Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
Homec/Tài LiệuBài Học Kinh ThánhBài 21: Cầu Nguyện Với Chúa Toàn Năng

Bài 21: Cầu Nguyện Với Chúa Toàn Năng

Bài 21: Cầu Nguyện Với Chúa Toàn Năng

Năm 1981 Đạo sĩ Harold Kushner phát hành một cuốn sách mang đề tựa là “Khi Điều Xấu Xẩy Ra Cho Người Lành” hay trong nguyên bản là When Bad Things Happen to Good People. Cuốn sách này đã làm cho nhiều người tin Chúa mất đức tin, vì cho rằng Chúa không thực sự kiểm soát hay làm chủ mọi sự việc trên đời.

Theo tôi, thì người tin Chúa nên thắc mắc về vấn đề ngược lại, đó là: “Khi Điều Tốt Xẩy Ra Cho Kẻ Ác”,

vì cuộc đời nhiều khi kẻ ác được hanh thông hơn người lành nữa.

Những người vô tín thường đặt ra một giả thiết là:

Thượng Đế thiện lành những không toàn năng,

hoặc là

Thượng Đế toàn năng nhưng không thiện lành

Vì thế nên mới có hai trường hợp vấn nạn kể trên, đó là tại sao

Điều xấu lại xẩy ra cho người lành?

Hay là

Điều tốt lại xẩy ra cho kẻ ác?

Thông thường, người tin Chúa cũng như người không tin Chúa hay bàn về những chuyện không may, những tai nạn, những hoàn cảnh vượt tầm kiểm soát của mình, những chuyện vô tình hay ngẫu nhiên xẩy ra. Nhiều thế kỷ qua tật bệnh, đau thương và buồn khổ của nhân loại vẫn nêu lên câu hỏi là Thượng Đế có chế ngự, kiểm soát hay quan tâm đến tạo vật của Ngài tạo ra hay không? hay là: Thượng Đế có vừa thiện lành lại vừa toàn năng hay không?

Hôm nay chúng ta sẽ nghiên cứu vấn đề này.

Kinh thánh dạy chúng ta rằng Chúa là Đấng Chủ Tể Toàn Năng và Toàn Thiện. Giáo huấn của Kinh thánh về chủ đề này được các nhà thần học gọi là Vấn Đề Thần Hựu hay Thiên Hựu.

Từ này đời thường hiểu là sự cứu giúp của trời.

Nhưng trong đạo Chúa thì đây là sự can thiệp của Chúa vào những sự việc của chúng ta.

Thông thường người ta cũng hay lầm lẫn khi dùng từ Thiên Hựu hay Thần Hựu.

Thứ nhất là người ta hay nói về Thiên Hựu khi đề cập đến những sự việc tốt lành xẩy ra. Nhưng ít khi trong một tai nạn hay một sự cố tai hại mà người ta nói đến Thiên Hựu.

Thứ hai là khi người ta dùng từ thiên hựu thì ngụ ý rằng Chúa can thiệp vào một số sự việc đặc biệt trong đời ta nhưng đa số là chỉ có một người chú ý quan tâm mà thôi. Khi quan niệm như thế, dù là không chủ ý cũng đã thu hẹp sự chế ngự của Chúa vào đời sống chúng ta kiểu lúc có lúc không, không tổng quát và toàn vẹn. Và như thế, những sự việc còn lại chúng ta là chủ của số mạng mình.

Theo dòng lịch sử, Giáo hội Tin Lành luôn luôn tin rằng Thiên Hựu là việc Chúa săn sóc và quản trị toàn thể tạo vật ở bất cứ thời gian nào. Một nhà thần học Tin Lành định nghĩa Thiên Hựu là:

Hoạt động không ngưng nghỉ của Đấng Tạo Hóa, trong ân sủng dư dật và thiện ý, nâng đỡ tạo vật duy trì theo thứ tự, chỉ đạo và quản lý mọi sự việc, hoàn cảnh và những hành động tự ý của thiên sứ và loài người, và hướng dẫn mọi sự việc đến một mục tiêu, đó là vinh quang của chính Ngài.

Nói ngắn gọn hơn, Thiên Hựu là sự săn sóc thường xuyên của Chúa và quyền tể trị tuyệt đối của Ngài trên toàn thể tạo vật để quy vinh quang cho Chúa và cho phúc lợi của con dân Ngài.

Ta để ý đến những từ: Thường xuyên, không ngưng nghỉ, tể trị tuyệt đối, toàn thể tạo vật. Nghĩa không có gì trong tạo vật có thể thoát khỏi sự săn sóc và quản trị của Chúa, nhưng ta đừng quên rằng: Mục đích chính của Thiên Hựu là đem vinh quang cho Chúa và phúc lợi cho dân Chúa.

Hai mục đích này không bao giờ tương phản, nhưng luôn luôn hài hòa và phù hợp.

Chúa không bao giờ theo đuổi vinh quang mà hi sinh phúc lợi của con dân Chúa, Ngài cũng không bao giờ vì phúc lợi của con người mà mất vinh quang. Chúa đã hoạch định mục tiêu vĩnh hằng sao cho vinh quang của Chúa và phúc lợi của con người chúng ta đan dệt vào nhau. Đây là điều an ủi chúng ta. Vì ngay trong nghịch cảnh chúng ta tin rằng, cũng chắc chắn như Ngài không cho phép điều gì làm tổn hại vinh quang của Chúa, Ngài sẽ không để điều gì làm hư phúc lợi của chúng ta.

Ta từng đặt câu hỏi: Ta có tin cậy Chúa hay không?

Nay xin đặt câu hỏi tiếp: Chúa có đáng tin cậy hay không?

Câu hỏi này có thể diễn dịch là:

Chúa có thể luôn luôn chăm sóc ta hay không? (đó là sự chủ tể của Chúa)

Hay là:

Chúa luôn luôn săn sóc đến ta hay không? (đó là Chúa thiện lành).

Giáo lý về Thiên Hựu xác nhận rằng chúng ta có thể tin cậy Chúa hoàn toàn vì Chúa chăm sóc chúng ta và Ngài săn sóc thường xuyên – chứ không phải thỉnh thoảng Chúa mới quan tâm- Chúa nhìn thấy mọi sự việc xẩy ra cho bạn và tôi ngay trong lúc này.

Một trong những việc Thiên Hựu làm là nâng đỡ muôn vật.

Kinh thánh dạy ta rằng Đức Chúa Trời không những sáng tạo vũ trụ, nhưng Ngài còn bảo vệ và duy trì vũ trụ nữa. Đây là việc thường xuyên và liên tục không bao giờ ngưng nghỉ.

Hê-bơ-rơ 1:3 ghi rằng: Con là sự chói sáng của vinh quang Đức Chúa Trời, và hình bóng của bản thể Ngài, lấy lời quyền năng nâng đỡ muôn vật…

Cô-lô-se 1:17 ghi thêm: Ngài có trước muôn vật và muôn vật đứng vững trong Ngài.

Những câu Kinh thánh này cho biết rằng vũ trụ vạn vật được sáng tạo và duy trì trong quyền năng của Chúa hay Thiên Hựu. Không có gì trong vũ trụ tự nhiên xuất hiện và hoàn toàn độc lập với ý chỉ của Chúa là Đấng Sáng Tạo.

Định luật thiên nhiên là phát biểu vật lý về ý chỉ vững bền của Chúa. Trọng lực hoạt động không ngưng nghỉ là vì ý chỉ của Chúa Cứu Thế tiếp tục thể hiện.

Những ngôi sao trên trời tiếp tục chuyển vận theo quỹ đạo của chúng vì Chúa duy trì chúng ở đó.

Ê-sai 40:26 ghi rằng: Hãy ngước mắt lên cao mà xem. Ai tạo ra những vật này? Ấy là Đấng khiến các cơ binh ra theo số nó, và đặt tên cho tất cả; chẳng một vật nào thiếu, vì sức mạnh Ngài lớn lắm, và quyền năng Ngài rất cao.

Việc nâng đỡ và duy trì tạo vật của Thiên Hựu vượt qua tạo vật bất động vì Kinh Thánh cho hay rằng Chúa ban sự sống cho sinh vật nữa. Chúa sáng tạo những không bỏ mặc, mà săn sóc, nâng đỡ và duy trì sự tồn tại của tất cả.

Kinh thánh còn cho biết rằng Chúa nâng đỡ duy trì quý vị và chính tôi.

Công vụ 17:25-28 ghi rằng: Ngài cũng chẳng dùng tay người ta hầu việc Ngài dường như có cần đến sự gì, vì Ngài là Đấng ban sự sống, hơi sống, muôn vật cho mọi loài. 26Ngài đã làm cho muôn dân sanh ra bởi chỉ một người, và khiến ở khắp trên mặt đất, định trước thì giờ đời người ta cùng giới hạn chỗ ở, 27 hầu cho tìm kiếm Đức Chúa Trời, và hết sức rờ tìm cho được, dẫu Ngài chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta. 28Vì tại trong Ngài, chúng ta được sống, động, và có, y như xưa một vài thi nhơn của các ngươi có nói rằng: Chúng ta cũng là dòng dõi của Ngài.

Chúng ta thở bằng không khí mà Chúa tạo ra và ban cho, mỗi thức ăn chúng ta nhận mỗi ngày là từ Chúa cung ứng, Chúa định cho chúng ta sống động mỗi ngày của đời mình. Chúa không bỏ mặc chúng ta cho hoàn cảnh hay tự nhiên hoặc là những hành vi tàn ác của con người. Chúa bảo vể, nâng đỡ và duy trì đời sống chúng ta. Đừng ai tưởng rằng Chúa không quan tâm đến mình. Chúng ta phải tin cậy Chúa và nhận thức rằng Chúa vẫn làm việc trong mọi khía cạnh của cuộc đời mỗi chúng ta.

Kinh Thánh cũng cho biết rằng Chúa quản trị vũ trụ.

Chúa sáng tạo và quản trị toàn thể vũ trụ, từ bất động vật cho đến sinh vật.

Đa-ni-ên ghi rằng: Đấng Chí Cao cai trị trong nước loài người, Ngài muốn ban cho ai tùy ý, và lập kẻ rất hèn hạ trong loài người lên đó. Hết thảy dân cư trên đất đều coi như là không có; Ngài làm theo ý mình trong cơ binh trên trời, và ở giữa cư dân trên đất; chẳng ai có thể cản tay Ngài và hỏi rằng: Chúa làm chi vậy? (Đa-ni-ên 4: 17 và 35).

Không ai trên đời có thể hành động ngoài quyền tể trị của Chúa hay là ngược với ý chỉ của Ngài. Không có gì xảy ra được nếu Chúa Toàn Năng không muốn, vì hoặc là Chúa cho phép xẩy ra hay là chính Ngài làm ra việc ấy. Mọi sự việc trong vũ trụ đều có quản trị và theo ý chỉ của Chúa mà vận hành, dù rằng nhiều khi chúng ta không nhận thức như thế.

Không ai có thể thắng quyền quản trị của Chúa, và cũng không ai hiểu được.

Rô-ma 11:33 ghi rằng: Ôi! sâu nhiệm thay là sự giàu có, khôn ngoan và thông biết của Đức Chúa Trời! Sự phán xét của Ngài nào ai thấu được, đường nẻo của Ngài nào ai hiểu được!

Quyền chủ tể của Chúa thường không ai hiểu vì Chúa không hành động theo lý luận của loài người và cũng không theo lối loài người.

Như thế chúng ta thấy Thiên Hựu làm hai việc hiển nhiên là nâng đỡ duy trì vũ trụ vạn vật và quản trị tất cả.

Người vô tín thường không công nhận như thế và cho rằng mọi sự việc trên đời là có số mệnh, tình cờ hay ngẫu nhiên mà ra cả. Dĩ nhiên là khi người ta không tin rằng có Chúa, thì phải lý giải mọi việc xẩy ra là do những nguyên nhân vu vơ nào đó.

Ngày xưa khi còn ở thế gian Chúa Giê-xu trong một bài dạy các môn đệ, đã nói rằng:

29Hai con chim sẻ há chẳng từng bị bán một đồng tiền sao? Và ví không theo ý muốn Cha các ngươi, thì không hề một con nào rơi xuống đất. 30Tóc trên đầu các ngươi cũng đã đếm hết rồi.31Vậy, đừng sợ chi hết, vì các ngươi quí trọng hơn nhiều con chim sẻ.

Theo lời dạy của Chúa Giê-xu thì Đức Chúa Trời thi hành quyền chủ tể của Ngài ở mọi sự việc và trong mọi thời gian – ngay cả đến sự sống chết của một con chim sẻ. Nếu Chúa quan tâm đến con chim nhỏ bé và vô nghĩa kia thì chắc chắn Chúa biết rõ nhu cầu của mỗi chúng ta.

Bên cạnh lý thuyết về mọi sự việc xẩy ra là do số mệnh, tình cờ, hay ngẫu nhiên, nhiều người còn theo Đạo sĩ Kushner, tác giả cuốn sách: Khi Điều Xấu Xảy Ra Cho Người Lành, tin rằng Chúa thiện lành nhưng không toàn quyền chủ tể. Đây là một ý nghĩ sai lầm dễ đưa đến chỗ chối bỏ Chúa.

Chúa có một cuộc chiến với Sa-tan và người theo Chúa luôn luôn lâm chiến, nhưng ngay như trong trường hợp của ông Gióp, Sa-tan cũng phải được phép của Chúa mới dám hành hại Gióp. Nghĩa là lúc nào Chúa cũng tể trị cả. Chỉ chúng ta không hiểu mà thôi.

Trên thực tế, người tin Chúa hay vô tín đều kinh nghiệm lo âu, thất vọng, đau khổ, bất mãn. Nhiều người trải qua những đau đớn trong thân xác và thảm kịch trong cuộc đời, nhưng điều làm cho người tin Chúa khác hẳn là tin rằng mọi sự cố xảy ra không ngoài tầm kiểm soát và chế ngự của Chúa Toàn Năng. Mỗi đau thương của chúng ta đều mang ý nghĩa và mục đích trong kế hoạch vĩnh hằng của Chúa, Chúa cho phép mọi việc xẩy ra để vinh quang Chúa thêm rực rỡ và phúc lợi của con dân Chúa thêm huyền diệu.

Phương Pháp Cầu Nguyện
Nguyễn Sinh Biên Soạn

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN