Thứ Ba, Tháng Ba 19, 2024
No menu items!
spot_imgspot_imgspot_imgspot_img
Homec/Tài LiệuBài Học Kinh ThánhBài 25 Kinh Nghiệm Tình Yêu của Chúa

Bài 25 Kinh Nghiệm Tình Yêu của Chúa

Bài 25 Kinh Nghiệm Tình Yêu của Chúa

Rô-ma 8:38-39 38 Vì tôi chắc rằng bất kỳ sự chết, sự sống, các thiên sứ, các kẻ cầm quyền, việc bây giờ, việc hầu đến, quyền phép, 39 bề cao, hay là bề sâu, hoặc một vật nào, chẳng có thể phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương mà Đức Chúa Trời đã chứng cho chúng ta trong Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa chúng ta.

Trong bài lần trước chúng ta đã nói đến tình yêu của Chúa mang tính chất chế ngự chủ tể, cánh tay quyền năng của Ngài cũng chính là bàn tay săn sóc bảo vệ. Nhưng dường như ít khi chúng ta thấy hay cảm nhận được tình yêu chủ tể của Chúa hành động vì chúng ta. Trong khi đó chúng ta thấy nhiều khi như bị tai ách đủ loại tuôn đổ xuống đời mình. Chúng ta cho rằng mình là nạn nhân của cái số phận ác nghiệt, với những bất công do người đời đưa đến, và nhiều nghịch cảnh xẩy ra coi như vô cớ.

Trong những thời điểm như thế chính là lúc chúng ta phải đặt vững niềm tin trên sự đảm bảo về tình yêu của Chúa ban cho chúng ta trong Kinh Thánh. Một trong những nguyên tắc căn bản của đời sống người tin Chúa là: “Sống bởi đức tin, không bởi mắt thấy” (2 Cô-rinh-tô 5:7). Nhưng đức tin của chúng ta thường dao động, vì thế thỉnh thoảng vẫn đặt vấn đề về đức khôn ngoan, đức thiện lành và cả tình thương của Chúa nữa.

Có khi chúng ta cũng như vua Đa-vít trong Thi Thiên 31 câu 22 rằng: 2Tôi bị truất khỏi trước mặt Chúa. Đó là những khi nghịch cảnh áp tới, vì chúng ta cảm thấy như Chúa loại mình khỏi trước mặt Ngài, khỏi tình thương và sự chăm sóc của Ngài. Nhưng chúng ta cũng phải noi gương Đa-vít vì ngay sau đó ông nói: Nhưng khi tôi kêu cầu cùng Chúa, Chúa bèn nghe tiếng nài xin của tôi.

Một điều ta chắc chắn là Chúa không thể bỏ chúng ta được, vì chúng ta là con của Chúa, trong sự phối hợp phước hạnh với con Ngài là Chúa Giê-xu. Vì thế chúng ta không thể nào bị cắt đứt quan hệ với Ngài. Nhưng mặt khác, chúng ta có thể vì nghi ngờ và không tin mà làm cho lòng không còn trông cậy gì nơi Chúa nữa.

Kinh nghiệm và nhận định

Ê-sai 49:14,15 ghi rằng:  Si-ôn từng nói rằng: Đức Giê-hô-va đã lìa bỏ ta; Chúa đã quên ta.  Đờn bà há dễ quên con mình cho bú, không thương đến con trai ruột mình sao? Dầu đờn bà quên con mình, ta cũng chẳng quên ngươi.

Ca Thương 3:19-23: 19 Hãy nhớ đến sự hoạn nạn khốn khổ ta, là ngải cứu và mật đắng. 20 Hồn ta còn nhớ đến, và hao mòn trong ta. 21 Ta nhớ lại sự đó, thì có sự trông mong: 22 Ấy là nhờ sự nhơn từ Đức Giê-hô-va mà chúng ta chưa tuyệt. Vì sự thương xót của Ngài chẳng dứt. 23 Mỗi buổi sáng thì lại mới luôn, sự thành tín Ngài là lớn lắm.

Những câu Kinh thánh này cho thấy sự thay đổi trong thái độ của tác giả, đó là từ hoàn cảnh tuyệt vọng, than trách Chúa vô tình, cho đến thái độ trở lại công nhận tình thương vô cùng của Chúa và đức thành tín của Ngài.

Chúng ta cũng vậy, nên nhìn qua nghịch cảnh để thấy rõ tình thương của Chúa vô cùng huyền nhiệm và Chúa không bao giờ bỏ rơi con dân của Ngài. Đây chính là những câu Kinh Thánh đã giúp vô số người thắng được nghịch cảnh và trở về làm chứng rằng Chúa rất nhân từ, thương xót và luôn thành tín.

Chúa kỷ luật trong thương xót

Kinh Thánh đảm bảo về quyền chủ tể của Chúa và đức thương yêu toàn vẹn của Ngài, nhưng như thế không có nghĩa là chúng ta sẽ không gặp nghịch cảnh. Ngược lại, tác giả Hê-bơ-rơ dạy rằng khi Chúa đem nghịch cảnh đến, như biện pháp kỷ luật, thì đó là bằng chứng về tình thương của Ngài, tác giả viết trong chương 12:4-6 rằng: 4 Anh em chống trả với tội ác còn chưa đến mỗi đổ huyết; lại đã quên lời khuyên anh em như khuyên con, rằng: Hỡi con, chớ khinh dể ngươi sự sửa phạt của Chúa, Và khi Chúa trách, chớ ngã lòng; 6 Vì Chúa sửa phạt kẻ Ngài yêu, Hễ ai mà Ngài nhận làm con, thì cho roi cho vọt.

Tác giả thư Hê-bơ-rơ cho biết rằng việc sửa phạt của Chúa gây đau đớn, và đó là ý định của Chúa.  Việc sửa phạt như thế sẽ vô hiệu nếu không gây đau khổ.  Nhưng với đức khôn ngoan và thương yêu vô hạn, Chúa không bao giờ sửa phạt quá đáng đối với chúng ta; Ngài cũng không khi nào đưa nghịch cảnh đến mà cuối cùng không đem lại hữu ích nào cho chúng ta. Vì Ca-thương 3:33 ghi rằng: 33 Vì ấy là chẳng phải bổn tâm Ngài làm cho con cái loài người cực khổ và buồn rầu. Theo đó chúng ta thấy rằng Chúa không ưa thích gì việc gây đau đớn cho con dân Ngài, nhưng Ngài cũng không tránh việc trừng phạt vì chúng ta cần được trưởng thành về tâm linh nghĩa là giống Chúa Giê-xu càng hơn.

Nói như thế không có nghĩa là mỗi nghịch cảnh hay khó khăn xẩy đến cho chúng ta là có quan hệ đến một tội nào mà chúng ta đã vi phạm. Chúa đối đãi với chúng ta không căn cứ vào những gì chúng ta làm nhưng dựa vào tình trạng của chúng ta. Chúng ta đều hay có khuynh hướng coi thường tình trạng phạm tội trong lòng mình. Nghĩa là không nhận ra những điều hư xấu như kiêu ngạo, tự mãn, thiếu tình thương, không hết lòng tin cậy Chúa, là những điều Chúa quan tâm. Nghịch cảnh làm cho những tội lỗi này hiện rõ cũng như lửa luyện kim loại ra chất bẩn trong vàng.

Chúng ta không luôn luôn phân biệt được điều hữu ích về tâm linh cho mình khi sống qua nghịch cảnh đặc biệt nào đó đâu.  Nhưng Chúa lúc nào cũng có mục đích cả, như Hê-bơ-rơ 13:21 đã ghi:

21 nguyền xin Ngài bởi Đức Chúa Jêsus Christ khiến anh em nên trọn vẹn trong sự lành, đặng làm thành ý muốn Ngài, và làm ra sự đẹp ý Ngài trong chúng ta; sự vinh hiển đáng về Ngài đời đời vô cùng! A-men.

Trong bài trước chúng ta có đọc Rô-ma 8:28 và nói rằng chữ “làm ích” trong câu này ám chỉ việc trở thành giống Chúa Giê-xu càng hơn. Câu Kinh Thánh này đề cập đến “mọi sự“.  Từ này bao gồm cả những việc xấu lẫn việc tốt. Vì trong không ngoan vô hạn và tình thương của Ngài, Chúa lấy tất cả những việc xẩy ra cho cuộc đời chúng ta, cả xấu lẫn tốt, trộn lẫn tất cả để hoạt động đem đến hữu ích cho chúng ta, loại hữu ích mà Chúa đã định sẵn.

Khi xem xét về biện pháp kỷ luật của Chúa qua nghịch cảnh, chúng ta cũng phải cẩn thận, đừng so mức độ khó khăn trong nghịch cảnh với tình trạng tội lỗi nào đó của mình hay của ai khác. Vì nhiều người ta coi là thánh nhân dường như lại chịu thử thách nặng nề hơn. Ông Gióp trong Kinh Thánh là một điển hình. Chính Chúa đã xác nhận với Sa-tan: 8 Đức Giê-hô-va lại hỏi Sa-tan rằng: Ngươi có nhìn thấy Gióp, tôi tớ của ta chăng; nơi thế gian chẳng có người nào giống như nó, vốn trọn vẹn và ngay thẳng, kính sợ Đức Chúa Trời, và lánh khỏi điều ác? Thế mà mọi người trên đời chưa ai từng kinh nghiệm đau thương cho bằng ông Gióp. Đúng là Chúa vẫn muốn thánh nhân này tốt hơn nữa.

Nhưng nhiều khi tai ách xẩy ra không phải chỉ vì mục đích kỷ luật mà thôi.

Công lý của Chúa khác hẳn chúng ta, như trường hợp của Giô-sép và những người anh của chàng. Đáng ra những người ấy cần được sửa phạt nặng lắm mới phải chứ, nhưng không người nào trong bọn họ chịu khổ cho bằng Giô-sép. Ý tưởng của chúng ta cách xa tư tưởng của Chúa như trời với đất là vậy.

Tình thương không chấm dứt

Trong Thi Thiên của Kinh thánh có một cụm từ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, đó là Tình thương không chấm dứt của Chúa. Trong nguyên văn cụm từ này mang nghĩa Tình thương không thất bại của Chúa. Nghĩa là tình thương luôn bền vững, trường tồn và không thay đổi. Trong mọi nghịch cảnh của cuộc đời chúng ta tình thương của Chúa vẫn ở đó.

Tiên tri Ê-sai 54:10 ghi: Dầu núi dời, dầu đồi chuyển, nhưng lòng nhơn từ ta đối với ngươi chẳng dời khỏi ngươi, lời giao ước bình an của ta chẳng chuyển, Đức Giê-hô-va, là Đấng thương xót ngươi, phán vậy. Lòng nhân từ trong câu Kinh Thánh này chính là ‘Tình thương không chấm dứt’. Chính vì tính chất của tình thương như thế nên Chúa chỉ cho phép xẩy ra trong cuộc đời chúng ta những đau thương đem đến hữu ích.

Ngay nỗi buồn Chúa đem đến cho chúng ta cũng quân bình với tình thương của Ngài. Như Ca-thương 3:32 đã ghi: Dầu Ngài đã làm cho lo buồn, còn sẽ thương xót theo sự dư dật của lòng nhơn từ Ngài;  Điều chắc chắn trong câu này là Chúa vẫn thương, nghĩa là Chúa không độc ác mà luôn luôn nhân từ, thương xót. Chúng ta được an ủi trong nghịch cảnh hay tai ách, vì biết Đấng cầm cân nẩy mực cho cuộc đời vẫn rủ lòng thương chúng ta.

Sứ đồ Phao-lô kinh nghiệm được tình thương của Chúa ngay trong cơn đau buồn của ông. Để ngăn ngừa Phao-lô kiêu ngạo, Chúa đã đưa một thứ gai nhọn đâm vào da thịt ông. Phao-lô không nói rõ gai nhọn đó là gì, nhưng chúng ta biết được gai nhọn này gây đau thương khó chịu cho Phao-lô. Ông cầu nguyện xin Chúa bỏ chiếc gai ấy đi, nhưng cả ba lần Chúa đều khước từ. Chúa chỉ bảo: Ân điển ta đủ cho ngươi rồi. (2 Cô-rinh-tô 12:9). Chúa đưa chuyện buồn đến cho Phao-lô vì lợi ích cho ông, nhưng Ngài cũng vẫn thương xót, đó là ban ân điển là sức mạnh để chịu đựng, chứ không bỏ mặc ông trong đau khổ của mình. Phao-lô nhận được ân điển khi ông cần. Chúa không ban cho chúng ta toàn thể sức mạnh chúng ta cần cho cuộc đời theo Chúa, nhưng Chúa cung ứng ân điển khi ta cần. Chúng ta không nhận được trước khi tai họa hay nghịch cảnh xẩy ra, nhưng Chúa cung ứng khi ta cần, và Chúa rất thành tín.

Sự có mặt của Chúa trong hoàn cảnh của chúng ta

Tình thương của Chúa không chấm dứt và ân điển của Ngài luôn đầy đủ. Nhưng còn một điều tốt hơn nữa, đó là Chúa có mặt trong hoạn nạn của chúng ta. Chúa không chỉ sai ân điển từ trời xuống đáp ứng nhu cầu của chúng ta, nhưng chính Chúa đến giúp chúng ta. Chúa từng phán trong Ê-sai 41:14 rằng: đừng sợ chi hết, ta sẽ giúp ngươi, Đức Giê-hô-va phán vậy, tức là Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên, và là Đấng chuộc ngươi.

Ê-sai 43:2 Chúa dạy tiếp: 2 Khi ngươi vượt qua các dòng nước, ta sẽ ở cùng; khi ngươi lội qua sông, sẽ chẳng che lấp. Khi ngươi bước qua lửa, sẽ chẳng bị cháy, ngọn lửa chẳng đốt ngươi.

Ta để ý sẽ thấy rằng Chúa hứa sẽ ở với chúng ta trong nghịch cảnh. Chúa không ngăn cản nghịch cảnh đến với chúng ta, nhưng hứa rằng sẽ ở cùng chúng ta qua bất cứ nghịch cảnh nào. Chúa còn hứa: 10 Đừng sợ, vì ta ở với ngươi; chớ kinh khiếp, vì ta là Đức Chúa Trời ngươi! Ta sẽ bổ sức cho ngươi; phải, ta sẽ giúp đỡ ngươi, lấy tay hữu công bình ta mà nâng đỡ ngươi. (Ê-sai 41:10). Xin hãy nhận những lời hứa này cho chính mình và đến với Chúa để được thêm sức, giúp đỡ, nâng đỡ.

Sứ đồ Phao-lô còn viết: Chúng tôi càng chịu khổ vì Chúa Cứu Thế bao nhiêu, thì Chúa càng an ủi chúng tôi bấy nhiêu. (2 Cô-rinh-tô 1:5 BDY).

Trên đường đi Đa-mách ngày xưa, Sau-lơ gặp Chúa. Chúa bảo: “Sau-lơ, Sau-lơ, sao ngươi bách hại ta?” Sau-lơ ngỡ ngàng hỏi; “Thưa Ngài là ai?” Chúa đáp: “Ta là Giê-xu mà ngươi đang bách hại.” Sau-lơ lúc ấy đang ra tay bắt những người tín đồ theo Chúa Giê-xu. Chúa không có mặt tại những nơi bị tiến công này, nhưng dân Chúa kết hợp với Chúa nên bắt bớ dân Chúa chính là bắt bớ chính Chúa vậy. Chúa cùng chia sớt khổ đau với dân Chúa. Ngày xưa thế nào, ngày nay cũng vậy.

Một điểm khác ta cần lưu ý là dù nghịch cảnh của chúng ta dưới hình thức nào, ân điển hay sức mạnh của Chúa vẫn đủ cho chúng ta chịu đựng được và đắc thắng, và tình thương của Chúa không hề kém thiếu. Đây là sự thật, dù chúng ta có tin hay không tin. Những nghi ngờ của chúng ta không gây tổn hại cho tình thương của Chúa và không phải vì chúng ta có đức tin mà tình thương Chúa thêm phong phú. Tình thương của Chúa xuất phát từ bản chất, từ đức tính của Ngài. Chúa là Đấng thương yêu. Tình thương đó tuôn đổ lan đến chúng ta nhờ sự kết hợp làm một với con Ngài là Chúa Giê-xu.

Nhưng việc kinh nghiệm tình thương của Chúa và sự an ủi do tình thương đó mang lại phụ thuộc vào sự tin tưởng của chúng ta về tình thương của Chúa khải thị cho chúng ta qua lời Kinh Thánh. Những mối nghi ngờ về tình thương của Chúa trong tâm hồn ta thường làm ta mất kinh nghiệm quý báu đó. Đây là lúc mà ta phải nương nhờ Thánh Linh giúp chúng ta có khả năng tinh tình thương của Chúa và có sức mạnh để vâng theo lời truyền dạy của Ngài. Chúng ta phải hết lòng tin rằng Thánh Linh đang hành động trong đời mình và sẵn sàng tuân phục mọi chỉ đạo của Ngài. Có khi chúng ta phải kêu lên như người kia rằng: Lạy Chúa con tin, xin giúp con trong việc không tin của con. (Mác 9:24).

Khi vua Đa-vít nghi ngờ tình thương của Chúa, ông thành thật kêu lên: 1 Đức Giê-hô-va ôi! Ngài sẽ hằng quên tôi cho đến chừng nào? Ngài ẩn mặt cùng tôi cho đến bao giờ? 2 Tôi phải lo lắng nơi linh hồn tôi, Hằng ngày buồn thảm nơi lòng tôi cho đến bao giờ? Kẻ thù nghịch tôi sẽ trổi hơn tôi cho đến chừng nào? 3 Hỡi Giê-hô-va, Đức Chúa Trời tôi, xin hãy xem xét, nhậm lời tôi, Và làm cho mắt tôi được sáng, Kẻo tôi phải ngủ chết chăng. 4 Kẻ thù nghịch nói rằng: Ta đã thắng hơn nó, Và kẻ cừu địch mừng rỡ khi tôi xiêu tó. 5 Nhưng tôi đã tin cậy nơi sự nhơn từ Chúa; Lòng tôi khoái lạc về sự cứu rỗi của Chúa. 6 Tôi sẽ hát ngợi khen Đức Giê-hô-va, vì Ngài đã làm ơn cho tôi. (Thi Thiên 13:1-6).

Qúy vị và tôi cũng có khi bối rối như Đa-vít, nhưng chúng ta có lý luận như nhà thơ này và tìm ra lối thoát hay không? Xin hãy cùng tôi đọc lại Thi Thiên 13 câu 5 và 6: 5 Nhưng tôi đã tin cậy nơi sự nhơn từ Chúa; Lòng tôi khoái lạc về sự cứu rỗi của Chúa.  6 Tôi sẽ hát ngợi khen Đức Giê-hô-va, vì Ngài đã làm ơn cho tôi.

Phương Pháp Cầu Nguyện
Nguyễn Sinh Biên Soạn

RELATED ARTICLES
Theo dõi trangspot_img

BÀI VIẾT PHỔ BIẾN