Thứ sáu, Tháng mười hai 27, 2024
No menu items!
Homec/Tài LiệuNghiên Cứu Kinh ThánhBài Học Từ Sự Lựa Chọn Của Vua Sa-Lô-Môn

Bài Học Từ Sự Lựa Chọn Của Vua Sa-Lô-Môn

Nếu Chúa xuất hiện trong giấc mơ và nói sẽ ban cho bất cứ thứ gì bạn muốn, bạn sẽ cầu xin điều gì? 

Trong Kinh Thánh, Vua Sa-lô-môn đã có được cơ hội tuyệt vời đó. Ông có thể cầu xin Chúa ban cho sự giàu có và sức khỏe tốt, để cuộc sống trần thế trở nên dễ dàng hơn. Nhưng Sa-lô-môn chọn sự khôn ngoan, là điều có giá trị vĩnh cửu. Kinh Thánh chép rằng Đức Chúa Trời hài lòng với lời cầu xin này. Dưới đây là 3 bài học từ lời cầu xin khôn ngoan của Sa-lô-môn, và cách cầu nguyện để có được tâm trí khôn ngoan trong cuộc sống.

Sa-lô-môn cầu xin sự khôn ngoan

Kinh Thánh mô tả lời cầu xin khôn ngoan của Sa-lô-môn trong 1 Các Vua 3:1-15. 

Sa-lô-môn “kính mến Đức Giê-hô-va” qua đời sống trung thành và thờ phượng (câu 3). Một đêm nọ, Đức Chúa Trời hiện ra với Sa-lô-môn trong giấc mơ và nói: “Hãy xin điều gì ngươi muốn ta ban cho ngươi” (câu 5). Sa-lô-môn nhắc lại Đức Chúa Trời đã cứu giúp cha ông là Đa-vít như thế nào, và ông cần được Chúa giúp đỡ đến mức nào khi kế vị vua cha. Trong câu 9, Sa-lô-môn cầu xin Đức Chúa Trời ban cho sự khôn ngoan: “Vậy, xin ban cho kẻ tôi tớ Chúa tấm lòng khôn sáng, để đoán xét dân sự Ngài và phân biệt điều lành điều dữ; vì ai có thể đoán xét dân rất lớn nầy của Chúa?”

Đức Chúa Trời chấp nhận lời cầu xin của Sa-lô-môn, và hơn thế nữa: “Lời của Sa-lô-môn đẹp lòng Chúa, vì người đã cầu xin sự đó. Đức Chúa Trời phán với người rằng: Bởi vì ngươi đã cầu xin điều nầy, mà không xin sự sống lâu, không xin sự giàu có, cũng không xin mạng của những kẻ thù nghịch ngươi, nhưng xin sự thông minh để biết xét đoán, nầy, ta đã làm theo lời cầu xin của ngươi, ban cho ngươi tấm lòng khôn ngoan thông sáng, đến đỗi trước ngươi chẳng có ai bằng, và sau ngươi cũng sẽ chẳng có ai ngang. Vả lại, ta cũng đã ban cho ngươi những điều ngươi không xin, tức là sự giàu có và sự vinh hiển, đến đỗi trọn đời ngươi, trong vòng các vua, sẽ chẳng có ai giống như ngươi. Lại nếu ngươi đi trong đường lối ta, gìn giữ luật pháp và điều răn ta, như Đa-vít, cha ngươi, đã đi, thì ta sẽ khiến cho ngươi được sống lâu ngày thêm”.

Trong 1 Các Vua 4:29-30, Kinh Thánh cho biết thêm cách Đức Chúa Trời đáp lời cầu xin khôn ngoan của Sa-lô-môn: “Đức Chúa Trời ban cho Sa-lô-môn sự khôn ngoan, sự thông sáng rất cao, cùng lòng rộng rãi như cát trên bờ biển. Sự khôn ngoan của Sa-lô-môn trổi hơn sự khôn ngoan của mọi người…”

Bài học từ lời cầu xin của Sa-lô-môn

1.Sự khôn ngoan vượt hơn cả kiến thức.

Sa-lô-môn không cầu xin hiểu biết mà cầu xin tấm lòng sáng suốt, khôn ngoan để có thể phân biệt đúng sai. Mặc dù quan trọng nhưng kiến thức chỉ là bước khởi đầu của quá trình học hỏi. Bước tiếp theo và thậm chí còn quan trọng hơn là áp dụng kiến ​​thức vào những quyết định mỗi ngày. Đó chính là lúc sự khôn ngoan được bày tỏ. Người khôn ngoan không chỉ có kiến ​​thức, mà còn có một tâm trí sáng suốt để đưa ra quyết định tốt nhất dựa trên những hiểu biết của họ. Ê-phê-sô 1:17 khuyến khích chúng ta cầu xin Chúa “… ban thần trí của sự khôn sáng và của sự tỏ ra cho anh em, để nhận biết Ngài”. Gia-cơ 1:5 hứa rằng Chúa sẽ ban sự khôn ngoan rời rộng cho những ai cầu xin: “Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không trách móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho”. Giống như Sa-lô-môn, chúng ta có thể cầu xin Chúa ban cho sự khôn ngoan và tin rằng mình sẽ nhận được. Sau đó, chúng ta sẽ nhận biết những hướng dẫn từ Chúa và đưa ra quyết định khôn ngoan dựa trên tâm trí sáng suốt Chúa ban.

  1. Khôn ngoan giá trị hơn mọi thứ đời này.

Sa-lô-môn có thể cầu xin Chúa nhiều loại phước lành, như giàu có và sức khỏe tốt. Tuy nhiên, ông chọn cầu xin sự khôn ngoan. Theo đuổi sự khôn ngoan là vâng theo hướng dẫn của Chúa, bằng cách phát triển đức tính mạnh mẽ và thánh khiết. Để làm được như vậy, chúng ta phải có kỷ luật, chú ý cẩn thận những lựa chọn mình đưa ra từng ngày. Chúng ta phải đánh giá xem quyết định này sẽ kéo mình đến gần Chúa hay đẩy mình ra xa Ngài. Chúng ta phải xem xét cẩn thận những gì tâm trí mình tiếp thu. Chúng ta có chìm đắm trong những ý tưởng xứng đáng không? Phi-líp 4:8 thúc giục: “Rốt lại, hỡi anh em, phàm điều chi chân thật, điều chi đáng tôn, điều chi công bình, điều chi thanh sạch, điều chi đáng yêu chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến”. Trong khi theo đuổi sự khôn ngoan, chúng ta cũng nên tìm kiếm những hướng dẫn của Chúa để biết cách sử dụng những điều Ngài ban cho chúng ta, như thời gian, năng lực, ân tứ và tiền bạc. 1 Cô-rinh-tô 10:23 khuyến khích chúng ta sử dụng tự do một cách khôn ngoan: “Mọi sự đều có phép làm nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích; mọi sự đều có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều làm gương tốt”. Đức Chúa Trời hài lòng khi Sa-lô-môn chọn theo đuổi sự khôn ngoan hơn là những thứ khác. Chúng ta cũng có thể đưa ra lựa chọn như vậy.

  1. Công tác Chúa thúc đẩy chúng ta theo đuổi sự khôn ngoan 

Sa-lô-môn nhận biết và ca ngợi công việc diệu kỳ của Chúa trong cuộc đời ông. Trong câu 6, ông cảm tạ Chúa vì “ơn lớn” – lời nhắc nhở tuyệt vời về tình yêu thương Chúa ban trong cả cuộc đời Đa-vít và Sa-lô-môn: “… Chúa đã lấy ơn lớn đãi kẻ tôi tớ Chúa, là Đa-vít, cha tôi, theo như người lấy sự trung tín, sự công bình và lòng ngay trọn vẹn mà đi trước mặt Đức Giê-hô-va; lại Chúa có giữ ơn lớn ấy cho người, mà ban cho người một con trai ngồi trên ngai của người, y như đã có ngày nay”. Châm ngôn 9:10 cho biết: “Kính sợ Đức Giê-hô-va, ấy là khởi đầu sự khôn ngoan; sự nhìn biết Đấng Thánh, đó là sự thông sáng”. 

“Kính sợ Đức Giê-hô-va” có nghĩa là kinh ngạc trước công việc kỳ diệu Chúa và kết quả là lòng tôn kính dành cho Ngài. Theo đuổi sự kỳ diệu của Chúa là cách để theo đuổi sự khôn ngoan Ngài, bởi vì giữa sự diệu kỳ và kiến thức luôn có mối liên hệ chặt chẽ. Nghiên cứu cho thấy điều kỳ diệu có thể thúc đẩy việc học hỏi. Sự kỳ diệu đáng kinh ngạc của Chúa cảnh báo chúng ta về những lỗ hổng trong trí tuệ hiện có của mình, thúc đẩy chúng ta học hỏi càng hơn. Khi khao khát những điều kỳ diệu thông qua mối quan hệ với Chúa, chúng ta có động lực để theo đuổi sự khôn ngoan. Khi tìm kiếm những tín hiệu tuyệt vời Chúa ban trong cuộc sống, chúng ta trở nên hào hứng học hỏi, được thúc đẩy trên hành trình tìm kiếm sự khôn ngoan. Chúng ta dễ dàng tò mò muốn tìm hiểu thứ gì đó nhưng lại ít khi thực sự hành động. Theo đuổi những điều kỳ diệu sẽ mở trí và lòng chúng ta, thúc đẩy chúng ta làm những gì cần thiết để phát triển trí tuệ. Khi tìm hiểu phương cách diệu kỳ Chúa dùng để vận hành cuộc sống, chúng ta tự nhiên muốn hiểu thêm về sự khôn ngoan Ngài.

Cầu xin sự khôn ngoan mỗi ngày 

Đây là lời cầu nguyện lấy cảm hứng từ Sa-lô-môn. Hãy sử dụng lời cầu nguyện này mỗi ngày trong cuộc đời bạn:

“Lạy Chúa, cảm ơn Ngài đã yêu thương con và những người thân yêu của con. Con kinh ngạc về những điều kỳ diệu Ngài làm trong cuộc sống chúng con. Khi bước đi cùng Ngài, con muốn học hỏi thêm từ Ngài và phục vụ Ngài tốt hơn mỗi ngày. Không chỉ có kiến thức, con muốn học cách đưa ra quyết định tốt nhất. Xin cho con biết phân biệt đúng sai để mỗi ngày lớn lên trong sự khôn ngoan. Khi con tìm kiếm sự hướng dẫn Ngài, xin giúp con đưa ra quyết định sáng suốt. Xin Chúa giúp con dẫn dắt người khác bằng sự khôn ngoan Chúa ban. Con cầu xin sự khôn ngoan bởi vì điều đó đẹp lòng Ngài. Cảm ơn Ngài đã giúp con tập trung vào điều mang giá trị vĩnh cửu, và Ngài đã ban phước dồi dào cho con qua sự khôn ngoan. Con yêu Ngài Chúa ôi. Amen”.

Lời kết

Lời cầu nguyện của Sa-lô-môn cho thấy Đức Chúa Trời coi trọng sự khôn ngoan, và Ngài muốn chúng ta theo đuổi sự khôn ngoan thay vì những thứ phù phiếm nơi trần thế. Chúng ta có thể phát triển tâm trí khôn ngoan bằng cách cầu xin Chúa ban cho sự sáng suốt. Thông qua mối thông công với Ngài, chúng ta có thể tập trung vào điều mang giá trị vĩnh cửu – sự khôn ngoan – để sống một cuộc sống tốt nhất có thể!

Bài: Whitney Hopler; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: https://www.crosswalk.com/faith/prayer/lessons-from-solomons-prayer-for-wisdom.html)

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN