơn và tương giao với Chúa sâu nhiệm hơn. Gióp nói: Khi trước, tai tôi có nghe đồn về Chúa, nhưng bây giờ mắt tôi đã thấy Ngài. Vì vậy, tôi lấy làm gớm ghê tôi và ăn năn trong tro bụi. Gióp 42:5,6. Tới đây, ta có thể hiểu câu Kinh Thánh Rô-ma 8:28 rõ hơn, và ích lợi của ‘mọi tai ách’ xẩy ra cho Gióp là đưa ông liạ gần Chúa hơn.

Đôi khi phải sau một thời gian ta mới thấy những kết quả hữu ích của nghịch cảnh xẩy ra trong đời mình, nhưng ngay trong nghịch cảnh, rất khó hiểu. Giô-sép ngày xưa khi làm tể tướng Ai-cập mới hiểu việc ngược đãi của các anh chàng là các bước Chúa sắp xếp.

Nhưng dù chúng ta có nhìn thấy những kết quả hữu ích qua nghịch cảnh xẩy ra trong đời mình hay không, chúng ta vẫn được kêu gọi là phải hết lòng tin cậy Chúa vì tình thương của Chúa Chúa vẫn đem đến điều tốt nhất cho chúng ta và sự khôn ngoan của Ngài biết cách thực hiện như thế nào cho đạt đến mục tiêu. Chúng ta biết rằng Chúa không bao giờ sai lầm và đường lối hành động của Ngài luôn luôn hoàn hảo.

Là loài người, chúng ta không thể không đặt câu hỏi ‘tại sao ?’ với phản ứng không đồng ý hay là thắc mắc thông thường.  Thi thiên ghi lại nhiều loại tại sao đó, như:

Tại sao Chúa đứng xa con? (10:1);

Tại sao Chúa từ bỏ con? (22:1);

Tại sao Chúa (khước từ) bỏ chúng con luôn luôn? (74:1)

Nhưng mỗi Thi Thiên trên đều kết thúc bằng một câu kêu gọi hết lòng tin cậy Chúa.

Tác giả Thi Thiên không để cho những ‘tại sao’ này đâm rễ sâu và trở thành lời oán thán Chúa, đó chỉ là những tiếng kêu khóc tự nhiên vì đau thương mà thôi.

Trong sách Gíóp có ghi 16 lần ông Gióp hỏi Chúa ‘tại sao?‘ Một tiếng kêu dai dẳng và than trách, Chúa không giải thích tại sao, nhưng Chúa cho ông biết Chúa là ai. Chúa không mắc nợ ông Gióp điều gì cả, và Chúa cũng không mắc nợ bất cứ ai một lời giải thích nào về những việc xẩy ra.  Vì khi Gíóp biết rõ Chúa là ai, thì các câu hỏi tại sao trở thành vô nghĩa.

Đây chính là bài học cho mỗi chúng ta trong cuộc việc Chúa và cầu nguyện với Ngài.  Khi ta biết rõ Chúa là ai thì chúng ta sẽ hết lòng tin cậy Chúa vì biết Chúa là Đấng chủ tể, Chúa khôn ngoan và hoàn toàn thương yêu.  Khi biết rõ Chúa như thế, ta sẽ không dám hỏi tại sao nữa. Chúng ta phải học tin cậy Chúa dù rằng Chúa không cho chúng ta biết rõ lý do tại sao Ngài để sự việc xẩy ra, và chúng ta không hiểu Chúa đang làm gì.

Đường lối hành động của Chúa rất khó hiểu

Đôi khi chúng ta không đi đến chỗ đòi Chúa phải giải thích ý định và hành động của Chúa, nhưng cố suy xét và tự tìm hiều xem Chúa có ý định nào. Chúng ta không muốn nhìn thấy sự việc xẩy ra cho mình hay cho người thân của mình mà không tìm ra lý do. Chúng ta muốn tìm ra lý lẽ. Nhưng đó là việc làm rất vô ích vì trí óc hữu hạn của con người chúng ta làm sao hiều nổi đường lối hành động của Chúa, Đấng khôn ngoan vô định ? Sách tiên tri Ê-sai đã ghi: Đức Giê-hô-va phán: Ý tưởng ta chẳng phải ý tưởng các ngươi, đường lối các ngươi chẳng phải đường lối ta. Vì các từng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối ta cao hơn đường lối các ngươi, ý tưởng ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu (Ê-sai 55:8,9).

Sứ đồ Phao-lô cũng viết: Ôi! sâu nhiệm thay là sự giàu có, khôn ngoan và thông biết của Đức Chúa Trời! Sự phán xét của Ngài nào ai thấu được, đường nẻo của Ngài nào ai hiểu được! (Rô-ma 11:33).

Khôn ngoan của Chúa vô cùng sâu nhiệm, không ai dò tìm được, phương pháp hành động của Chúa huyền nhiệm không ai hiểu được.

Nếu chúng ta muốn kinh nghiêm an bình trong nghịch cảnh, chúng ta phải chân thành tin rằng đường lối hành động của Chúa ngoài tầm hiểu biết của chúng ta và không dám đặt ra câu hỏi tại sao cũng như cố đào sâu vấn đề tìm hiểu tự ý. Lúc ấy chúng ta đặt mình trong chân lý về Chúa và về hoàn cảnh Chúa đưa đến, Chúa sẽ giải bày qua lời Kinh Thánh của Ngài.

Thánh nhân Gióp nói rằng: Đường lối Chúa quá huyền diệu ông không biết mà cũng không làm sao hiều được. Khi nhìn thấy Chúa trong vinh quang và oai nghi chủ tể của Ngài, Gióp đã ăn năn hối lỗi trong tro bụi. Ông không dám hỏi tại sao nữa.

Vua Đa-vít cũng cùng tâm trạng. Quỳ xuống trước các mục đích chủ tể và khôn ngoan vô cùng của Chúa, ông nói: Hỡi Đức Giê-hô-va, lòng tôi không kiêu ngạo, Mắt tôi không tự cao, Tôi cũng không tìm tòi những việc lớn, hoặc những việc cao kỳ quá cho tôi. Thi-thiên 131:1. Việc lớn và cao kỳ đây là những mục tiêu huyền nhiệm của Chúa và các phương cách Ngài thực hiện các mục tiêu này. Đa-vít không dám tự cao dò tìm các điều huyền nhiệm đó, nhưng yên lặng thuận phục trong thâm tâm và tin cậy Chúa hết lòng. Chúng ta cũng có khi phải đến với Chúa mà thưa rằng: Thưa Chúa, con không dám tìm hiểu nữa, nhưng con hết lòng tin Chúa.

Đừng lý giải, nhưng hãy tiếp thu.

Vì khôn ngoan của Chúa là vô hạn và đường lối hành động của Ngài chúng ta không sao hiểu thấu, nên chúng ta cũng phải cẩn trọng khi tìm cách lý giải đường lối trong thiên hựu của Ngài, nhất là trong những sự cố đặc biệt. Thêm vào đó, chúng ta cũng phải cẩn thận khi có người tự nguyện đưa ra các lý giải tại sao hay lý do từ đâu mà sự việc xẩy ra. Ngay cả những người nói rằng: Chúa đưa đến sự việc này đẻ ông hay bà học được bài học này hay bài học nọ. Lý do là vì chúng ta không biết Chúa đang làm gì qua hoàn cảnh xẩy ra.

Nói như thế không có nghĩa là chúng ta không tìm cách học về Thiên Hựu hay mặc khải của Ngài trong Kinh Thánh. Thi Thiên 119:71 dạy: Tôi đã bị hoạn nạn thật lấy làm phải, Hầu cho học theo luật lệ của Chúa.

Dân Chúa ngày xưa được dạy là: Vậy, Ngài có hạ ngươi xuống, làm cho ngươi bị đói, đoạn cho ăn ma-na mà ngươi và tổ phụ ngươi chưa hề biết, để khiến ngươi biết rằng loài người sống chẳng phải nhờ bánh mà thôi, nhưng loài người sống nhờ mọi lời bởi miệng Đức Giê-hô-va mà ra. Phục 8:3.

Chúa dạy dân Chúa là phải luôn luôn nhờ cậy Ngài. Trước khi vào đất hứa, Chúa đã dạy họ bài học nương nhờ Chúa để họ khỏi tự cao mà cho rằng tự họ đã đạt đến thành công.

Khôn ngoan của Chúa vĩ đại hơn kẻ chống nghịch chúng ta.

Khôn ngoan của Chúa không phải cao hơn chúng ta như trời với đất, nhưng còn hơn kẻ chống nghịch chúng ta nữa.

Châm ngôn 21:30 ghi: Chẳng có sự khôn ngoan nào, sự thông minh nào, hay là mưu kế nào, Mà chống địch Đức Giê-hô-va được.

Trong khi đó Rô-ma 8:31 ghi: Đã vậy thì chúng ta sẽ nói làm sao? Nếu Đức Chúa Trời vùa giúp chúng ta, thì còn ai nghịch với chúng ta?

Các anh của Giô-xép tưởng rằng mưu định của họ bán Giô-sép cho lái buôn Ích-ma-ên là thanh toán xong mối nợ về Giô-sép, nào ngờ Chúa đã tương kế tựu kế đưa Giô-sép từ địa vị nô lệ lên làm tể tướng nước Ai-cập.

Sa-tan  tưởng rằng được phép Chúa hành hại Gióp thì Gióp sẽ nguyền rủa Chúa, nhưng nó chỉ làm được một điều là khiến cho Gióp tiến đến chỗ biết Chúa sâu xa hơn và tương giao với Ngài mật thiết hơn.

Sa-tan được phép dùng chiếc gai nhọn làm cho Phao-lô đau thương, tưởng rằng như thế sẽ làm cho Phao-lô mất ảnh hưởng. Không ngờ, vì cái dằm xóc đó mà Phao-lô học kinh nghiệm ân sủng của Chúa sâu hơn và thêm sức mạnh trong khi yếu đuối.

Rõ ràng là khôn ngoan của Chúa lớn hơn bất cứ kẻ thù nào kể cả Sa-tan. Vì thế chúng ta đừng sợ khi kẻ thù âm mưu hại ta, ngay cả khi chúng có thành công chăng nữa. Chúa vẫn hành động trong mọi hoàn cảnh y như trong các nghịch cảnh của bệnh tật, tài chính, chết chóc hay tai ương.

Khôn ngoan của Chúa trên thế giới vụ

Ngoài hoàn cảnh cá nhân, chúng ta còn có thể nói rằng sự khôn ngoan vô hạnh của Chúa còn thống trị trên thế giới vụ nữa. Nhiều người ngày nay nhìn quanh cho rằng nhiều sự việc xẩy ra trên thế giới như ngoài tầm kiểm soát chế ngự của Chúa. Tại sao có những tai nạn khủng khiếp, tại sao người giàu giàu hơn và người nghèo nghèo hơn?

Nhưng nếu chúng ta công nhận quyền chủ tể của Chúa, chúng ta phải kết luận rằng, Chúa kiểm soát tất cả mọi hoàn cảnh, tai họa và sự khôn ngoan vô hạn của Ngài hướng tất cả đến mục đích định sẵn của Ngài. Tất cả không phải là những sự cố không kết nối và không kiểm soát, nhưng đều nằm trong những khuôn mẫu và kế hoạch hoàn hảo của Chúa.  Một ngày kia sẽ được minh chứng là chúng góp phần trong vinh quang của Chúa và phúc lợi cho giáo hội của Ngài.

Giữa những hoàn cảnh khó khăn của thế giới, chúng ta phải góp phần cầu nguyện cho nạn nhân của các thảm họa và nếu có thể được ra tay cứu giúp cụ thể. Nhưng nên nhớ luôn rằng sự khôn ngoan vô hạn của Chúa hướng dẫn mọi sự việc, đem trật tự đến nơi hỗn mang, ánh sáng vào chỗ tối tăm, và đối với người yêu mến Chúa, thì khiến cho tất cả, dù dưới hình thức nào, đều đem lại hữu ích cho họ.

Phương Pháp Cầu Nguyện
Nguyễn Sinh Biên Soạn

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN